Cana … một chút rượu tình.

 

Cana … một chút rượu tình.

 

Cana … một chút rượu tình.Kể từ khi gia đình Thánh gia từ Ai cập hồi hương về Nazareth thuộc miền Galilê. Cuộc sống của Đức Giêsu được mô tả như là một cuộc sống âm thầm, ẩn dật tại quê nhà.. Nếu có gì để nói thì cũng chỉ có thể tóm tắt về Đức Giêsu rằng Ngài là một người con luôn biết “vâng phục cha mẹ”. Mỗi ngày : “càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 51-52).

Cho đến khi Đức Giêsu : “trạc ba mươi tuổi” (Lc 3,23) và bắt đầu khởi sự sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sự xuất hiện của Đức Giêsu ngay lập tức được : “đồn ra khắp toàn vùng lân cận” (Lc 4, 14). Sự đồn đãi đó không chỉ bởi do những bài thuyết giảng của Ngài đầy những  : “lời hay ý đẹp” nhưng còn bởi một phép lạ vô tiền khoáng hậu mang đậm nét tình người.

Chuyện được kể rằng : “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miềm Galilê”. Xét về mặt địa lý. Galilê xưa kia là miền bắc Israel . Nơi được coi như là “ngã tư quốc tế”. Gọi như thế vì ở nơi đây có rất nhiều người, từ khắp mọi miền trong nước lui tới giao thương buôn bán. Galilê cũng là nơi Đức Giêsu chọn làm thí điểm đầu tiên là Caphanaum để truyền giáo.

Hôm nay, tại đây có một bữa tiệc cưới : “Đức Giêsu và các môn đệ được mời tham dự”. Quan sát trong bữa tiệc, người ta cũng thấy : “có thân mẫu Đức Giêsu” (Ga 2, 1-2).

Trong khi đôi tân hôn đang : “ Tay đan tay nhịp bước đi”.. từng bàn..từng bàn. Và toàn thể quan khách đang hưng phấn hò hét : Nào cạn ly “mừng đôi uyên ương, xây tổ ấm trên cành yêu đương” (trích nhạc phẩm : Ly rượu mừng). Thì nhà đám bỗng dưng nhốn nháo… Hóa ra là : “Họ hết rượu”. Ôi ! tệ thật ! Quả là một vấn đề nan giải cho đôi tân hôn !!

Đối với người Do Thái –  trong sinh hoạt hằng ngày – họ không uống trà, nước ngọt, hoặc là bia. Nhưng họ uống rượu… một loại rượu được ép từ trái nho. Ngày thường còn như thế, huống chi hôm nay là tiệc cưới. Với phong tục Do Thái; hết rượu trong tiệc cưới là một điềm gở. Và đôi tân hôn chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Mất mặt là một chuyện, sự xui xẻo của đời sống lứa đôi trong tương lai còn quan trọng hơn. Chẳng biết đôi tân hôn có chạy đến nói với thân mẫu Đức Giêsu : “khấn xin Mẹ thương dắt dìu” cho bữa tiệc của họ đừng gặp chuyện “xúi quẩy” hay không ! Nhưng theo lời kể lại của đám gia nhân thì “thân mẫu Người” đã dặn họ rằng : Đức Giêsu “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).

Câu chuyện kết thúc có hậu. Đám gia nhân đã nghe theo lời Đức Giêsu. Họ   : “đổ đầy nước vào chum”. Tất cả là “sáu chum đá… mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước”. Và : “Khi người quản tiệc nếm thử” – kinh ngạc thay  –  “nước đã hóa thành rượu” (Ga 2,9)…

Một chút tâm tình.

Có bao giờ chúng ta thắc mắc và tự hỏi rằng : Tại sao Đức Giêsu không làm

một phép lạ nào khác; mà Ngài lại làm phép lạ nước-hóa-thành-rượu ? Chữa một người bệnh nan y; cho một người chết sống lại, đuổi quỷ ra khỏi một người v.v… những công việc này có phải là cần thiết và quan trọng hơn sao?

Và tại sao Đức Giêsu lại chọn một đám tiệc cưới mà không phải là một nơi khác.!Tại  Giêrusalem chẳng hạn ! Nơi rất đông người qua lại để cho nhiều người biết đến phép lạ của mình !!!

Thưa rằng : Nói đến “đám cưới” ai trong chúng ta lại không nghĩ đến đây là sự khởi đầu cho một cuộc sống hôn nhân gia đình. Và sự khởi đầu của cuộc sống đó  ít nhiều cũng có những âu lo, thử thách, những nan đề đang chờ đón đôi tân hôn.

Chúng ta thường nói : Gia đình là nền tảng của xã hội và hơn nữa của Giáo Hội. Một gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hòa. Điều tất yếu đó là : sẽ có một xã hội tốt đẹp; một Giáo Hội vững mạnh trong niềm tin.

Chắc hẳn chúng ta không quên “đôi uyên ương” đầu tiên nơi vườn Eden . Khi Adam và Eva đánh mất mối dây liên kết là tình yêu thương : “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (Stk). Lập tức hạnh phúc lứa đôi của họ bị rạn nứt. Adam phủ nhận vợ mình bằng một câu nói lạnh lùng : “Cái con mụ đàn bà Ngài cho ở với con…”. Cho-ở-với-con… thế đấy ! Con đâu có đòi !!! Một  “rổ-kết-từ” tại…bị… xuất hiện trong đầu Adam. Hận thù và chết chóc xuất hiện trong gia đình. Cain “xử đẹp” Abel là người em của mình chỉ vì anh ta mất tình yêu thương.

Chương trình tốt đẹp của Thiên Chúa – dành cho con người -ngay từ đầu – đã bị  phá hỏng bởi gia đình Adam và Eva. Chính tại gia đình này nền tảng đạo đức của xã hội bị lung lay. Dẫn đến một kết cuộc là toàn thể nhân loại – khởi đi từ mỗi gia đình – đi vào con đường tội lỗi.

Trở lại câu chuyện “Tiệc cưới Cana ”. Dưới lăng kiếng thần học; hết rượu trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.

Chính vì thế, sự kiện Đức Giêsu xuất hiện tại một gia đình; trong tiệc cưới Cana và làm phép lạ nước-hóa-thành-rượu như khẳng định một điều rằng : Trong đời sống hôn nhân gia đình; không có vấn đề nan giải nào là không thể giải quyết được nếu có Thiên Chúa ở đó.

Phải chăng đó cũng là cách mà Đức Giêsu muốn nhắc lại một thông điệp mà xưa kia Thiên Sứ Chúa đã nói với Maria; cũng tại thành Galilê này. Rằng : “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Một phút suy tư..

Khởi đầu cho cuộc sống hôn nhân; đôi uyên ương tại Cana đã gặp phải vấn đề nan giải : “hết rượu”. Sự can thiệp kịp thời của Đức Giêsu – với tư cách khách mời – chắc hẳn đã đem lại cho họ niềm vui khó tả. Thế nhưng, liệu niềm vui đó có thể thành hiện thực nếu không đặt trọn niềm tin vào Giêsu !!

“Các anh đổ đầy nước vào chum đi… Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc” (Ga 2,7-8). Đó là một mệnh lệnh hết sức vô lý khó mà thực hiện nếu không có niềm tin. (giả như Đức Giêsu hô biến cái gì đó ra thành tiền rồi đưa họ đi mua rượu thì dễ tin hơn phải không, thưa quý vị !!!)

Là con cái Chúa, chúng ta nghĩ thế nào, nếu một lúc nào đó; trong gia đình chúng ta có một vấn đề nan giải, mà Chúa cũng yêu cầu chúng ta thực hiện một hành động đức tin như thế !!!

Vâng lời mới cho chúng ta nhìn thấy kết quả của đức tin. Đức Maria là một tấm gương sáng cho mỗi Kitô hữu chúng ta. Vâng lời đi trước, quyền năng Thiên Chúa sẽ theo sau…Vâng lời một người chồng “ngang ngược”… hay ngược lại – chịu đựng một người vợ lúc nào cũng như “mẹ mướp” cũng khó khăn như  đổ nước lã vào chum và chờ đợi nó hóa thành rượu ngon.

Trong một thế giới đầy biến động như hôm nay. Đời sống của mỗi gia đình đang phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng và tác động rất lớn. Những thay đổi về kinh tế, văn hóa, kỹ thuật v.v.. đã và đang khuynh đảo đến hạnh phúc của mỗi gia đình. Có những đổi thay tốt. Nhưng cũng không ít thay đổi đã phá vỡ hôn nhân gia đình.

Trong một thế giới như thế, nếu hôn nhân của chúng ta chỉ được chứng thực bởi một tờ giấy lộn “đăng-ký-kết-hôn” thì không sớm cũng muộn; hạnh phúc gia đình sẽ tan vỡ. Chuyện ông-ăn-chả-bà-ăn-nem không xảy ra mới là chuyện lạ !!! Ly dị chỉ là vấn đề thời gian…

Nhưng nếu hôn nhân của chúng ta được ràng buộc bởi tình yêu trong niềm tin “thật sự” vào Thiên Chúa. Chắc chắn đó sẽ là một hôn nhân “bất khả phân ly”. Bởi ở đó, chúng ta không uống một thứ rượu được hóa từ nước lã. Nhưng được kết-hợp-từ-hai-thành-một bởi một thứ rượu được Con Thiên Chúa ban cho bằng chính giá máu của Ngài. Đó chính là “Mình-Máu-Thánh-Chúa” qua Bí-tích-Thánh-Thể. Một thứ rượu-yêu-thương, rượu-tha-thứ, rượu-chia-sẻ-và-quên-mình,  rượu-xây-dựng-và phục-tùng và hơn thế nữa – một thứ rượu-hy-sinh-liều-mạng-sống-mình-vì-người-mình-yêu…. Amen.

Petrus.tran

Trả lời