Các thánh Tử Đạo Việt Nam : Dấu Ấn Cuộc Đời

Các thánh Tử Đạo Việt Nam

DẤU ẤN CUỘC ĐỜI…

Các thánh Tử Đạo Việt Nam : Dấu Ấn Cuộc ĐờiTrong ba năm công khai sứ vụ loan báo Tin Mừng. Bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Đức Giêsu; lập tức nơi đó ít nhiều đều để lại những dấu ấn của Ngài. Và nơi đã để lại dấu ấn đặc biệt nhất trong cuộc hành trình truyền giáo của Đức Giêsu chính là Caphanaum và Giêrusalem.

Thật vậy – nếu ở Caphanaum – những dấu ấn đầy ấn tượng đó – chính là những bài thuyết giảng hùng hồn của Đức Giêsu. Những bài giảng khuấy động lòng người đến nỗi : “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài” (Mc 1,22). Sửng sốt bởi đã được nghe một thứ “giáo lý mới mẻ”. Một thứ giáo lý tràn đầy hồng phúc : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó… Phúc thay ai hiền lành… Phúc thay ai sầu khổ… Phúc thay ai khao khát nên người công chính… Phúc thay ai xót thương người… Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch… Phúc thay ai xây dựng hòa bình… Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính…” (Mt 5,3-10).

Thì ở Giêrusalem; một Đức Giêsu – với những lời mạc khải  về một Thiên Chúa là tình yêu : “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Người Con Một đó : “Vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18). Ngài : “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Để rồi đã trở thành “dấu-ấn-cuộc-đời” cho những : “Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). “Dấu-ấn-cuộc-đời” đã được đóng ấn bởi cái chết treo trên thập giá của chính Con-của-Người là Đức Giêsu  trên đồi Golgotha như để chứng thực cho một chân lý rằng : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình”… (Ga 12,24).

Một chút tâm tình…

Đã hơn hai ngàn năm có lẻ. “Golgotha-nối-dài” vẫn không ngừng tiếp diễn. Vẫn có hàng ngàn người tiếp bước chân Thầy Giêsu lên đồi Canvê. Họ đã “tái-chứng-thực” cho một chân lý mà chính Đức Giêsu đã truyền dạy rằng : “còn nếu (hạt lúa) chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” Ga 12, …24).

Họ đây chính là Phaolô Tông Viết Bường. Khi nghe tin ông bị bắt nhiều giáo hữu đến thăm ông. Ông nói với họ: “Ðem cho tôi cái  gì nặng hơn nữa, vì xiềng xích của tôi còn nhẹ. Người ta chưa đánh đập tôi nhiều, tôi muốn người ta đánh tôi nhiều hơn nữa. Phúc được chịu khó vì Chúa.”. Những lời này cho thấy tâm trạng của người tù Phaolô Tống Viết Bường rất can trường, không chút sợ khổ hình vì Ðức Tin. Ðàn áp bằng đánh đập tàn nhẫn không có kết quả, các quan quay sang dụ dỗ. Ðích thân quan Thượng thư Bộ Hình Võ Xuân Cẩn ra sức khuyến giục Tống Viết Bường nên chiều theo ý vua “bỏ đạo lúc này thôi rồi sau sẽ hay, muốn làm gì thì làm”. Tống Viết Bường trả lời khiêm tốn, nhưng cương quyết “Quan lớn có lòng thương thì tôi cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ trung với Chúa Trời.” (nguồn : internet).

Họ là Phaolô Lê Bảo Tịnh. “Khởi đầu là vị ẩn tu, kết thúc cuộc đời là vị tử đạo. Hai hình ảnh và hai lối sống có vẻ khác biệt nhau. Nhưng đối với một vị ẩn tu thì điều đó có gì là quan trọng. Vấn đề chính đó là niềm tin. Niềm tin vào một Thiên Chúa. Lối sống có thể đổi thay nhưng niềm tin mới là nền tảng chính yếu. Và chính niềm tin đó đã dẫn đưa cuộc đời Ngài từ một ẩn sĩ trở thành linh mục nhiệt thành loan báo Tin Mừng và cuối cùng là phúc tử đạo vinh quang”  (nguồn : internet).

Họ là các thánh tử đạo Việt Nam . Trong đó có 117 vị chính thức được tôn phong mà hôm nay Giáo hội Việt Nam long trọng kính nhớ.

Họ đã trở thành một “Martyr”, một nhân chứng cho tình yêu và chết cho tình yêu như Thầy của mình là Đức Giêsu : “chỉ vì tình yêu đã chịu nhục thân chết cho trần gian… để cứu muôn người lỗi tội đưa về trời đẹp tươi”. (trích nhạc phẩm : Lời vọng tình yêu)

Một phút suy tư…

Hạt giống nào gieo vào lòng đất mà không chết đi ! Vấn đề là nó sẽ chết như thế nào ! Chuyện kể lại rằng : Có hai hạt giống cùng nhau tâm sự.

Hạt thứ nhất nói : “Cầu cho mưa thuận gió hòa để tôi được nảy nở, đơm hoa kết trái, để tôi thành những cành hoa thật đẹp, thật xinh tươi và từ đó người ta mang tôi về chưng tôi ở nơi trang trọng nhất trong nhà”.

Hạt thứ hai bỉu môi tiếp lời : “Chị thật là ngu xuẩn, chị không thấy à ! Chúng ta chưa kịp đơm hoa kết trái, chỉ mới lú mầm thôi, thế là đã bị lũ trẻ con đi ngang dẫm chết rồi ! Chưa kể đàn trâu, đàn bò đi qua, dễ gì thoát khỏi sự giày xéo của chúng. Thôi ! em lăn vào bụi cỏ, cứ nằm ở đó may ra còn sống”.

Ngày tháng trôi qua, hạt thứ nhất trở thành một bông hoa tươi đẹp, còn hạt thứ hai vẫn nằm ủ rũ ở bụi cỏ bên đường.

Một hôm, có một đàn gà đi qua, chúng nó bới tung bụi cỏ, gặp gì ăn nấy, trong đó có hạt giống thứ hai.(Câu chuyện trên do Đức TGM Ngô-Quang-Kiệt kể trong một bài giảng)

Và chắc hẳn mỗi chúng ta đều nhận ra được thông điệp mà câu chuyện trên muốn nói đến.

Đừng quên lời Đức Giêsu đã nói : “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 25). Và hãy nhớ lời Ngài đã phán rằng : “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành co anh em ở trên trời thật là lớn lao” (Mt 5,12).

Petrus.tran

Trả lời