Các vị lãnh đạo Nigeria lên án vụ ném đá một nữ sinh Công giáo Nigeria

 

Các vị lãnh đạo Nigeria lên án vụ ném đá một nữ sinh Công giáo NigeriaCác vị lãnh đạo tôn giáo tại Nigeria, kể cả Hồi giáo, đã đồng thanh lên án vụ những người Hồi giáo cực đoan đã ném đá đến chết một nữ sinh Công giáo bị cáo về tội phạm thượng chống Hồi giáo, đồng thời yêu cầu chính quyền bang Sokoto kiểm chứng sự thật để duy trì bình an của đất nước.

Theo các chứng từ, được báo chí địa phương ở Nigeria phổ biến, một nam sinh viên đã công khai tố cáo một nữ sinh tên là Deborah Samuel, đăng ký theo học kinh tế, là đã phổ biến những lời xúc phạm đến Ngôn sứ Muhammad của Hồi giáo, trong cuộc bút đàm của một nhóm sinh viên. Từ cuộc tố cáo này đã bùng lên những hành động điên rồ tập thể tại Học viện Shehu Shagari của bang Sokoto, ở miền tây bắc Nigeria. Những bạn đồng môn Hồi giáo của nữ sinh Kitô ấy đã lôi cô ra ngoài trường, nơi cô chạy vào để lánh nạn, rồi ném đá và thiêu rụi xác của cô.

Nhờ máy thu hình gắn ở địa phương, người ta đã nhận ra các thủ phạm gây ra cái chết kinh khủng này, trong khi chính phủ ra lệnh đóng cửa Học viện này trong thời gian vô hạn định. Các thủ phạm bị bắt giữ.

Tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ bày tỏ sự kinh hoàng vì cuộc ám sát kinh khủng này. Chủ tịch điều hành tổ chức này, ông Thomas Heine-Geldern, ra thông cáo nói rằng: “Tình trạng cực đoan và bạo lực tại Nigeria trong những năm gần đây thật là kinh khủng, làm ớn lạnh. Hầu như mỗi tuần đều có những vụ bắt cóc và hàng chục người chết, nhưng hành vi man rợ này làm cho người ta không nói nên lời. Chúng ta hãy nghĩ đến các gia đình và cộng đoàn Kitô và lời đồng thanh yêu cầu chống lại mọi hình thức cực đoan”.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ nhắc lại rằng từ năm 1999, mười hai bang ở miền bắc Nigeria đã du nhập hình luật Sharia của Hồi giáo, song song với các tòa án đời và tòa án theo tập tục. Nhiều luật Sharia ở miền bắc Nigeria trừng phạt rất nghiêm khắc tội phạm thượng, kể cả bằng án tử hình. Tuy nhiên, luật Sharia ít là bảo đảm một cuộc xét xử công chính mà không phải dùng tới việc trừng phạt tập thể và hành quyết mà không xét xử như vụ xảy ra cho thiếu nữ Công giáo ở bang Sokoto, và vụ này không phải là lần đầu tiên. Sau 20 năm áp dụng luật Sharia, tình trạng ở miền bắc Nigeria trở nên đồi tệ hơn. Bộ tộc và tôn giáo trở thành phương thế hữu hiệu để đạt quyền hành, tài nguyên và đặc ân. Theo Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, luật Sharia càng chia rẽ đất nước Nigeria”.

(Vatican News 14-5-2022)

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA