1. Cúi xuống những người cùng khổ

 

1. Cúi xuống những người cùng khổTin Mừng Ga 1,14
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”

Suy niệm :

Giữa lòng các xã hội xa hoa luôn có một thế giới cùng khổ. Trong dòng người trẩy hội, vẫn thường có những người ăn xin; giữa lòng những khách thanh tao lịch lãm, luôn có những người không có được một phẩm cách xứng với phẩm giá con người; chung quanh những cuộc ăn nhậu xa hoa luôn có những người khao khát một chút đồ ăn thừa của người khác; bên cạnh những căn hộ tiện nghi và ấm cúng, người ta luôn có thể thấy những người không có một nơi để trú ngụ. Thế giới nghèo khổ ấy vẫn cùng hiện diện trong lòng thế giới xa hoa và trở nên như một tiếng kêu thống thiết đối với lương tâm con người.

Đó là một thực tế trong cuộc sống xã hội, nhất là trong lòng một xã hội kinh tế thị trường, xã hội tiêu thụ, xã hội mà tiêu chuẩn đánh giá một con người chính là khả năng tiêu xài tiền bạc. Hơn nữa, thế giới kinh tế thị trường còn tạo nên một tâm trạng “hợp pháp hoá” tình trạng cách biệt trong mức sống: những người nghèo được coi là những người không có khả năng; và có thể lắm, họ chính là những người lười biếng, những người ăn bám, những người đáng phải chịu ảnh nghèo khổ của họ !!!

Lao mình vào quĩ đạo của kinh tế thị trường, người ta khó nhìn thấy rằng những cảnh nghèo khổ chính là sản phẩm của xã hội; và cũng khó nhận ra trách nhiệm trước những tình cảnh nghèo khổ chung quanh mình. Do đó, hoặc người ta dửng dưng trước thực tế cuộc đời; hoặc chẳng bao giờ thấy được những người kém may mắn đang cần sự trợ giúp.

Để có thể nhận ra được mặt trái của xã hội và để nhận ra trách nhiệm của mình, người ta cần phải thay đổi lối nhìn : không phải là cứ “nhìn lên để thấy mình không bằng ai”, rồi ganh tỵ, rồi tủi thân, rồi đua đòi, rồi tự làm khổ mình… ; nhưng là “nhìn xuống để thấy không ai bằng mình”, để rồi biết động lòng trắc ẩn, biết sống liên đới, và biết chia sẻ với những người khó khăn hơn.

Ngôi Lời Thiên Chúa đã thể hiện một chiều hướng hạ giáng trong việc cứu độ con người “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Quả thật, như thư Phi-lip diễn tả một cách phong phú, Ngôi Lời Thiên Chúa, thay vì đứng trên cao để ban ơn, thay vì sử dụng uy quyền toàn năng của mình để điều khiển muôn vật, đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 7-8). Ngôi Lời Thiên Chúa đã “cúi xuống” thân phận con người, đã động lòng thương trước những hoàn cảnh éo le của phận người; để trước hết là cùng chia sẻ kiếp khổ đau với con người và cùng với con người đi đến cõi phúc của Nước Trời. Thái độ “cúi xuống” là chính là thái độ của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời của Ngài.

Thánh Martin cũng đã tìm ra cách sống phong phú trong thái độ cúi xuống như thế : sống trong một hoàn cảnh chẳng bằng ai, một người da mầu trong một xã hội kỳ thị chủng tộc, một đứa con bị bỏ rơi, một hoàn cảnh gia đình khó khăn… thế nhưng thay vì nhìn lên để phẩn uất vì hoàn cảnh “đen đủi” của mình, Martin lại biết nhìn xuống những người nghèo khó hơn mình, và luôn thể hiện một tấm lòng bác ái, quảng đại. Nhiều lần được mẹ sai đi mua đồ lặt vặt hay đi chợ, cậu bé Martin đã giữ lại một ít tiền để bố thí cho những người nghèo khổ; cũng thế, khi là một người giúp việc trong nhà Dòng, một vị thế rốt bét nhất trong một tập thể, Martin lại vẫn viết nhìn xuống để khám phá thấy có nhiều người nghèo khổ cần giúp đỡ, nhiều người bệnh tật cần được chữa trị và chăm sóc…

Dù chẳng hơn gì ai trong bậc thang xã hội, ở đâu cũng thế, Martin vẫn nhận thấy chung quanh mình nhưng người nghèo đói, bệnh tật; Martin vẫn nhận thấy mình cần phải giơ bàn tay ra để xoa dịu, để trợ giúp những người khổ đau. Martin đã cúi xuống để khám phá ra sứ vụ của đời mình chính là chăm sóc cho những người nghèo khổ hơn. Chính vì thế mà cuộc đời của Martin trở thành cuộc đời của một người sống lòng bác ái, lòng bao dung, thái độ sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Thiên Chúa đã hoá thân làm người và đã tự đồng hoá với những người bé mọn nhất, “ai đón tiếp em nhỏ này vì danh Thầy là đón tiếp chính Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Lc 9, 48). Do đó, thái độ của mọi người Kitô hữu, những người môn đệ của Chúa cũng phải là cái nhìn “cúi xuống”. Hãy cúi xuống để gặp gỡ cuộc sống nơi những gì chân thật nhất ! Hãy cúi xuống nỗi khổ của cuộc đời để thấy cuộc sống là một lời mời gọi liên đới chân thật với nhau ! Hãy cúi xuống để sống một cuộc đời đầy tràn ý nghĩa của yêu thương ! Hãy cúi xuống để có thể mở đôi tay, đóng góp một phần sức lực và của cải để làm giảm bớt sự khốn cùng của anh chị em xung quanh mình ! Hãy cúi xuống để gặp gỡ chính Chúa đang hoá thân trong những người nghèo khổ !

Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn op
(Những trang Tin Mừng mở ra trên đời thánh Martinô)

Trả lời