Bố – Con & Những Trải Nghiệm

 

 

BỐ-CON VÀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM

Bố - Con & Những Trải NghiệmLúc trẻ tôi thích xem WorldCup với bè bạn bên cạnh các chai có 5 độ cồn, về già tôi lại chọn ly cà phê quánh có bố kề cạnh, chắc là lá rụng về cội.

Cách đây 22 năm, có bố có tôi nhưng nhà chẳng có nổi cái màn hình dù là đen trắng. Bố buồn tủi khi để mấy đứa nhóc phải coi ké nhà hàng xóm. Dù rất thích nhưng chẳng bao giờ bố đi xem vô tư như bọn trẻ. 5 năm sau, có bố có tôi có màn hình nhưng bố con lại cách nhau đến 500km. Mùa WorldCup 2010, bố, tôi, màn hình cùng chung một chỗ nhưng đó không phải là sự hội tụ của may mắn.

Phòng hồi sức tĩnh lặng đến rợn người. Cả giường, vách, tường phủ bởi một màu trắng băng giá.  Bố nằm bất động hơn 20 giờ, trên mình gắn  các thiết bị chằng chịt kết nối với cái màn hình đáng ghét. Sau cơn đại phẩu cộng với sức khỏe vốn yếu vì đã vắt đến cạn kiệt để nuôi 5 đứa con thành người và nhiều căn bệnh cùng đồng loạt tấn công, bố chỉ có thể xem WorldCup trong vô thức.

Cái màn hình nhỏ xíu phát ra âm thanh tíc tíc lúc nhanh, lúc chậm như là một tín hiệu thông báo các thông số an toàn hay nguy hiểm của bệnh nhân thay cho các tiếng hò reo của kèn vuvuzela. Chị Hai xin cơ quan nghỉ dài ngày để nuôi bệnh bảo “tau có thể cơm nước vệ sinh cho bố đến cuối đời nhưng không chịu đựng nổi thứ âm thanh khủng bố tinh thần này”. 25 trải nghiệm trong vai cha mẹ, chị dư hiểu chút hy sinh những ngày qua chỉ như gò mối so với công lao của núi Thái sơn. Bố nằm liệt, từ động vật bậc cao chuyển tới thực vật là một cách kiểm định để biết ai là người hiếu thảo trong cả bầy con. Chẳng thấy chiếu các pha bóng hút hồn, màn hình lại hiển thị cái hình sin biểu diễn nhịp tim lúc đều đặn, khi bấn loạn. Không thể chứng kiến các trận đấu trong cảnh đặc biệt này, tôi tự khám phá một cách xem mới bằng cách đoán tổng số bàn thắng của trận đấu thông qua tiếng reo của nhóm người nuôi bệnh dưới căn tin.

Bốn năm chờ để mãn nhản sở thích thế là tan nhưng không phải mất hết. Hoàn cảnh éo le lại cho tôi lại ngộ ra những giá trị đặc biệt khác ngoài sân cỏ. Tôi cảm nhận được sự chia sẻ rất nhiều từ người thân, bạn bè, có những người rất xa, những người mà tôi không biết và chưa từng đánh giá đúng về họ. WorldCup 2010 tôi không được chứng kiến các cảm xúc đến từ trái bóng nhưng lại cảm nhận được tình yêu đến từ quả tim của những người xung quanh. Nhưng  trên tất cả mọi bài học lí thuyết tôi chứng kiến được thân phận yếu đuối của phận người và thấu hiểu thế nào là sự phù vân của trần thế.

Một người đàn ông 60 kg chỉ sau 1 tuần đại phẩu mất đi 12kg. Các bác sĩ tại bệnh viện đã bó tay với con bệnh, họ đề nghị các đồng nghiệp tại một bệnh viện lớn nhất, nhì thành phố chi viện. Một phác đồ điều trị mới được dựng lên nhưng nó chỉ kéo dài đúng một chu kì cho sự an bình rồi sau đó tim bố lại loạn nhịp, có khi lên 174 cái trong 60 giây. Đoàn chuyên gia mới lắc đầu. Người kề cận bố nhất suốt những ngày qua đã òa khóc. Những giọt nước ấy là kết quả dằn xé của hai chiều kích: đức tin phục sinh và tình phụ tử thiêng liêng. Anh em từ xa đã được gọi về. Bệnh viện quyết định xin chi viện một nhóm bác sĩ thứ 3 từ một bệnh viện chuyên khoa. Nhưng mọi chuyện cũng lặp lại như trước, nghĩa là chỉ kéo dài được một thời gian đầu ổn định cho nhịp tim, tiếp đó là các cơn rối loạn không thể giải thích, nhóm bác sĩ tự hỏi “sự kì dị của con bệnh này là thế nào?”. Bố vẫn sống bằng những liều thuốc rất nặng được gắn 24/24 vào cơ thể qua các dây, kim tiêm, những bình dưỡng chất, bằng sự chăm sóc ân cần của y bác sĩ, của người thân và cả bằng lòng cậy trông mà bố đã theo đuổi 80 năm qua.

Nữ bác sĩ  trực tiếp điều trị, một buổi sáng bỗng đề nghị “Nếu bác tin Chúa, Phật thì cứ để các ảnh trong phòng”. Sau 180 phút, người bạn thân ở Phú Hòa chuyển đến  cây Thánh Giá nhỏ và một tượng Mẹ Maris Stella. Cả 2 được trưng bày nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tín thác đến tuyệt đối được ẩn chứa bên trong chị, tôi và cả nhân vật chính là bố. Cơ hội kiểm định đức tin được đẩy tới điểm giới hạn. Và từ đây chúng tôi chứng kiến sự kì diệu. 1 ngày, 2 ngày, 4 ngày nhịp tim của người bệnh không vượt qua 3 chữ số. Nhóm bác sĩ mừng một, chúng tôi vui mười và nhiều khái niệm tâm linh trong quá khứ được thực nghiệm và bừng sáng.

§         Vì tin nên hiểu và hiểu để tin ở mức cao hơn.

§         Có Chúa trong mọi sự và trong mọi sự đều có Chúa.

Ngày cuối nằm tại giường bệnh cũng là ngày chung kết của giải bóng đá. Bố, tôi được cùng nhau xem trận đấu hấp dẫn nhất. Có cả tivi màu, nhưng chỉ có bố nằm xem, còn tôi lại ngủ vùi đi vì bản năng đòi hỏi lúc này lớn hơn những sở thích. Chúng tôi đã căng dây thần kinh và mất ngủ 9 ngày.

Bác sĩ bảo “về nhà, bố lại tập đi và chỉ được uống sữa như những đứa trẻ mới thôi nôi”. Đời người như vòng lặp ngược trước khi về với bụi tro.

G.T.A.

Trả lời