300 ngàn tín hữu dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Ecatepec

 

300 ngàn tín hữu dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại EcatepecMÊHICÔ. Sáng chúa nhật 14-2-2016, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại thành phố Ecatepec trước sự tham dự của 300 ngàn tín hữu.

Ecatepec, cách thành phố Mêhicô 30 cây số về hướng bắc, có hơn 1 triệu 700 ngàn dân cư, trong đó có rất nhiều người hằng ngày về thủ đô làm việc. Nơi đây cũng khét tiếng vì nạn săn các phụ nữ để đưa vào kỹ nghệ mại dâm và săn các nam thanh thiếu niên để xung vào các băng đảng ma túy. Ecapetec bị coi là nơi ”vô luật pháp, với các tổ chức tội phạm, nạn ô nhiễm cao độ và nghèo đói trầm trọng, nơi bị coi là nguy hiểm nhất cho phụ nữ và dân chúng nói chung với nạn giết người, bắt cóc và buôn người.

ĐTC đã đáp trực thăng tới bãi đậu của trung tâm nghiên cứu cao đẳng Ecatepec, và tiến về khu vực hành lễ. Dọc đường suốt 9 cây số hàng ngàn người đứng hai bên đã dành cho ngài cuộc tiếp đón hết sức nồng nhiệt. Gần tới địa điểm hành lễ, đoàn xe của ĐTC tiến trên bức thảm hoa thật đẹp trên đường đi.   ĐTC đã cử hành thánh lễ chúa nhật thứ I mùa chay lúc 11 giờ rưỡi phút trước sự tham dự của 300 ngàn tín hữu, trong đó có nhiều giáo dân dấn thân trong Giáo Hội và nhiều gia đình.

Trong số các tu sĩ dự lễ cũng có chị Angelica Garcia Barela, và chị em thuộc dòng Nữ tỳ Thừa Sai Lời Chúa. Các chị đến đây từ hôm trước và ngủ lại tại địa điểm hành lễ để canh giữ các bánh lễ sẽ được thánh hiến và chị cũng giúp phân phát Mình Thánh Chúa cho những tín hữu ở xa lễ đài. Sứ vụ chính của các chị ở Ecatepec là đi từng nhà, chia sẻ Lời Chúa với các gia đình. Chị biết cách loan báo Tin Mừng và nói rằng ”ĐTC Phanxicô là mẫu gương tuyệt hảo về việc loan báo Tin Mừng bằng sự hiện diện”. Chị cũng nói với phái viên hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ: ”ĐTC đến đây để chứng tỏ đức tin và để thay đổi tâm hồn. Niềm tin của ĐTC, lòng nhiệt thành và niềm vui của ngài không phải là điều thoáng qua, nhưng lây sang người khác và có thể thay đổi nhiều điều”.

Đồng tế với ĐTC có hàng trăm GM và LM trong lễ phục màu tím. Lễ đài vĩ đại có mái che cầu vồng, được trang trí với những hình vẽ theo văn hóa của thổ dân Aztec – hoa và chim, được làm bằng các bông hoa và cánh hoa.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC nói đến ý nghĩa mùa chay và dựa vào bài Tin Mừng ngài nhắn nhủ các tín hữu hãy vượt thắng 3 thứ cám dỗ, như Chúa Giêsu đã chiến thắng trong trình thuật Phúc Âm. Ngài nhận xét rằng trong mỗi người chúng ta có tiềm ẩn giấc mơ về Thiên Chúa mà chúng ta cử hành trong mỗi lễ Phục Sinh, mỗi Thánh Lễ, chúng ta tái cử hành: chúng ta là con cái Thiên Chúa. Đó là giấc mơ mà bao nhiêu anh chị em chúng ta đã sống qua dòng lịch sử. Giấc mơ được máu bao nhiêu vị tử đạo xưa và nay làm chứng. ĐTC cảnh giác rằng:

”Mùa chay, mùa hoán cải, vì hằng ngày ta cảm nghiệm trong cuộc sống sự kiện giấc mơ ấy luôn bị cha kẻ dối trá đe dọa, hắn muốn chia rẽ chúng ta, tạo nên một xã hội chia cách và xung đột. Một xã hội của một thiểu số và cho một thiểu số. Bao nhiêu lần chúng ta cảm nghiệm trong thân xác chúng ta, hoặc trong gia đình chúng ta, trong gia đình bạn hữu và những người láng giềng của chúng ta, sự đau khổ phát sinh từ sự cảm thấy phẩm giá của tất cả mọi người không được tôn trọng. Bao nhiêu lần chúng ta đã phải khóc và hối hận vì chúng ta không nhận thấy phẩm giá ấy không được tôn trọng nơi người khác. Tôi phải đau lòng mà nói rằng bao nhiêu lần chúng ta mù quáng và dửng dưng trước sự thiếu nhìn nhận phẩm giá của mình và của tha nhân.

”Mùa chay là mùa điều chỉnh lại các giác quan, mở mắt trước bao nhiêu bất công làm thương tổn trực tiếp giấc mơ và dự án của Thiên Chúa. Mùa chay là mùa vạch trần 3 hình thức cám dỗ lớn phá v[u, chia cắt hình ảnh mà Thiên Chúa muốn hình thành. 3 cám dỗ của Chúa Kitô.. 3 cám dỗ của Kitô hữu chúng tìm cách làm hư hỏng chân lý mà chúng ta được mời gọi đón nhận và sống. 3 cám dỗ tìm cách hạ giá chúng ta.

1. Trước tiên là sự giàu sang, chiếm hữu của cải được ban cho tất cả mọi người, chỉ sử dụng chúng cho tôi hoặc cho những người thân của tôi. Đó là sự kiếm cơm bánh cho mình bằng mồ hôi của người khác, hoặc thậm chí bằng sự sống của người khác. Sự giàu sang ấy là bánh có mùi đau đớn, cay đắng, khổ đau. Trong một gia đình hoặc trong một xã hội hư hỏng đó là bánh mà người ta kiếm để cho con cái mình được ăn.

2. Cám dỗ thứ hai là sự háo danh. Sự tìm kiếm uy tín dựa trên sự liên tục hạ giá những người ”không là ai cả”. Sự miệt mài tìm kiếm vô độ 5 phút vinh quang không nể nang thanh danh của người khác. ”kiếm củi từ cây đã đổ”, mở đường cho cám dỗ thứ ba:

3. Đó là sự kiêu ngạo, tức là đặt mình cao hơn mọi người khác, nghĩ rằng ”mình không chia sẻ cùng cuộc sống như những người thường khác” và hằng ngày cầu nguyện ”Cám ơn Chúa vì đã không để con giống như những người kia!”.

Trên đây là 3 cám dỗ mà Kitô hữu gặp phải hằng ngày, 3 cám dỗ tìm cách hạ giá, phá hủy và tước bỏ niềm vui và sự tươi mát của Tin Mừng. Chúng ta khép mình trong một cái vòng hủy hoại và tội lỗi.

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy tự hỏi xem mình ý thức về những cám dỗ ấy tới mức độ nào trong con người chúng ta? Tới mức độ nào chúng ta quen với lối sống nghĩ rằng trong sự giàu sang, háo danh và kiêu ngoại có nguồn mạch và sức mạnh của cuộc sống?

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta đã chọn Chúa Giêsu chứ không chọn ma quỉ; chúng ta muốn theo vết Chúa, nhưng chúng ta biết rằng đó không phải là điều dễ dàng. Chúng ta biết thế nào là bị tiền bạc, danh tiếng và quyền hành cám dỗ. Vì thế Giáo Hội cho chúng ta thời điểm này, mời gọi chúng ta hoán cải với một niềm xác tín duy nhất chắc chắn này: Chính Chúa đang chờ đợi chúng ta và muốn chữa lành con tim chúng ta khỏi tất cả những gì làm băng hoại nó. Đó chính là Thiên Chúa với danh hiệu là ”lòng thương xót”. Danh Chúa chính là sự giàu sang, là danh tiếng và quyền bính của chúng ta”.

Kinh Truyền Tin

Cuối thánh lễ, như mọi trưa chúa nhật, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin, và trong bài huấn dụ ngắn, ngài dựa vào bài đọc thứ I trích từ sách Đệ nhị luật (26,5-11) để mời gọi các tín hữu hãy nhớ lại và dâng lời cảm tạ Chúa vì bao nhiêu hồng ân Chúa đã ban từ trước đến nay cho chúng ta. Ngài nói:

”Tôi cũng muốn hiệp với anh chị em trong ký ức cảm tạ này. Nhớ lại một cách sinh động sự đi qua của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta…   ”Tôi muốn tái mời gọi anh chị em ngày hôm nay hãy đi hàng đầu, hãy năng nổ trong mọi sáng kiến có thể biến lãnh thổ Mêhicô được chúc phúc này thành một miền đất thuận lợi, đầy cơ may, thành nơi mà không cần xuất cư để có thể mơ ước, không cần bị bóc lột để được làm việc, không cần làm cho tuyệt vọng và nghèo đói của nhiều người thành cơ hội cho một thiểu số. Một miền đất nơi mà những ngư[ơi nam nữ, thanh niên và trẻ em không phải khóc lóc, và không bị tiêu diệt trong tay những kẻ buôn sự chết chóc”.

”Đất nước này có hương vị của Đức Mẹ Guadalupe, Đấng luôn đi trước chúng ta trong tình yêu thương; chúng ta hãy thưa với Mẹ:

Lạy Đức Trinh Nữ Thánh, ”xin giúp chúng con rạng ngời trong chứng tá về tình hiệp thông, phục vụ, lòng tin nhiệt thành và quảng đại, công lý và tình thương đối với người nghèo, để niềm vui Phúc Âm đi tới tận bờ cỡi trái đất và không khu vực ngoại ô nào bị thiếu ánh sáng” (Evangelii gaudium, 288).

Lời chào của Đức Giám Mục sở tại

Trước khi ĐTC ban phép lành kết thúc, Đức Cha Oscar Dominguez Couttolenc, GM giáo phận Ecatepec sở tại, đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC. Ngài cũng nói rằng: ”Cũng như nhiều nơi khác, chúng con cảm nghiệm ở đây nghèo đói và bạo lực, sống trong thân xác mình đau khổ của những nạn nhân của nạn tham những, đói nghèo, và mọi thứ biểu hiện khác của sự ác, dẫn tới sự suy sụp căn nhà chung của chúng ta.. Đối lại tình trạng đó, các tín hữu ở Ecatepec này cầu nguyện, suy tư, hoạt động, cố gắng sống linh đạo hiệp thông, một tinh thần liên đới, càng được củng cố nhờ cuộc viếng thăm này của ĐTC”.

Sau thánh lễ vào lúc 2 giờ, ĐTC đã đến Đại chủng viện giáo phận Morelia, một giáo phận có 600 ngàn tín hữu Công Giáo, để dùng bữa trưa cùng với đoàn tùy tùng. Ngài cũng ghi lại một lời huấn dụ cho các chủng sinh trong đó ngài nhắn nhủ các thày đừng trở thành ”giáo sĩ Nhà Nước”: Tất cả những người ở trong chủng viện này đang chuẩn bị làm linh mục, cần luôn luôn nghĩ đến Chúa Giêsu Kitô và Mẹ chí thánh của Người. Ước gì họ được huấn luyện để trở thành các mục tử của dân trung thành với Thiên Chúa chứ không phải là những giáo sĩ nhà nước”.

 G. Trần Đức Anh OP

 

Trả lời