2. Đối diện với nỗi khổ của cuộc đời

2. Đối diện với nỗi khổ của cuộc đời

Tin Mừng Mc 6,30-44

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi !” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? ” Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem! ” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá.” Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.

Suy niệm

Nỗi khổ của con người thì quá mênh mông, quá sâu kín và có muôn dáng vẻ : từ những nỗi đau của bệnh tật cho đến sự dằn vặt của người tội lỗi; từ hoàn cảnh éo le của một cuộc tình cho đến những rối rắm của một con nợ không làm sao giải quyết được; từ sự uất ức của một người nghèo bị ức hiếp cho đến nỗi thất vọng của những kẻ thất bại trên đường đời; từ tâm trạng bất lực trước nỗi đau của người thân cho đến nỗi cô đơn của một con người không tìm thấy được một người nào thân thiết trên đường đời …

Với đôi bàn tay nhỏ bé, làm sao ta có thể ôm trọn nỗi khổ đau của con người ? Với đôi mắt bàng quan, làm sao ta có thể hiểu được hết những nhục nhằn của phận người ? Với tấm lòng nhỏ bé, làm sao có thể thông chia được hết nỗi chua xót dù chỉ là nỗi đau xót của một người mà thôi ?

Nỗi khổ cuộc đời bao giờ cũng mênh mông hơn đôi tay của ta, bao giờ cũng sâu kín hơn tầm nhìn đôi mắt của ta, bao giờ đòi hỏi nhiều hơn tấm lòng nhỏ bé của ta. Đối diện với nỗi khổ của con người, người ta có cảm tưởng như những việc làm của mình chỉ là một giọt nước trong sa mạc nóng cháy, chỉ là một chút an ủi dư thừa đối với một cơn đau xé lòng.

Cũng chính vì thế mà, khi đối diện với nỗi khổ đau, nhiều người thường tự tìm lối giải quyết bằng phương cách né tránh : “Ở đây hoang vắng và bây giỡ đã khá muộn, xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn” (Mc 6, 35-36).

Biết làm sao được ! Cái đói của con người thì quá lớn mà túi tiền của mình, bàn tay của mình lại nhỏ bé và trống rỗng. Thôi thì né tránh cũng là một thái độ có chút “tự trọng”. Không làm được gì, ta né tránh còn hơn dửng dưng với nỗi khổ cuộc đời…

Thế nhưng, Chúa Giêsu lại mời gọi người môn đệ đối diện thẳng thắn và dấn thân vào nỗi khổ đau của nhân loại: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6, 37)./

Bất cứ một người nào cũng có thể nêu lên nhiều lý lẽ để từ chối lời mời gọi của Chúa Giêsu : tôi lo cho thân tôi còn chưa được ! Biết làm sao bây giờ ! Đành phải chấp nhận thôi ! Nó tự gây ra đau khổ cho nó thì nó ráng mà chịu !… Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao ? “ (Mc 6, 37)

Lời mời gọi của Chúa Giêsu đơn giản quá, và cũng dứt khoát quá. Chúa thừa biết sự bất lực của các môn đệ, nhưng Chúa không đồng ý với thái độ trốn tránh; Chúa không muốn người môn đệ tìm tới một giải pháp nửa vời, để rồi an thân và dửng dưng trước đại dương đau khổ trong cuộc sống con người.

“Người bảo các ông : Anh em có mấy chiếc bánh ? Đi coi xem !”. Khi biết rồi, các ông thưa : Có năm chiếc bánh và hai con cá” (Mc 6, 38).

Hãy thẳng thắn đối diện với khổ đau, đó là sẵn sàng dấn mình và bước đi, dù với một mớ hành trang ít ỏi của mình, dù với đôi tay nhỏ bé, dù với đôi mắt “cận thị”, dù với tấm lòng còn hạn hẹp của mình. Dù bất cứ điều gì đi nữa, hãy cứ dấn bước vào nỗi khổ của nhân loại, vì đó chính là cuộc phiêu lưu mà Chúa mời gọi.

Cuộc đời của thánh Martin cũng chính là một cuộc dấn bước vào đại dương khổ đau của con người : từ khi là một chú bé, Martin đã bắt đầu nhận ra nhiều người còn nghèo đói cùng quẫn hơn mình; khi trưởng thành Martin đã chọn nghề thuốc để có thể làm gỉam bớt nỗi khổ đau của con người; khi là một người giúp việc, rồi là một tu sĩ rốt bét trong tu viện, Martin cũng vẫn cứ một mực gom góp tất cả hành trang bé nhỏ trong tầm tay để góp phần xoa dịu nỗi khổ đau của anh chị em xung quanh mình.

Đối diện trước khổ đau, thái độ bịt mắt để dửng dưng quả thật là tệ hại, thái độ trốn tránh ấy chỉ là một cách đầu hàng, chấp nhận thực trạng bi đát của cuộc đời. Chỉ có thái độ dấn thân vào, dính dáng vào, liên luỵ vào, và tìm thấy một chút gì để cống hiến, chỉ thái độ ấy mới là thái độ chân chính của con người. Chỉ có con vật mới ngoảnh mặt trước nỗi đau của đồng loại. Con người có tấm lòng, con người có khả năng động lòng thương; con người có khả năng từ bỏ phần lợi của mình để chia sẻ chút gì cho đồng loại.

Đó lại chính là sự cao qui của phận người nhỏ bé nhưng biết yêu thương; để rồi, với niềm tin, khi đụng đầu với nỗi bất lực của con người, người Kitô hữu lại có thể khám phá ra thực tại ơn cứu độ đang chờ được khai mở ở ngay sau bức màn bất lực ấy. Từ năm chiếc bánh vào con cá, “ai nấy đều ăn và được no nê” (Mc 6, 42).

Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP
(Những trang tin mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô)

Trả lời