CN 25B: Ai muốn làm đầu, hãy phục vụ mọi người


Ai muốn làm đầu, hãy phục vụ mọi người

Kn 2: 12, 17-20; Gc 3: 16-4:3; Mc 9: 30-37

Lm. Jude Siciliano, OP.

Học viện Đaminh chuyển ngữ

 

Kính thưa quý vị,

CN 25B: Ai muốn làm đầu, hãy phục vụ mọi ngườiCó những điều trong cuộc đời chúng ta không thể công khai kể cho những người đang xum họp quanh bữa Tiệc Tạ Ơn hay các buổi tiệc ngoài trời cùng với gia đình và bạn bè. Có những chuyện đặc biệt mà chúng ta chỉ có thể chia sẻ với một vài người thật thân thiết. Đôi lúc những câu chuyện này liên quan đến đau khổ hay cái chết. Một kết quả chụp CT cho thấy khối u nghiêm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nên, trước hết, ta nói với vợ hoặc chồng, cha mẹ hay vài người bạn thân. Trong những giây phút chân thành đó, chúng ta nói, la hét, và thậm chí cười ha hả.

Nếu bệnh án nghiêm trọng, có một số người không chấp nhận sự thật của những gì mình nghe và cố gắng nói những lời lạc quan. Dù chúng ta lúc nào cũng có niềm hy vọng, nhưng chúng ta cũng không nhắm mắt trước những thực tế mà ta đang đối diện. Người ta thường xin ơn khỏi bệnh và những gì tốt đẹp nhất. Nhưng những lời cầu xin thường được đáp lại bằng một cách khác, với biểu lộ của sự hiện diện và tình yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa qua những người ta yêu thương, qua đội ngũ chăm sóc y tế, và thậm chí từ những người hoàn toàn xa lạ, khiến chúng ta ngạc nhiên sửng sốt với lời nói hay cử chỉ làm chúng ta yên lòng– chắc chắn tất cả mọi lời cầu xin chân thành đều được đáp lại.

Bài Tin mừng hôm nay mở ra một không gian riêng tư, hay có thể nói, là một sự thân mật. Đức Giêsu và các môn đệ của Người rút khỏi đám đông và, trên đường đi, Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ. Đó là những chỉ dẫn không thể công bố cho dân chúng, hay chưa công bố. Sau này, việc công bố đó chính là của các môn đệ. Còn nay, Đức Giêsu nói với họ về tương lai của Người và trách nhiệm môn đệ của họ.

Đức Giêsu quy tụ và dạy dỗ các môn đệ như một cuộc trò chuyện thân mật khi có một tin xấu cần được chia sẻ. Điểm khác biệt chính yếu là nỗi đau và cái chết mà Đức Giêsu sẽ trải qua lại do chính Người chọn, có thể chấp nhận hay từ chối. Quả là thất vọng biết bao khi Đức Giêsu chia sẻ với các môn đệ về cuộc thương khó và cái chết của mình cho những kẻ thân tín nhất, nhưng họ lại không hiểu! Thực ra, câu chuyện sau đó cho thấy mong ước của họ là được chiến thắng cùng với Đức Giêsu, họ không tập trung chú ý hay đã hoàn toàn từ chối.

Hãy thử tưởng tượng xem sẽ ra sao nếu chúng ta chia sẻ một tin đau buồn, không phải với người xa lạ, mà cho những người thân thiết nhất của ta nhưng họ lại thay lảng qua đề tài khác. Khi Đức Giêsu nhận ra dự án của mình sắp sụp đổ, với việc bị bắt, tra tấn và chết thảm, nỗi cô đơn và kinh hãi của Người còn tăng lên gấp bội khi các môn đệ hoàn toàn không thấu hiểu và lưu tâm.

Những người có người thân chết thảm, hay phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo, luôn nói rằng họ không thể nào vượt qua được việc này nếu không có sự trợ giúp của những lời cầu nguyện và những người yêu thương. Phần sau trong Tin mừng này, đêm trước ngày Đức Giêsu chịu chết, Đức Giêsu vào vườn Giệtsimani với các môn đệ và nói với họ: “Anh em ngồi lại đây trong khi Thầy cầu nguyện” (14,32). Người dẫn theo ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, những kẻ mà Người đã từng dẫn lên Núi Biến Hình, đi với Người ra một nơi để cầu nguyện.

Thánh Máccô không nói rằng ba ông cùng cầu nguyện với Người. Đức Giêsu bảo họ, “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức”. Rồi Đức Giêsu ra xa một chút, xấp mình xuống đất mà “cầu xin cho Người được qua khỏi giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: ‘Abba, Cha ơi! Cha làm được mọi sự. Xin cất chén này xa con”. (14,32tt)

Chúng ta có thể cảm thấy được nỗi thống khổ và sợ hãi này của Người khi Người nhìn thấy kết cục đang đến với những giáo huấn và việc lành Người làm – và với chính cuộc đời của Người. Thật rõ ràng trong Tin mừng rằng, khi giờ sau hết đến gần, Đức Giêsu thậm chí không có được, ít là một đội ngũ môn đệ mạnh mẽ quả quyết và trung thành đứng sau để tiếp tục công trình của Người.

Ai là người nghĩa thiết với Người? Máccô cho thấy rõ rằng các ông hoàn toàn không hiểu điều Đức Giêsu nói, và những gì Người muốn nơi các ông. (Tôi không thể nào nói “Lạy Chúa cả con nữa – Chúng con cũng chẳng hiểu gì. Xin giúp chúng con!) Máccô cho thấy một khoảng cách giữa Đức Giêsu và các môn đệ vào giây phút thiết yếu nhất của Tin mừng, bằng cách nói cho ta biết rằng sau khi cầu nguyện thống thiết và đau buồn, Đức Giêsu trở lại và thấy các môn đệ đang ngủ. Không phải một lần, nhưng đến hai lần.

Khi nào Trình Thuật Thương Khó bắt đầu? Khi nào Đức Giêsu bắt đầu chịu đau khổ? Trong bài Tin mừng hôm nay, hay bài tuần trước (Mc 8,27-35), và thực ra, trong suốt Tin mừng Máccô, Đức Giêsu trải qua những thất vọng khi dân chúng không hiểu sứ điệp của Người – giới lãnh đạo tôn giáo hoàn toàn chối bỏ, và thậm chí các môn đệ của Người, họ chỉ biết chăm chú vào những việc của riêng mình. Điều mà các môn đệ hoàn toàn bỏ lỡ sứ điệp mà Đức Giêsu nói với họ rằng, sau khi Người trải qua đau khổ và cái chết, “Con Người sẽ trỗi dậy”. Cuối cùng sẽ là Phục sinh!

Chúng ta mang theo niềm hy vọng và lời hứa phục sinh vào trong bất cứ cuộc nói chuyện thân tình nào và vào trong tất cả những hung tin hai ai tín mà chúng ta nghe được. Khi nỗi buồn quá đỗi, chúng ta nghe lại và nắm chắc điều Đức Giêsu hôm nay nói với các môn đệ: “Sau khi chết, Con Người sẽ sống lại” Và chúng ta cũng vậy. Câu cuối, chúng ta tin, đó là “Tin mừng’.

Các môn đệ đang nói về vương quốc trần gian, với Đức Giêsu là thủ lãnh bà các ông là những cận thần chia sẻ quyền lực với Người. Khi Đức Giêsu hỏi về cuộc trò chuyện giữa họ, thì các ông bối rối và yên lặng. Nên Người ngồi xuống mà nói với họ – thực ra Người khuyến cáo các ông về việc các ông sẽ lãnh đạo ra sao.

Phải chăng những người lãnh đạo trong cộng đoàn của thánh Máccô đang có vấn đề? Phải chăng họ đang dành đặc quyền hay vinh dự nào đó: ngồi ghế trên, muốn được trọng vọng? Những tranh chấp này luôn xảy ra trong các thể chế của loài người và ở tất cả mọi cấp độ của giáo hội chúng ta: từ Vatican, đến các giáo phận và thậm chí trong các cộng đoàn giáo xứ nhỏ nhất. Minh họa mà Đức Giêsu đưa ra trước họ quả là tuyệt hảo. (Người giảng hay phải biết chọn những minh họa cụ thể cho mình). Người đặt một em bé trước những người đang bàn cãi về vị trí cao nhất. “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.

Vâng, điều đó chẳng phải rất có ý nghĩa trong xã hội chúng ta đó sao? Trong trường học chẳng thấy ai cố chen xuống cuối bảng, và ở siêu thị chẳng thấy ai chen xuống cuối hàng khi chờ tính tiền. Có ai không muốn “ngồi bàn nhất” trong các bữa tiệc đặc biệt hay trong đám cưới không? Hay nói cách khác, có ai muốn từ bỏ quyền lực, sự ảnh hưởng và quyền ưu tiên hay không?

Có Thiên Chúa và Người đã làm như thế. Thiên Chúa chọn các bày tỏ chính mình cho chúng ta, không phải bằng cảnh tượng uy hùng với sấm chớp, nhưng trong hình hài khiêm tốn của một con người. Đức Giêsu không chọn lựa cách thiết lập quân đội nhưng Người loan báo về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và lời mời gọi sống như Người đã sống. Người kiên trì rao giảng sứ điệp của mình dầu cho lời của Người có bị khước từ và Người có phải lãnh án tử vì những lời đó.

Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn quyền lực bằng một cách khác. Chúng ta bị thách đố đón nhận “quyền” phục vụ và đến với những ai không thể báo đáp cho ta, hay có thể đảm bảo cho ta được được nhận biết trong chức vị cao. Ở đâu và ai quanh ta là những người giống như trẻ nhỏ? Làm thế nào chúng ta có thể đáp lại sự đơn sơ và thiếu thốn của họ? Làm sao chúng ta có thể trao cho họ sức mạnh của địa vị, học vấn và lời nói để phục vụ họ? Tại sao ta phải làm thế? Vì Thiên Chúa đã thấy sự thiếu thốn và bất lực của ta, trong Đức Giêsu, Người đến và đứng chung với chúng ta, chết cho chúng ta và ban cho chúng ta sự sống phục sinh của Người, để nay chúng ta được trở nên thành viên trong Vương Quốc của Thiên Chúa.





Trả lời