Chọn Chúa hay Mam-mon?

 

Chọn Chúa hay Mam-mon?Sự trung thành là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin của một Ki-tô hữu. Sự trung thành có thể ví như là thước đo niềm tin người Ki-tô hữu, như thế nào. Đã có không ít người tự hỏi, tại sao dù bị bắt bớ tù đày, người môn đệ của Đức Giê-su vẫn trung thành với niềm tin của mình, vậy mà, trong một khoảng khắc nào đó, họ vẫn không sao cưỡng lại những cạm bẫy của thế gian!

Vua David như là một “nạn nhân” điển hình, và chính ngài đã cho chúng ta câu trả lời thích đáng, đó là: phải liên kết sự trung thành với một niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa, không được phân hai. Qua Thánh Vịnh 86, nhà vua đã cầu nguyện rằng; “Xin Chúa bảo toàn sinh mạng con, bởi vì con trung hiếu. Xin cứu độ tôi tớ Ngài đây hằng tin tưởng nơi Ngài”(x.Tv, 86, 2)

Hằng-tin-tưởng-nơi-Ngài, và “không được phân hai”. Vâng, đó cũng là lời truyền dạy của Đức Giê-su, và lời truyền dạy này đã được thuật lại trong Tin Mừng thánh Luca (x.18, 1-13). Không được phân hai, theo lời truyền dạy của Đức Giê-su, nghĩa là: “Không được làm tôi hai chủ”.  Và để cho rõ nét lời truyền dạy, hôm ấy, Ngài đã kể một dụ ngôn, nói về một “người quản gia bất lương”.

Dụ ngôn kể rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này phung phí của cải nhà ông”.

Thưa bạn, có bao giờ bạn thuê một người làm quản gia (hay quản đốc), cho mình chưa? Và, nếu có, bạn sẽ xử sự như thế nào, nếu ông quản gia đó, phung phí tiền bạc, thời gian của mình? Vâng, có phần chắc, ta sẽ cho anh chàng này nghỉ việc. và tính sổ những gì y đã làm. Thật vậy, khi những lời tố cáo đến tai ông chủ, chuyện kể rằng: “ông mới gọi anh ta đến mà bảo: anh tính sổ đi!… Từ nay anh không được làm quản gia nữa”.

Cứ sự thường, một ai đó, khi thâm lạm tài sản của chủ, họ sẽ không ngần ngại “tẩu vi thượng sách”. Nhưng với anh quản gia này thì không. Sau khi “bể mánh”, anh ta nghĩ ra một độc kế. Đó là, “cho gọi từng con nợ đến”… và đây là kế độc của y. Anh ta “khuyến mãi” cho mỗi con nợ bằng cách “giảm nợ” tùy theo giá trị số nợ của họ.

Người thứ nhất nợ “một trăm thùng dầu ô-liu”, anh ta giảm 50% số nợ, tức là còn năm mươi thùng. Người thứ hai nợ “một ngàn giạ lúa”, anh ta giảm 20%, tức là còn tám trăm giạ. Quả đúng là một hành động bất lương, ấy thế mà, chuyện kể rằng “Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”.

Còn Đức Giêsu thì sao? Thưa, Ngài nói “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”. Anh quản gia này đúng là quá “khôn khéo”. Tuy nhiên,  anh ta “khôn” nhưng không “khéo”.

Hãy nhìn vào toan tính của anh ta, “Mình sẽ làm gì đây?… Mình phải biết làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ”… Đấy, những toan tính này đã tố cáo  anh ta sẵn sàng “phản chủ” của mình.

Anh ta “yêu” ông chủ mới, người sẽ “đón rước mình về nhà họ”, và sẽ “ghét” ông chủ cũ của mình vì ông ta đã cất chức “quản gia” của anh ta.

Còn việc anh quản gia tự ý giảm nợ cho con nợ thì sao? Thưa, hành động đó tố cáo anh ta  đã “khinh dể” chủ cũ của anh ta. Một khi đã “khinh dể” chủ mình  làm sao anh ta có thể “trung tín” trong công việc chủ đã giao phó, dù là trung tín “trong-việc-rất-nhỏ”…

Qua hai minh chứng nêu trên, không thể không nói rằng, anh chàng quản gia bất lương đó, đúng là kẻ “làm tôi hai chủ”.

“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ”, Đức Giê-su nói tiếp rằng “vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ”. (x.Lc 16, 13)

Trở lại với dụ ngôn, đừng ngạc nhiên và hỏi tại sao… tại sao Chúa Giêsu lại đề cao một con người “bất lương” và đem ra làm bài học cho các môn đệ?  Bởi, nếu chúng ta đặt ra câu hỏi này, một cách nào đó, chúng ta đã đọc Tin Mừng một cách hời hợt.

Nên nhớ, đây là một dụ ngôn, và thường mỗi dụ ngôn đều chứa một ẩn ý nào đó. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu không khuyến khích chúng ta hành động như người quản gia bất lương. Thông điệp Ngài muốn gửi đến chính là cái “tinh thần”, cái “cách làm” của người quản gia. Chúa Giêsu không khen “công việc” người quản gia đã làm nhưng Ngài khen cái “tinh thần, sự khôn ngoan, cách ứng xử” của người quản gia đó.

Cái “tinh thần, sự khôn ngoan, cách ứng xử” đó, nếu một người môn đệ của Ngài không có, thì, như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em”.

Hơn nữa, lời truyền dạy cuối cùng, trong trình thuật này, đó mới là điều chúng ta cần suy nghĩ “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Vâng, lời truyền dạy này rất quan trọng cho đời sống đức tin của chúng ta.

Thật vậy, chúng ta cần biết rằng, hai chữ “Tiền Của” theo ngôn ngữ Aram, một thứ ngôn ngữ thông dụng vào thời Đức Giê-su, được gọi là “Mam-mon”, nó còn có nhiều ý nghĩa khác nữa, đó là: “thu hoạch, lợi nhuận, sự giàu có”.

Cho nên, lời truyền dạy nêu trên chắc chắn đã được Đức Giê-su nói nguyên văn như sau: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Mam-mon được”. Nói cách khác, “Anh em không được vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa nô lệ vào sự giàu có”. Khi Đức Giê-su đặt “Thiên Chúa” đối trọng với “Mam-mon”, Ngài muốn gởi đến chúng ta thông điệp rằng, trong hai phải chọn một.

Bởi vì, Mam-mon, như là một đối thủ của Thiên Chúa, được coi như là công cụ mà Satan luôn dùng để cám dỗ. Hẳn ta còn nhớ, ngay từ những ngày đầu của lịch sử cứu độ, nó đã dùng “tuyệt chiêu” này  cám dỗ Đức Giê-su.

Không,  Đức Giê-su không lên án “Tiền Của”, chính Ngài cũng đã có một nghề nghiệp để nuôi sống bản thân mình. Điều Ngài truyền dạy, đó là đừng “làm tôi” nó.  Hay nói mạnh mẽ hơn, “Anh em đừng làm nô lệ Tiền Của”.

Về điều này, Noel Quesson, có lời chia sẻ: “Không, tiền của không có mùi thơm. Đó là quyền lực của cái ác đáng sợ khi nó ‘nô lệ hóa’ một người nào đó. Giá một chiếc xe tăng đủ để mua lương thực cho hàng trăm người đói khát! Và, chúng ta không hề xấu hổ, một máy bay siêu thanh khu trục có giá bằng 40.000 nhà thuốc tây ở các làng mạc, để cứu sống những em nhỏ! Và chúng ta không hay biết, ‘Tiền Của’ lẽ ra phải là một ‘đầy tớ’ tuyệt vời, hiện đang là một ‘ông chủ’ xấu”.(nguồn: internet).

Làm sao để không rơi vào tình trạng “làm tôi hai chủ”?

Thưa, chỉ cần có sự trung tín (trung thành với lời hứa, với công việc được giao phó), như lời truyền dạy của Đức Giê-su  “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn”.

Thật vậy, trong đời sống hôn nhân, nếu tôi vẫn luôn trung thành với lời hứa, “hứa yêu nhau trao câu thề chúng sống muôn đời”, thì dẫu cho, “bụi thời gian có làm mờ đi những kỷ niệm của hai chúng mình, tôi cũng không bao giờ, không bao giờ quên em”. Nói cách khác, tôi sẽ không làm  tôi hai chủ (không làm-chồng-của-hai-bà-vợ)…

Trong vai trò là bác sĩ thì sao? Vâng, nếu tôi trung thành với lời thề Hippocrates, hay nói theo cách nói thời nay, nếu tôi hành nghề đúng “tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế”, có phần chắc, tôi sẽ không bị “nô lệ hóa” bởi đồng tiền. Tôi sẽ không làm cho nghề lương y của mỉnh nhẹ hơn lương tháng. Nói tắt một lời, tôi sẽ không “làm tôi Mam-mon”.

Chủ nghĩa vật chất chính là tác nhân làm cho chúng ta mất đi sự trung thành. Câu chuyện Lã Bố trong Tam Quốc Chí như một điển hình. Chỉ vì tham lam vàng bạc cùng với con ngựa xích thố, Lã Bố đã “phản bội” người cha nuôi là Đinh Nguyên, chém chết ông ta, sau đó quy hàng Đổng Trác.

Vâng, chúng ta hãy nghe lại lời truyền dạy của Đức Giê-su : “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Mam-mon được”. Thế nên, chúng ta phải lựa chọn, “Chọn Chúa hay chọn Mam-mon”? Câu trả lời, tất nhiên là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, đừng quên, Lã Bố, khi chọn “Mam-mon”,  y đã bị giết chết dưới tay Tào Tháo và Lưu Bị, cũng vì sự “bất trung” của y.

Cuối cùng, hãy nghe lời khuyên của thánh Phao-lô: “Việc giữ đạo là nguồn lợi lớn đối với ai lấy cái mình có làm đủ. Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được” (x.1Tm 6, 6-7)

Bạn có tin không? Nếu tin, vậy, cớ gì chúng ta lại không “Chọn Chúa” nhỉ!

Petrus.tran

 

Trả lời