Ai đó… có chúng ta

 

Ai đó… có chúng taMột ngày nọ, trong lúc cùng đồng hành với các môn đệ đến Xê-da-rê Phi-líp-phê, Đức Giê-su đã hỏi các ông rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”

Đức Giê-su là ai… là ai! Thưa, có rất nhiều câu trả lời. Có người nói Ngài là ông Gio-an Tẩy Giả. Có người  nói Ngài là ông E-li-a.  Có người lại cho Ngài là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.

Đặc biệt hơn cả đó là câu trả lời của tông đồ Phê-rô. Hôm ấy, khi Đức Giê-su hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô liền thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Vâng, Đức Giê-su  là Đấng Ki-tô.  Và, sứ vụ của Ngài chính là “Cứu Độ Thế Gian”, với vai trò là “Chiên Thiên Chúa”. Ông Gio-an Tẩy Giả, người đã “làm phép rửa” cho Ngài, vừa là người công bố, vừa là người chứng thực cho sứ vụ này.

Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả được biết đến là một người đã đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê.   Ở đó, ông kêu gọi mọi người “chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Có một số người, đó là quý thầy Lê-vi và tư tế, thấy ông làm phép rửa, cứ tưởng rằng, ông chính là “Đấng Ki-tô”, là “Ê-li-a  hay là vị ngôn sứ” nào đó. Và, từ Giê-ru-sa-lem, họ tìm đến ông để thẩm tra.

“Tôi không phải. Không phải”. Ông Gio-an Tẩy Giả đã tuyên bố như thế. Và ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa. Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”.

Sau đó, ông đã lớn tiếng nói với những vị Lê-vi và tư tế, rằng: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.

Rồi đến hôm sau đó, khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, ông liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Vâng, “Người” đấy!  Hôm ấy, ông Gio-an xác định, thêm một lần nữa về con người của Đức Giê-su, ông xác định rằng: “Chính Người là Đấng tôi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trỗi hơn tôi, vì có trước tôi”.

Đức Giê-su đấy!  Một Giê-su mà chính ông đã thấy: “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”. Và, tiếp đến, như là một chứng nhân, ông cho biết: “Chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước, đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (x.Ga 1, 33).

Cuối cùng, ông khẳng định: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. (x.Ga 1,34).

Ngày nay, khi nói về Đức Giê-su, người ta thường giới thiệu: Ngài là Ngôi Hai cao cả, là Vua muôn vua, là Chúa các chúa, là thẩm phán tối cao, là Đấng quyền năng v.v…

Ấy thế mà, xưa kia ông Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Ngài là “Chiên… Chiên Thiên Chúa”, thì có nghịch nhĩ không nhỉ!

Thưa không, với người Do Thái, nói tới con chiên, họ rành “sáu câu”. Làm sao họ có thể quên con vật từng là biểu tượng giải thoát cha ông họ ra khỏi Ai Cập, khi xưa.

Xưa kia, Thiên Chúa đã dùng con vật bé nhỏ này để biểu dương quyền năng và lòng thương xót của Người, đối với họ. Nhờ “máu chiên” bôi trước cửa nhà, cha ông họ đã thoát khỏi cái chết, đã thoát khỏi kiếp nô lệ đọa đày, và đã được đất hứa làm gia nghiệp.

Chiên, từ đó được dùng làm con vật trong tế tự. Con chiên đã được dùng để tế lễ Thiên Chúa, làm của lễ toàn thiêu, làm của lễ hiến tế, và cũng để làm của lễ đền tội.

Sách Lêvi dạy: “Nếu một người vô ý phạm tội, làm một trong những điều mà ĐỨC CHÚA cấm làm… thì vì tội đã phạm, nó sẽ đưa đến một con dê (hoặc chiên) làm lễ tiến. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ… Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha. (Lv 4, 27-32)

Nói, Đức Giêsu là Chiên-Thiên-Chúa, ông Gioan muốn nói rằng: Ngài chính là Chiên-Con-Mới,  một lễ vật mới “làm của lễ đền tội” cho nhân loại.

Tác giả thư Do Thái cũng đã tuyên bố: “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”. (Dt 10, 4-7).

Và, cuối cùng, thánh Phaolô cũng đã nhận rằng: “Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (x.1Corinto 5, 7).

Như vậy, thật là ý nghĩa khi ông Gio-an Tẩy Giả nói Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”.

Xưa, ông Gio-an đã nói: Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa. Nay, Phụng Vụ Thánh Lễ cũng có lời tuyên bố như thế: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Vâng, là một tín hữu Công Giáo, đừng nói rằng chúng ta chưa nghe câu nói này lần nào. Trái lại, hãy tự hỏi lòng mình: Khi nghe những lời này, trước khi lên “rước lễ”, tôi… tận đáy lòng tôi, có điều gì xảy ra?

Tôi có như hai môn đệ An-rê và Gio-an xưa, khi nghe ông Gio-an Tẩy Giả nói Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”, họ “liền đi theo Đức Giê-su…đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”?

Nói rõ hơn, tôi có đến chỗ-Người-ở (hôm nay), là bàn tiệc Thánh Thể, nơi tôi có thể ở-lại-với-Người, qua việc, lãnh nhận “Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô”?

Đừng quên, tiếp theo lời công bố “Đây Chiên Thiên Chúa…” vị chủ tế thân ái nói với chúng ta, rằng: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Vâng, thật là có phúc, bởi như lời Lm. Charles E. Miller chia sẻ, thì: “Đó là bữa tiệc định mệnh của chúng ta được nên một với Con Chiên trên trời”.

Thế mà, thật đáng buồn vì ngày nay nhiều bạn trẻ đã không xem trọng “bữa tiệc định mệnh” này. Họ thường xuyên vắng mặt. Mà, nếu có mặt thì họ cũng chỉ đến với một tâm tình bàng quang, thờ ơ, chiếu lệ.

Ngược  lại, với những bữa tiệc đời. Khỏi nói, họ chuẩn bị cả tuần lễ. Chuẩn bị từ cách ăn mặc cho đến phương tiện di chuyển. Phải là đúng mốt, phải là xế hộp v.v… Thật đáng buồn thay!

Hôm nay, Đức Giê-su  không còn rảo bước bên bờ sông Gio-dan, để chờ… để đợi chúng ta “đi theo Ngài, đến xem chỗ Ngài ở và ở lại với Ngài”.

Trái lại, Ngài rảo bước ngang qua mỗi tâm hồn chúng ta, và cất tiếng nói: “Này (con) hãy nghe Giê-su phán tuyên: Lại đây con, mau hỡi con, cùng theo Ta…. Ta nếm mùi cay đắng thay con rồi. Chuộc con Ta đã chết cách nhục nhã. Đau khổ vì con trả xong nợ rồi. Lại đây con, mau hỡi con, cùng theo Ta” (trích nhạc phẩm: Hãy theo Ta).

Hôm nay, tại bàn tiệc định mệnh, qua các linh mục, Ngài vẫn cất tiếng gọi: “Lại đây con – Phúc cho con”

Quyết định “lại đây” hay “không lại” là của mỗi chúng ta. Quyết định nhận “Phúc” hay không là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, nếu chúng ta “lại” và tham dự “bữa tiệc định mệnh” này, hãy tin rằng chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc, đó là sự sống đời đời.

Đó không phải là ảo tưởng, nhưng là điều Đức Giê-su đã phán hứa: “Ai ăn… sẽ được sống muôn đời”. Vâng, nếu chúng ta tham dự, ngay hôm nay, bây giờ.

Nếu… nếu chúng ta tham dự, ngay hôm nay, bây giờ, chúng ta còn được diễm phúc, diễm phúc sẽ “được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” trên Thiên Quốc, nơi mà tất cả những ai, khi còn ở thế gian, đã trung thành, bền đỗ với giao ước mới, một giao ước được thiết lập bằng chính Máu Đức Giê-su Ki-tô:  “Máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (x.Mt 26, 27).

Hạnh phúc như thế đấy! Vâng, rất hạnh phúc vì hôm nay, Đức Giê-su qua các linh mục, Ngài vẫn lớn tiếng nói: “Phúc thay ai được  mời…”

“Ai” đó có tôi và bạn. Ai đó… có chúng ta.

Petrus.tran

 

Trả lời