Cảm nhận sau mấy ngày dự Đại Hội Dân Chúa

Cảm nhận
Sau mấy ngày dự Đại Hội Dân Chúa

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133. 1)


Cảm nhận sau mấy ngày dự Đại Hội Dân ChúaĐúng vậy, trong mấy ngày tham dự Đại Hội Dân Chúa vừa qua, tôi cảm thấy vui mừng khôn tả khi được “sống chung một nhà” như gia đình với các vị chủ chăn trong giáo hội. Chúng tôi đã đón nhận được rất nhiều Hồng Ân Chúa ban :

1)-Trước hết, Chúa cho chúng con được gặp nhau. Có thể nói, trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ xưa đến nay, suốt 50 năm, từ ngày thành lập hàng Giáo Phẩm, đây là đại hội dân Chúa đầu tiên (gặp gỡ hiệp thông yêu thương và phục vụ giữa các thành phần dân Chúa trong Giáo Hội). Hơn 30 giám mục, các bề trên dòng, các cha Tổng đại diện và khoảng hơn 150 giáo dân trong các giáo phận từ bắc đến nam, cùng “sống chung “trong một ngôi nhà Giáo Hội. Trong suốt thời gian này, bầu khí gia đình đã bao trùm lên cả đại hội. Những đại biểu , không phân biệt hàng giáo phẩm và giáo dân, cùng đọc kinh, cùng dâng thánh lễ, cùng chầu mình thánh Chúa, cùng chia sẻ với nhau những ý kiến, những suy tư về Mầu Nhiệm-Hiệp Thông và Sứ Vụ của Giáo Hội để từ đó xây dựng một Giáo Hội hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.

2)-Chúa cho chúng con được hiệp thông, yêu thương, phục vụ như gia đình. Trong suốt 5 ngày đại hội, tôi được gặp gỡ các giám mục, các đan viện phụ, các linh phụ, các linh mục, nữ tu bề trên các dòng, các linh mục và anh em giáo dân từ Lạng Sơn đến Minh Hải…Tất cả cùng ngồi chung một bàn cơm, cùng thảo luận trong một nhóm và cùng chia sẻ những ưu tư của mình về đường hướng của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Suốt thời gian đại hội, vẫn không thiếu những tiếng cười, những giọng hát của các vị giám mục tạo ra khi đọc tham luận, hoặc khi điều khiển chương trình.

Tôi thấy mừng nhất là một số giám mục, linh mục nữ tu (già có, trẻ có) đã sử dụng Laptop để báo cáo, ghi chép. Điều đó chúng tỏ rằng các vị chủ chăn đáng kính của chúng ta có “trình độ” về KHKT và về mọi lãnh vực, xứng đáng là niềm tin cậy của giáo dân. Ban tiếp tân do các thầy đại chủng viện và các sơ dòng saint Paul phụ trách, luôn tạo sự hài lòng cho các đại biểu trong suốt thời gian Đại Hội. Khi đón tiếp trong ngày khai mạc, sau khi đăng kí, các đại biểu được các thầy dẫn lên phòng trọ. lo lắng căn dặn mọi thứ. Các thầy cũng trở thành các tiếp viên (không thua gì các nhà hàng) phục vụ các bữa ăn sáng, trưa và tối. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho các thầy, các sơ, những người âm thầm góp vào sự thành công của Đại Hội Dân Chúa.

3)- Chúa cho chúng con thấy rõ được đường đi của Giáo Hội giữa thế giới hôm nay. Một thế giới mà cái “ác” lấn át cái “thiện”. đe dọa lương tâm của con người. Chính trong lúc này, Giáo Hội Việt Nam cần có những canh tân đổi mới:canh tân chính là động lực thúc đẩy hội đồng giám mục Việt Nam triệu tập Đại Hội Dân Chúa. Giáo Hội cần củng cố mối hiệp thông giữa tín hữu với Thiên Chúa và với tha nhân. Người tín hữu phải gắn bó với Thiên Chúa qua bí tích thánh thể và cầu nguyện. Muốn vậy, mỗi giáo xứ cần khuyến khích, tạo điều kiện, giúp đỡ anh chị em tín hữu trực tiếp đọc, học hỏi chia sẻ lời Chúa. Cần khuyến khích giờ đọc kinh chung các gia đình, đặc biệt giờ đọc kinh tối, qua đó xây dựng gia đình là giáo hội tại thế:các thành viên yêu thương và phục vụ nhau, trở thành gương sáng đối với những người chung quanh trong sứ vụ rao giảng lời Chúa.

Nhiều gia đình thánh thiện trong giáo xứ sẽ giúp việc lành mạnh hóa và phát triển môi trường xã hội. Giáo hội phải thi hành sự vụ trong tinh thần đối thoại và cộng tác với người nghèo. Theo công đồng Vatican II, người nghèo không chỉ là đối tượng để Giáo Hội phục vụ, nhưng còn là những chủ thể mà một cách nào đó Thiên Chúa dùng để tin mừng hóa Giáo Hội. Trong bối cảnh đất nước đang chuyển biến mau lẹ, nhiều hình thức nghèo mới về giáo dục, văn hóa, tôn giáo, tình cảm luân lý, kinh tế. . đã nảy sinh và thúc bách Giáo Hội phải bén nhạy hơn để có thể đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của xã hội hôm nay.

4)- Chúa cũng đã soi sáng cho chúng con, người tín hữu, nhận thức được vai trò của mình trong việc hội nhập văn hóa, phát huy sự hiệp thông và tham gia trong đời sống giáo hội. Giáo hội Việt Nam trân trọng, học hỏi, giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng như các tôn giáo bạn. Giáo hội nỗ lực đưa những giá trị cao đẹp của văn hóa đó vào lời kinh, tiếng hát, cử hành phụng vụ, trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong ngôn ngữ, suy tư thần học. Chẳng hạn như việc thờ cha kính mẹ là một truyền thống dân tộc VN. Truyền thống này không những thể hiện trong những ngày giỗ chạp, ngày Tết mà còn được nhắc nhở đến trong lời kinh mỗi ngày của người tín hữu.

Các bài thánh ca được viết theo thể loại bình ca hoặc mang âm hưởng dân tộc, được khuyến khích hát trong phụng vụ nhưng phải đáp ứng yếu tố “cầu nguyện”. Người tín hữu hôm nay cũng được phát huy sự hiệp thông và tham gia trong đời sống giáo hội. Mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi và có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội và chu toàn sứ vụ của Giáo Hội là loan báo Nước Thiên Chúa.

Vì vậy, mỗi tín hữu phải tự hỏi mình đã làm được gì cho giáo xứ của mình chưa ? Đừng đứng ngoài cuộc bình phẩm kết án giáo xứ của mình. Các đoàn thể trong Giáo xứ cần xây dựng trên nền tảng “cầu nguyện”, phục vụ trong sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Có như vậy, mọi người mới xây dựng giáo xứ của mình như một gia đình (dù vai trò cha xứ mang yếu tố quyết định)…

Phêrô Nguyễn Sơn Thạch

 

Cảm nhận sau mấy ngày dự Đại Hội Dân Chúa


Trả lời