Chỉ cần trở về…

 

Chỉ cần trở về...“Thiên Chúa là tình yêu”, thánh Gio-an nói tiếp: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (x.1Ga 4, 8-10)

“Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”. Vâng, trong kinh Tin Kính, chúng ta cũng tuyên xưng như thế: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.

Đức Giê-su đã xuống thế làm người, và trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài luôn nói cho mọi người biết đến một Thiên Chúa là tình yêu:  “(Người) yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Để mọi người nhận biết tình yêu của Thiên Chúa như thế nào, Đức Giê-su đã dùng nhiều dụ ngôn, những dụ ngôn đó tựu trung đều diễn tả Thiên Chúa là một người nhân hậu, có lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ v.v…

Một trong những dụ ngôn in đậm những dấu ấn (đã nêu trên), đó là dụ ngôn người con hoang đàng mà hôm nay được đổi lại với tên gọi rất hợp với những lời giảng dạy  của Đức Giê-su, đó là: “Dụ ngôn người cha nhân hậu”.

Dụ ngôn đã được Đức Giê-su kể như sau: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha , xin cho con phần gia tài con được hưởng” (x.Lc 15, 11-12)

Người cha có đáp ứng đòi hỏi của người con thứ? Thưa có, người cha có chia, mặc dù, theo luật Do Thái, việc đòi chia gia tài, mà người đòi lại là “con thứ” trong gia đình, thì quả đó là một hành động hiếm thấy, nếu không muốn nói là phạm luật. (x. Đnl 21, 17).

Còn đối với Việt Nam ư! Thưa, câu trả lời rất đơn giản, chỉ bốn chữ thôi “đồ con bất hiếu”. Sao vậy! Thưa, cha nó đã chết đâu mà đòi chia gia tài!

Trở lại câu chuyện dụ ngôn, hôm ấy, sau khi nghe lời thỉnh cầu của người con thứ, người cha không một lời trách móc, ông ta “đã chia của cải cho hai con”.

“Người con thứ”, sau khi nhận được phần gia tài, “Ít ngày sau…(đã) thu gom tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”.

Sống phóng đãng là sống như thế nào? Thưa, là sống tự do, buông thả, không chút tự kiềm chế trong mọi sinh hoạt của mình.

Vâng, do không chút tự kiềm chế trong mọi sinh hoạt của mình, người con thứ đã “ăn tiêu hết sạch”. Ăn tiêu hết sạch đã là một vấn nạn, vấn nạn nữa, đó là trong vùng anh ta đang sinh sống  “lại xảy ra một nạn đói khủng khiếp”.

Rồi, chuyện phải đến đã đến, “anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu”. Và, như người xưa có nói “đói đầu gối phải bò”, người con thứ, đói quá, nên anh ta đã “bò” đến một trang trại xin ở đợ, nói theo cách nói ngày nay, đó là xin làm “osin”.Chủ của anh ta là “một người dân trong vùng, người này sai anh ta ra đồng chăn heo”.

Chăn heo ư! Tệ thật, đối với người Do Thái, nói tới heo, đó là một con vật dơ bẩn và không được ăn. Ấy vậy mà, bên đàn heo, trong cơn đói quằn quại, anh ta “ước ao lấy đậu muồng heo ăn nhét cho đầy bụng”. Thế nhưng, “chẳng ai cho ăn”…

Chìm trong tủi nhục, anh ta “hồi tâm và tự nhủ: biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta lại ở đây chết đói!”

Ừ! Tại sao ta lại phải ở đây để chết đói! Vâng, có phần chắc, anh ta đã lẩm bẩm như thế trong lòng mình.

Trong một cơ thể đang vật vã vì đói khát, anh ta nghĩ ra một đối sách: “Thôi, ta đứng lên đi về cùng cha, và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Ô hay! Quả đó là một đối sách khôn ngoan. Chỉ xin “làm công”, chẳng lẽ cha mình không cho sao! Và rồi, chuyện kể rằng: “anh ta đứng lên đi về cùng cha”.

Anh ta đứng dậy và đi về. Vâng, thánh sử Luca không ghi lại, nhưng có gì ngăn cản chúng ta tưởng tượng rằng, trên đường về nhà, người con thứ vừa đi vừa cất tiếng ca: “Con nay trở về, trở về cùng Cha, Cha ơi! Con nay trở về, lòng sầu thống hối khôn nguôi. Muốn khóc cho một niềm tin. Đã trót bao phen ngả nghiêng. Bước chân hoàng đàng, nay mến yêu thương tình đáp tình”.

Còn người cha! Sau khi con ông ta đi rồi, ông ấy làm gì? Thưa, thật tuyệt vời. Ông ấy vẫn chờ đợi sự trở về của con ông. Dựa vào đâu ta có thể nghĩ như thế! Thưa, dựa vào lời tường thuật của thánh Luca.

Ta hãy nghe lời tường thuật của thánh Luca: Khi “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”.

Vâng, đó là một nụ hôn của tình yêu và sự tha thứ. (trái ngược với nụ hôn của Giu-đa với Đức Giê-su, sau này).

Tình yêu và sự tha thứ của người cha đã làm cho người con nức nở nghẹn ngào. Anh ta cất lên những lời thống hối xót xa: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”.

Không! Không đời nào… Con ta vẫn là con ta… Vâng, đó là sự thật. Sự nhân hậu và độ lượng của người cha, đã biến tâm hồn cô đơn buồn nản của ông, trở thành một tâm hồn “chan chứa tình thương”, để rồi, ông đã tuôn đổ tình thương của mình qua việc ra lệnh các đầy tớ, rằng: “Mau đem áo đẹp ra mặc cho cậu ta, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu…”. Chưa hết, người cha còn bảo gia nhân: “đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta ăn mừng”.

Ông ta mừng, mừng vì “… con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (x.Lc 15, 24).

Câu chuyện tưởng chừng kết thúc tràn đầy niềm vui. Nhưng không, chuyện kể rằng: người con cả không tán thành cuộc tiếp đón người em của mình trịnh trọng như thế. Anh ta ganh tỵ với người em. Anh ta kèn cựa với người em, khi thấy người cha “đã làm thịt một con bê béo” đãi đằng cậu ấy, trong khi “chưa bao giờ cha cho (anh ta) một con dê con”, để làm một cái lẩu dê, “ăn mừng với bạn bè”, nên đã nổi giận khước từ “không chịu vào nhà”.

Trước tình cảnh này, người cha đã ôn tồn giải thích, một sự giải thích khiến cho ai nghe cũng phải nhận ra tấm lòng nhân ái của ông ta. Hôm ấy, ông ta đã nói với cậu con cả rằng: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”.

Vâng, người cha đã kết thúc cuộc tranh luận với người con cả với một lời nói thấm đậm tình yêu thương: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”

Thiên Chúa, qua hình ảnh người cha trong dụ ngôn, Người đúng là Đấng “Chẳng trách cứ luôn luôn. Không oán hờn mãi mãi”. Thiên Chúa không nhìn đến “công đức” của con người, nhưng Thiên Chúa nhìn đến sự “hồi tâm và hối cải”.

Người con thứ trong dụ ngôn đã không có được một việc làm nào được gọi là “tốt lành”, ngoại trừ việc “sống phóng đãng”, thế nhưng, nhờ anh ta “hồi tâm và hối cải”, một dấu chỉ của “sám hối và trở về”, cho nên anh ta đã nhận được một cách nhưng không, lòng từ bi và nhân hậu của người cha.

Thánh Phaolô, sau này, đã khẳng định rằng “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người” (2 Cor 5, 18). Rồi ngài nhấn mạnh “Đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2, 8).Vâng, ân huệ của lòng Chúa thương xót, cho những ai biết “sám hối và trở về”.

Sự sám hối và trở về của người con thứ đáng là bài học để chúng ta noi theo. Bởi vì, sẽ có một lúc nào đó trong cuộc đời ta, hành động của người con thứ sẽ là hành động của chính chúng ta.

Vâng, trong từng giai đoạn của đời người, rất có thể, có lúc, chúng ta là “người con thứ” đầy kiêu hãnh và ngạo mạn, với một gia tài là học vấn và kiến thức, sẵn sàng rời bỏ mái ấm “gia đình Kitô giáo”, tìm đến những vùng đất xa lạ, để “phung phí giá trị của tự do”, mà Thiên Chúa đã ban cho, để khước từ niềm tin truyền thống, mà Giáo Hội đã truyền dạy, để háo hức tìm kiếm chủ thuyết mới, những chủ thuyết chỉ sản sinh bạo lực lẫn hận thù, để lớn tiếng hô hào tự do luyến ái, tự do phò lựa chọn, tự do thờ quấy và phù phép v.v…

Rất có thể, một lúc nào đó, chúng ta là “người con thứ” đầy kiêu hãnh và ngạo mạn, với một gia tài là sự thành công trên đường đời, một sự thành công do thế gian ban cho, để rồi buông mình vào những đam mê và dục vọng v.v…

Phải … phải coi chừng. Bởi vì, tất cả những thứ đó, cuối cùng, rồi cũng dẫn chúng ta đến những “cơn đói” khác, nghiêm trọng hơn. Đó là, những cơn đói, “đói tiền, đói tình, đói quyền lực, đói danh vọng”, những cơn đói mang nặng “thú tính”, những cơn đói biến chúng ta thành ác quỷ, ác quỷ phá thai, ác quỷ bạo hành, ác quỷ tham ô, ác quỷ dâm ô… mà thôi.

Vâng, nếu chúng ta là người con thứ, hãy “đứng lên đi về cùng Chúa”

Thế còn nhân vật người con cả, có phải là tôi? Tôi cũng luôn mang nặng trong con người mình tính ganh tỵ, hẹp hòi, như người con cả?

Nếu là người con cả! Đừng… đừng nổi giận. Đừng nổi giận khi Chúa không cho ta giàu sang phú quý mà lại cho cái mụ hàng xóm ngoại đạo, nhà cao cửa rộng, biệt thự lộng lẫy, tiền vô như nước.

Vâng, đừng nổi giận “không chịu vào nhà”. Không… Thiên Chúa (được ví như người cha trong dụ ngôn), đã được Đức Giê-su truyền dạy, rằng: “Cứ xin thì sẽ được”. Ngài nói tiếp: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em. Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Thế nên, nếu chúng ta là người anh cả, “đừng ganh tỵ nhau”, thánh Phaolô khuyên thế.

Chỉ là… chỉ là một chút suy tư. Điều quan trọng hơn, đó là, sau khi đọc xong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, có điều gì tác động lên tâm hồn của chúng ta? Chúng ta có nhận ra sự nhân hậu và lòng thương xót của Thiên Chúa?

Cuối cùng, dù chúng ta có là người con cả hay người con thứ đi nữa, hãy tin rằng, Thiên Chúa sẽ yêu thương chúng ta hết tình. Người sẽ “nhậm lời và đoái nhìn đến chúng ta”. Chỉ cần… chỉ cần khi lỡ lầm, chúng ta sẽ trở về, trở về cư ngụ dưới bóng Thiên Chúa. Vâng, chỉ cần chúng ta trở về.

Petrus.tran

 

 

 

Trả lời