Bà Là Ai ?

BÀ LÀ AI ?

Petrus.tran

Bà Là Ai ?” Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông. Đẹp như mặt trăng rực rỡ như mặt trời. Oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận. Bà là ai ? Bà là ai ?”

Bà chính là Đức MARIA mà hôm nay toàn thể Giáo Hội kính nhớ, chúc tụng và tôn vinh : “Kính mừng MARIA… Đấng đầy ân sủng.” (Lc 1 : 28).

MARIA : Bà là ai ?

Đó là một cô trinh nữ cư ngụ ở “một thành miền Galilê gọi là Nazareth ”. Nói về cô trinh nữ này, quả thật là có rất nhiều điều để nói. Và thông thường người ta hay đề cập tới hai chữ “xin vâng” mà chính người trinh nữ này đã đáp lại với sứ thần Gaprien xưa kia. Mà làm sao không nhắc tới hai từ “xin vâng” này cho được. Bởi vì nếu Đức Maria không “vâng” thì làm sao hôm nay chúng ta có được diễm phúc : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1 : 14). Vui mừng thay ! từ lời xin vâng này chúng ta có thể nhìn ra được dung mạo của người tôi tớ Chúa là Maria. Một người tôi tớ mà “từ nay, hết mọi đời sẽ khen (là) diễm phúc” (Lc 1 : 48).

Đức Maria – một con người với nhiều đức tính :  luôn chịu đựng, chấp nhận  đau khổ, nhẫn nại và can đảm. Có vẻ như đó là hành trang mà Đức Maria luôn mang trên mình suốt cuộc hành trình thực thi sứ điệp mà Thiên Chúa  đã gửi đến qua lời loan báo của sứ thần Gaprien.

Thật vậy, vừa mới bắt đầu chuẩn bị thi hành sứ vụ, một nỗi đau thầm kín âm ỉ trong tâm hồn Maria, khi có sự nghi ngờ nơi người “đã thành hôn” với mình – một người được gọi “là người công chính”- thế mà có đau khổ không kia chứ – lại “đang định tâm bỏ” mình… Maria đã chịu đựng, chịu đựng cho tới khi một cuộc thần hiện giữa Giuse và sứ thần Chúa xảy ra. Và niềm tin phó thác trong con người Maria đã chiến thắng. Tưởng rằng kể từ đây cuộc hành trình thực thi sứ điệp sẽ suông sẻ – nhưng không – hết tai ương này  đến tai ương khác ập đến. Sự việc sinh con – một người con được tiên báo sẽ là “Đấng Thánh… và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” – ngay tại nơi đồng không mông quạnh, và phải “nằm trong máng cỏ” có là điều mà Maria ngờ tới ! Rồi biến cố “di tản chiến thuật” của toàn bộ gia đình có làm Maria sụp đổ niềm tin ?

Thưa không, những biến cố đó đã làm nổi bật con người Đức Maria : nhẫn nại và can đảm.

Sự kiện Đức Maria đứng dưới chân thập giá – trên đồi Golgotha – chứng kiến tận mắt con yêu của mình chết thê thảm như thế nào đã chứng minh cho niềm tin, cho sự tín thác, cho lời xin vâng.

……một phút suy tư…

“Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Lời tán dương này không phải là lời “tự bình bầu” của Đức Maria. Trái lại, lời tán dương này không chỉ đã được đóng ấn bởi chính Thiên Chúa qua miệng lưỡi sứ thần trong ngày truyền tin : “Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1 : 25) – mà còn được Thánh Thần Chúa chúc tụng qua miệng lưỡi bà Elisabet khi Đức Maria đến thăm : “Bà Elisabet…được tràn đầy Thánh Thần liền kêu lớn tiếng và nói : bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này”.

Hôm nay đây, sự kiện “Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi” vẫn luôn xảy ra cách này cách khác – nơi này nơi kia . Và tiếng “Thân Mẫu Chúa” chào chúng ta vẫn còn văng vẳng đâu đây.

Nếu chúng ta không gặp được Mẹ phải chăng vì chúng ta còn mải mê “dong  duổi đường gió bụi”. Nếu chúng ta không nghe được tiếng “Thân Mẫu Chúa” phải chăng vì chúng ta cứ “mải mê tìm hoan lạc” mặc cho những “tháng ngày trôi lặng lẽ cô liêu”… Và ai trong chúng ta lại không một lần cảm nghiệm sự “thiếu vỗ về người Mẹ” để rồi phải trăn trở với “những ngày đêm thổn thức băng khoăn”.

“Về đây”. Vâng, đó chính là sự trải nghiệm của bà Elisabeth xưa kia. Và hôm nay, linh mục Vinh Hạnh cất tiếng mời gọi chúng ta hãy mau “Về đây nấp bóng sao mai. Về đây Mẹ sẽ ban nhiều ơn thiêng” (trích nhạc phẩm KÌA AI – tác giả Vinh Hạnh).

Chúng ta cùng nhau về chứ ! Và nếu chúng ta đã về thì chần chờ gì mà không hiệp thông cùng toàn thể Giáo Hội, đồng thanh cất tiếng ca, dâng lên Mẹ Maria “Một tràng hoa Mân Côi, hương thơm ngào ngạt thắm ân tình. Từng lời kinh sốt mến, xin dâng về Nữ Vương Hiển Vinh”. (trích nhạc phẩm Hoa Mân Côi – tác giả Kim Long).

 

112 thoughts on “Bà Là Ai ?

Trả lời