Chúa nhật 02 PS B: Bình an của Đức Ki-tô


Bình an của Đức Ki-tô

(Ga 20,19-31)

Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

Chúa nhật 02 PS B: Bình an của Đức Ki-tôVào buổi chiều chính ngày Chúa nhật Phục Sinh, Chúa Giê-su đã hiện đến với các môn đệ đang tụ họp nhau trong nhà, cửa đóng kín. Chúa cho họ xem các thương tích ở tay và cạnh sườn Ngài, để chứng thực đúng là Ngài đã sống lại và đang đứng trước mặt họ. Rồi Chúa trao sứ mạng và ban Thánh Thần cho họ. Nhưng hôm ấy không có mặt Tô-ma. Vì thế, khi nghe các bạn kể lại, ông nhất định không tin và đòi tự tay kiểm chứng mới tin. Tám ngày sau, tức là Chúa nhật liền sau đó, như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại, Chúa Giê-su hiện đến lần nữa và gọi Tô-ma ra kiểm chứng tay và cạnh sườn Ngài : “Tô-ma, đưa ngón tay ra đây và nhìn kỹ hai bàn tay Thầy. Đưa bàn tay ra đây và thọc vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Chúa đáp lại tất cả lời thách đố của Tô-ma. Ông Tô-ma khuỵ xuống với sức nặng của những gì ông đang thấy và đang nghe. Ông cung kính và run rẩy nói lên lời tuyên xưng lòng tin : “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi”. Chúa âu yếm nhìn ông và nói : “Vì anh đã thấy Thầy anh mới tin”. Rồi Chúa đưa mắt nhìn tất cả và nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Chúng ta thấy, ông Tô-ma, một người có óc thực tế, có vẻ chậm hiểu và chậm tin hơn các môn đệ khác. Điều đó cũng đúng thôi, ông có đủ lý do chính đáng để nghi ngờ, vì ông chưa được thấy Chúa rõ ràng như các môn đệ khác. Và sự kiện ông đòi chính mình phải kiểm chứng mới tin, lại có lợi cho chúng ta, vì là dịp khiến Chúa Giê-su liên tưởng đế, số đông đảo những Ki-tô hữu, từ đó cho đến ngày cánh chung sẽ tin vào Ngài. Chúa chúc phúc cho họ, vì họ là những người, dù không thấy tận mắt biến cố Phục Sinh, nhưng vẫn tin vào Ngài : Chúa Giê-su, con Thiên Chúa, đã làm người, chịu chết và sống lại để cứu chuộc họ, Chúa chúc phúc cho họ. Vì họ không được cái cơ may trực tiếp đối diện, sống chung với Chúa Giê-su Na-da-rét và Đức Ki-tô Phục Sinh như các môn đệ, mà họ phải qua những quá trình tìm kiếm đức tin, bằng nhiều ngả khác nhau. Nói khác đi, từ sau thánh Tô-ma sấp lên, việc sờ mó vào thân xác Chúa như Tô-ma sẽ không bao giờ được nữa. Từ đó người ta tin vào Chúa qua thế giá của Kinh Thánh, của Chúa Thánh Thần, của Giáo Hội, của các bậc tiền nhân. Cũng như chúng ta biết một sự kiện lịch sử hay một nhân vật lịch sử nào đó, là do sách vở ghi chép lại hay do cha ông kể lại. Thì từ đây việc Chúa Phục Sinh sẽ được Kinh Thánh ghi lại, và nhờ vào thế giá của bao nhiêu thánh nhân, của chính Giáo Hội hiện hữu, tin qua đó là diễm phúc.

Quả thực, tin là biết một cách gián tiếp; điều gì chính chúng ta đã chứng kiến thì chúng ta biết, không cần phải tin. Tin là chấp nhận điều mà chính mình không thấy, nhưng dựa vào lời chứng của một người khác đáng tín nhiệm. Trong đức tin chúng ta chấp nhận có Thiên Chúa và chấp nhận các chân lý của Ngài, mặc dầu chúng ta không thấy Ngài và không hiểu các chân lý đó. Chúng ta chấp nhận vì tín nhiệm vào Chúa Giê-su, là sứ giả của Thiên Chúa, và vào Giáo Hội, là trung gian truyền giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su. Cũng thế, tin là biết một cách chưa trọn vẹn: điều gì chính chúng ta đã nghe hoặc thấy trực tiếp thì chúng ta hiểu rõ và thấu triệt. Còn biết gián tiếp dựa vào lời người khác, là một sự hiểu biết có giới hạn. Đức tin giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa và đón nhận các chân lý của Ngài. Nhưng chúng ta chưa nhìn thấy chính Thiên Chúa, chưa hiểu hết Thiên Chúa, và các chân lý của Ngài nên tất cả những điều đó còn là những mầu nhiệm đối với chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta không hiểu hết được những điều chúng ta tin, không phải vì chúng phi lý, nhưng chỉ vì trí tuệ chúng ta có giới hạn. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối và vô biên, trí tuệ của chúng ta, trong giới hạn chật hẹp của nó, làm sao có thể bao quát và thấu triệt được Ngài. Vì chúng ta không thể thấu triệt được Thiên Chúa và các chân lý của Ngài, nên chúng ta không thể chứng minh một cách hiển nhiên và đầy đủ được. Tôn giáo và khoa học khác nhau ở chỗ đó. Các định luật khoa học có thể kiểm chứng được bằng thí nghiệm. Trái lại, các chân lý tôn giáo vượt lên trên tầm hiểu biết của giác quan và lý trí, nên không thể minh chứng bằng nguyên lý luận. Các bằng chứng đưa ra chỉ giúp dễ tin hơn phần nào, chứ không thể thay thế được cảm nghiệm trong tâm hồn và sự tự do lựa chọn của mỗi người. Do đó, muốn hiểu được khoa học, chỉ cần thông minh, còn muốn tin thì phải có lòng thành, và ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

Tại sao vậy ? Bởi vì khoa học có đối tượng nghiên cứu là vật chất trong không gian và thời gian. Chỉ những gì có thể đo được dài ngắn, nặng nhẹ, mạnh yếu, nhiều ít, nhanh chậm, cũ mới… mới thuộc phạm vi nghiên cứu và tìm hiểu của khoa học mà thôi. Dầu vậy, ngay trong lãnh vực vật chất này, khoa học ngày nay vẫn chưa giải đáp cách thoả đáng được nhiều vấn nạn, như: sự sống thành hình và phát sinh thế nào trong một hạt lúa, một con sâu, con bọ? Chết là gì ? Làm thế nào để con người khỏi chết và được sống mãi ? Vũ trụ vật chất chúng ta đang sống có biên giới không ? Xuất hiện từ bao giờ ? Gồm bao nhiêu hành tinh ? v.v… Biết bao vấn đề khác nữa, người ta chỉ biết phỏng đoán, hoặc dựa vào một vài yếu tố, để xây dựng những giả thuyết thiếu chính xác và dễ bị sụp đổ với thời gian.

Sang đến lãnh vực tâm linh con người, thì khoa học hoàn toàn bất lực, vì vượt quá phạm vi thực nghiệm của nó. Chẳng hạn, khi quan sát một bàn tay sờ trên trán của một người, nhà khoa học chỉ có thể biết được: xương tay mỗi cái di chuyển mấy độ? Do những đường gân nào điều động ? Sức nặng của bàn tay là bao nhiêu ? Sự cọ xát của hai làn da sẽ phát sinh bao nhiêu nhiệt điện? Khoa học chỉ biết thế thôi. Khoa học không thể nói đến ý nghĩa tâm linh của hành động ấy, để hiểu được đó là một cử chỉ khám bệnh của ông bác sĩ hay là một cái vuốt ve của người cha nựng đứa con thơ. Cũng thế, nhìn vào liên lạc giữa người với người, chẳng hạn hai người bắt tay nhau, khoa học chỉ thấy da thịt cọ xát nhau, hai bàn tay bóp vào nhau, nhưng không bao giờ thấy được tình hữu nghị trong đó. Dù không thấy, khoa học cũng không dám quả quyết những ý nghĩa kia không có. Như vậy, phải nói rằng : không phải chỉ những gì khoa học chứng minh được mới có thực, vẫn có những thực tại hiện hữu trong thiên nhiên, mà vì ở ngoài phạm vi thực nghiệm, nên khoa học không thể chứng minh được.

Còn tin thì thế nào ? Tin thì bao giờ cũng là chấp nhận một cái gì đó không đủ hiển nhiên, không thể kiểm chứng được, giống như hai người hứa trọn đời yêu nhau, họ buộc phải tin nhau. Điều đó không có gì bảo đảm là anh sẽ trung thành với em trọn đời, nhưng em đã tin, và có thế mới là tình yêu. Thật ra, hai người hứa hẹn yêu nhau, cũng phải chắc chắn một cách nào đó, là người kia sẽ trung thành chung thủy với mình trọn đời. Nhưng cái chắc chắn đó chỉ là cái chắc chắn của niềm tin, nó không phải là một chắc chắn của khoa học, một thứ chắc chắn bấp bênh, vì dựa trên những ngôi vị ý thức và tự do. Đó là thứ chắc chắn của lòng tin của chúng ta đối với Thiên Chúa và các chân lý, các mầu nhiệm trong đạo.

Sự kiện Chúa Ki-tô Phục Sinh là một trong những chân lý đó, Phục Sinh là một mầu nhiệm. Hơn nữa, Chúa Ki-tô phục sinh là một mầu nhiệm tuyệt vời mà khoa học không tài nào kiểm chứng được, như người ta kiểm chứng một cuộc chiến thắng hay một biến cố lịch sử nào khác. Mầu nhiệm Phục Sinh không diễn ra theo luật định tự nhiên, nên chỉ những người tín hữu Chúa Ki-tô, tức là những người được hưởng nhờ hồng ân đặc biệt của đức tin Ki-tô giáo, mới nhận ra được mà thôi. Vì thế, tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh, thì chúng ta hãy sống an vui, nghĩa là chúng ta đừng sống như Chúa đang chết hay là chúng ta đang chết. Nhưng nhớ rằng Chúa Phục Sinh đang sống và sống cạnh chúng ta và sẵn sàng giúp chúng ta trong mọi cảnh ngộ. Tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh, nên chúng ta có hi vọng và có trách nhiệm : hi vọng vì cũng sẽ được phục sinh như Chúa. Trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục loan truyền sự phục sinh cho mọi người. Chúng ta phải có Chúa Phục Sinh trong lòng để đi loan truyền… cho tới khi Chúa lại đến.

 

Trả lời