Bộ dòng tu mời gọi gia tăng tình huynh đệ tu trì

 

Bộ dòng tu mời gọi gia tăng tình huynh đệ tu trìNhân Ngày Thế Giới về Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 23, 2-2-2019, Đức TGM José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký Bộ các dòng tu, kêu gọi gia tăng tình huynh đệ trong các cộng đoàn tu trì và bài trừ tinh thần ”giáo phái” đồng hóa bề trên với Chúa.

Trong bài đăng trên báo ”Quan sát viên Roma” (Osservatore Romano) số ra ngày 1-2-2019, nhân ngày Thế giới về Đời Sống Thánh Hiến, Đức TGM Carballo, nguyên là Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô, nhắc lại nguyên tắc cơ bản: ”Thực tại đời sống thánh hiến cũng giống như thực tại một thân mình: mỗi chi thể khác nhau, nhưng tất cả đều cần thiết để họp thành một thân mình hòa hợp” (Xc 1 Cr 12,12-30).

Những thách đố đối với đời tu ngày nay

Rồi Đức TGM nhắc đến nhiều thách đố đang đề ra cho đời thánh hiến ngày nay và nhiều nguy cơ mà những người thánh hiến có thể gặp phải. Trong số những thách đố quan trọng nhất, có thách đố tình hiệp thông và huynh đệ. Và trong số những nguy cơ độc hại nhất, có nguy cơ tinh thần ”giáo phái”.

Đời sống huynh đệ và hiệp thông

Vị Tổng thư ký Bộ các dòng tu kêu gọi các cộng đoàn tu trì tiến “từ một đời sống chung hoặc tuân giữ luật đến một đời sống sống huynh đệ trong đó các tương quan pháp lý giữa các thành viên nhường chỗ cho việc tiến đến sự hỗ tương, tinh thần đồng trách nhiệm, trong đó quyền bính không mặc một hình thức thi hành quyền lực, nhưng là phục vụ, và tất cả những điều này được nuôi dưỡng bằng một sự đả thông sâu xa”.

”Tất cả những điều ấy được biểu lộ qua sự săn sóc tha nhân, mang lại sức sống cho họ và trở nên món quà cho nhau. Đời sống huynh đệ cũng phải được sống qua sự đặc biệt quan tâm đến những người ”được yêu thương hơn”: những người yếu, người già, người bệnh và nghèo, là ”thân mình của Chúa Kitô”.

Bài trừ sự lạm quyền

Đức TGM Carballo cũng xác quyết rằng: ”Hoàn toàn trái ngược với cái nhìn trên đây là thứ uy quyền kiểm soát và quyền lực. Tuy trong chiều kích này đã có nhiều điều được cải tiến, nhưng những người thánh hiến vẫn còn một con đường dài phải đi, trong thái độ xuất hành, từ một đời sống chung đến một cộng đoàn cuộc sống; xuất hành, đi từ những cơ cấu làm cho ấu trĩ tiến đến những nâng đỡ tạo nên những người trưởng thành; từ sự đồng nhất đến sự hiệp thông trong những khác biệt…

Tránh tinh thần ”giáo phái”

Tinh thần ”giáo phái” ở đây hầu như luôn đồng nghĩa với thái độ bất bao dung, thủ cựu, cực đoan và kỳ thị, và nó được nuôi dưỡng bằng ý thức hệ, thuộc bất kỳ dấu hiệu nào.

 Bề trên độc đoán

Đức TGM viết: Quan niệm ”như giáo phái” trong đời tu thường đi từ xác tín: Những người nắm giữ quyền bính dần dần chiếm chỗ của Thiên Chúa. Nhiều khi dần dần vì một thứ thần học [..] có xu hướng đồng hóa vị sáng lập hoặc bề trên với đoàn sủng. Những người này không phải là thủ lãnh vì họ được Thần Linh ở trong họ, nhưng được Chúa Thánh Linh ở trong họ hoặc họ tưởng như vậy, vì mình là thủ lãnh. Sự bóp méo như vậy đưa tới một nguy cơ rất lớn: nếu mỗi lời của bề trên hoặc của người sáng lập được coi như lời của Chúa Thánh Linh, thì người ta dễ dàng tạo nên một thứ độc tài, hết sức nguy hiểm vì nó dựa trên những nền tảng tôn giáo hoặc ngụy tôn giáo. Hậu quả của nguyên tắc này được biểu lộ ngay trong các cơ cấu cai trị: tất cả đến từ bề trên và trở về cùng bề trên. Mọi quyền bính đều tập trung trong tay bề trên, và vì thế, tất cả các quyết định đều do bề trên đưa ra.

Làm băng hoại nhân phẩm

”Trong những trường hợp như vậy, việc thực thi quyền bính không phải là phục vụ, nhưng trở thành một thứ độc đoán, biến những người khác hoàn toàn lệ thuộc, làm băng hoại phẩm giá và thậm chí cả những quyền căn bản của con người, đi tới cả lãnh vực luân lý và thậm chí tới sự thân mật tình dục nữa” (Xc Rượu mới trong bình mới (Vino nuovo in otri nuovi [Vnon], 20) (Oss. Rom. 1-2/II/2019)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican

Trả lời