Chúa nhật 05 PSB: Cây và cành


Cây và cành

 Tin Mừng: Ga 15, 1-8

 

Chúa nhật 05 PSB: Cây và cànhTrong lối giảng dạy của mình, rất nhiều lần Đức Giêsu sử dụng dụ ngôn hay những hình ảnh thường ngày để diễn tả thực tại mầu nhiệm Nước trời. Lối sử dụng hình ảnh như thế, một mặt vừa diễn tả sinh động những điều Người muốn nói, một mặt vừa khiến cho những điều Đức Giêsu nói đó có tầng sâu ý nghĩa. Dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên mối tương quan mật thiết giữa Đức Giêsu với người tin mà chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những cách thế như vậy.

“Thầy là cây nho, anh em là cành” là một lời khẳng định sự trổi vượt về địa vị của Đức Giêsu so với bất kỳ một ai khác.

“Thầy là cây nho, anh em là cành” là một tuyên bố rằng người ta sẽ chẳng tìm đâu thấy nguồn mạch dưỡng nuôi cho đời sống, một khi họ tách lìa khỏi cây nho ấy.

“Thầy là cây nho, anh em là cành” là một lời bảo đảm cho sự hiện hữu của Giáo hội – nhiệm thể Chúa Kitô. Trong thân thể nhiệm mầu là Giáo hội này, ta luôn có Chúa Kitô là Đầu. Do đó, với thánh Phaolô tông đồ, sau khi ngã ngựa, được Chúa Phục sinh mặc khải và sai đi, điều đầu tiên ông làm là lên Giêrusalem để hội ngộ với nhóm 12. Ông biết rằng mình có thực thi sứ vụ thì thực thi trong Hội thánh, trong sự hiệp thông với tông đồ đoàn, với những người tin.

Và “Thầy là cây nho, anh em là cành” là một lời khuyến khích, mở ra cho một tương giao mới giữa các chi thể với nhau, nói cách khác là giữa mọi người. Ta không thể loại trừ một ai đó chỉ vì đố kỵ, ganh ghét. Bởi họ cũng là một “cành” trong một “cây” và cùng hút lấy dưỡng chất từ “cây” đó với ta. Vậy nên mọi tín hữu được mời gọi gắn kết và sinh hoa trái nhờ việc “Ở lại với Đức Kitô”.

“Ở lại với Đức Kitô” có nghĩa là đón nhận hồng ân cứu độ mà cuộc khổ nạn và phục sinh của Người mang lại.

“Ở lại với Đức Kitô” có nghĩa là ở lại trong Giáo hội của Người.

“Ở lại với Đức Kitô” cũng có nghĩa đón nhận nguồn nhựa sống từ thân cây ấy. Nguồn nhựa sống đó là các Bí tích, là Thánh Thể, là Lời Chúa dưỡng nuôi và cả những giáo huấn của Giáo hội nữa.

Và “Ở lại với Đức Kitô” có nghĩa là mỗi người phải có một tương giao cá nhân với Cứu Chúa của mình. Mối tương giao này không ai làm thay mình được. Đó là một hành trình riêng tư qua cầu nguyện và sinh động qua những biểu hiện hàng ngày của ta.

Ước mong mỗi người trong chúng ta ngày càng cảm nghiệm thấy mối liên hệ mật thiết với Chúa Kitô phục sinh. Để rồi qua những điều tầm thường hàng ngày, ta lại khám phá thấy tính chất cứu độ mà Thiên Chúa mời gọi ta thể hiện nơi cuộc đời mình. Làm được như thế là ta đang kết hợp với cây nho là Đức Kitô. Làm được như thế là ta đang sinh hoa kết quả.

Gợi ý chia sẻ

Bạn hãy chia sẻ về “những phút riêng tư” giữa bạn với Thiên Chúa. Chúng có thường xuyên không? Chúng được bạn thể hiện như thế nào?Sau những giây phút riêng tư đó, tâm hồn bạn cảm thấy ra sao?

Học viện Đa Minh

(CSTMHĐGD ĐM tháng 5.2012)


Trả lời