10. Trao tặng tấm lòng

10. Trao tặng tấm lòng- Tin Mừng Lc 21, 1-4

10. Trao tặng tấm lòngNgước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

Suy niệm

Ngày xưa, cha ông chúng ta vẫn nói rằng : của ít lòng nhiều. Đó là một nét đẹp, một nét “văn hoá” của dân tộc khi mà người ta không chỉ xem xét quà tặng bằng “mắt thịt”, bằng một sự đánh giá theo giá cả tiền bạc, nhưng biết đi sâu vào cõi lòng để nhận ra sự quí báu của một món quà bình thường. Nét đẹp văn hoá ấy làm cho mối tương quan trong cuộc sống con người không còn phải là một bài toán cân đong đo đếm, không phải là tinh thần tính toán hơn thiệt, dựa vào giá trị kinh tế của quà tặng, nhưng là tình thân thật sự của con người với nhau.

Chỉ ở mức độ con người và con người có “văn hoá”, người ta mới có thể nhìn thấy nét đẹp của tình người. Tình người cao quí hơn ngàn lần tiền bạc vì chỉ có tình người mới đáp ứng nhu cầu yêu thương sâu xa trong bản chất người, chỉ có tình người mới có thể làm cho người ta thực sự hạnh phúc. Trong khi đó tiền bạc, của cải chỉ là một phương tiện được trao ban để con người cùng nhau xây dựng tình người.

Trong xã hội Việt Nam hôm nay, người ta ít sống được giá trị văn hoá truyền thống ấy. Con người thực dụng của thời đại này muốn “đo lường” tất cả, đo lường cả tình người và phẩm giá con người bằng thước đo tiền bạc. Người ta không chấp nhận một kẻ đi ăn cưới với số tiền bỏ vào phong bì quá ít; người ta không còn thấy hạnh phúc khi nhận được món quà nho nhỏ nhưng diễn tả mối quan tâm sâu sắc, thân tình của người trao tặng; người ta không có đủ tấm lòng để đón nhận được một tấm lòng khác đang muốn trao tặng. Và như thế, cuộc sống của xã hội bộc lộ như một bộ máy thẳng tay vứt vào soọt rác những người nghèo, dù đó là những người chân thật, những người biết rung động vì tình người.

Tinh thần thực dụng biến con người thành sinh vật kinh tế và tưởng rằng con người chỉ cần thoả mãn những nhu cầu vật chất của mình mà thôi. Tinh thần thực dụng không tìm thấy niềm vui vì được gặp gỡ, niềm hạnh phúc vì được sống trong tình yêu thương, sự hân hoan vì được liên đới, hiệp thông, chia sẻ cuộc đời với nhau một cách sâu xa.

Chúa Giêsu nhắc lại cho chúng ta sự cao quí của tấm lòng và Ngài cho thấy Thiên Chúa nhìn đến tận đáy sâu tâm hồn con người. Thiên Chúa trân trọng tấm lòng con người chứ không phải chỉ biết “cân đong đo đến” công phúc con người bằng cán cân thực dụng :

“Người liền nói : ‘Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để sống’” (Lc 21, 3-4)

Nước Thiên Chúa không loại bỏ những người nghèo khổ như xã hội thực dụng và Thiên Chúa có “đủ” tấm lòng để có thể nhận ra và trân trọng tấm lòng của những người nghèo khổ. Con người đến với Thiên Chúa không thể cậy dựa vào vốn liếng tiền bạc hoặc ngay cả công đức của mình. Ngược lại con người cần chân thành nhận ra “cái nghèo” của bản thân, cái nghèo kiếp nhân sinh. Chỉ khi đó, người ta mới có thể “rút ra từ cái túng thiếu của mình” một chút lòng thành, một niềm tin tưởng cậy trông để dâng lên Thiên Chúa. Con người cũng được mời gọi nên giống bà hoá nghèo, dám trao tặng “tất cả những gì bà có để sống”. Chỉ khi đó, đời sống đức tin mới thực sự là một cuộc gặp gỡ, hiệp thông của tấm lòng với tấm lòng.

Cũng thế, thánh Martin không đến với người nghèo khổ bằng một túi tiền to hoặc bằng một khả năng siêu đẳng. Martin đến với người nghèo, trước tiên, như một người nghèo, nhưng là một người nghèo có tấm lòng. Với tấm lòng yêu thương bác ái, Martin thanh thản để cho đi những gì mình có được, để cống hiến dù chỉ một chút công sức mà mình có thể làm được. Qua những trợ giúp vật chất, Martin luôn trao tặng chính tấm lòng vàng của mình cho những người nghèo khổ, chứ không phải là sự ban bố vung vãi quyền năng dư thừa. Chính từ thái độ “trao tặng tấm lòng” như thế, Thiên Chúa trân trọng, yêu thương, đón nhận và làm cho công việc của Martin trở nên hiệu quả theo ý của Ngài.

Với tấm lòng, ngay cả khi thấy mình không còn chút gì để trao tặng, Martin luôn có thể tìm ra một điều gì đó, một chút gì đó để trao tặng và đó là sự trao tặng tất cả những gì mình có. Một lần đi ngang qua khám đường Lima, thấy một đám tù nhân lao động vất vả, và họ có vẻ vừa đói vừa khát. Martin nhìn lại túi tiền của mình và thấy không còn một thứ gì. Suy nghĩ một lúc, sực nhớ ra mình còn cái nón, Martin liền bán cái nón lấy một số tiền ít ỏi gíup cho họ.

Cái nón của Martin có thể ví được như hai đồng tiền kẽm của bà góa trong Tin Mừng, cái nón được “lấy ra từ sự túng thiếu”, cái nón của tấm lòng dám trao tặng.

Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP
(Những trang tin mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô)

 

Trả lời