Chỉ cần… lớn bằng hạt cải

 

Chỉ cần… lớn bằng hạt cảiChúng ta bắt đầu bước vào tháng mười. Và như truyền thống đẹp, đây là tháng Giáo Hội dành riêng nhớ đến Đức Maria.

Nói đến Đức Maria, có lẽ, không ai trong chúng ta lại không liên tưởng đến hai chữ “xin vâng”. Thật vậy, theo những gì Kinh Thánh đã ghi, cuộc đời của Đức Maria quả là một chuỗi dài của nhiều lời xin vâng.

Nói tới lời xin vâng thứ nhất, và có thể đây là lời xin vâng khó khăn nhất trong đời của Đức Maria, đó là ngày sứ thần Chúa loan báo, rằng: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người, Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”.

Nghe xong lời loan báo, Đức Maria không khỏi run rẩy thốt lên: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

Để trấn an trước một Maria “run như run thần tử thấy long nhan”, sứ thần Chúa nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

Lời Chúa nói như thế, Đức Maria chỉ còn biết đáp lời mời gọi bằng hai chữ xin vâng.  Xin vâng, vì Mẹ “đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói”. Xin vâng, vì Mẹ phó thác vào “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.

Nhờ có lòng tin và tâm tình phó thác, Mẹ đã vác hai chữ  “xin vâng” đến hang lừa tại Belem, qua Ai Cập, rồi về Na-da-rét và cuối cùng lên tới tận chân đồi Golgotha.

Với chúng ta hôm nay, khi trở thành Ki-tô hữu, đó cũng chính là khởi đầu cho lời xin vâng, một hình thức mới, “đáp lời mời gọi”, lời mời gọi của Đức Giê-su: “Hãy đến cùng Ta”.

Chỉ có điều, chúng ta đáp lại lời mời gọi đó như thế nào! Như Đức Maria với một tâm tình phó thác? Như Đức Maria cho hết suốt cuộc đời mình? Hay có đôi lúc, chỉ vì một vài yếu tố bất lợi cho cuộc sống của ta,  ta lại “hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh”! Nói cách khác, ta thiếu  lòng tin hoặc yếu đức tin, vào Ngài?

Nói tới yếu đức tin, thật ra, các tông đồ xưa, tuy đã bỏ hết mọi sự và đi theo Đức Giê-su, họ vẫn có đôi lúc thiếu hoặc yếu đức tin, vào Thầy của mình.

Bằng chứng, một ngày nọ, Đức Giêsu cùng các môn đệ có một chuyến hải trình trên biển hồ. Và, đang khi thuyền rẽ sóng, bất ngờ, một trận cuồng phong nổi lên. Thuyền của các ông bị ngập nước và lâm nguy. Tuy là các ngư phủ lão luyện, các ông vẫn không khỏi sợ hãi. Sự sợ hãi đó khiến các ông đã gọi Đức Giê-su dậy, vì lúc đó Ngài đang ngủ.

Hôm đó, Ngài thức dậy “ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay”. Nhìn các ông như những con nai vàng ngơ ngác, Đức Giê-su trách: “Đức tin anh em ở đâu?”

Qua câu chuyện này, quả đúng là các môn đệ đã bộc lộ sự  “thiếu lòng tin”của mình. Chính vì thế, một lần nọ, khi Thầy và trò bên nhau, các ông thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. Đây không phải là lần đầu tiên các môn đệ xin Thầy mình điều liên quan đến đời sống tâm linh.

Nhớ, có lần các ông đã ngỏ ý với Đức Giê-su “xin  dạy chúng con cầu nguyện”. Và, Đức Giê-su  đã dạy các ông “Kinh Lạy Cha”.

Nay, xin thêm lòng tin ư! Đức Giê-su sẵn sàng. Hôm đó, đáp lại lời xin của các ông, Đức Giêsu nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì, dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. (Lc 17, 6)

Đã có không ít người khó hiểu về lời truyền dạy này. Tại sao lòng tin lại chỉ cần “lớn bằng hạt cải? Và, sao các môn đệ không có phản ứng gì khi Thầy mình nói như thế!

Vâng, rất dễ hiểu. Các môn đệ là cư dân ở Palestina, các ông hiểu thấu đáo về sự ví von của Thầy mình qua hình ảnh “hạt cải”. Chỉ là một hạt cải nhỏ bé, nhưng với thời gian, nó trở thành cây cải, một cây cải có thể cao lớn tới ba thước, và như thánh Mat-thêu  cho biết, “chim trời làm tổ trên cành được”(x.Mt 13, 31)

Ví von lòng tin lớn bằng hạt cải, Đức Giêsu không cường điệu hóa vấn đề. Đây chỉ là một cách nói, một cách nói để diễn tả “sự lớn mạnh của lòng tin”.

Chưa dừng ở đó, hôm đó, Đức Giê-su còn nói đến “nét đẹp” của người có lòng tin. Đó là, người đó “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17, 10).

Trở lại với các môn đệ đáng yêu của Đức Giê-su. Thật phước hạnh khi các ông xin thêm lòng tin. Xin thêm lòng tin, vì các ngài hiểu rằng, đó chính là “sức mạnh thuộc linh”, một sức mạnh để làm hành trang cho cuộc đời chứng nhân của mình.

Thì đây, đã có lần Đức Giê-su chẳng nói “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”, đó sao! Chiên con, một biểu tượng của sự hiền lành Nước Trời, mà đâm đầu vào giữa bầy sói, một biểu tượng của sự dữ trần gian, làm sao chiến thắng nếu không có sức mạnh của lòng tin!

Bây giờ là đến chúng ta. Hãy để tâm hồn mình trong thinh lặng và tự hỏi: Tôi có lòng tin vào Chúa không? Hãy tự hỏi lòng mình: “tôi có tên trong danh sách những người kém lòng tin”? Và, nếu có, thì “tôi có như các tông đồ (xưa), thưa với Chúa Giêsu: Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”!

Ngôn sứ Kha-ba-cuc, đã làm gì khi ông ta “phải chứng kiến tội ác hoài?” Khi trước mắt ông ta “toàn là cảnh phá phách bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ”?…

Thưa, ông ta phàn nàn với Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy ĐỨC CHÚA, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: Bạo tàn mà Ngài không cứu vớt”(x.Kb 1, 2)

Hôm nay, chúng ta đang sống trong một xã hội cũng tương tự như  thời ngôn sứ Kha-ba-cuc. Một xã hội tràn ngập tội ác, đầy dẫy “chước cám dỗ”, một xã hội lúc nào cũng muốn giơ dao dọa giết Thiên Chúa, một xã hội thậm chí đã tuyên bố Thiên Chúa đã chết rồi. Nói tắt một lời, một xã hội rất dễ làm cho chúng ta mất lòng tin.

Chúng ta cũng chạy đến Chúa phàn nàn như ngôn sứ Kha-ba-cuc? Tốt thôi, nhưng đừng quên la lên với Người: “Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con”.

Đừng quên, lòng tin, chính là “đặc sủng của Thiên Chúa”, đặc sủng mà chúng ta đã nhận được qua Bí Tích rửa tội, như lời thánh Phao-lô nói với Ti-mô-thê, rằng; “đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (x.2Tm 1, …6)

Thế nên, việc xin thêm lòng tin, chính là cơ hội để chúng ta “khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa”. Đặc sủng đó chính  là “một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ” (x.2Tm 1, 7)

Thưa Bạn, đầy sức mạnh Thần Khí, “khơi dậy” tình thương và biết tự chủ, có lẽ nào chúng ta không đánh bật được những cây dâu, cây dâu “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, chia rẽ, tranh chấp, ganh tị, say sưa, chè chén”, ra khỏi con người ta!! Có lẽ nào ta không đánh bật những mưu ma chước quỷ luôn rình rập bên cạnh cuộc đời ta?

Đừng nghi ngờ vào “Sức mạnh Thần Khí”.  Hãy nhớ, một lần nọ, có một người cha đã nghi ngờ quyền năng của Đức Giê-su  về việc chữa lành cho con ông bị quỷ ám.

Hôm đó, đến bên Đức Giê-su, ông nói: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi”. Ngay lập tức, Đức Giê-su trách: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin”.

Vâng, chỉ cần có “Lòng tin – Đức tin”. Và, thánh Phaolô khẳng định “Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu”( 2 Tm 1, …9). Ân sủng đó, cha cậu bé bị quỷ ám đã tuyên xưng: “Tôi tin!”. Và chúng ta, chắc hẳn cũng tuyên xưng như thế..

Điều quan trọng, và rất cần thiết cho chúng ta hôm nay, đó là, trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của đời mình, ta có cùng tâm tình như người cha cậu bé bị quỷ ám mà thưa với Chúa rằng: “Xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi”, hay không? (x.Mc 9, 24)  Vâng, nếu có… chỉ cần…  ta chỉ cần xin Chúa giúp cho lòng tin yếu kém của mình  “lớn bằng hạt cải”, mà thôi.

Petrus.tran

 

 

Trả lời