Chúa nhật 15 B : Hãy Sai Tôi …

Hãy Sai Tôi
petrus.tran

Chúa nhật 15 B : Hãy Sai Tôi …Khi mọi người đang say nồng trong giấc ngủ. Đức Giêsu “đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6 : 12). Đây không phải là lần đầu tiên Ngài cầu nguyện trong đêm khuya.

Cầu nguyện – đối với Đức Giêsu – không phải là một thói quen, nhưng là  điều kiện ắt-có-và-đủ cho mỗi khi Ngài bắt đầu chuẩn bị làm một công việc hệ trọng nào đó. Với Ngài, sự thanh vắng của đêm khuya chính là lúc dễ dàng để gặp gỡ, trò chuyện cùng Đức Chúa Cha…

Hôm nay, sau một đêm cầu nguyện liên lỉ; “đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.” (Lc 6 : 13). Để tập họp được “đội-kiểu-mẫu” – nói theo kiểu nói của Hướng-đạo-sinh –  như hôm nay, không phải là một sớm một chiều. Nó là cả một quãng thời gian của lời mời gọi, của nắm bắt, chinh phục và quyền năng.

Đối với hai môn đệ đầu tiên là  Andrê và Gioan. Vâng, với hai ông – chỉ một câu nói ngắn ngủi : “Đến mà xem” – Đức Giêsu đã chinh phục được họ và “họ đã đến… và ở lại với Người” (Gn 1 : 39). Chẳng những thế, sau khi trở về nhà; họ còn làm một cuộc marketing-bỏ-túi cho “em mình là ông Simon”. Và như một hiệu ứng domino, lần lượt tới Philipphê và Nathanaen trở thành môn đệ của Người. Phải nói rằng câu chuyện Nathanaen gặp gỡ và bị chinh phục bởi thần tính của Đức Giêsu đã khắc sâu trong tâm hồn các ông. Nathanaen “một người It-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối” đã phải sừng sờ khi bị Đức Giêsu “điểm-nhãn”… Này anh – Đức Giêsu nói : “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả , tôi đã thấy anh rồi”.(Gn 1 : 48). Nathanaen sượng sùng, mắc cỡ vì chỉ ít phút trước đó ông ta đã ngạo mạn tuyên bố với Philipphê rằng : “ Nazareth , làm sao có cái gì hay được” (Gn1: 46). Nathanaen đã bị quy phục  – ông ta đã nhận ra rằng : Đức Giêsu – “Chính là Con Thiên Chúa” (Gn 1 : 49). Cuộc trò chuyện giữa Đức Giêsu và Nathanaen đã mặc khải cho chúng ta về một Thiên Chúa – Đấng-thấu-suốt-mọi-sự.

Trở lại việc “Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai” (Mc 6 : 7). Đây là nhóm mà Ngài đã tuyển chọn; là “những kẻ Người muốn… để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3 : 13). Và hôm nay, sau khi “ra chỉ thị cho các ông” – Đức Giêsu “bắt đầu sai đi từng hai người một”. Nhiệm vụ duy nhất của các ông đó là : “rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6 : 12).

một phút suy tư.

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng” (Mc 16 : 15).

Đây không phải là lời mời gọi nhưng là một lệnh truyền. Và sẽ thật là sai lầm khi nghĩ rằng lệnh truyền này không còn cần thiết trong thời đại chúng ta hôm nay !

Lời khẩn thiết của Đức Giêsu năm xưa khi Ngài kêu gọi : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” – phải chăng vẫn là lời kêu gọi khẩn thiết đối với chúng ta hôm nay ?? Và lời này có là một động lực thúc đẩy mỗi chúng ta : “xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về ” ?? (Lc 10 : …2).

Lời trăn trở của Tông Đồ Phao-Lô khi Ngài nói rằng : “làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? ” (Rm 10:14). Vâng, lời trăn trở này có khiến cho chúng ta ý thức được rằng : “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (I Cor 9:16).

một chút tâm tình

Hôm nay, qua Hội Thánh – lời Đức Giêsu kêu gọi vẫn vang vọng đến với mỗi chúng ta rằng :  “Anh em hãy ra đi”. Rằng chúng ta vẫn “… phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho nhiều thành khác nữa” (Lc 4 :43).

Chúng ta sẽ đáp lời kêu gọi của Ngài chỉ vì “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi”.???  (2 Cr 5 : 14).

Chúng ta sẽ “chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng… nói đến danh Đức Kitô” ??? (Rm 15:20)

Nếu chúng ta đáp lời kêu gọi và sẵn sàng ra đi – Vâng, còn chần chờ gì nữa mà không cất lên lời nguyện xin : “Thần khí Chúa đã sai tôi đi. Sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Thần khí Chúa đã thánh hiến tôi. Sai tôi đi Ngài sai tôi đi”.

Lạy Chúa ! Nguyện xin Thần khí Chúa… hãy sai tôi đi… hãy sai tôi đi…


Trả lời