“Cha hài lòng về con…”

“Cha hài lòng về con…”

“Cha hài lòng về con…”Mùa Giáng Sinh vừa mới khép lại với lễ Hiển Linh. Mọi nhà thờ cũng như tại tư gia, hang đá cùng những biểu tượng về Giáng Sinh được dọn dẹp sạch sẽ. Những nhân vật đi vào dấu ấn của lịch sử cứu độ như: người chăn chiên, mục đồng, các nhà chiêm tinh v.v… không còn được nhắc đến.

Thế nhưng, có một số nhân vật không thể nào quên, trái lại, luôn được nhắc đến, nhắc đến một cách trân trọng trong suốt năm Phụng vụ, đó chính là Đức Maria, thánh Giuse và đặc biệt hơn cả, đó là Hài Nhi Giêsu.

Vâng, Hài Nhi Giê-su, như Kinh Thánh có chép: Người “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2, 40). Và cũng theo lời Kinh Thánh thuật lại, thì, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, Hài Nhi Giê-su, nay được gọi là Giê-su người Na-da-rét, bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng.

Sự kiện Đức Giê-su ra đi rao giảng Tin Mừng đã được một người tên là Gioan lớn tiếng loan báo rằng “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”.

Loan báo là vậy, thế nhưng, khi Đức Giê-su “đến”, Ngài không “làm phép rửa” cho bất cứ ai, nhưng đã để ông Gioan “làm phép rửa” cho Ngài. Câu chuyện này được ghi chép lại trong Tin Mừng Mác-cô. (x. Mc 1, 7-11)

Chuyện kể rằng: “Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Gio-đan”. Nói tới sông Gio-dan, vâng, đây là một con sông gắn liền với lịch sử dân tộc Do Thái cùng biết bao điều huyền diệu.

Điều huyền diệu thứ nhất, đó là, vào thời dân Do Thái thoát khỏi khiếp nô lệ Ai Cập và trong cuộc hành trình về miền đất hứa, khi đến bên bờ sông Giodan, mười hai chi tộc Israel sững sờ chứng kiến Hòm-Bia-Giao-Ước-của-Thiên-Chúa đã biến con sông thành “đất khô cạn cho đến khi toàn dân đã qua hết”. (Gs 3, 17).

Rồi đến thời vua Giô-ram cai trị Ít-ra-en, cũng tại con sông này, quyền năng của Thiên Chúa thêm một lần nữa được vinh danh. Chuyện kể rằng, có một vị tướng của vua Aram là ông Na-a-man. Ông ta mắc chứng bệnh phong hủi. Khi biết rằng: “Một ngôn sứ ở Samari (có thể) chữa ông khỏi bệnh”. Na-a-man đã đến để xin được chữa lành.

Vị ngôn sứ đó chính là Ê-li-sa. Ê-li-sa truyền cho Na-a-man rằng: “Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch”

Sau một chút nghi ngờ, Na-a-man đã thực hiện lời chỉ dẫn đó, ông ta “Dìm mình bảy lần trong sông Giodan…”, huyền diệu thay! “Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ”. Chuyện kể rằng “Ông đã được sạch” (2V 5,14).

Và hôm nay, hôm Đức Giê-su chịu phép rửa, sông Giođan lại chứng kiến thêm một điều huyền diệu. Một cuộc thần hiện đã xảy ra khi Đức Giêsu “vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình”. Vui mừng thay! Hôm đó, có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (x. Mc 1, 10-11)

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Vâng, Thiên Chúa đã “hài lòng” trước một Giê-su được “đặt làm giao ước với (muôn) dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”, hài lòng trước một Giê-su, “vốn dĩ là Thiên Chúa”, thế mà, “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”, và cuối cùng, hài lòng trước một Giê-su, chấp nhận “dìm-mình-xuống” để gánh-lên-tội-lỗi-trần-gian.

Hôm nay, nhắc lại biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, có bao giờ chúng ta nghĩ tới Bí Tích Rửa Tội mà chính chúng ta đã lãnh nhận!

Vâng, thật cần thiết để nhớ lại ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhớ lại để chúng ta tái-khám-phá một ân sủng; mà có thể vì những bụi-bặm-trần-gian, những đam-mê-trần-thế… đã làm lu mờ cái giá trị chúng ta được trở nên “con Thiên Chúa”.

Muốn vậy, muốn tái khám phám một ân sủng, ân sủng được trở nên con-Thiên-Chúa, trước hết, chúng ta phải hiểu rằng, “Bí Tích Rửa Tội” là bước đầu trong cuộc hành trình của chúng ta về Giêrusalem mới. Đang lúc cuộc hành trình của chúng ta chưa đến đích. Nhà thờ, nơi chúng ta đến thờ phượng, chính là Giêrusalem tại thế của chúng ta.

Vâng , thật mỉa mai khi chúng ta đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội nhưng lại không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, Lm Charles E.Miller nói; “cũng giống như tay chơi vĩ cầm mà chẳng bao giờ mó tới cây đàn của mình”…

Quy tụ nơi đây, nơi nhà thờ, chúng ta được đồng hành cùng Đức Giêsu qua Thánh Thể. Luôn được nghe Lời Ngài, qua phần đọc Phúc Âm, soi bước chúng ta đi.

Muốn vậy, muốn tái khám phám một ân sủng, ân sủng được trở nên con-Thiên-Chúa, chúng ta cần cảm nghiệm rằng, Bí-Tích-Rửa-Tội, theo lời Lm Charles E.Miller chia sẻ trong một bài giảng, rằng: “hiệp nhất chúng ta với Đức Ki-tô cách mật thiết đến nỗi định mệnh của Người cũng là của chúng ta”.

Vâng, nói theo cách thánh Phao-lô nói, thì, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chính là lúc chúng có được một đời sống mới. Một đời sống, “không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Đức Kitô sống trong tôi… tôi sẽ không coi Bí Tích Rửa Tội như là một thủ-tục-hành-chánh để gia nhập đạo Công Giáo, hoặc tệ hơn là để “kết hôn”, rồi sau đó là “tôi lấy được vợ (chồng) tôi thôi nhà thờ”.

Đức Kitô sống trong tôi… tôi mới có thể “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, dĩ nhiên, không phải cây thập tự bằng gỗ như cây thập tự xưa Đức Giê-su đã gánh vác lên Golgotha, nhưng là cây thập-tự-bác-ái, cây-thập-tự-nhẫn-nhục, cây-thập-tự-từ-tâm, cây-thập-tự-trung-tín, cây-thập-tự-hiền-hòa, cây-thập-tự-tiết-độ.

Trong một xã hội cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa hưởng thụ, một nền văn hóa sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, một nền văn hóa giả dối, gian lận v.v… có thể chúng ta cho là khó thực hiện những yêu cầu nêu trên. Có thể chúng ta cho rằng, một con én không làm nên mùa xuân, nếu chỉ có mình tôi thực hiện, cũng khó “ép phê”, khó được mọi người hưởng ứng…

Đừng nản lòng, một con én không làm nên mùa xuân, nhưng cũng đủ để báo hiệu mùa xuân đã về. Cũng vậy, như một “cái cân mẫu” đặt giữa chợ, có thể rất ít người đi chợ sử dụng đến nó, thế nhưng, nhờ có nó, những người bán hàng trong ngôi chợ đó cũng phải dè dặt trong việc cây đo đong đếm cho bạn hàng.

Hơn nữa, chúng ta đừng quên rằng, những cây thập tự nêu trên, thánh Phaolô gọi bằng một từ ngữ rất mỹ miều, đó là “Hoa quả của Thần Khí” (x. Gl 5,22).

Vác “hoa quả của Thần Khí” trên vai, có khác nào chúng ta đang cùng “Thần Khí mà tiến bước”. Cùng “Thần Khí mà tiến bước”, chính là phương cách tốt nhất để chúng ta “được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn”. Mà, như tông đồ Phaolô nói “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (x.Rm 8, 14).

Thưa bạn, bạn đã “chịu phép rửa”? Nếu đã, như vậy, chúng ta “đều là con cái Thiên Chúa”. Là con cái Thiên chúa, chúng ta phải là “cái cân mẫu” giữa “chợ đời”, dẫu cho nơi cái chợ đời đó đầy dẫy thương đau, đầy dẫy hận sầu,   đầy những khoe khoang, đầy những điêu tàn…

Bởi vì, chính cái cân mẫu đó, cái cân mẫu mang nhãn hiệu “Giê-su Ki-tô”, sẽ có lúc được sử dụng để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Nói cách khác, nhìn vào “cái cân mẫu” đó, sẽ có ngày, có một ai đó bất chợt thốt lên, thốt lên rằng “Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu… Tôi muốn cười vào những khoe khoang. Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn” .

Vâng, là con cái Thiên chúa, chúng ta phải là “cái cân mẫu” giữa “chợ đời”, bởi vì, nhờ đó, chắc chắn Đức Giêsu sẽ nói với chúng ta, rằng:

“Con là con yêu dấu của Cha”. Và hơn thế nữa, ngày Thầy Giêsu trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, hãy tin, Ngài sẽ chỉ vào ta mà nói: “Ta hài lòng về con”.

Petrus.tran

Trả lời