“Chết và sống” của La-da-rô, Đức Giê-su và người tin

 

Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com

Ngày 28 tháng 03 năm 2020.

Nội dung

Dẫn nhập

          1. Bối cảnh và cấu trúc 11,1-54
          2. Bản văn
          3. Bối cảnh
          4. Cấu trúc
          5. Ý nghĩa “chết và sống”
          6. “Chết và sống” của La-da-rô
          7. “Chết và sống” của Đức Giê-su
          8. “Chết và sống” của người tin

Kết luận

Dẫn nhập

“Chết và sống” của La-da-rô, Đức Giê-su và người tinTại sao lấy tựa đề “chết và sống” mà không phải là “sống và chết”? Đoạn Tin Mừng Gio-an 11,1-54 khởi đầu bằng cái chết của La-da-rô (11,14) và kết thúc bằng việc Thượng Hội Đồng quyết định giết Đức Giê-su (11,47-53). Bầu khí tang tóc, khóc thương bao trùm đoạn văn. Trong khi sự kiện Đức Giê-su làm cho La-da-rô sống lại chỉ được trình bày qua mấy chữ ngắn ngủi (11,43). Bản văn nhấn mạnh đề tài “chết” nên được đặt trước từ “sống”. Hai từ “chết và sống” để trong ngoặc kép vì không chỉ có nghĩa thông thường là chết và sống thể lý mà còn có nghĩa khác. Vả lại, “sự chết” đặt trước phù hợp với quy luật “sự sống” như Đức Giê-su cho biết ở 12,24: “A-men, a-men, Thầy bảo anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu chết đi, nó sinh nhiều hạt.” Đoạn văn 11,1-54 đặt ra cho độc giả ba câu hỏi.

(1) Tại sao Đức Giê-su không đến sớm hơn để cứu La-da-rô? Quyết định ở lại thêm hai ngày và để La-da-rô chết liệu có đi ngược lại với tình thương của Người dành cho gia đình này không? Khi Đức Giê-su nói: “bệnh này không đến nỗi chết” (11,4) nghĩa là có thể cứu, tại sao lại không cứu?

(2) Tại sao Đức Giê-su lại làm cho La-da-rô sống lại để rồi chính anh ấy lại chết vì sự sống lại của mình? Người thuật chuyện cho biết ở 12,10-11: “10 Các thượng tế quyết định giết cả La-da-rô, 11 vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ đi và tin vào Đức Giê-su.”

(3) Tại sao Đức Giê-su làm cho La-da-rô sống lại mà không làm cho người tin và thân nhân người tin được sống lại? Phải chăng Đức Giê-su ưu đãi gia đình chị em La-da-rô hơn các môn đệ, khi họ phải đối diện với bách hại?

Ba câu hỏi trên nảy sinh từ bản văn, nên chính bản văn sẽ đưa ra câu trả lời. Để tìm giải đáp cho ba câu hỏi trên bài viết trình bày hai mục: (I) bản văn, bối cảnh và cấu trúc 11,1-54; (II) ý nghĩa “chết và sống” của của La-da-rô, của Đức Giê-su và của người tin.

I. Bối cảnh và cấu trúc 11,1-54

Kết thúc trình thuật với việc gọi La-da-rô ra khỏi mồ (11,1-46) là chưa đầy đủ ý nghĩa mặc khải trong ch. 11. Cần nối kết với đoạn văn tiếp theo (11,47-54) để làm lộ ra điều nghịch lý: người có khả năng làm cho người khác sống lại thì sắp phải chết. Nói cách khác, người có quyền trên sự chết lại chọn con đường “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên” (10,11). Để chuẩn bị phân tích đoạn văn dài 11,1-54, phần sau trình bày ba điểm: (1) bản văn, (2) bối cảnh và (3) cấu trúc.

  1. Bản văn

Câu chuyện về cái chết của La-da-rô và quyết định giết Đức Giê-su (Ga 11,1-54) được thuật  lại như sau:

11,1 Có một người bệnh là La-da-rô ở Bê-ta-ni-a, làng của Ma-ri-a và Mác-ta, chị của cô ấy. 2 Ma-ri-a là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lau chân Người bằng tóc của mình. Em của cô ấy là La-da-rô bị bệnh. 3 Vậy các chị sai người đến nói với Người: “Thưa Thầy, này người Thầy thương mến bị bệnh.” 4 Nghe vậy, Đức Giê-su nói: “Bệnh này không đến nỗi chết nhưng vì vinh quang của Thiên Chúa, để qua đó Con Thiên Chúa được tôn vinh.” 5 Đức Giê-su yêu mến Mác-ta, em cô ấy và La-da-rô. 6 Tuy nhiên, sau khi nghe rằng anh ấy bệnh, Người còn ở lại nơi Người đang ở thêm hai ngày. 7 Sau điều đó, Người nói với các môn đệ: “Chúng ta cùng trở lại Giu-đê.” 8 Các môn đệ nói với Người: “Thưa Ráp-bi, mới đây những người Do Thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại đi đến đó sao?” 9 Đức Giê-su trả lời: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. 10 Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã vì ánh sáng không ở trong người ấy.” 11 Người đã nói những điều ấy, và sau đó, Người nói với các ông: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; nhưng Thầy đi để đánh thức anh ấy.” 12 Các môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc, anh ấy sẽ được cứu.” 13 Đức Giê-su nói về cái chết của anh ta, nhưng họ tưởng rằng Người nói về giấc ngủ thường. 14 Bấy giờ Người mới nói rõ ràng với các ông: “La-da-rô đã chết, 15 Thầy mừng cho anh em, để anh em tin, Thầy đã không có mặt ở đó. Nhưng chúng ta cùng đi đến với anh ấy.” 16 Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để chết với Thầy.”

17 Khi đến nơi, Đức Giê-su nhận thấy anh ấy đã ở trong trong mồ bốn ngày rồi. 18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem khoảng 15 dặm (2,8 km). 19 Nhiều người trong những người Do Thái đến với Mác-ta và Ma-ri-a để an ủi các cô về người em. 20 Vậy khi Mác-ta nghe rằng Đức Giê-su đến, cô ấy ra gặp Người. Còn Ma-ri-a ngồi ở nhà. 21 Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 [Nhưng] bây giờ con biết rằng: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho Thầy.” 32 Đức Giê-su nói với chị ấy: “Em chị sẽ sống lại.” 24 Mác-ta nói với Người: “Con biết rằng em con sẽ sống lại, trong sự sống lại vào ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su nói với chị ấy: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống, 26 và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết. Chị có tin điều đó không?” 27 Chị ấy nói với Người: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin rằng chính Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

28 Nói xong điều đó, cô ấy đi và gọi Ma-ri-a, em của cô. Cô ấy nói nhỏ: “Thầy đến rồi và Thầy gọi em.” 29 Nghe vậy, Ma-ri-a  vội đứng lên đến với Người. 30 Lúc đó, Đức Giê-su chưa vào làng, nhưng Người vẫn ở chỗ Mác-ta đã gặp Người. 31 Vậy những người Do Thái đang ở với Ma-ri-a trong nhà và chia buồn với cô ấy, thấy Ma-ri-a vội vã đứng dậy đi ra, họ đi theo cô ấy, vì tưởng cô ấy đi ra mộ để khóc ở đó. 32 Khi Ma-ri-a đến gần Đức Giê-su, vừa thấy Người, cô ấy liền phủ phục dưới chân Người và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” 33 Khi Đức Giê-su thấy cô ấy khóc, và những người Do Thái đi với cô ấy cũng khóc, Người thổn thức trong tâm trí và xao xuyến. 34 Người nói: “Các người đặt anh ấy ở đâu?” Họ nói với Người: “Thưa Thầy, hãy đến và hãy xem.” 35 Đức Giê-su khóc. 36 Vậy những người Do Thái nói: “Xem kìa! Ông ta thương anh ấy biết mấy.” 37 Nhưng vài người trong nhóm họ nói: “Ông ấy đã mở mắt cho người mù lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết sao?”

38 Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Đó là một cái hang và có phiến đá đậy lại. 39 Đức Giê-su nói: “Đem phiến đá này đi.” Mác-ta, chị người chết, nói với Người: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì đã bốn ngày.” 40 Đức Giê-su nói với chị ấy: “Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” 41 Vậy họ đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha, vì Cha đã lắng nghe Con. 42 Phần Con, Con biết rằng: Cha hằng lắng nghe Con, nhưng vì đám đông đứng quanh đây nên Con đã nói, để họ tin rằng chính Cha đã sai Con.” 43 Nói xong điều đó, Người kêu lên một tiếng lớn: “La-da-rô, hãy ra ngoài.” 44 Người chết liền đi ra, chân, tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su nói với họ: “Hãy cởi ra cho anh ấy và hãy để anh ấy đi.” 45 Nhiều người trong những người Do Thái – những người đến với Ma-ri-a – thấy những gì Người làm, đã tin vào Người. 46 Nhưng vài người trong nhóm họ đến với những người Pha-ri-sêu và nói cho họ những gì Đức Giê-su đã làm.

47 Vậy các thượng tế và những người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta làm gì đây vì người này làm nhiều dấu lạ? 48 Nếu chúng ta cứ để Ông ấy như thế tất cả sẽ tin vào Ông ấy, và người Rô-ma sẽ đến, họ sẽ huỷ diệt nơi thánh và dân tộc chúng ta.” 49 Một người trong số họ là Cai-pha, đang là thượng tế năm ấy, nói với họ: “Các ông không biết gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ rằng: Điều lợi cho các ông là một người chết cho dân và toàn thể dân tộc không bị tiêu diệt.” 51 Điều đó, ông ấy không tự mình nói ra, nhưng vì đang là thượng tế năm ấy, ông ấy tiên báo rằng Đức Giê-su sắp phải chết cho dân tộc, 52 và không chỉ cho dân tộc, nhưng còn để con cái Thiên Chúa đang tản mác quy tụ về thành một. 53 Vậy từ ngày đó, họ quyết định giết Người. 54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa những người Do Thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang mạc, vào một thành gọi là Ép-ra-im, và Người ở lại đó với các môn đệ. (Xem Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư).

  1. Bối cảnh

Trong Tin Mừng, sứ vụ Đức Giê-su được trình bày trong khung cảnh một ngày làm việc. Bình minh ở ch. 1, khi ánh sáng bắt đầu chiếu rọi vào thế gian: “Người là ánh sáng thật, chiếu soi mọi người, đến trong thế gian” (1,9). Giờ ngọ ở ch. 8 và ch. 9 khi Đức Giê-su khẳng định Người là ánh sáng của thế gian. Ngày làm việc xế chiều với ch. 11, vì cái chết đã đến gần, Thượng Hội Đồng đã quyết định giết Đức Giê-su (11,53). Người kết thúc sứ vụ ở ch. 12 và mặc khải về ý nghĩa sự chết của Người cho các môn đệ trong các ch. 13–17. Ch. 18–19 là đêm tối, người ta đến bắt Đức Giê-su vào ban đêm và Người hoàn tất cuộc đời trên thập giá. Đoạn văn 11,1-54 là một mắt xích trong “ngày” sứ vụ của Đức Giê-su. Từ ch. 11, Người không còn tranh luận trực tiếp với những kẻ chống đối nữa (tranh luận kết thúc ở cuối ch. 10).

  1. Cấu trúc

Tìm hiểu cấu trúc giúp khảo sát bản văn trước khi phân tích. Dựa vào yếu tố nhân vật và nơi chốn, đoạn văn 11,1-54 có cấu trúc đồng tâm A, B, C, B’, A’:

“Chết và sống” của La-da-rô, Đức Giê-su và người tin

Phần A. 11,1-6 trình bày hoàn cảnh ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô. Cách giải quyết của hai chị em là sai người đi báo cho Đức Giê-su biết. Cách giải quyết của Đức Giê-su là ở lại thêm hai ngày sau khi nghe tin La-da-rô bị bệnh. Lúc này Đức Giê-su đang ở ngoài Giu-đê. Phần mở đầu (A. 11,1-6) song song với phần kết (A’. 11,54), Đức Giê-su rời khỏi đó đi vào vùng gần hoang địa. Phần B. 11,7-16 là đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ về việc La-da-rô chết. Đức Giê-su quyết định trở lại Bê-ta-ni-a trong bối cảnh Người đang bị những người Do Thái tìm ném đá (11,8). Tô-ma động viên các đồng môn cùng đi để chết với Thầy (11,16). Như thế, phần B trình bày hai ý tưởng song song: La-da-rô đã chết còn Đức Giê-su đang bị đe doạ giết chết.  Phần B (11,7-16) song song với B’ (11,47-54) nói về việc Thượng Hội Đồng quyết định giết Đức Giê-su. Phần trọng tâm của cấu trúc C. 11,17-46 là lúc Đức Giê-su ở Bê-ta-ni-a. Phần này có hai chi tiết quan trọng: (a) lời mặc khải của Đức Giê-su ở 11,25-26 được minh hoạ bằng (b) dấu lạ gọi La-da-rô ra khỏi mồ (11,43).

II. Ý nghĩa “chết và sống”

Bản văn 11,1-54 nói về “chết và sống” của La-da-rô nên được trình bày trước. Kế đến bản văn cũng cho biết Đức Giê-su đang bị đe doạ ném đá và Thượng Hội Đồng quyết định giết Đức Giê-su nên “chết và sống” của Người được trình bày trong điểm tiếp theo. Cuối cùng tổng hợp hai điểm trên để nói về “chết và sống” của người tin.

  1. “Chết và sống” của La-da-rô

Trong Tin Mừng, nhân vật La-da-rô chỉ xuất hiện ở đoạn văn 11,1-54 và đầu ch. 12 (12,1-11). Người thuật chuyện kể về La-da-rô, nhưng chính La-da-rô lại không hề lên tiếng trong bản văn, anh ấy không đối thoại trực tiếp hay gián tiếp với bất kỳ ai. Anh hiện diện trong bản văn như lời chất vấn dành cho các nhân vật khác về ý nghĩa “sự chết” và “sự sống”. Những gì được kể lại liên quan đến La-da-rô trong Ga 11–12 là “bị bệnh” (11,1), “chết” (11,14), “sống lại” (11,43), “ăn” (12,2), rồi lại chuẩn bị “chết” (12,10). Vậy “chết và sống” của anh ấy có ý nghĩa gì? Ba điểm sau bàn về sự hiện diện im lặng của anh ấy trong bản văn: (1) các nhân vật nói về cái chết của La-da-rô; (2) anh ấy sống lại để rồi chết; (3) nguyên lý của Đức Giê-su: “chết” để “sống”.

(1) La-da-rô không lên tiếng nhưng lại hiện hiện trong suốt đoạn văn 11,1-54. Ý tưởng La-da-rô sẽ chết được nhắc tới ngay từ phần dẫn nhập câu chuyện. Đức Giê-su nói: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng…” (11,4). Từ “nhưng” báo trước anh ấy sẽ chết. Trong phần tiếp theo câu chuyện, cái chết của La-da-rô trở thành đề tài để các nhân vật nói về anh ấy hay nói với nhau về sự chết. Bản văn dành phần quan trọng để trình bày cảm nhận của người sống (Đức Giê-su, Mác-ta, Ma-ri-a, những người Do Thái, đám đông) trước cái chết của La-da-rô.

(2) Đức Giê-su gọi La-da-rô ra khỏi mồ (11,43), nhưng sự sống lại của anh ta chỉ là ánh sáng loé lên trong đêm tối. Quả thế, việc La-da-rô chết được bàn đến trong 42 câu (11,1-42), trong khi dấu lạ gọi La-da-rô ra khỏi mồ chỉ mô tả trong 2 câu (11,43-44). Hơn nữa, La-da-rô sống lại kéo theo hai cái chết khác. Thượng Hội Đồng quyết định giết Đức Giê-su (11,53); và các thượng tế quyết định giết cả La-da-rô, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su (12,10-11). Vậy Đức Giê-su làm cho La-da-rô sống lại để rồi chính Người và La-da-rô phải đối diện với cái chết. La-da-rô chết, sống lại, để rồi lại chết vì sự sống lại của mình. Nhân vật La-da-rô xuất hiện với cái chết thứ nhất vì bệnh, và kết thúc bằng cái chết thứ hai vì quyết định của các thượng tế.

(3) Theo mạch văn, ch. 11 nhấn mạnh cái chết thứ nhất (chết vì bệnh) của La-da-rô (11,1-42) và ch. 12 nói đến cái chết thứ hai của anh (12,10-11). “Sự chết” được đề cao vì nó phù hợp với nguyên lý “chết để sống” mà Đức Giê-su đề ra ở 12,24-25: “24 A-men, a-men, Thầy bảo anh em: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu chết đi, nó sinh nhiều hạt. 25 Ai yêu mạng sống mình sẽ mất nó; ai ghét mạng sống mình trong thế gian này, sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.” Nguyên lý “chết đi để sinh nhiều hạt” được áp dụng trước tiên cho Đức Giê-su, Người sẽ chết vì sự thù ghét của thế gian, nhưng Người sẽ chiến thắng: qua biến cố thập giá, Đức Giê-su đi về với Cha, Người được tôn vinh.

Vậy câu chuyện La-da-rô để lại nhiều câu hỏi cho độc giả: Tại sao Đức Giê-su làm cho La-da-rô sống lại để rồi chính vì sự sống lại đó, anh ấy lại phải chết? La-da-rô ra khỏi mồ là dấu lạ lớn lao, nhưng để làm gì? Dấu lạ này nói về điều gì và cho ai? Phân tích về “chết và sống” của Đức Giê-su soi sáng những câu hỏi trên.

  1. “Chết và sống” của Đức Giê-su

Từ ch. 11, Đức Giê-su không còn tranh luận trực tiếp với những kẻ chống đối Người nữa. Trong các ch. 11–12, Đức Giê-su bắt đầu mặc khải ý nghĩa sự chết và sự sống lại của Người. Trong bối cảnh này, phần sau phân tích ba điểm: (1) La-da-rô đã chết, còn Đức Giê-su, Người đang bị đe doạ giết chết; (2) La-da-rô sống lại dẫn đến quyết định giết Đức Giê-su; (3) chính Đức Giê-su là sự sống.

(1) Đầu ch. 11, La-da-rô đã chết (11,14), còn Đức Giê-su đang bị đe đọa giết chết. Các môn đệ nói với Người: “Thưa Ráp-bi, mới đây những người Do Thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại  đi đến đó sao?” (11,8). Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã bị bách hại từ ch. 5 (5,18). Việc những kẻ chống đối tìm bắt Người được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các ch. 7; 8; 10. Đối với các môn đệ, trở lại Bê-ta-ni-a đồng nghĩa với “đi để chịu chết”, như Tô-ma đã nói với các bạn đồng môn ở 11,16: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để chết với Thầy.”

(2) Sau dấu lạ gọi La-da-rô ra khỏi mồ, Thượng Hội Đồng quyết định giết Đức Giê-su (11,47-53). Điều trớ trêu là người làm cho kẻ chết sống lại thì sắp phải chết. Đức Giê-su có quyền hành trên sự chết nhưng chính Người không tránh khỏi cái chết. Quyết định của Thượng Hội Đồng (11,53) là bước ngoặt trong Tin Mừng. Trước đây những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu tìm cách ném đá và bắt Đức Giê-su nhưng chưa phải là quyết định chính thức của giới lãnh đạo Do Thái. Với quyết định này, Đức Giê-su không tránh khỏi cái chết. Đoạn văn 11,1-54 ở vào cuối sứ vụ Đức Giê-su, cái chết của La-da-rô gợi đến cái chết của Người sắp xảy ra.

(3) Đoạn văn 11,1-54 không chỉ nói về sự chết của Đức Giê-su mà còn mặc khải về sự sống lại của Người. Người nói với Mác-ta ở 11,25: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.” Nói đến “sống lại” đã hàm ẩn sự chết, nhưng cái chết không nắm giữ được Người, Người sẽ sống lại vì chính Người là sự sống lại, như Người đã nói với những người Do Thái ở 10,18: “Không ai lấy mạng sống Tôi khỏi Tôi, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh nó. Tôi có quyền hy sinh nó và Tôi có quyền lấy lại nó. Tôi đã nhận mệnh lệnh này từ nơi Cha của Tôi.” Để minh chứng cho điều này, Đức Giê-su gọi La-da-rô ra khỏi mồ. Việc La-da-rô sống lại báo trước Đức Giê-su sẽ sống lại. Nói cách khác, qua “chết và sống” của La-da-rô, Đức Giê-su nói về “chết và sống” của chính Người. Dấu lạ La-da-rô sống lại là dấu chỉ, nghĩa là Đức Giê-su không sống lại theo kiểu như La-da-rô: sống lại về thể lý để rồi lại chết. Sự sống lại của Đức Giê-su là sự sống mới, không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Đó là sự sống của Thiên Chúa. Người về với Cha, đồng thời ở trong các môn đệ, như Người đã nói ở 14,20: “Trong ngày đó, anh em sẽ biết rằng: Thầy ở trong Cha của Thầy, anh em trong Thầy và Thầy trong anh em.”

Tóm lại, “chết và sống” của Đức Giê-su đan vào nhau. Người là sự sống lại và là sự sống, nhưng lại sắp phải chết. Người làm cho La-da-rô trỗi dậy sau khi chết bốn ngày, nhưng chính Người không tránh khỏi cái chết. Đề tài “chết và sống” của La-da-rô nói lên ý nghĩa “chết và sống” của Đức Giê-su. Hơn nữa, đoạn văn 11,1-54 không chỉ liên quan đến La-da-rô và Đức Giê-su, mà còn là mặc khải quan trọng về  “chết và sống” của người tin.

  1. “Chết và sống” của người tin

Đề tài “chết và sống” của người tin có ý nghĩa thiết thực vì liên quan đến cuộc đời độc giả. Ý nghĩa câu chuyện được trình bày qua sáu điểm: (1) đối với La-da-rô, chết là điều tự nhiên của thân phận làm người; (2) đối với người tin, chết là ngủ; (3) bế tắc và giấc mơ của con người trước cái chết; (4) qua nhân vật Mác-ta, độc giả được mời gọi đi xa hơn niềm tin tuyền thống; (5) Đức Giê-su làm điều không ai dám nghĩ tới để mời gọi độc giả tin; (6) như các môn đệ, người tin được mời gọi can đảm đón nhận cái chết trong hoàn cảnh bị bách hại vì tin vào Đức Giê-su.

(1) La-da-rô chết vì bệnh là cái chết bình thường của thân phận con người. Đức Giê-su không can thiệp vào tiến trình sống và chết thể lý. Sứ vụ của Người không phải là cứu con người khỏi chết thể lý. Việc Đức Giê-su không đến cứu La-da-rô là lời mời gọi con người chấp nhận sự chết thể lý như là điều tất yếu của thân phận làm người. Dấu lạ gọi La-da-rô ra khỏi mồ không đề cao sự sống thể lý, vì La-da-rô sống lại để rồi chết. Hơn nữa, chính Đức Giê-su cũng không đi ngược lại tiến trình sống và chết. Người sống trọn vẹn thân phận làm người. Người đón nhận cái chết mà những kẻ chống đối áp đặt cho Người.

(2) Khi nói với các môn đệ: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; nhưng Thầy đi để đánh thức anh ấy” (11,11), Đức Giê-su dùng từ “ngủ” để nói về sự chết thể lý. La-da-rô đã chết mà Đức Giê-su lại nói là ngủ. Phải chăng đối với những người được gọi là “bạn của Đức Giê-su” thì chết về thể lý chỉ là giấc ngủ? Câu này giúp người đọc hiểu lời Đức Giê-su nói với Mác-ta ở 11,25: “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống.” Người tin vào Đức Giê-su thì chết về thể lý không còn gọi là chết nữa mà là “giấc ngủ”. Nhưng các môn đệ không hiểu, Mác-ta cũng không hiểu lời Đức Giê-su. Phải chờ đến lúc La-da-rô ra khỏi mồ thì các nhân vật trong câu chuyện và nhất là độc giả mới có đủ các yếu tố để hiểu những lời Đức Giê-su đã nói.

(3) Câu chuyện cho thấy cái chết của La-da-rô là một mất mát không thể bù đắp. Sự chết là bức tường ngăn cách không thể vượt qua. Nơi ở của người chết là phần mộ, Mác-ta đã từ chối mở phiến đá vì tử thi đã “nặng mùi” sau bốn ngày (11,39). Sau khi La-da-rô chết, những gì còn lại là nỗi đau mất mát. Những người Do Thái đến để an ủi (11,9) và chia buồn (11,31). Trước sự chết, con người chỉ còn biết khóc thương. Phiến đá che mộ nói lên sự chia ly, ngăn cách giữa người sống và người chết. Thái độ của Mác-ta và Ma-ri-a trong câu chuyện là hai thái độ khác nhau của con người trước sự chết. Trong đoạn văn, không thấy Mác-ta khóc, nhưng Ma-ri-a khóc. Mác-ta trao đổi và tuyên xưng đức tin với Đức Giê-su, còn Ma-ri-a thì không. Mác-ta tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại trong ngày sau hết. Còn Ma-ri-a diễn tả nỗi đau mất mát trước cái chết bằng nước mắt. Cả hai đều bất lực trước khoảng cách giữa sống và chết.

Giấc mơ muôn thuở của con người là tránh khỏi cái chết. Khi La-da-rô chưa chết, hai chị em sai người đến báo cho Đức Giê-su, với hy vọng Người sẽ cứu cho La-da-rô khỏi chết. Khi La-da-rô đã chết rồi thì chỉ còn lại nuối tiếc. Cả hai chị em đều nói câu đầu tiên với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết” (11,21.32). Những người Do Thái cũng chỉ biết thốt lên: “Ông ấy đã mở mắt cho người mù lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết sao?” (11,37). Họ nói về khả năng “làm cho La-da-rô khỏi chết”, còn bây giờ đã chết rồi, không ai dám nghĩ đến việc anh ta sẽ sống lại.

(4) Đứng trước sự chết, con người tin vào sự sống lại trong ngày sau hết. Niềm tin truyền thống này được thể hiện qua trao đổi giữa Đức Giê-su và Mác-ta (11,21-27). Xem ra Mác-ta ở vào tư thế chủ động và xác tín niềm tin của mình. Khi Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại” (11,23), Mác-ta thưa: “Con biết rằng em con sẽ sống lại, trong sự sống lại vào ngày sau hết” (11,24). Độc giả biết là Mác-ta đã không hiểu đúng lời Đức Giê-su. Người muốn nói La-da-rô sẽ sống lại ngay bây giờ thì Mác-ta lại hiểu là sống lại trong ngày sau hết. Khi Đức Giê-su nói với chị ấy: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin điều đó không?” (11,25-26), Mác-ta trả lời: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin rằng Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (11,27). Nhưng Mác-ta đã không hiểu ý nghĩa lời Đức Giê-su, vì khi Người nói với chị: “Đem phiến đá này đi” (11,39a), chị từ chối và nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì đã bốn ngày” (11,39b). Mác-ta không hề nghĩ là em chị sẽ sống lại ngay bây giờ.

Khi Đức Giê-su nói với Mác-ta ở 11,40: “Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (11,40), Người mời gọi Mác-ta và độc giả đi xa hơn niềm tin truyền thống. Độc giả nhận ra rằng lời tuyên xưng của Mác-ta về sự sống lại trong ngày sau hết (11,24) và về Đức Giê-su là “Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (11,27) cũng là tuyên xưng niềm tin của cộng đoàn Gio-an và của Ki-tô hữu. Tuy nhiên qua sự hiểu lầm của Mác-ta, bản văn dẫn người đọc đi xa hơn và hiểu đúng hơn mặc khải của Đức Giê-su về sự sống lại.

(5) Đối diện với sự chết, Đức Giê-su đã làm điều không ai dám nghĩ tới: gọi La-da-rô ra khỏi mồ. Dấu lạ này là niềm vui bất ngờ và lớn lao cho mọi người. Theo mạch văn, niềm tin của Mác-ta đã tiến thêm một bước dài sau khi thấy em cô ra khỏi mồ. Như thế, mục đích câu chuyện là mời gọi những người chứng kiến dấu lạ và độc giả tin vào lời Đức Giê-su ở 11,25-26a (trích dẫn trên đây). Nội dung niềm tin gồm hai khía cạnh: (1) Về đối tượng của lòng tin, đó là tin vào Đức Giê-su (11,45), tin rằng Chúa Cha đã sai Người (11,42), tin Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống (11,25), tin Người có quyền hành trên sự chết, dù sẽ chết nhưng Người sẽ sống lại. (2) Về phía người tin, ai tin vào Đức Giê-su thì không còn phải chết nữa vì đã có sự sống đời đời ngay bây giờ chứ không phải chờ đến ngày sau hết. Trước sự bế tắc của con người khi đối diện với sự chết, lời Đức Giê-su là niềm hy vọng lớn lao cho độc giả. bản văn cho thấy “chết và sống” của La-da-rô là dấu chỉ về “chết và sống” của người tin. Việc La-da-rô ra khỏi mồ không chỉ liên quan tới anh ấy, mà liên quan đến sự sống đích thực của mọi người.

(6) Về phía các môn đệ, các ông sẽ cùng chịu chung số phận với Thầy. Các ông sẽ bị bách hại và bị đe doạ giết chết vì đã tin vào Đức Giê-su. Trong ch. 11, Tô-ma động viên các bạn đồng môn cùng đi để chết với Thầy (11,16). Trước khi bước vào cuộc Thương khó, Đức Giê-su cho các môn đệ biết ở 16,2: “Họ sẽ làm cho anh em trở thành những người bị khai trừ khỏi hội đường. Sẽ đến giờ, kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.” Đức Giê-su không cứu các môn đệ khỏi cái chết thể lý như La-da-rô. Vậy việc La-da-rô sống lại có ý nghĩa gì cho các môn đệ?

Ngay đầu đoạn văn 11,1-54, Đức Giê-su hé mở ý nghĩa việc Người sắp làm. Người nói với các môn đệ ở 11,15: “Thầy mừng cho anh em, để anh em tin, Thầy đã không có mặt ở đó.” Mục đích của dấu lạ là “để anh em tin”. Tin ở đây không chỉ là tin vào sự sống lại trong ngày sau hết như Mác-ta, nhưng là tin vào sự sống đời đời ngay ở đời này (11,25-27). Dấu lạ La-da-rô ra khỏi mồ trở thành sự khích lệ và động viên các môn đệ trong hoàn cảnh bị bách hại. Dù bị bách hại đến chết, người môn đệ vẫn được sống. Chứng kiến La-da-rô ra khỏi mồ, người tin có thêm sức mạnh để sống quy luật hạt lúa mì gieo vào lòng đất: “chết” để “sống” (12,24). La-da-rô sống lại là bảo chứng để người tin dám hy sinh mạng sống mình để giữ sự sống đích thực như Đức Giê-su nói ở 12,25: “Ai yêu mạng sống mình sẽ mất nó; ai ghét mạng sống mình trong thế gian này, sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.” Dấu lạ La-da-rô ra khỏi mồ là niềm vui thực sự cho người tin về “chết” (sự chết thể lý) và “sống” (sự sống đời đời). Bản văn mời gọi độc giả nhận ra quà tặng sự sống này trong hoàn cảnh bị bách hại vì niềm tin vào Đức Giê-su. Đồng thời dám sống trọn vẹn thân phận làm người, không thất vọng khi đối diện với cái chết thể lý của người thân và của chính mình, cái chết mà Đức Giê-su gọi là “giấc ngủ”.

Kết luận

Bài viết đã phần nào trả lời ba câu hỏi trên.

(1) Tại sao Đức Giê-su không đến cứu La-da-rô? Người không đến cứu La-da-rô không phải vì không thương gia đình này, nhưng Người không muốn can thiệp vào quy luật sống, chết thể lý của thân phận con người. Đã là người thì không ai tránh khỏi cái chết. La-da-rô được sống lại về thể lý cũng không ra ngoài quy luật này, anh ấy sẽ lại chết. Đức Giê-su đã sống thân phận làm người, Người đã chết. Người là Con Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa, Thiên Chúa là Cha của Người, nhưng Người cũng không tránh khỏi cái chết thể lý thì việc La-da-rô chết là chuyện bình thường của đời người. Việc Đức Giê-su không đến cứu La-da-rô trở thành lời mời gọi mọi người can đảm sống thân phận làm người.

(2) Tại sao Đức Giê-su làm cho La-da-rô sống lại? Dấu lạ La-da-rô sống lại là dấu chỉ về sự chết và sống lại của Đức Giê-su. Trong biến cố Thương Khó, sau khi bị bắt và bị tra hỏi, Người không thể giải thích ý nghĩa cái chết của Người cho các môn đệ được nữa. Nên qua dấu lạ gọi La-da-rô ra khỏi mồ, Đức Giê-su báo trước sự sống lại của Người. Đức Giê-su bày tỏ uy quyền của Người trên sự chết (sự chết của La-da-rô và của chính Người). Sự tôn vinh Thiên Chúa và tôn vinh Con Thiên Chúa ở 11,4.40 cần được nối kết với biến cố thập giá là lúc Đức Giê-su được tôn vinh.

(3) Tại sao Đức Giê-su không làm cho người tin hay thân nhân của người tin sống lại như La-da-rô? Đức Giê-su chia sẻ với ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô (và qua đó với độc giả) thân phận phải chết của kiếp người. Thấy La-da-rô ra khỏi mồ là điều vượt quá mong ước của hai chị em Mác-ta, Ma-ri-a và những người chứng kiến. Hai cô chỉ mong cậu em khỏi chết vì bệnh, nhưng giải pháp của Đức Giê-su trước cái chết của La-da-rô đã giải quyết tận gốc rễ của sự chết. Đó là làm cho người tin sẽ “không bao giờ phải chết” (11,26). Vậy, tình thương của Đức Giê-su không chỉ dành cho ba chị em ở Bê-ta-ni-a vào thời đó mà còn dành cho độc giả qua mọi thời đại. Ai tin thì không còn phải chết nữa. Điều độc đáo là mặc khải của Đức Giê-su đi xa hơn niềm tin truyền thống: tin vào sự sống lại ngày sau hết. Đức Giê-su mời gọi “tin” vào sự sống đời đời ngay bây giờ. Dấu lạ La-da-rô sống lại là dấu chỉ về “chết và sống” của người tin. Trước bế tắc của sự chết, bản văn cho độc giả biết phải làm gì để được sống. Liệu độc giả có dám tin và sống lời Đức Giê-su ở 11,25-26a: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”./.

Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2020/03/ga-111-54-chet-va-song-cua-la-da-ro-uc.html

Trả lời