5. Tượng thánh giá trong phòng riêng

5. Tượng thánh giá trong phòng riêng5. Tượng thánh giá trong phòng riêng

Tin Mừng Ga 3,13-17

Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

Suy niệm

Hình ảnh con rắn đồng trong sa mạc để những người bị rắn cắn nhìn lên và được sống, hình ảnh ấy được thành toàn trọn vẹn ý nghĩa cứu độ với “Con người được giương cao” để những ai nhìn lên hình ảnh thập giá ấy sẽ tìm được sức sống cho cuộc đời mình.

Những con người bị “rắn cắn”, đó là hình ảnh con cháu nguyên tổ Adam-Evà, những người bị nhiễm nọc độc của Satan, những người muốn tự tìm sự thành đạt cho bản thân bằng cách chối từ lời đề nghị của Thiên Chúa; những người ấy muốn dùng sự khôn ngoan của riêng mình, khôn ngoan của loài rắn, để thực hiện vận mạng của cao quí của những con người mang hình ảnh Thiên Chúa. Bị rắn cắn như thế chính là những người chìm ngập trong hệ luỵ của tội, do hành vi chối từ chính bản chất yêu thương mà mình đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa.

Trong khi đó, Đức Giêsu, “Người Con chí ái” hằng tuân phục Thánh Ý Chúa Cha, lại muốn mang lấy vào bản thân mình chính những hệ quả của tội luỵ. Đức Giêsu muốn chia sẻ tận cùng thân phận tội luỵ; nhưng trong tình cảnh đau khổ tột cùng của tội luỵ ấy, Ngài vẫn một mực trung tín với Chúa Cha. Như thế, ý nghĩa của thập giá chính là : Đức Giêsu Kitô, vì yêu thương, đã sống thái độ trung tín trọn vẹn ở nơi cùng tận của tội luỵ. Do vậy, Ngài trở thành con rắn bị treo lên “để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 15); Thập giá Đức Giêsu trở thành nẻo đường giải thoát được mở ra từ đáy sâu của thân phận tội luỵ. Nhờ tình yêu hy sinh cao cả của Đức Giêsu, con người tội lỗi tìm thấy được nẻo đường giải thoát từ chính hoàn cảnh đau thương của tội và tìm được ý nghĩa chân chính cho thân phận “con cháu Evà”.

Như thế, Thập Giá Đức Giêsu diễn tả trọn vẹn tất cả mầu nhiệm cứu độ, diễn tả nét căn bản của đời sống đức Tin Kitô giáo và diễn tả nguồn mạnh sự sống của người tín hữu mà những ai tin nơi Ngài không thể không ôm lấy vào lòng như gia sản quí báu nhất của cuộc đời. Chúng ta thấy các hoạ sĩ thường vẽ ảnh thánh giá trong cuộc đời nhiều vị thánh: quì trước thánh giá, nhìn lên thánh giá, ôm cây thánh giá, giơ cao cây thánh giá đức Giêsu Kitô…

“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” [Ga 3,14)

Trong hình ảnh ấy chúng ta có thể đọc được ý nghĩa của đời sống Kitô hữu : hằng ngày nhìn lên thập giá để đón nhận tình yêu thương của Đức Giêsu; thường xuyên chiêm ngắm thập giá để biết được đòi hỏi của tình yêu chân chính : hy sinh, và hy sinh mạng sống của mình cho bạn hữu; ôm lấy cây thập giá như nguồn sức mạnh ủi an trên bước hành trình gian khó của cuộc đời; khám phá ý nghĩa của thập giá cho đời mình như là dấu chứng tình thương lớn hơn mọi tình thường, như thái độ trung tín trọn vẹn trong thách đố nặng nề nhất của kiếp người… . Nói cách khác, ai nhìn lên thập giá, người đó có được năng lực sống, vượt qua được khổ đau và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời hy sinh của mình; ai nhìn lên thập giá, người ấy được sống trong tình yêu lớn của Chúa Giêsu, và có khả năng chia sẻ tình yêu với anh chị em của mình.

“Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 15)

Cuộc sống hằng ngày có biết bao khó khăn nhục nhằn, biết bao vấn đề khúc mắc nan giải mà con người nhiều lúc cảm thấy như mình bị đè bẹp; cuộc sống hằng ngày có biết bao nỗi đau, nỗi đau của mình và nỗi đau của người thân mà mình phải chứng kiến một cách bất lực; cuộc sống hằng ngày có biết bao con người đau khổ đang ở xung quanh, đang kêu gào tình thương… Trong cuộc sống hằng ngày ấy, nhiều lúc chúng ta không khỏi cảm thấy mình cô độc và bất lực. Tất cả những mảnh đời ấy chỉ có thể được an ủi và được hoá giải trong tình thương hy sinh của Đức Giêsu, Đấng dám chấp nhận “hy sinh tính mạng vì bạn hữu” trên cây thập giá.

Đời sống một người Kitô hữu, một tu sĩ hay một linh mục mà không gắn bó với thập giá Đức Kitô, thì chỉ còn là những loay hoay bế tắc, những vùng vằng đổ lỗi, những thở than thất vọng… Đối diện với thập giá, mọi vấn đề sẽ sáng ra trong ánh sáng thần linh, mọi khổ đau sẽ đậm đà thêm trong hương vị tình yêu hy sinh…

Thánh Martin đã chia sẻ thân phận con người và hiệp thông trong cùng một sức sống chung của Giáo Hội : Martin đã từng chịu đau khổ nhục nhằn; trong phòng Martin, không có bàn, không có ghế, ngoài cái giường, chỉ có tượng Thánh Giá, ảnh Đức Mẹ và thánh Đa Minh treo trên tường. Hình tượng thánh giá là điều không thể thiếu đối với Martin. Nhiều lần người ta nhìn thấy Martin quì cầu nguyện ngây ngất trước thập giá Chúa. Một đêm kia, thầy Gioan Vasquez vừa bước đến cửa phòng thầy Martin, thấy thầy lơ lửng trên không, hai tay giang rộng, đôi mắt nhìn thẳng lên tượng thánh Giá. Hôm khác, thầy Martin Cabazas đi tìm Martin để đến gíup cha Antonio d’Arco đang hấp hối, vừa đến cửa phòng, anh thấy Martin đang bay bổng lên hôn tượng Thánh Giá trên tường.

Chính từ những lúc khám phá tình yêu thương trên Thập Giá Đức Giêsu mà Martin tìm được sức mạnh cho đời sống yêu thương phục vụ của ngài.

Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP
(Những trang tin mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô)

Trả lời