Bánh Chưng Của Bố


Bánh Chưng Của Bố

Bánh Chưng Của BốSáng nay trở dậy, tờ lịch đếm ngược chỉ còn có 13 ngày nữa là tới Tết. Nhanh quá! Thời gian như kéo tôi trở về thời ấu thơ với chiếc bánh chưng xanh rền – “ăn hết bánh Chưng là hết Tết” – bố vẫn thường bảo vậy với anh em tôi.

Trước tết một tháng, anh em tôi đã lên rừng chặt lá dong về chuẩn bị gói bánh chưng. Bố dạy chúng tôi là phạt cây phải phạt vát chéo, mạnh và dứt khoát, sẽ nhanh và đỡ tốn sức. Lá dong phải to bản để gói cho khỏi bị bung gạo, nhưng cũng không được quá già, sẽ cứng lá và không có màu xanh rì tươi mắt. Tuy nhiên, chúng tôi thường chọn chệch đi so với “chỉ tiêu kỹ thuật” của bố. Một phần vì lực cánh tay chúng tôi còn yếu, nhưng chủ yếu là vì mỗi lần dóc lá, bố lại tích những sống lá bánh chưng vào thành một bó treo trên gác bếp, nếu có đứa nào hư, bố mang ra đánh đòn, nên chúng tôi chọn những lá non để sống lá mềm hơn, đánh bớt đau hơn…

Bố tôi thường gói bánh vào ngày 21 âm lịch. Mẹ đi chợ cân sẵn rất nhiều gạo nếp, đỗ xanh và thịt. Cả năm, chỉ có tới lúc gói bánh chưng là tôi được nhìn thấy nhiều thịt đến thế trong nhà mình. Hai anh em tôi phân công nhau phụ trách từng công đoạn nguyên liệu. Khi bố vừa xếp ba cái lá xuống thì anh trai tôi nhanh nhẹn xúc một bát gạo đổ vào chính giữa. Tiếp theo lớp đỗ là tới phần tôi, nếu tôi có tham lam muốn đổ nhiều thì bố chỉnh lại ngay: “Cần phải cân bằng giữa các thành phần con ạ. Như vậy thì thịt, đỗ, gạo quyện vào nhau dẻo thơm, ăn không bị ngấy, vừa ngon vừa có sự sự công bằng khi chia phần”. Bố tôi làm trung tá quân đội, ngày thường ông rất nghiêm khắc và luôn áp dụng những hình thức rèn luyện như người lính với anh em tôi. Giờ đây, khi gói bánh chưng, ông cũng tuân thủ “nguyên tắc quân sự”.

Buổi tối là giai đoạn tôi chờ đợi nhất, đó là lúc luộc bánh. Cái nồi mà chúng tôi vẫn núp vào chơi trốn tìm, giờ được mang ra sử dụng. Bếp chất đầy củi, tiếng nổ lép bép phát ra nghe như tiếng pháo tép thật vui tai. Củi khô đượm lửa cháy phừng phừng, phả hơi ấm lan rộng cả khoảng sân tối thẫm, hằn lên dáng ngồi thẳng và nghiêm nghị của bố tôi. Chúng tôi ngồi quây nhau bên nồi bánh, mắt mồm há hốc nghe bố kể chuyện trong quân đội, chuyện lịch sử đánh giặc Pháp, Mỹ. Đã học ở trên lớp rồi đấy, nhưng sao qua lời kể của bố nó như hồi sinh, sống động và hấp dẫn đến thế. Tôi thích thú nghe bố kể chuyện đã theo đuổi mẹ mấy năm trời ra sao, hay mơ màng khi ông nhắc về tết ở miền xuôi, về ông bà nội ngoại. Lúc này, người cha nghiêm nghị thường nhật trở nên tình cảm và gần gũi vô cùng. Bố tôi là người xứ Nghệ, còn mẹ là người Hà Tây, theo sự điều động của nhà nước lên vùng sơn cước này đóng quân và phổ cập giáo dục (mẹ tôi là giáo viên, bố tôi là bộ đội). Những năm đầu cải cách, cuộc sống còn khó khăn, gia đình tôi không thể về quê ăn tết nên bố thường hay kể về tết ở miền xuôi cho chúng tôi nghe. Tôi lúc ấy – một thằng bé mở mắt ra là thấy núi và rừng – đã luôn mơ ước tới một ngày được về “đồng bằng” ăn Tết.

Nồi bánh bắt đầu sôi ùng ục, nước cạn dần, bố tôi chế thêm nước lạnh vào để bánh được dẻo, rền và không bị lại gạo. Khi mở vung ra, mùi bánh bốc lên mỗi lúc một đượm hơn, thơm hơn. Anh em tôi đưa mũi lên hít hà cho no căng lồng ngực, tưởng chừng như vậy là sẽ no luôn cả dạ dày. Một lúc sau, chúng tôi ngủ quên lúc nào không hay, sáng dậy đã thấy bánh chưng được nén đầy chặt giữa những phên gỗ. Chỉ lát nữa thôi, sau khi tiễn ông táo về trời là chúng tôi được ăn chiếc bánh chưng dẻo thơm có công lao động của anh em tôi. Và như thế, Tết cứ nhẹ nhàng tới…

Nguyễn Giang


Trả lời