Chúa không lên án ta đâu…

 

Chúa không lên án ta đâu…“Ghét tội, chứ đừng ghét tội nhân”. Vâng, đó là những lời được trích trong một bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, trong một lần ngài cử hành thánh lễ tại nhà nguyện thánh Martha ở Roma.

Chỉ là bảy chữ thôi, nhưng quả là một lời giáo huấn cao siêu và khó thực hiện. Ghét tội, nhất là những tội gây ra hậu quả nghiêm trọng cho con người, thì đúng là phải ghét. Nhưng, bảo là đừng ghét tội nhân, thì… ôi! sao mà khó quá!

Khuynh hướng chung của con người là, khi thấy ai đó sai phạm, lỗi lầm, điều mặc nhiên đó là chúng ta lập tức lên án, “ném đá” họ không thương tiếc, như thể là chúng ta không bao giờ sai phạm, lỗi lầm, như họ.

Đừng… là một Ki-tô hữu, chúng ta “đừng ghét tội nhân”. Này nhé! Tất cả những ai đã làm mẹ, đa phần họ đều hiện thực hóa lời giáo huấn này. Người mẹ ghét thói xấu (tội) và dạy con đừng phạm tội. Người mẹ có thể la mắng, đánh đòn và khuyên bảo, mỗi khi con phạm tội, nhưng người mẹ đâu có ghét người con! Nghĩa là, người mẹ ghét tội, nhưng không ghét tội nhân (người con).

Đức Giê-su, trong những ngày thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, Ngài cũng đã không quên truyền dạy giáo huấn này. Có lúc, lời truyền dạy được Ngài diễn giải qua dụ ngôn, ví dụ như dụ ngôn “người cha nhân hậu”. Lại có lúc, Ngài hiện thực hóa lời giáo huấn này qua chính những câu  chuyện “người thật việc thật”, giữa cuộc đời này. Câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình”, được ghi trong Tin Mừng thánh Gio-an, như điển hình.

Câu chuyện được kể rằng: Hôm ấy, “vừa tảng sáng, Đức Giê-su trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người, Người ngồi xuống giảng dạy họ”.

Đức Giê-su đã giảng những gì? Thưa, không thấy thánh sử ghi lại, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, Người đã nói đến tình yêu thương  của Thiên Chúa, một Thiên Chúa “nhân hậu và khoan hồng”.

Như Kinh Thánh cho chúng ta biết, những lời Đức Giê-su giảng dạy hầu hết đều đem lại cho mọi người sự kinh ngạc và thán phục. Thế nhưng, với những người Pharisêu và các kinh sư, thì họ lại khó chịu, họ đã “ghìm” lại sự khó chịu đó, chờ thời cơ để triệt hạ uy danh Ngài.

Và rồi thời cơ đã đến. Khi biết Đức Giê-su đang hiện diện tại Đền Thờ, không bỏ lỡ cơ hội, “các kinh sư và người Phariseu  dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa”.  Còn những “ông kẹ” kinh sư và Phariseu đứng vây quanh với ánh mắt đầy sự nham hiểm.

Và rồi, sự nham hiểm của họ đã được bộc lộ qua những lời chất vấn. Hôm ấy, các ông kinh sư và Phariseu đã chất vấn Ngài, rằng: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình”. Và rồi, các ông ấy thét lên, bằng những tiếng thét đầy thâm ý: “Thưa Thầy, trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” (Ga 8, 5)

Tại sao lại cho rằng câu hỏi trên “đầy thâm ý”. Thưa, thâm ý là ở chỗ này, nếu Đức Giê-su lên án theo đúng luật Mô-se, Ngài sẽ bị cho là qua mặt với chính quyền Roma. Israel vào thời của Đức Giêsu, thuộc quyền bảo hộ của đế quốc La Mã. Phán quyết về mạng sống của một người, không thuộc thẩm quyền của bất cứ một người công dân nào trong xã hội thuộc địa Do Thái. Thẩm quyền đó, thuộc về nhà nước bảo hộ La Mã.

Còn nữa, nếu đồng ý lên án, Đức Giêsu sẽ tự tạo ra những mâu thuẫn, mâu thuẫn về những gì Ngài đã giảng dạy, chẳng hạn như Ngài đã từng dạy, rằng “anh em đừng xét đoán nhau… anh em hãy tha thứ” v.v…

Còn nếu không lên án! Trong trường hợp này, Đức Giê-su sẽ bị cho là dám chống lại bộ luật của Mô-se, bộ luật đã được lưu hành trong xã hội Do Thái từ khoảng năm 1250 trước Công Nguyên.

Nói tắt một lời, một câu hỏi như thế, quả đúng là họ đã tạo ra một thế cờ bí hiểm. Thì đây, Kinh Thánh cho biết: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (x.Ga 8, 6). Vâng, có thể nói, những lời chất vấn của họ như một viên đạn bắn hai con chim, người phụ nữ bị bắt chỉ là cái cớ để họ “xử”  Người.

Tuy nhiên, tiếc thay! Các ông kinh sư và Pha-ri-sêu đã thất vọng. Ngài đã không có một câu trả lời nào cả, ngoài việc “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”.

Đức Giê-su đã viết gì? Rất tiếc, không thấy thánh sử Gio-an cho biết. Có một số nhà chú giải cho rằng, Đức Giê-su “viết tội” của những người đòi lên án người phụ nữ.

Trở lại câu chuyện, hôm ấy, “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất”.

“Ai trong các ông sạch tội…” Vâng,  lời tuyên bố này, không chỉ làm cho lòng nham hiểm của quý ông kinh sư và Phariseu như chùng xuống, (chùng xuống là bởi quý ông đã phải nhìn lại chính bản thân mình), mà còn như một nút mở cho sợi dây thòng lọng đang xiết chặt “cái cổ lương tâm” của đám đông vây quanh.

Tại sao? Tại sao quý vị lại “câm miệng” trước một lời kết án thiếu thuyết phục như thế? Tại sao quý vị không đòi hỏi bên công tố đưa ra bằng chứng rằng: tên đồng phạm đâu? Y chạy thoát rồi sao?

(Hôm ấy, nếu người phụ nữ này bị đem đến một tòa án khác, một tòa án được xét xử bởi các ông luật sĩ và biệt phái “thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm hết những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc”, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng chị phụ nữ này sẽ chết! Phải chăng quý vị cũng sẽ tham gia vào việc ném đá (xử tử) chị ta!)

May thay! Người phụ nữ này được đem đến một tòa án mà thẩm phán chính là Đức Giê-su, một Giê-su “đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ”(Ga 3, 17)

Hôm ấy, chỉ một lời nói, Đức Giê-su đã kéo các ông kinh sư và Phariseu, từ “tòa án đời thường”, đến một tòa án khác, “tòa án lương tâm”.

Tiêu chuẩn mà Đức Giêsu đưa ra còn cao hơn gấp bội tiêu chuẩn của ông Môsê. “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. (Mt 5, 27-28).

Nơi “tòa án lương tâm”, rất có thể, những người tố cáo người phụ nữ đó, (và hôm nay, có thể là chính chúng ta) đã có lần cũng phạm tội ngoại tình, ngoại tình bằng “tư tưởng”, ngoại tình bằng “ánh mắt”, ngoại tình bằng “lời nói”… cho nên, phải chăng vì thế họ đã chột dạ vì lời tuyên bố của Đức Giêsu?

Rất…  rất có thể là vậy, bởi vì cuối cùng, thì: “Họ bỏ đi hết kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”.

Còn người phụ nữ ngoại tình ư! Vâng, với người phụ nữ này, Đức Giê-su muốn đưa chị ta đến một tòa án khác, “tòa án của Thiên Chúa”. Một tòa án mà Thiên Chúa “…không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (x.Ed 18, 23).

Hôm đó, khi còn lại một mình Đức Giê-su và người phụ nữ, Ngài đã nói với người phụ nữ, rằng: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa” (x.Ga 8, 11).

Đức Giê-su của chúng ta là thế đó. Ngài không sợ người phụ nữ này “ngựa quen đường cũ”. Ngài không dùng luật Mô-sê để lên án. Ngài đã dùng luật của tình yêu thương để giải thoát người phụ nữ này khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Hình phạt có thể làm cho người ta sợ. Công luận có thể làm cho người ta e dè. Chỉ có tình yêu thương mới có thể làm cho người ta biến đổi. Chỉ có tình yêu thương mới có thể cảm hóa con người, đem đến cho con người động lực đứng lên sau mỗi lần ngã gục.

Đức Giê-su đã dùng luật của tình yêu thương để cảm hóa người phụ nữ. Gia-kêu, Lê-vi và rất nhiều người khác đã được cảm hóa cũng nhờ Đức Giê-su hiện thực hóa luật của tình yêu thương.

Vâng, “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được”!

 

Là một phàm nhân, không ai trong chúng ta lại không hơn một lần lỡ lầm, vấp ngã, phạm tội.  Và, rất có thể, trong một phút yếu đuối, chúng ta chính là người phụ nữ trong câu chuyện nêu trên.

Chúng ta rất có thể ngoại tình trong tư tưởng, bằng lời nói, với ông A, với bà B v.v…  Chúng ta rất có thể để cho đức tin mình “ngoại tình” với bói toán, với bùa ngải, với tà thần v.v…

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, mỗi khi lỡ lầm, vấp ngã, phạm tội, chúng ta có chạy đến với Đức Giê-su, một Giê-su là Đấng sẵn sàng tha thứ hơn là lên án, một Giê-su là Đấng sẵn sàng quên hết mọi tội lỗi của chúng ta!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, lời Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, đã phán: “Hãy đến mà biện luận, dù tội các ngươi  như hồng điều sẽ trở nên trắng như tuyết, dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”.

Đừng quên, nền tảng của mọi ân sủng đều khởi đi từ sự tha tội. Nếu chúng ta chưa được tha tội, đừng mong nhận được ân sủng (ơn phước) của Thiên Chúa. Bởi vì, ân sủng lớn nhất chính là sự tha tội.

Vì thế, hãy quỳ trước thánh giá Đức Ki-tô, và khẩn cầu với Ngài, với tất cả lòng thống hối, rằng: “Bao năm trôi qua hồn con lạc bước đi xa. Quên bao ơn Cha trầm kha bể đắm bao la.Nay con ăn năn, hồi tâm thống hối bao lỗi lầm. Đền bù bất xứng bao năm. Quyết tâm trở về Cha lành”.

Chỉ… chỉ có như thế, chúng ta mới có thể lãnh nhận ơn phước của Ngài. Ơn phước thứ nhất, đó là sẽ được Ngài, một lần nữa, nói lên lời đã nói với người phụ nữ ngoại tình năm xưa: “Ta không lên án con đâu… đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Vâng, với tất cả lòng thống hối, “Chúa không lên án ta đâu”.

Petrus.tran

 

Trả lời