Anh em đừng sợ…

 

Anh em đừng sợ…Lịch sử cứu độ, nhìn lại, đó là lịch sử của Tình Yêu Thiên Chúa. Ngược thời gian, trở về quá khứ, quá khứ của sáng tạo và tạo dựng, chúng ta sẽ thấy rằng, sau mỗi sự vật được tạo dựng, Thiên Chúa đều “thấy thế là tốt đẹp”. Điều tốt đẹp nhất, đó là Người đã tạo dựng con người “theo hình ảnh mình – theo hình ảnh Thiên Chúa”.

Và, như chúng ta được biết, sau khi Adam và Eva phạm tội, con người mất hết ơn lành Thiên Chúa ban. Kể từ đó, con người gắn chặt trong mình một nỗi sợ hãi. “Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn… con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa, là Thiên Chúa… Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: Người ở đâu?  Con người thưa: Con nghe thấy tiếng Ngài (nhưng) con sợ hãi”. (Stk 3, 8-10).

Thế nhưng, tuy con người sa ngã, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người. Người đã trừng phạt con rắn, là kẻ đã cám dỗ con người, rằng: “Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân nó” (Stk 3,15). Tuy con người trốn chạy, sợ hãi Thiên Chúa, Người vẫn tìm cách tiếp cận với con người.

Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa đã chọn một “dân riêng”, đó chính là dân tộc Do Thái. Từ dân tộc này, “Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng chúng ta”. Người chính là Đức Giê-su Ki-tô.

Chính Đức Giê-su, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Người tái lập lại mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Qua những thông điệp tràn ngập tình yêu thương, Đức Giê-su đã mời gọi: “Hỡi những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Và, có thông điệp nào khiến ai nghe cũng cảm nhận được sự bình an khi Đức Giê-su lớn tiếng nói:  “Anh em đừng sợ hãi”.

Thật vậy, lời tuyên bố của Đức Giê-su đã được Ngài thực hiện trong những ngày còn tại thế. Nhớ, khi biến cố “sóng ập vào thuyền” xảy ra trong một chuyến hành trình trên Biển Hồ khiến các môn đệ sợ hãi, Đức Giê-su can thiệp: “Ngăm đe gió và truyền cho biển: im đi, câm đi”. Sau đó, Ngài bảo các ông: “Sao nhát thế!”.

Một lần khác, tại biển hồ Ca-phác-na-um, khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển, các môn đệ hoảng sợ, nhưng Ngài đã vội trấn an: “Thầy đây mà, đừng sợ”. Và, đặc biệt hơn cả, trong một lần giáo huấn các môn đệ về việc ra đi truyền giáo, Đức Giê-su đã có những lời truyền dạy rất mạnh mẽ, một sự mạnh mẽ hầu tăng thêm sự can đảm cũng như niềm tin của các ông cho sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Hôm ấy, Đức Giê-su truyền dạy, rằng: “Vậy, anh  em đừng sợ người ta… Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”.

Sự can đảm… Vâng,  sự can đảm đó sẽ có, một khi người môn đệ có được một niềm tin phó thác. Về điều này, Đức Giê-su, qua hình ảnh chim trời, Ngài đã có lời huấn dụ, rất rõ ràng, rằng: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh  em”…

Cuối cùng, Đức Giê-su tiếp lời, rằng: “Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh  em, Người cũng đếm cả rồi”. Và rồi, Ngài đưa ra lời khuyên dạy: “Vậy anh em  đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.

Thưa bạn, bạn có tin lời phán của Đức Giê-su? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhìn lại lịch sử cứu độ, qua những gì Kinh Thánh đã ghi lại. Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh chép, Người là Đấng Thành Tín. Người đã hứa với Ap-ra-ham sẽ cho ông một dòng dõi như sao trên trời, như cát dưới biển, và điều đó đã đúng như vậy.

Người đã hứa với Israel: “Ta sẽ giữ lời hứa, và xứ Canaan sẽ thuộc về ngươi và dòng dõi của ngươi đời đời; và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ”, và rồi Thiên Chúa cũng đã thực hiện. Cuối cùng, Người đã hứa cho nhân loại một “Cứu Chúa”, là Đức Giê-su Ki-tô, và điều đó đã trở thành hiện thực, hơn hai ngàn năm qua.

Tất cả lời hứa của Thiên Chúa, đều đã được Người  thực hiện, vì Người thành tín. Chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy vào lời hứa của Người. Thế nên,  có gì ngăn cản chúng ta tin rằng, chúng ta: “quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”. Thiên Chúa là thành tín, cho nên, Người cũng muốn chúng ta thành tín. Sự thành tín đó, phải được thể hiện qua cuộc sống đức tin của chúng ta.

Thánh Phê-rô, trong thư thứ nhất của ngài, có lời truyền dạy: “Những ai chịu khổ theo ý Thiên Chúa, hãy phó mạng sống mình cho Đấng Tạo Hóa trung thành, và cứ làm điều thiện”. Vâng, dựa vào lời khuyên trên, chúng ta có thể cảm nghiệm, rằng: thánh Phê-rô, trong bối cảnh Giáo Hội đang ở trong lò lửa thử thách, ngài khuyên mọi người tín hữu ai nấy hãy vui mừng và trung thành theo Chúa cho đến cùng.

Nếu tin cậy Thiên Chúa, chúng ta sẽ vững vàng trong mọi cảnh ngộ, sẵn sàng bày tỏ nếp sống đạo đức của mình. Sự thành tín của Thiên Chúa chính là sức mạnh để mọi người chịu đựng bất cứ sự thử thách nào. Hãy ngước đầu lên với ma quỷ và phó mình trong tay của Thiên Chúa thành tín.

Chúng ta đang sống trong một xã hội tội ác tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm. Chúng ta đang sống trong một đất nước chủ trương (bởi một nhóm người), tôn giáo chỉ là thuốc phiện. Chúng ta đang sống trong một thời đại có quá nhiều sự cám dỗ, cám dỗ từ bỏ Thiên Chúa.

Niềm tin của chúng ta, vì thế, không phải là không có những lúc, nói như lời thánh Phao-lô, đó là: “đang bị lửa thử thách”.  Thì đây,  chủ nghĩa duy vật vô thần, đang “sỉ nhục” danh Đức Ki-tô, đang thử thách chúng ta.

Có đáng thất vọng không? Thưa không? Thánh Phao-lô có lời khuyên: “Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh  em”.

Thánh nhân tiếp lời: “Đừng có ai trong anh  em phải chịu khổ vì tội giết người, trộm cắp, làm điều gian ác…” Sau đó, ngài nhấn mạnh: “Nếu có ai phải chịu khổ vì danh hiệu Ki-tô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa.

Như đã nói ở trên, Thiên Chúa là thành tín. Nếu xưa kia, Thiên Chúa thành tín đã ban cho Ap-ra-ham, cho Isaac, cho Giacop, đất hứa làm gia nghiệp, thì hôm nay, Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, Ngài cũng sẽ thực hiện như vậy cho chúng ta. Ngài sẽ thực hiện cho chúng ta, “Nước Trời làm gia nghiệp”, nếu chúng ta “tuyên bố nhận (Ngài) trước mặt thiên hạ”.

Vâng, đừng quên, Đức Giê-su đã nói: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.

Nhớ, sau biến cố 30/04/1975, có không ít người Ki-tô hữu đã “chối Thầy” trước bàn dân thiên hạ. Thưa bạn, bạn có trong danh sách những người “chối Thầy” không? Nếu có, hãy như tông đồ Phê-rô, “khóc lóc thảm thiết” ăn năn. Và, hãy nhớ, Thầy Giê-su có nói: “Anh em đừng sợ…”

Petrus.tran

 

Trả lời