Bài giảng trên núi (Bài 01)

Bài giảng trên núi

Lm Giuse Phan Tấn Thành op

Bài giảng trên núi (Bài 01)Trong loạt bài này chúng ta sẽ đề cập đến Bài giảng trên núi, một bản văn được đặt tên là “Hiến chương của Nước Trời”, đặc biệt được phụng vụ trưng bày cho chúng ta như tiêu chuẩn để thực hiện cuộc cải hoán tâm trạng trong Mùa chay. Trong bài đầu tiên, chúng tôi xin giới thiệu bố cục tổng quát của Bài giảng trên núi, với những khía cạnh phê bình văn bản và những vấn đề chú giải đã đặt ra trong lịch sử; trong những bài kế tiếp, chúng tôi sẽ phân tích nội dung của Bài giảng.

I. Bố cục

Bài giảng trên núi là tên đặt cho bài giảng ra mắt của Chúa Giêsu, được thánh Matthêu ghi lại trong ba chương 5,6,7. Được gọi là bài giảng, bởi nó bắt đầu với thái độ của một giảng viên “Đức Giêsu ngồi xuống… mở miệng dạy” (chương 5, câu 1-2), và kết thúc với những lời ở cuối chương 7: “Khi đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, đám đông sửng sốt về lời giảng dạy của Người” – Gọi là trên núi bởi vì ở đầu chương 5, thánh Matthêu đã viết : “Thấy đám đông, đức Giêsu lên núi”, và ở đầu chương 8, thánh sử viết: “Khi Đức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người”. Vì vậy mà kể từ thánh Augustinô, các học giả đã gọi là “bài giảng trên núi” (De sermone Domini in monte).

Nội dung của Bài Giảng Trên Núi rất là phong phú vì gồm nhiều đề tài khác nhau. Nổi bật hơn cả là 8 phúc thật và kinh “Lạy Cha”. Liệu có thể tìm ra một hệ thống tư tưởng mạch lạc hay không ? Các nhà chú giải đã đưa ra rất nhiều ý kiến để phân chia các đề mục chính của Bài giảng trên núi. Thay vì đi vào chi tiết cuộc tranh luận, chúng tôi xin phân Bài Giảng Trên Núi thành bốn đề tài để nghiên cứu trong 4 bài sắp tới:

1) Tám mối phúc (5,3-12) được coi như dẫn nhập cho Bài Giảng Trên Núi và được kéo dài thêm với vài áp dụng luân lý qua hai hình ảnh muối và ánh sáng (câu 13-16)

2) Đức Giêsu kiện toàn Lề luật và các ngôn sứ (5,17-48).

3) Đức Giêsu dạy cho các môn đệ biết thế nào là “công chính” trước mặt Thiên Chúa, cách riêng qua việc bố thí, cầu nguyện, ăn chay. Trong bối cảnh này Người dạy kinh Lạy Cha (chương 6, câu 1-18).

4) Thái độ đối với tài sản vật chất (6,19-34). Những lời khuyên về cách đối xử với anh em tóm lại trong “Khuôn vàng thước ngọc” (Chương 7).

II. Những câu hỏi về phê bình văn bản.

Bài Giảng Trên Núi ghi lại nguyên văn những lời của chính Chúa Giêsu, hay là do thánh Matthêu đã thu gom những câu nói lẻ tẻ của Chúa rồi xếp lại thành một bài giảng ? Câu hỏi này được đặt lên khi mở quyển Phúc âm thứ ba, chúng ta gặp thấy những câu nói tương tự với Bài Giảng Trên Núi nhưng lại được thánh Luca đặt trong một khung cảnh khác, trong chương 6, từ câu 17 đến câu 49. Trước tiên, xét về địa lý, thì bài giảng này được công bố ở cánh đồng bằng dưới chân núi (câu 12). Xét về thời gian, thì nó không phải là bài giảng ra mắt của Đức Giêsu nữa, nhưng sau một thời gian hoạt động công khai. Cần thêm rằng, bản văn của thánh Luca ngắn hơn là Bài Giảng Trên Núi (30 câu, sánh với 100 câu của Matthêu).

Sự đối chiếu giữa hai thánh sử về những chi tiết ngoại cảnh của bài giảng đã đưa các học giả tới giả thuyết là có lẽ Đức Giêsu đã không có công bố một bài giảng nào trên núi vào lúc khai mạc sứ vụ của mình, nhưng thánh Matthêu đã thu gom những lời giảng lẻ tẻ của Người và xếp đặt lại thành một bản tuyên ngôn. Bài giảng này được đặt trên núi bởi vì thánh Matthêu muốn gán cho nó một ý nghĩa thần học đặc biệt. Trong Cựu ước, ông Maisen đã nhận lãnh luật Chúa trên núi Sinai (Xh 19,3; 24,13.15.18; 34,4). Giờ đây, cũng giống như ông Maisen, đức Giêsu lên núi để gặp gỡ Thiên Chúa, và rồi từ đó Người giải thích và kiện toàn lề luật của Maisen. Thiết tưởng cũng nên biết là theo thánh Matthêu, sau khi sống lại Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ ở trên núi (28,16), và từ đó Người sai họ mang Tin mừng đi khắp thế giới.

Chúng tôi xin miễn đi vào những cuộc tranh luận giữa các học giả, xem ai trung thành với lịch sử hơn: Matthêu hay Luca ? hay là cả hai đều sử dụng một nguồn tài liệu chung, rồi sau đó xếp đặt lại theo một cấu trúc thần học nhằm mục tiêu huấn giáo ? Thiết tưởng đối với các Kitô hữu, một câu hỏi quan trọng hơn là: thánh Matthêu có dụng ý gì khi thu thập các lời của Chúa vào Bài Giảng Trên Núi ? Nói cách khác, Bài Giảng Trên Núi dành để làm gì ? Bài Giảng Trên Núi nhằm đưa ra những lý tưởng cao đẹp để chiêm ngắm, hoặc chứa đựng những mệnh lệnh phải thực hành ? Chúng ta hãy nghe những câu giải đáp trải qua lịch sử Kitô giáo.

III. Lịch sử chú giải Bài Giảng Trên Núi

1) Ngay từ thế kỷ thứ 2, một số giáo phụ đã phải trả lời cho vấn nạn làm sao có thể giữ nổi các điều trong Bài Giảng Trên Núi. Tác giả sách Didakhê (“Giáo huấn của các thánh tông đồ”, một tác phẩm vô danh ra đời vào khoảng năm 130-150) còn ghi lại vài vấn nạn cho rằng không thể nào thi hành Bài Giảng Trên Núi nổi. Tác giả đã trấn an: “Nếu bạn có khả năng vác được hết tất cả ách của Chúa, thì quả thực bạn là người trọn lành; nhưng nếu bạn không làm nổi, thì hãy làm cái gì làm được” (6,2). Xem ra đây là nguồn gốc của sự phân biệt giữa hai hạng tín hữu: hạng “trọn lành” và hạng “tầm thường”. Tuy nhiên, nói chung thì cho tới thế kỷ thứ IV, các giáo phụ đều cho rằng Bài Giảng Trên Núi có thể thi hành được. Ta có thể nhận thấy điều đó khi đọc các bài giảng của các thánh Giustinô, Gioan Kim khẩu, đặc biệt khi bàn về sự tha thứ cho kẻ thù.

2) Kể từ sau khi đạo Kitô được Đế quốc Rôma nhìn nhận làm quốc giáo, ta thấy có sự chuyển hướng. Dựa vào sách Didakhê, một học thuyết dần dần được thành hình về sự phân biệt hai hạng tín hữu: những người “công chính” và những người “trọn lành”. Các nhà khồ tu tự coi mình như hạng trọn lành, và thi hành hết mọi mệnh lệnh của Bài Giảng Trên Núi (thi dụ: không bao giờ thề, đưa má trái cho người ta vả vv…). Còn những người công chính thì chỉ thi hành những mệnh lệnh nào có thể giữ nổi (suýt soát giống như 10 điều răn, tóm lại trong việc mến Chúa yêu người).

Cũng từ đó, Bài Giảng Trên Núi dần dần được coi như một luân lý ngoại hạng, siêu đẳng. Sang đến thời Trung cồ, ta thấy khuynh hướng chú giải này càng ngày càng lan rộng. Bài Giảng Trên Núi là những lời khuyên dành cho một thiểu số nhận được ơn gọi đặc biệt, cách riêng tới mức độ từ bỏ hoàn toàn tài sản vật chất. Thiết tưởng cũng nên thêm rằng vào thời Trung cồ, trong số những người muốn đem ra thực hành Bài Giảng Trên Núi, ta đừng nên chỉ nghĩ tới các tu sĩ Dòng hành khất (như Đaminh và Phanxicô), nhưng còn phải kể tới bao phong trào khác : Albigeois, Vaudois…

3) Vào thời phong trào Cải cách ra đời, chúng ta thấy có nảy lên nhiều khuynh hướng khác nhau trong cách giải thích và thực hành Bài Giảng Trên Núi.

a/ Thomas Muntzer (k.1490-1525), người Đức, cùng một nhóm đồng chí đứng ra thiết lập một cộng đoàn các tín hữu đích thực của đức Kitô, tách rời khỏi thế gian vô đạo. Ông ta chủ trương “cộng sản tình yêu”, không những là đặt hết tài sản làm của chung mà còn đoạn tuyệt với quyền thế trần tục, dựa theo lời Chúa: “Đừng chống cự người ác. Nếu bị ai vả má phải thì hãy giơ cả má trái nữa” (Mt 5,39). Việc áp dụng triệt để Bài Giảng Trên Núi của nhóm này vẫn còn được duy trì nơi các nhóm Baptists, Quakers.

b/ Luterô không coi Bài Giảng Trên Núi như là một bộ luật luân lý, song là như những hoa trái phát sinh do việc con người chấp nhận đức tin và kết hợp với đức Kitô. Về sau, học phái Lutêrô giải thích Bài Giảng Trên Núi dựa theo đạo lý về việc công chính hóa, nghĩa là Bài Giảng Trên Núi vạch cho ta thấy sự sa đọa của con người không thể nào nên công chính trước mặt Chúa được.

4) Vào thời cận đại, Bài Giảng Trên Núi được giải thích theo chiều hướng luân lý. Do ảnh hưởng của E. Kant, nhiều học giả cho rằng Bài Giảng Trên Núi nhấn mạnh rằng giá trị của hành vi tùy thuộc vào ý hướng nội tại (intentio) của chủ thể, chứ không tùy thuộc vào bản chất của hành động. Leon Tolstoi, người Nga (1828-1910) khám phá nơi Bài Giảng Trên Núi bí quyết mang lại hạnh phúc : một ngăn trở lớn cho hạnh phúc là dùng vũ lực để kháng cự lại sự ác. Tolstoi có thể được coi như cha đẻ của những phong trào cách mạng bất bạo động trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, Albert Schweitzer (1875-1965), một giáo sư Kinh thánh và bác sĩ Tin lành người Đức, đã không chấp nhận những lối giải thích Bài Giảng Trên Núi như vậy. Theo ông, đức Giêsu đã giảng Bài Giảng Trên Núi với xác tín là triều đại cánh chung của Thiên Chúa sắp đến. Bài Giảng Trên Núi có thể thực hiện được trong bối cảnh đó, nhằm chuẩn bị cho thời cánh chung. Tiếc rằng triều đại cánh chung đã không đến lập tức, cho nên Bài Giảng Trên Núi mất đi tính cách tuyệt đối.

5) Về phía thần học công giáo, có thể nói rằng hầu hết các tác giả cho rằng Bài Giảng Trên Núi đề ra một lý tưởng nhưng không thể thực hiện được. Giả như ai nấy nếu áp dụng Bài Giảng Trên Núi thì chắc thế giới sẽ loạn, bởi vì sẽ không có ai kháng cự lại quân cường hào ác bá. Họa chăng một vài người nhận được ơn gọi đặc biệt thì mới có thể thi hành nổi Bài Giảng Trên Núi; nhưng đó là trên bình diện cá nhân chứ không thể nào áp dụng cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Nói khác đi, luân lý công giáo, vốn quen với sự phân biệt giữa “mệnh lệnh” (praecepta) và “lời khuyên” (consilia), đã tìm thấy nơi Bài Giảng Trên Núi nền tảng của các lời khuyên Phúc âm.

Tóm lại, Trải qua lịch sử Kitô giáo chúng ta thấy có ba khuynh hướng chính trong việc giải thích Bài Giảng Trên Núi.

1- Bài Giảng Trên Núi không dành cho hết mọi người mà chỉ dành cho một thiểu số. Khuynh hướng này lưu ý tới chỗ là ở đầu Bài Giảng Trên Núi thánh Matthêu đã nói rõ: Chúa Giêsu dạy các “môn đệ” chứ không phải dạy hết mọi người. Bài Giảng Trên Núi dành riêng cho những ai muốn làm môn đệ của đức Kitô, muốn theo Người sát gót và họa lại cuộc sống của Người.

2- Bài Giảng Trên Núi dùng một thể văn bóng bảy, để nhấn mạnh tới vai trò của ý định trong đời sống luân lý. Giá trị của các hành vi không hệ tại việc làm bên ngoài cho bằng chủ ý nội tâm.

3- Bài Giảng Trên Núi không đề ra một bài học luân lý, nhưng vạch cho con người thấy mình phải ràng buộc bởi bao nhiêu thứ nô lệ. Con người chỉ có thể được giải thoát khỏi những tròng nô lệ đó khi biết hoàn toàn để cho lòng khoan nhân của Chúa dìu dắt.

Thiết tưởng câu trả lời dứt khoát về ý nghĩa của Bài giảng trên núi có thể chỉ tìm thấy sau khi chúng ta đã rảo qua nội dung các phần của nó.

 

Trả lời