Biến đổi khí hậu: Giáo hội Công giáo chung nhịp với khoa học

Biến đổi khí hậu: Giáo hội Công giáo chung nhịp với khoa họcLĩnh vực di truyền học được linh mục Công giáo Gregor Mendel khai phá. Mọi khía cạnh của thiên văn học, bao gồm nguồn gốc sáng thế của thuyết Big Bang được các thành viên trong hàng giáo sĩ Công giáo mở đầu. Trong khi một số tôn giáo bác bỏ sự tiến hóa, thì suốt 65 năm qua, Công giáo đã nói rằng sự tiến hóa phù hợp với trình thuật tạo dựng.

Nhưng khi giáo dân nghĩ về Giáo hội và khoa học, người ta thường nghĩ ngay đến cuộc trấn áp bắt bớ Galilêô Galilêi vì tội dị giáo, vì ông nhất quyết cho rằng trái đất quay quanh mặt trời chứ không phải ngược lại.

Sử gia khoa học  John Heilbron, người viết tiểu sử Galilêô, cho rằng, Giáo hội Công giáo ‘đã có một mối quan hệ gập ghềnh và không phải lúc nào cũng tương hợp với khoa học.’ Nhưng sau khi đưa ra các tiến bộ khoa học do Giáo hội tài trợ, ông thêm rằng ‘có lẽ quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và cái mà chúng ta gọi là khoa học, khá là tốt đẹp.’

Giáo hội Công giáo dạy rằng khoa học và đức tin không đối lập, và thậm chí có thể cùng nhau làm việc tốt đẹp. Sau những phản đối hờ hững với thuyết tiến hóa hồi cuối thế kỷ XIX, Giáo hội đã nắm bắt lấy lĩnh vực khoa học này, một điều mà các tín ngưỡng khác không làm. Vẫn còn sự xung khắc về đạo đức khoa học và y khoa, chẳng hạn như việc phá thai, hay dùng tế bào gốc, nhưng đó là về mặt luân lý hơn là về mặt khoa học thực tiễn.

Hồi tháng 10 năm ngoái, đồng hưởng với những nhận định của các bậc tiền nhiệm, Giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng, ‘Vụ nổ Big Bang, hiện nay đang được xem là nguồn gốc thế giới, không đối lập với hành động tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng cần đến hành động thần thiêng của Ngài thì đúng hơn. Tiến hóa của tự nhiên, không tương phản với khái niệm tạo dựng, khi tiến hóa giả định sự tạo dựng muôn vật theo tiệm tiến.’

Giáo hoàng Phanxicô, từng là nhà hóa học, sẽ sớm phát hành một văn kiện thẩm quyền đưa ra sự biện hộ luân lý cho việc chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu, đặc biệt là lên tiếng cho hàng tỷ người nghèo nhất trên thế giới.

Veerabhadran Ramanathan, một khoa học gia khí hậu của viện Hải dương học Scripps, đã tóm gọn ý của giáo hoàng về biến đổi khí hậu. Ông nói rằng các khoa học gia cảm thấy mình thất bại trong việc làm cho thế giới hiểu được mối nguy của sự nóng lên toàn cầu do chính tay con người mà ra. Bây giờ, các khoa học gia vốn thường không xem trọng tôn giáo, lại đang hướng về tuyên bố sắp tới của giáo hoàng.

‘Khoa học và tôn giáo không trộn lẫn với nhau, nhưng môi trường là một ngoại lệ, nơi khoa học và tôn giáo có thể cùng chung tiếng nói. Tôi nghĩ cả hai có một nền tảng chung.’

Cách đây 382 năm, Giáo hội thấy mình có ít nền tảng chung với Galilêô.

Biến đổi khí hậu: Giáo hội Công giáo chung nhịp với khoa học
Galieo trước tòa án Giáo hội

‘Tất cả mọi chuyện bạn biết về Galilêô đều sai, nhưng buồn thay, sự thật cũng không làm cho bề ngoài của Giáo hội trở nên tốt hơn.’ Thầy Guy Consolmagno, một nhà thiên văn học và chủ tịch Tổ chức Quan trắc Vatican ở Arizona cho biết Galilêô đã bị giam lỏng trong suốt phần đời còn lại của mình khi ông vẫn tiếp tục cho phát hành các tác phẩm cho rằng trái đất xoay quanh mặt trời, bất chấp các lời cảnh báo từ giáo hoàng và Tòa dị giáo. Nhưng, theo sử gia khoa học, Ron Numbers, đây không chỉ là vấn đề thần học.

Phần nào đó, đây là sự xung khắc cá nhân giữa Galilêô và giáo hoàng Urban VIII, hai người là bạn cũ của nhau. Giáo hoàng cảm thấy mình bị phản bội, vì Galilêô hứa sẽ đưa vào phần phụ chú của mình một tư tưởng của giáo hoàng, vốn đi ngược lại tác phẩm của ông. Galilêo đã không làm thế. Và đây còn là chuyện về địa chính trị, bởi Giáo hội đang cố gắng đẩy lùi cuộc Kháng cách, và thấy cần phải thể hiện rằng mình không chấp nhận các bất đồng quan điểm.

Galilêô không bị đi tù, và ông ‘dùng thức ăn tự chuyển đến từ tòa đại sứ Tuscan, để không phải dùng thức ăn của Tòa dị giáo.’ Đây là những tiết lộ trong quyển sách ‘Galilêô đi tù, và các chuyện khác về Khoa học và Tôn giáo’ do ông Ron Numbers làm biên tập.

Quá khứ này đã lắng xuống cho đến giữa thế kỷ XIX, khi ở Hoa Kỳ, một số sách viết về xung khắc giữa tôn giáo và khoa học, đã trích lại chuyện của Galilêô để bêu xấu Giáo hội.

Bây giờ, các chính trị gia và những người bác bỏ khoa học khí hậu, những người bị các nhà khoa học coi khinh, lại tự xem mình là những Galilêô. Mà sự thực là, Galilêô đã bị ngược đãi vì tán thành khoa học, chứ không phải vì chối bỏ khoa học.

Nhiều thế kỷ trước và sau Galilêô, Giáo hội là người nâng đỡ chính cho thiên văn học, và thường dùng các mái nhà thờ để phục vụ cho việc nghiên cứu bầu trời.

Cha Jose Funes, trưởng Đài Quan trắc Vatican ở Ý nhận định, ‘Giáo hội đã thúc đẩy khoa học bằng nhiều cách khác nhau. Nhờ Galilêô, mà chúng ta ở đây. Nhờ Giáo hội Công giáo, mà có Galilêô vì ông là người Công giáo, một người Công giáo tốt.’

Biến đổi khí hậu: Giáo hội Công giáo chung nhịp với khoa họcNgười tiên phong trong lĩnh vực thiên văn mặt trời, Angelo Secchi, là một linh mục Ý, đã quan sát mặt trời và các hành tinh từ kính viễn vọng trên mái nhà thờ. Người nảy ra ý tưởng về thuyết Big Bang, Georges Lemaitre, là một linh mục người Bỉ. Rồi cố giáo hoàng Piô XII, đã không bưng bít thuyết Big Bang, nhưng muốn lấy đó làm bằng chứng cho bàn tay Thiên Chúa. Cha Lemaitre nói rằng, khoa học triến triển, và không phải là trụ cột bất biến cho giáo lý của Giáo hội.

Và Vatican cũng có viện khoa học hàn lâm.

Chủ tịch viện, ông Werner Arber, nhà vi trùng học đoạt giải Nobel, cho biết, ‘Công việc chính của chúng tôi là theo dõi sát các tiến bộ khoa học, và thông báo cho Vatican về những phát triển mới.’ Ông Werner Arber là một người Tin Lành, và nhiều thành viên khác của viện hàn lâm Vatican cũng là người không Công giáo, như Ramanathan, và thậm chí là nhà vật lý học vô thần Stephen Hawking.

Với thầy Consolmagno, thiên văn và đi tu, chẳng có vấn đề gì: ‘Nếu bạn tin vào sự thật, là bạn đang phụng sự cùng một Thiên Chúa với tôi.’

(J.B.Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 06.06.2015/ Crux – Seth Borenstein – 28/5/2015)

Trả lời