6. Bức họa tử đạo Lm Mai Năm, ông Đích và ông Mĩ

 

6. Bức họa cuộc tử đạo
của ông Micae Nguyễn Huy Mĩ, Antôn Nguyễn Đích và cha Giacôbê Đỗ Mai Năm,
ngày 12-08-1838 tại Nam Định

Kim Ân

Đây là bức họa lớn nhất, chiều cao 1,804 m, chiều rộng 1,965 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được vẽ theo nhiều thủ pháp nghệ thuật dân gian khác nhau như luật đồng hiện, luật tẩu mã và luật phi điểu. Nét vẽ trong bức họa này không sắc sảo cho lắm. Chúng tôi tạm chia bố cục bức họa làm bốn phần: bắt bớ và giải đi – giam cầm và thẩm vấn – dẫn ra pháp trường và hành quyết – mai táng.

6. Bức họa tử đạo Lm Mai Năm, ông Đích và ông Mĩ

Bắt bớ và giải đi: Cảnh bị bắt và giải đi chiếm gần trọn phần dưới của bức họa. Ở góc trái, bức họa giới thiệu cảnh quân lính cầm giáo bao vây một khu dân cư [30]. Phía trước căn nhà trong bức họa có bốn chữ “Vĩnh Trị dân cư”. Quan quân đã bắt được cha Giacôbê Đỗ Mai Năm tại nhà ông Antôn Nguyễn Đích (ông trùm Đích). Quan quân cũng bắt luôn ông Micae Nguyễn Huy Mĩ là con rể ông trùm Đích, cũng là lí trưởng làng Vĩnh Trị. Bức họa cho ta thấy cảnh ba vị bị trói và điệu ra đình làng Vĩnh Trị, tại đây, ông lí Mĩ bị căng ra sân đánh đòn. Đứng gần ông lí Mĩ là ông trùm Đích. Cha Năm đứng phía sau ông trùm Đích. Cách đình làng không xa về phía bên phải, một tên lính đang đi lùng sục, cướp bóc của cải. Bên ngoài vòng vây quân lính, chếch về phía trái, một đám người đang mang vác đồ đạc đưa lên thuyền bên bờ sông Đáy.

Chếch về phía trên một chút, ba vị mang gông bị quân lính áp giải lên huyện, một viên quan nằm trên cáng ở phía đầu đoàn người. Trước mặt họ là khu nhà có tường bao quanh với hai chữ “huyện nha”. Dưới chân đoàn người là dòng chữ “kí giao huyện sở”. Phía sau đoàn người là ngọn núi nhỏ với hai chữ “Nhôi sơn”.

Ở phía dưới, góc phải của bức họa, quân lính áp giải ba người mang gông, trong cáng không có người vì viên quan mặc áo xanh đã ra khỏi cáng, trước mặt viên quan là bến đò và dòng chữ “huyện quan giao tù tại tuần phủ quan”. Bên kia sông là vài ngôi nhà với những chữ “Phù Sa đồn”. Chếch lên phía trên một chút, một viên quan mặc áo xanh, quần đỏ và đoàn lính áp giải ba người mang gông, trên đầu đoàn người có hai chữ Hán “giải tỉnh”.

Giam cầm và thẩm vấn: Phần trên, gần trọn góc bên phải là một tòa thành, phía trong có chữ “Nam Định tỉnh thành”. Ba cổng trong bức họa được vẽ theo lối tẩu mã. Cổng phía dưới có chữ “chính nam môn”, cổng bên trái có chữ “chính tây môn”, cổng phía trên có chữ “chính bắc môn”. Góc tây nam tòa thành là cảnh công đường. Quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh mặc áo xanh ngồi giữa, có tả hữu hai bên. Ba tù nhân đeo gông đang ở sân công đường, hai hành lính vác gươm tuốt trần đứng hai bên. Các quan muốn ép ba vị bước qua thập giá. Ông lí Mĩ chịu thử thách đầu tiên [31]. Hai tên lính đang cầm ai đầu gông để ép ông bước qua thập giá. Ông co chân lên để không chạm vào biểu tượng thiêng thánh đó. Một tên lính đang vung roi đánh ông, một tên khác cầm chân ông kéo ra, nhưng không thể làm ông bước qua thập giá. Phía sau công đường là một ngôi điện [32]. Chếch về phía đông bắc của tòa thành là cảnh ba người ngồi trong một căn nhà với hai chữ “ngục thất”.

Dẫn ra pháp trường và hành quyết: Ở góc phải, phía trên của bức họa là cảnh ba vị chứng nhân của Chúa bị điệu ra pháp trường. Ba vị đeo gông, cha Năm đi đầu, có đoàn quân lính vác giáo áp giải. Phía trước mỗi vị, một tên lính vác phiến gỗ ghi bản án [33].

Phía trước mặt đoàn người, cảnh hành quyết chiếm trọng góc trái, phần trên của bức họa, với nhiều chi tiết khá thú vị. Một đội quân đông đảo cầm giáo đứng vòng quanh pháp trường. Quan tổng đốc và hai viên quan khác cưỡi trên ba thớt voi để chủ trì cuộc xử. Ba vị tử đạo quì trên ba manh chiếu, mấy tên lính đang tháo gông ra khỏi cổ ông trùm Đích. Một tên đao phủ đang vung gươm chém ông lí Mĩ [34]. Chiếc gông vừa được tháo khỏi cổ ông bị ném trên nền đất gần đó. Phần cha Năm, gông xiềng vừa được tháo khỏi cổ cha. Viên đao phủ đang chuẩn bị hành hình. Một tên lính đeo gươm đứng phía sau cầm một cây sào sẽ dùng để bêu đầu cha ba ngày như án lệnh. Gần chỗ hành quyết cha là ba chữ “luận hình xứ”. Phía bên trái pháp trường, một đám dân chúng chạy qua hàng rào quân lính để vào thấm máu các vị tử đạo, ba tên lính dùng roi và sống gươm đánh đập họ, nhưng họ vẫn xông vào. Ở phía trên, góc trái bức họa, một người đang ngồi với xấp vải dùng để tẩm liệm ba vị tử đạo.

Mai táng: Trở lại phía dưới của bức họa, một đoàn người đông đảo [35] cầm đuốc rước xác ba vị tử đạo về an táng tại làng Vĩnh Trị. Phía trước xác mỗi vị là phiến gỗ ghi bản án đã cắm tại nơi hành quyết. Trên phiến gỗ đầu tiên có chữ “nhất bài Mai Ngũ”, phiến thứ hai có chữ “nhất bài Nguyễn Văn Khiêm” [36], phiến thứ ba có chữ “nhất bài Nguyễn Huy Mĩ”. Ở gần đầu đoàn rước có dòng chữ “tương [37] hồi mai táng”. Cũng ở gần đầu đoàn rước, chếch về phía dưới, thân nhân các vị tử đạo mặc đồ tang ra đón.

—–

[30] Cuốn sđd, ở trang 23 và trang 176 kể rằng ngày 02-07-1838, ba trăm quân kéo tới vây làng Vĩnh Trị, trụ sở địa phận Tây Đàng Ngoài lúc đó.

[31] Cuốn sđd, trang 180 cho biết rằng trong khoảng 40 ngày bị giam cầm, ông lí Mĩ đã nhiều lần bị đánh đòn. Ông cũng tình nguyện chịu đòn thay cho bố vợ đã già yếu. Trong khoảng thời gian đó, ông đã bị đánh tổng cộng khoảng 500 roi.

[32] Trong ngôi điện có ba chữ Hán. Chúng tôi chỉ đọc được chữ đầu là kính và chữ cuối là điện. Theo sđd, trang 24 thì đây là kính thiên điện. Nhưng chữ ở giữa không thể là chữ thiên.

[33] Cuốn sđd ở trang 186 có dịch lại nguyên văn bản án kết tội cha Năm ra Pháp ngữ như sau: “Le sieur Nam, natif de Dông-Biên est un Annamite qui s’est laissé séduire par un Européen qu’ils appellent l’Evêque Jacques. Il est si profondément imbu de sa mauvaise doctrine qu’il a été impossible de lui faire comprendre son erreur. Arrêté et mis à la question, il a refusé de fouler la croix aux pieds; il est manifeste que parmi les sectateurs des mauvaises doctrines, c’est un des plus coupables. En conséquence, il est condamné à avoir la tête tranchée et exposée au haut d’un poteau pour l’instruction publique”.

[34] Sđd, trang 187 kể rằng tên đao phủ nói nếu ông cho hắn năm quan tiền hắn sẽ chém một nhát mát mẻ. Ông trả lời: “Năm quan tiền để làm phúc cho kẻ khó, chẳng có tiền cho chú mình đâu, muốn băm vằm thế nào thì mặc”. Tên đao phủ bực mình chém ông tới năm nhát, đầu ông mới lìa cổ. Vài tài liệu khác cũng cho biết rằng ông lí Mĩ đã xin quan xử cha Năm và ông trùm Đích trước, ông xin chịu chém sau cùng. Các quan đã đồng ý cho làm đúng như thế.

[35] Sđd, trang 188 nói rừng đoàn rước đông tới hàng trăm người.

[36] Nguyễn Văn Khiêm là tên chính thức của ông trùm Đích.

 

Trả lời