Năm C

 
 

Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm C

Am 8:4-7 ; 1 Tm 2:1-8 ; Lc 16:1-13

 

An Phong op : Sử Dụng Tiền Bạc Sao Cho Ðúng

Như Hạ op : Khủng Hoảng

Fr. Jude Siciliano, op : Tiền Bạc

G. Nguyễn Cao Luật op : Có Tiền, Hãy Đem Sử Dụng !

Giacôbê Phạm Văn Phượng op : Dùng Tiền Mua Bạn

G. Nguyễn Văn Thuần op : Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của

Lm. Jude Siciliano, op : Con Cái Sự Sáng Trong Của Cải Vật Chất

Đỗ Lực op : Tham Thì Thâm

Lm. Jude Siciliano, op: Thế nào là con cái sự sáng?

 
An Phong op

Sử Dụng Tiền Bạc Sao Cho Ðúng
Lc 16,1-13

Tin mừng chúa nhật 25 thường niên C là dụ ngôn về người quản lý bất lương, bị ông chủ đòi tính sổ và không còn được làm quản lý nữa. Nhưng người quản lý này đã khôn ngoan và táo bạo để toan tính cho tương lai sắp tới của mình : gọi các con nợ đến và giảm nợ. Ông chủ đã khen ngợi hành vi đó. Tiếp đến, Ðức Giêsu đưa ra những lời khuyên thực tế về việc sử dụng tiền bạc thế nào cho đúng : để mưu cầu hạnh phúc đời đời.

Ðức Giêsu luôn gây những điều bất ngờ và nghịch lý. Những dụ ngôn "nghịch lý" như : Vị quan tòa bất chính (Lc 18,1-8), Người phú hộ ngốc nghếch (Lc 12,16-21), Người tá điền sát nhân (Mt 21,33-43)... đã minh chứng điều này. Dường như Ðức Giêsu nhận ra những yếu đuối, thiếu sót và cả những "hào nhoáng" trong những nhân vật được xem là đáng kính trọng ? Dường như có một chút hài hước và cay đắng đối với những người được xem là "đạo đức" ? Ðiều này xem ra làm cho những người nghe Người bị sửng sốt. Thực vậy, khi đến trần gian, Ðức Giêsu thường "bầu bạn" với những người tội lỗi. Người đến để cứu vớt những người tội lỗi. Như Thiên Chúa đã sáng tạo con người bằng bụi đất, và khi làm như thế Người chẳng sợ "dơ tay", thì Ðức Giêsu sẽ tái tạo nên một nhân loại sáng ngời, mới mẻ từ giữa những người tội lỗi. Ðiều này thể hiện lòng nhân từ của vị Thiên Chúa đến với con người.

Nhưng nhất là trong hoàn cảnh quyết liệt và bi đát, lòng nhân từ này vẫn rộng mở và gây nhiều ngạc nhiên. Dụ ngôn người quản lý bất lương là một tiêu biểu.

Người quản lý trong dụ ngôn này gây ngạc nhiên cho chúng ta, bởi lẽ anh ta bất lương, không trung thực trong việc quản lý của mình. Anh ta đã phải nhận lấy thảm họa cho chính mình. Anh đã biết sử dụng những "mánh khóe" và những quyết định tức thời để toan tính cho tương lai của mình trong một hoàn cảnh bi đát như thế. Ðiều ngạc nhiên hơn nữa là ông chủ đã khen ngợi cách hành xử của người quản lý này. Ông chủ đã thể hiện lòng nhân từ vượt quá lẽ thường tình. Theo lẽ thường, ông chủ sẽ tức giận, và không đồng ý lối giải quyết của người quản lý bất lương như trong câu chuyện.

Như thế, khi chúng ta phải đương đầu với những hoàn cảnh bi đát, bị loại trừ, chúng ta hãy dám hành xử một cách "táo bạo" và "sáng suốt" để mưu cầu hạnh phúc vĩnh cửu cho mình, như người quản lý đã làm.

Lối hành xử táo bạo và sáng suốt này nghĩa là sao ? Là dám tin tưởng vào lòng nhân từ vượt quá lẽ bình thường của Thiên Chúa. Là nghĩ đến tương lai và mưu cầu hạnh phúc đời đời cho chính mình. Là luôn hy vọng và cậy trông dù trong hoàn cảnh bi đát nhất.

Những lời giáo huấn của Ðức Giêsu về cách sử dụng tiền bạc: "Tiền bạc là một ông chủ xấu, nhưng lại là một đày tớ tốt". Tiền bạc được nói ở đây được xem như là đại diện những thực tại trần thế vốn chẳng tốt cũng như chẳng xấu; nó tốt hay xấu là tùy người sử dụng.

Người kitô hữu không "từ chối" tiền bạc nhưng biết cách "từ chối" phục vụ chúng, coi chúng như là một ông chủ. Chỉ có một đời sống nhưng với hai phương diện khác nhau : một là trong tương quan với Thiên Chúa hoặc đời sống tâm linh (cầu nguyện cá nhân, tham dự thánh lễ...), và một là trong tương quan với đời sống thường ngày (công ăn việc làm, nghỉ ngơi, giải trí...). Nhưng hai đời sống này (tâm linh và thường ngày) chỉ là một, chúng tác động lẫn nhau. Ðiều quan trọng là cách thế hành xử đặt Thiên Chúa lên trên hết, là định đúng bậc thang giá trị của mọi thực tại trần thế.

Như thế người kitô hữu tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời cũng "táo bạo" và "sáng suốt" để đạt cho được hạnh phúc vĩnh cửu. Hơn nữa, tìm kiếm Nước Thiên Chúa nhưng không xao lãng việc xây dựng xã hội trần thế.

Lạy Chúa Giêsu,

Người là Ðấng Cứu thế khoan dung và nhân từ.
Là ánh sáng chiếu vào đêm tối chúng con.
Là bạn của con người. Chúa không chê ghét một ai.

Trái tim Người không khép kín
trước những toan tính ích kỷ của con người.

Xin cho chúng con tình yêu,
lòng thương xót và dịu hiền của Chúa.


Như Hạ op

KHỦNG HOẢNG
Lc 16:1-13

Công bình vô cùng cần thiết cho cuộc sống. Chính sự bất công đã kéo sập cơ quan Thương Mại Quốc Tế tại Nữu Ước ngày 11/9/2001 vừa qua. Khủng bố chỉ là hệ lụy bất công. Tin Mừng hôm nay muốn trình bày bộ mặt thật của bất công và những giải pháp chấm dứt cảnh bất công đó.

MA LỰC KIM TIỀN

Tất cả chủ đề Tin Mừng hôm nay đều xoay quanh tiền bạc vật chất. Ðây là một vấn đề lớn không thể không đề cập đến trong cuộc sống. Bởi vậy, Ðức Giêsu phải dùng một dụ ngôn để rút ra những kết luận cụ thể cho những môn đệ trên bước đường theo Chúa. Chính lúc túng quẫn nhất, sự thật mới được phơi bày. Cháy nhà ra mặt chuột. Cũng như người con thứ trong Tin Mừng tuần trước, người quản gia tự bàn tính : "Mình phải làm gì đây ?"(Lc 16:3), sau khi nghe tiếng sét đánh mang tai :

"Từ nay anh không được làm quản gia nữa !" (Lc 16:2) Sau nhiều ngày theo dõi và nghe ngóng, ông chủ mới đi đến quyết định đó. Quyết định đó đã thay đổi đời anh. Nhìn vào cuộc sống, anh thấy nghề nào cũng không thích hợp. Chỉ còn mỗi cách cứu vãn là lấy lòng những "con nợ của chủ" (Lc 16:5). Những tính toán nhanh chóng của anh vừa chứng tỏ anh đã "hành động khôn khéo" (Lc 16:8), vừa phơi bày bộ mặt "quản gia bất lương" (Lc 16:8) của anh. Anh nắm vai trò trung gian giữa chủ và con nợ. Thực tế, nếu mua thẳng từ chủ, khách hàng đã không phải chịu một khoản nợ lớn lao như thế. Rõ ràng anh đã lợi dụng vai trò trung gian đó để chém con nợ khi thì năm mươi phần trăm, khi thì hai mươi phần trăm (xc. Lc 16:5-7). Cuối cùng anh không phải là người phục vụ chủ hay khách hàng. Trái lại anh lợi dụng cả hai bên để?chỉ phục vụ chính cái tôi của mình ! Anh đã chém con nợ tối đa và đã gian manh trong việc sổ sách để bớt xén cho vinh thân phì da. Bởi vậy, chủ mới nói :"Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi."; (Lc 16:2) Anh đã đánh mất chữ tín đối với chủ và tạo một bất công quá lớn đối với khách hàng. Ðồng tiền đã làm anh tối tăm mắt mũi.

Tự bản chất, đồng tiền không xấu. Bằng chứng chính Chúa cho biết có thể "dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu."(Lc 16:9) Nghĩa là tiền bạc cũng có thể là một phương tiện phục vụ hữu hiệu cho tình liên đới nhân loại và ý nghĩa cuộc đời. Tiền bạc chính là một cái thước đo lòng người. Trung thành cũng từ đó ! Phản bội cũng từ đó ! Số lượng không quan trọng. Quan trọng là lòng người trong những cảnh huống lớn nhỏ (x. Lc 16:10) Không phải đợi chuyện đại sự mới thấy rõ lòng người. Nhưng cuộc sống hằng ngày càng phơi bầy tất cả ngóc ngách trong lòng dạ con người dễ dàng hơn.

Chính "từ lòng người, phát xuất những ý định xấu" (Mc 7:21) như bất công, khủng bố, phá thai v.v. Bao nhiêu tiền của đã đổ vào đó. Tiền của đã trở nên xấu xa vì lòng dạ tăm tối. Tiền của có thể trở thành phương tiện cho "những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ." (Am 8:4) Họ tôn thờ tiền bạc. Họ lợi dụng tất cả : "ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán."(Am 8:6) Hành động đã phơi bày tất cả lòng dạ xấu xa. Họ tiêu tan cùng với những của cải bất chính, vì Thiên Chúa "sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.: (Am 8:7) Ngược lại, Người để ý đến những người biết kính sợ Chúa và tôn trọng tha nhân, những người biết vận dụng tiền của để tạo nên ý nghĩa đích thực cho cuộc đời.

CỦA CẢI CHÂN THẬT

Ý nghĩa đích thực đó chỉ đến với những con người thiện chí. Quả thực, nếu có ý tốt, người ta có thể dùng "tiền của bất chính" (Lc 16: 9.11) "tạo lấy bạn bè" (Lc 16:9) và "của cải chân thật" (Lc 16:11) Chỉ có của cải chân thật, tức là hồng ân Thiên Chúa, mới đem lại hạnh phúc đích thực mà thôi. Tiền của bất chính sẽ có ngày tiêu hao lụn bại. Nhưng của cải chân thật không thể bị mối mọt và trộm cướp đe dọa. Sống trên đời, con người chỉ là quản gia trên những của cải trong một thời gian ngắn. Nghĩa là con người không phải là sở hữu chủ tuyệt đối. Trái lại, họ chỉ có quyền "sử dụng của cải của người khác." (Lc 16:12) Người khác đây chính là Thiên Chúa, Ðấng sẽ ban "của cải dành riêng cho anh em." (Lc 16:12) Quá lo cho mình, con người sẽ mất tất cả. Trái lại, nếu biết vận dụng tất cả tài năng, tiền của phục vụ Thiên Chúa, họ tìm lại được trọn vẹn bản thân. Trần gian chỉ là nơi để học hỏi cách phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân. Nên nhớ : "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được." (Lc 16:13) Ðó là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất phải nắm vững khi sống giữa những "tiền của bất chính"

Thực tế, biết bao người đang rời xa nguyên tắc quan trọng đó. Họ là những quản gia nhưng đã lấn lướt cả ông chủ và khách hàng. Nắm quyền sinh sát trong tay, họ lạm dụng tiền của và quyền bính để tác oai tác quái. Bởi thế, thánh Phaolô "khuyên ai nấy dâng lời cầu xin khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh." (1 Tm 2:1-2) Quyền bính cũng như tiền của chỉ để phục vụ chứ không phải đàn áp con người. Bởi vậy mới cần cầu nguyện để những người cầm quyền xử dụng những tiền của và quyền bính cách khôn ngoan để "mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1 Tm 2:4) là Ðức Giêsu như cao điểm cuộc sống.

Ðạt tới cao điểm đó rất khó khăn ! Nhưng "cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin" (Mc 9:23) vào "Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là một con người, Ðức Kitô Giêsu, Ðấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người." (1 Tm 2:5-6) Nhờ thế, tình yêu Thiên Chúa và giá trị con người được mạc khải.

Nhưng trong khi Thiên Chúa vận dụng mọi cách để nâng cao con người, thì chính con người lại tìm cách chà đạp con người. Tiền của là phương tiện hữu hiệu để thực hiện mưu đồ đó. Bất công tràn ngập. Tiền bạc có thể tạo nên kẻ thù. Bởi vậy, ngày tận cùng chẳng có ai đón mời vào nơi vĩnh cửu. Bất công sẽ tạo nên thế bất quân bình cho cả hiện tại và tương lai. Ngược lại, nếu biết dùng tiền của tạo liên đới giữa người với người, ảnh hưởng còn lâu dài tới thiên thu. Muốn thế, phải lấy con người làm trung tâm và cứu cánh mọi sinh hoạt xã hội và kinh tế. Nói khác, "con người phải kiểm soát được vận mạng đời mình và có quyền kiếm công ăn việc làm cho mình." (ÐGH Gioan Phaolô II, CWNews 14/9/2001) Bất cứ những gì không phục vụ con người đều phải bị loại bỏ, dù điều đó có đem lại những lợi nhuận lớn lao và những khám phá mới lạ. Có những người muốn đổi mới tận nền tảng. Nhưng ÐGH nhận xét : "trong khi những hình thức lịch sử lao động thay đổi, những vấn đề nền tảng vẫn bất di bất dịch." Người kêu gọi mọi người cố gắng hình thành những hình thức "kinh tế mới" để cổ động "liên đới mới" bảo vệ môi sinh, và tạo những cơ hội mới cho mọi người. (ÐGH Gioan Phaolô II, CWNews 14/9/2001)

Muốn thực hiện được những điều tốt đẹp ấy, dĩ nhiên cần phải đổ rất nhiều tiền của vào những dự án lớn lao. Nhất là đừng ngại vận dụng tất cả mọi phương tiện để làm cho mọi người lớn lên trong việc tôn trọng và liên đới với những người bị tổn thương vì hành động bất công của người khác (xc ÐHY Murphy- O" Connor và TGM Kelly, CWNews 20/9/2001) Bất công chính là kẻ thù của hòa bình. Bởi thế, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới 1971 mới nói việc cổ động công lý là một "yếu tố tạo nên việc phúc âm hóa" và đem lại hòa bình cho nhân loại. Ðể thực hiện lý tưởng đó, hơn ai hết, "người Kitô hữu phải trung thành với giới răn tình yêu lớn lao: yêu Thiên Chúa, tha nhân và "kẻ thù mình." (Murphy- O" Connor và Kelly, CWNews 20/9/2001)


Fr. Jude Siciliano, op.

TIỀN BẠC
Lc 16:1-13

Thưa quý vị.

Cứ theo lệ thường, từ bài đọc một của các Chúa nhật, chúng ta trông đợi vài lời an ủi cho dân tộc Is-ra-en. Bởi lẽ các bài đọc đó thường trích từ Cựu ước và dân Is-ra-en luôn luôn ở trong các tình huống ngặt nghèo, cực khổ. Lịch sử của họ đầy dẫy khó khăn, áp bức, nô lệ, mất nước, chiến tranh, lưu đầy . Các dân tộc lớn hơn, hùng mạnh hơn ở chung quanh luôn để lòng thù ghét dân tộc nhỏ bé này. Họ không ngừng tiến hành các cuộc xâm lược tàn bạo, cho nên Is-ra-en phải luôn trông cậy vào lòng trung tín của Ðức Chúa cứu giúp họ. Nhưng bài đọc Cựu ước hôm nay trích từ sách tiên tri Amos lại có một sứ điệp khác hẳn. Sách được viết từ 8 thế kỷ trước Chúa Giêsu. Thời kỳ này đất nước đang được bình an, thịnh vượng. Sách được viết ra để cảnh cáo toàn dân về các hành vi đàn áp người nghèo khó trong xứ sở. Sách có 9 chương ngắn, nhưng toàn thể sách là một lời đe dọa của Giavê đối với các cường hào, ác bá trong dân.

Vào lúc này, chúng ta hãy gạt sang một bên quan niệm về Thiên Chúa giận dữ, thích báo thù, một Thiên Chúa chỉ có thể chiêm ngưỡng từ xa, bởi Ngài thường nổi cơn thịnh nộ, mà hãy có ý tưởng về Thiên Chúa nhân từ, giàu lòng thương xót và dễ tha thứ bất cứ lúc nào chúng ta kêu xin. Thiên Chúa ấy thể hiện trong Kinh thánh và trong con người của Ðức Giêsu Kitô. Mọi sự đều tốt lành và hạnh phúc. Tuy nhiên có một điều dễ làm cho Thiên Chúa ấy nổi giận mà tiên tri Amos nói tới trong bài đọc hôm nay. Ðó là áp bức những người nghèo khổ. Lúc ấy Ngài thực sự nổi giận : "Ðức Chúa đã lấy Thánh Danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề. Chẳng bao giờ Ta quên một hành vi nào của chúng" (Am 8, 7). Họ đã làm cho Thánh Danh Ngài trở thành phàm tục, buôn gian, bán lận. Họ chẳng có thể chờ đợi cho hết ngày hưu lễ để bóc lột những người nghèo hèn, "Giảm cân, giảm đấu, lừa đảo thiên hạ. Lấy tiền bạc mua kẻ cơ bần, đổi đôi dép lấy người cùng khổ, mua lúa tốt, bán lúa mục .". Tất cả những bất công đó đều đổ lên đầu dân đen, là những người phải triền miên gánh chịu nhọc nhằn, cho họ được giàu sang, phú quý. Thiên Chúa thực sự nổi thịnh nộ, bởi Ngài luôn về phe với những người chịu áp bức. Nếu Ngài không lập tức can thiệp cho họ, thì lời thề của Ngài đã là chắc chắn. Mọi sự nhất định sẽ ứng nghiệm trong tương lai. Ðất nước sẽ đi vào chiến tranh, tàn phá.

Lời cảnh cáo nghiêm khắc đó của tiên tri Amos đưa chúng ta đến nội dung của bài Phúc Âm. Nhưng phải nói ngay rằng rất khó mà giải thích bài đọc thứ ba hôm nay cho thỏa đáng. Các tác giả đồng ý chia nó ra làm hai phần. Phần dụ ngôn (cc. 1 -8), phần khuyên nhủ (cc. 9 -13). Phần khuyên nhủ có bố cục rất rời rạc. Nó là một số lời dạy của Chúa Giêsu mà thánh Luca gom gọn lại mang chủ đề của bài dụ ngôn. Còn phần dụ ngôn thì có lẽ là nguyên vẹn được truyền tụng trong dân gian, thánh sử chỉ việc sao chép lại. Nhưng chúng ta rất phân vân không hiểu tại sao Chúa Giêsu lại lấy thí dụ của một người quản lý bất lương. Bất lương thì dậy chúng ta được điều chi ?

Thực ra, ý nghĩa chính của dụ ngôn không nằm ở từ bất lương mà ở từ phải tính sổ. Thời gian đã được quyết định, người quản lý phải trả lẽ về các hành động của mình. Chúa Giêsu dùng các công việc trần tục để khuyên nhủ chúng ta về đàng thiêng liêng. Chúng ta cũng thường phải quyết định, nhất là về cuối đời mình. Giáo hội cũng đưa ra những cơ hội để chúng ta hạ quyết tâm, như mùa Vọng, mùa Chay, hành hương, ăn năn sám hối v .v. Chúa kêu gọi chúng ta trở lại, thay đổi ý nghĩ, trái tim và canh tân cuộc sống . Dụ ngôn cho chúng ta cảm tưởng rằng, thời giờ vắn vỏi, chúng ta phải tính sổ trước Thiên Chúa. Mỗi cuộc đời là một quá trình quản lý những của cải Thiên Chúa ban. Linh hồn, thân xác, ơn huệ, bà con, anh em, cha mẹ, tài năng, vật chất, tinh thần thẩy đều được Chúa trao cho chúng ta quản lý. Xin đừng phung phí như người quản gia trong Tin Mừng, nhưng hãy trung tín mà làm lợi gấp trăm, gấp mười.

Ông chủ khen quản lý của mình đã sử sự khôn khéo trong tình huống của anh ta. Ông không nổi giận. Thực ra, thì anh quản lý đã không làm thiệt hại chủ trong trường hợp này. Anh bất lương là trong các vụ việc trước đó. Vì theo tục lệ lúc bấy giờ, khi cho vay thì người ta đã tính lời luôn vào tiền vốn. Thí dụ vay tám mươi thì trong giấy nợ ghi là một trăm. Anh quản lý chỉ hy sinh tiền lời chứ không mất vốn. Ðó là mánh lới "khôn ngoan" của anh, khi mất việc, anh sẽ được bạn bè tiếp đón.

Nhân cơ hội này, thánh Luca đưa ra những lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải đối xử với tiền bạc ra sao, hay đúng hơn, với toàn thể thế giới vật chất này : "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : hãy dùng tiền bạc bất chính mà mua lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc họ sẽ đón rước anh em vào gia cư vĩnh cửu". Tiền bạc Chúa gọi là bất chính, ngay cả khi nó ở trong tay các tín hữu. Vì theo một ý nghĩa nào đó nó luôn luôn bất chính khi thu tích, khi sử dụng. Nó có thể làm hại linh hồn, khi làm cho người ta trở nên tham lam, chai đá, vô tâm, kiêu ngạo, áp bức . như hàng ngày thường thấy xảy ra nơi những người giàu có.

Chúa Giêsu đã từng tuyên bố : "Người ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được" (Lc 10,13). Nhưng Người cũng dậy chúng ta một đường hướng sử dụng tiền bạc thật hữu ích đó là mua bạn bè. Hay nói cách khác chia sẻ với những người cùng khổ túng thiếu. Trong Tin Mừng, cũng như trong Cựu Ước, những người cùng khổ luôn được Thiên Chúa yêu mến và bênh vực. Một cuộc đời thực sự nghèo khó, luôn là cuộc đời trong trắng, thánh thiện, bởi nó biết quý trọng các giá trị Chúa ban. Người giàu có không có được các cảm nhận như vậy. Họ phung phí đời sống để hưởng thụ, cho nên Chúa yêu quý những tâm hồn khó nghèo, gọi họ là bạn hữu, hoặc ngay cả đồng hoá với họ (Mt 25). Tiến xa hơn, Ngài tuyên bố Nước Trời dành cho những kẻ nghèo hèn chứ không thể dành cho những người giàu có được. Vậy khi đã biết sử dụng của cải một cách khôn ngoan theo ý Thiên Chúa, thì bất cứ ai cũng được đón tiếp vào Nước Trời.

Lời khuyên nhủ thứ hai được thánh Luca ghi lại là về lòng trung tín. Trung tín trong việc nhỏ và trung tín trong việc lớn. Ðó là đức tính chủ yếu của người quản lý. Có một câu truyện vui vui về ngài tể tướng trung tín mà người ta hay truyền tụng. Truyện kể rằng ở một nước hùng mạnh nọ, người tể tướng khôn ngoan, già cả chết đi. Nhà vua rất thương tiếc, nhưng dầu sao cũng phải chọn tể tướng mới. Rất nhiều người thuộc các phe nhóm khác nhau được tiến cử. Cuối cùng nhà vua chọn ra được hai vị quan ngang sức nhau. Nhà vua phân vân nhiều ngày, không biết chọn ai. Một hôm nhà vua gọi cả hai vị quan trao cho mỗi ông một cái thùng, và sai ra giếng múc nước đổ đầy thùng. Hai vị quan vui mừng nhận thùng ra đi. Tới giếng, vị quan thứ nhất múc nước đổ vào thùng. Nhưng đáy thùng có một lỗ hổng, đổ mãi thùng chẳng đầy, vị quan tức giận bỏ đi không làm nữa, miệng lẩm bẩm : việc vô ích, ta không làm điều vô lý. Vị quan thứ hai cũng nhận ra cái thùng thủng đáy, nhưng cứ tiếp tục làm, lòng nhủ lòng "Vua bảo thì cứ làm". Chẳng bao lâu, giếng cạn để lộ rõ cái nhẫn tể tướng ở dưới đáy. Ông xuống lấy lên mang về cho vua. Nhà vua mỉm cười cầm lấy chiếc nhẫn đeo vào ngón tay vị quan kiên nhẫn và trung tín. Hôm ấy nước có quan tể tướng mới, cả triều đình vui mừng.

Người tín hữu cũng vậy, chúng ta vào thế gian tay trắng, thì ra khỏi thế gian cũng chẳng mang theo được gì. Cả cuộc đời chỉ là một quá trình quản lý, nếu chúng ta kiên nhẫn và trung tín đối với các ơn Chúa trao ban. Trung thành trong mọi công việc hàng ngày, thì cuối cùng Chúa cũng sẽ thưởng chúng ta phẩm hàm tể tướng trong Nước Trời. Ước chi mọi người đều được như vậy. Amen


G. Nguyễn Cao Luật op

CÓ TIỀN, HÃY ÐEM SỬ DỤNG !
Lc 16:1-13

Phải lựa chọn ngay

Dụ ngôn được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay thường gây nhiều vấp phạm khi trình bày thái độ của người quản gia tinh khôn như là được phép. Tuy vậy, cần phải đặt dụ ngôn vào toàn thể văn mạch của Tin Mừng và trong toàn bộ của phần phụng vụ Lời Chúa.

Tin Mừng không cho biết người quản gia bất lương ở chỗ nào, chỉ biết rằng anh ta phung phí tài sản của chủ. Anh bị gọi đến và nhận được thông báo phải nghỉ việc. Trước tương lai đen tối, anh ta phải tính toán. Không thể nào ngổi yên mà chịu chết đói. Nhưng làm gì bây giờ ? Không có sức để làm nghề nông, còn đi ăn xin thì xấu hỗ. Và anh đã tìm được một kế : lừa bịp ông chủ và gây thiện cảm với các con nợ của chủ. Những người này phải giúp lại anh ta, ít là tạm thời, cho đến khi anh ta kiếm được địa vị tương tự. Sự khéo léo tính toán này có tính cách quan trọng.

Như vậy, khởi đầu người quản gia đã tạo cho mình một thế giới nhỏ hẹp, và anh ta nghĩ rằng tương lai mình được bảo đảm. Chỗ cậy dựa của anh ta, đó là tiền bạc anh đã đánh cắp của ông chủ. Nhưng mảnh đất nhỏ hẹp, nơi anh đang thu mình, lại nỗ tung, và anh lại phải đối diện với những nguy cơ của cuộc sống, phải đỗ mổ hôi để kiếm miếng ăn.

Bấy giờ anh ta lại phải tìm cách lập lại vòng an toàn cho mình. Cái vòng này cũng vẫn dựa trên tiền bạc. Nhưng phải có sự trợ giúp của người khác, cần có sự đỗi chác : tôi trừ số nợ anh mắc với chủ, và ngày mai, anh nhớ đón tiếp tôi.

Thật là khôn khéo. Chính Ðức Giêsu đã ghi nhận ở cuối dụ ngôn. Khi con người muốn tìm sự an toàn cho mình, họ đem hết mọi nỗ lực, mọi khả năng để làm điều đó.

Thế là mối tương quan giữa người quản gia và ông chủ, lẽ ra phải dựa trên sự tin tưởng, công bằng và tự do, lại được đặt trên sự hư hoại, trên mưu mẹo. Tất cả mọi phía đều bị hạ thấp.

Thực vậy, sự an toàn đó chỉ có tính cách giả tạo, tạm bợ, vì nó dựa trên sự đỗi chác, trên sự ngờ vực.

Mặc dù khen ngợi sự khôn khéo của người quản gia, nhưng Ðức Giêsu không hề có ý khuyên các môn đệ phải noi theo gương người quản gia. Có chăng, ở đây, Ðức Giêsu chỉ muốn đề cập đến thái độ khôn ngoan và mau lẹ trước mầu nhiệm Nước Trời. Trước những vấn đề của trần gian, trước sự an toàn giả tạo, tạm bợ, người ta khôn khéo và mau lẹ, còn trước mầu nhiệm Nước Trời, trước vận mệnh vĩnh cửu của mình, người ta lại hững hờ và chậm chạp. Hẳn là Ðức Giêsu cảm thấy đau lòng vì lời giảng dạy của Người, các phép lạ Người làm không giúp các môn đệ ý thức hơn, nhanh nhẹn và nhiệt thành hơn trong việc đi theo Người. Dụ ngôn được kể ra như để cho thấy nét đặc trưng trong sứ điệp của Ðức Giêsu. Ðọc dụ ngôn nay, người ta liên tưởng đến dụ ngôn cây vả (Lc 16,3-9), và dụ ngôn hai người kiện cáo nhau (12,58-59).

Như vậy, trước đám thính giả hay tò mò, nhưng lại chẳng quyết định gì cả, Ðức Giêsu tìm cách cho họ ý thức được tầm quan trọng của tình trạng : họ phải mau mắn lựa chọn khi nghe sứ điệp của Ðức Giêsu. Phải quyết định ngay, không thể chần chờ, vì đã quá trễ; hạnh phúc tương lai tuỳ thuộc vào đấy.

Cung cách quản lý mới

Từ đó, Ðức Giêsu mời gọi thay đỗi cung cách quản lý. Tiền bạc vẫn cần phải có, nhưng phải khéo léo sử dụng : tiền bạc được sử dụng dựa trên tình bạn, trên sự tin tưởng, sự chân thật.

Theo quan niệm Tin Mừng, tiền bạc có thể là một nguy cơ lớn lao cho con người. "Hạnh phúc thay ai có tâm hổn nghèo khó." Tuy vậy, tiền bạc bị khinh chê không phải vì tiền bạc, nhưng là vì cách sử dụng. Khi người ta lo giữ cho mình, tiền bạc trở thành tai hoạ, còn khi đem bố thí cho người nghèo, tiền bạc trở thành một bảo đảm cho hạnh phúc vĩnh cửu. Chính cách quản lý như thế này cũng chứng tỏ lòng trung tín của một người được giao nhiệm vụ trông coi tài sản của chủ. Có nhiều cách để quản lý tài sản, ở đây là phân phát cho người nghèo, không được coi những của cải mình đang nắm giữ là của riêng mình, để rổi chỉ lo cho những nhu cầu của mình, trái lại, phải luôn nhớ rằng, Thiên Chúa đã trao những của cải đó để mưu ích cho người nghèo. Như vậy, sau khi kêu gọi người tín hữu phải biết khôn khéo, Tin Mừng mời gọi họ hãy sống xứng đáng với lòng tin tưởng Thiên Chúa dành cho họ qua việc trao cho họ sử dụng những của cải trần gian.

Cuối cùng, người ta sẽ phải lựa chọn giữa Thiên Chúa và tiền bạc. Phụng thờ Thiên Chúa có nghĩa là dấn thân cách trọn vẹn, quyết liệt, không hề nghĩ tưởng đến một điều gì khác. Còn khi coi tiền bạc là tất cả, người ta sẽ biến nó thành một vị thần, và phục lạy nó.

Tới đây, người ta nhận thấy rõ giáo huấn về cách sử dụng tiền bạc. Người tín hữu hiểu rằng mình đón nhận của cải là để chia sẻ với người khác đang phải túng thiếu. Nếu họ mải mê với nó, và xử sự như là mình có quyền tuyệt đối, họ đã biến nó thành ngẫu tượng, và như vậy là đụng chạm đến quyền tối thượng của Thiên Chúa. Kẻ thù nguy hiểm nhất của tự do con người là tiền bạc ; nó muốn lôi chúng ta ra khỏi Thiên Chúa để đi theo nó.

Như thế, có hai thế giới : một thế giới của tiền bạc, của sự an toàn giả tạo, của sự tính toán hơn thiệt; một thế giới của sự tin tưởng, của tình bạn, của sự ban tặng. Giữa hai thế giới, không thể có sự thoả hiệp. Giữa Thiên Chúa và tiền bạc : người ta phải chọn lựa một trong hai, và khi đã chọn lựa, phải sống theo chọn lựa ấy.

* * *

Câu chuyện về người quản gia bất lương nhắc nhở hai giáo huấn : mỗi người phải ý thức về những đòi hỏi của giai đoạn hiện tại, và phải đáp trả ngay tức khắc và không thoái lui trước lời mời gọi của ân sủng. Nếu để lui lại thì sẽ chậm trễ.

Vậy, mỗi chúng ta phải biết sử dụng tiền của : thái độ của người Ki-tô hữu phải thật dứt khoát, không chút lập lờ, đó là sử dụng tiền của cho những ai đang cần đến. Nếu lo tích trữ cho mình, chúng ta sẽ trở thành người sùng bái ngẫu tượng.

Thực là một điều khó khăn, tiền bạc vẫn cần, vẫn phải có, nhưng lại phải vượt qua, phải khước từ như là không có, không phải của mình.

* * *

Bạn có nhiều của cải ? Rất tốt !

Cha bạn có tài sản lớn lao

và bạn được thừa kế : rất hợp pháp !

Nhà bạn đầy những thành quả

do công lao vất vả của bạn :

chẳng có gì đáng chê trách !

Nhưng này bạn,

đó không phải là giàu có,

vì nó không làm cho bạn được bình an.

Nếu bạn yêu quý những của cải ấy,

bạn sẽ bị tiêu diệt cùng với nó.

Hãy đem tiêu dùng, và bạn sẽ không bị diệt vong.

Hãy đem cho, và bạn sẽ nêu giàu có ;

hãy đem gieo, và bạn sẽ gặt lại được.

...

phỏng theo thánh Âu-tinh


Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Dùng Tiền Mua Bạn
(Lc 16,10-13)

Người ta kể rằng : thời Chiến quốc, Phùng Huyên phục vụ cho Mạnh Thường Quân, là tướng quân của nước Tề. Một lần kia, Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên đi sang đất Tiết để thu các món nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi : “Thu xong nợ rồi có cần mua vật gì không ?”. Mạnh Thường Quân bảo : “Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về”. Phùng Huyên đến đất Tiết, cho mời tất cả những con nợ của chủ đến và nói : “Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả các món nợ”, và để cho mọi người tin lời ông nói, Phùng Huyên đem đốt hết giấy nợ. Toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.

Khi Phùng Huyên trở về, Mạnh Thường Quân ngạc nhiên thắc mắc : sao Phùng Huyên đi đòi nợ mà mau chóng thế, nên hỏi thu nợ xong chưa ? Phùng Huyên trả lời : “Thu xong cả rồi”.  Mạnh Thường Quân hỏi : “Còn vật mua về đâu ?”. Phùng Huyên nói : “Trước khi đi, tướng quân bảo tôi mua vật gì trong nhà còn thiếu, tôi trộm nghĩ trong nhà tướng quân chất chứa đầy những đồ quý giá, ngoài chuồng nuôi đầy bò ngựa, vậy vật tướng quân còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi mua điều nghĩa đem về”. Mạnh Thường Quân hỏi : “Mua điều nghĩa là thế nào ?”. Phùng Huyên đáp : “Tôi tha cho tất cả các con nợ và nhân đó thiêu hủy các giấy nợ, và được dân chúng vui mừng tung hô vạn tuế, tôi vì tướng quân nên mua được điều nghĩa về”. Một năm sau, vua nước Tề không dùng Mạnh Thường Quân làm tướng quân nữa, nên ông phải thu về đất Tiết ở. Bấy giờ rất đông người già trẻ lớn bé ra đường đón chào, hoan nghênh nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân nói với Phùng Huyên : “Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, bây giờ tôi mới trông thấy”.

Bài Tin Mừng Chúa Giêsu cũng dạy : “Hãy dùng tiền của mà mua lấy bạn hữu”. Trước khi dạy điều trên, chúng ta thấy Chúa kể một dụ ngôn, qua dụ ngôn này Chúa dạy chúng ta hãy biết cách dùng tiền của để mua lấy điều nghĩa. Dụ ngôn được gọi là dụ ngôn người quản gia bất lương.

Anh được ông chủ tín nhiệm trao cho nhiệm vụ quản lý công việc kinh doanh làm ăn và trông coi tài sản của ông. Nhưng anh đã quản lý tồi tệ, làm ăn lem nhem, nên bị ông chủ đuổi, cho nghỉ việc luôn. Từ lúc được tin ông chủ thải hồi, anh đã khôn khéo tính toán cho tương lai đời mình, anh tìm cách qua mặt ông chủ một lần nữa và bịt mắt mọi người, kể cả các con nợ.

Anh cho gọi các con nợ của chủ đến mà trước đây chính anh đã thay mặt chủ cho họ vay mượn, người nào anh cũng giảm số nợ cho họ : Một con nợ về dầu ô-liu, anh giảm cho 50%, một người nợ lúa mì, anh giảm cho 20%... Từ con nợ của ông chủ, anh làm cho họ thành con nợ của anh, bằng cách giảm đi như thế. Đó là cách mua chuộc bạn bè, mua chuộc tình cảm bằng sự gian dối, đó là cách làm ơn cho người để sau này họ sẽ giúp đỡ anh, anh biến họ nên những kẻ đồng lõa, và thấy lợi trước mắt, họ đã làm theo anh. Cư xử như vậy, đối với chủ là bất lương và Chúa khen viên quản gia bất lương ấy, đã biết xử trí mưu lược lo xa cho mình để khi mất việc sẽ có người thương giúp mình.

Tại sao Chúa Giêsu lại khen cách làm bất lương của anh ta ? Như thế có phải là Chúa đề cao sự xấu, là sự bất lương của viên quản gia không ? Thưa, không bao giờ, Chúa không khen việc làm của người quản gia kia, vì việc làm của anh là bất lương, nhưng Ngài nhìn nhận rằng anh khôn khéo, tháo vát, mau lẹ xoay trở, Chúa bảo đó là sự khôn khéo theo kiểu thế gian. Nói cách khác, Chúa không dạy : hãy học thói gian tham biển lận của anh ta, Chúa cũng không dạy “mục đích biện minh cho phương tiện”, nghĩa là mục đích tốt thì phải có phương tiện tốt, và phương tiện tốt sẽ đạt mục đích tốt, chứ mục đích tốt không biện minh cho phương tiện xấu được. Thí dụ : không thể ăn cắp để làm bác ái, không thể gian tham để làm việc từ thiện. Cho nên, không thể dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt được : cây xấu sinh quả xấu, chứ cây xấu không thể sinh trái tốt được. Người quản gia đã dùng phương tiện xấu để đạt mục đích tốt cho tương lai đời mình.

Từ việc làm và cách xử trí của người quản gia này Chúa Giêsu liên tưởng đến phương diện nước trời, và Ngài tỏ ra đau lòng khi thấy người ta không mau lẹ và khôn khéo như vậy, Chúa đem ơn cứu độ đến qua lời giảng dạy và gương sáng của Ngài, nhưng sao người ta hững hờ và chậm chạp đến như thế. Người ta không lanh lẹ mau trí xoay trở đối với nước trời như người quản gia bất lương kia lanh lẹ mau trí xoay trở đối với việc ở đời này, bởi vì con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng.

Tóm lại, chủ đích của Chúa Giêsu khi nói dụ ngôn này là Ngài muốn dạy : phải biết khôn khéo, phải biết cố gắng, phải biết lo xa như người quản gia ấy, nhưng không bao giờ được bắt chước cách làm gian tham, biển lận và bất lương của anh ta. Xin Chúa cho chúng ta một nghị lực và can đảm để luôn chế ngự được hấp lực của đồng tiền, đừng bao giờ vì tiền bạc mà bôi đen lòng mình : “Hoàng kim hắc thế tâm”. Và xin Chúa cho chúng ta biết sử dụng tiền bạc của cải trần gian cho hợp tình hợp lý, nhất là cho tình yêu thương, bác ái, chia sẻ. Đó là một cách đầu tư cho cuộc sống mai sau, đó là một cách cư xử khôn khéo để có nhiều bạn hữu chân thành đón rước chúng ta vào hạnh phúc nước trời.

 
Giuse Nguyễn Văn Thuần op

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của
Lc 16,10-13

Trong cuộc sống hiện tại nếu chúng ta coi trọng đồng tiền thì nó sẽ dễ dàng trở nên thần thánh của chúng ta. Chúng ta có thể đặt đồng tiền trước cả tính lương thiện, sự công bằng, thậm chí cả đời sống gia đình. Bầu khí xã hội tiêu thụ khiến người ta tin rằng càng sở hữu nhiều càng tốt. Con người bình thường bị sương mù che phủ đến độ không còn nhận ra đâu là tầm quan trọng nhất trong cuộc sống.

Ngôn sứ Amốt lên án những kẻ thờ lạy, ca ngợi Thiên Chúa trong ngày hưu lễ, nhưng lại bóc lột kẻ nghèo khó trong những ngày còn lại. Chúa Giêsu nói: “Các con không thể vừa phục vụ Thiên Chúa lại vừa phục vụ tiền của được”. Cũng thế, chúng ta không thể vừa phục vụ người anh chị em chúng ta lại vừa phục vụ tiền bạc.

Một ngày nọ, có một người đàn ông giàu có nhưng keo kiệt đi đến vị thầy Rabbi của ông để xin được chúc lành. Thầy Rabbi chào hỏi ông ta một cách thân thiện và mời ông ta vào phòng. Sau đó đưa ông ta tiến đến khung kính cửa sổ, nhìn ra đường và nói : “Nhìn xem và nói cho tôi biết anh thấy gì ?”

Người đàn ông giàu có trả lời : “Con nhìn thấy một người đang đi bộ.”

Sau đó, thầy Rabbi dẫn anh đến chỗ đặt một tấm gương lớn, và hỏi : “Nhìn vào tấm gương và nói cho tôi biết anh  thấy gì ?”

Người đàn ông trả lời : “Con thấy chính con”.

“Này anh bạn thân mến, tôi sẽ giải thích điều này cho anh bạn hiểu. Cửa sổ được làm bằng kính, và tấm gương soi cũng thế. Tuy nhiên, lớp kính của tấm gương soi đã được tráng thêm một lớp bạc. Khi bạn nhìn xuyên qua tấm kính trong suốt, bạn sẽ thấy người ta; còn khi bạn phủ lên nó một lớp bạc thì bạn sẽ không còn thấy người khác nữa, lúc ấy bạn chỉ thấy có chính mình. Cũng thế, khi bạn chỉ quan tâm đến tiền, bạn sẽ chẳng còn thấy ai nữa và bạn chỉ thấy có chính mình.”

Chúng ta không thể có được sự mãn nguyện hoặc tìm được ý nghĩa nơi vật chất. Nhưng khi chúng ta hiến dâng chính mình để phục vụ người khác, điều đó sẽ đem lại cho chúng ta mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống. Trao ban cho người khác là điều làm cho chúng ta cảm thấy mình được hiện hữu.

Henrik Ibsen nói : “Tiền có thể mua được cái vỏ bọc của mọi thứ nhưng không thể mua được cái cốt yếu bên trong. Nó có thể đem lại cho bạn thực phẩm nhưng không đem lại sự ngon miệng, đem lại cho bạn dược phẩm nhưng không đem lại sức khoẻ, đem lại sự quen biết nhưng không đem lại bạn hữu, đem lại sự phục vụ mà không đem lại trung thành, đem lại những ngày vui thích nhưng không đem lại bình an và hạnh phúc”

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Qua bài Tin Mừng chúng con nhìn thấy rõ tinh thần Kitô giáo không thể đi đôi với lòng tham tiền hám của. Xin cho chúng con luôn ý thức được rằng sự giàu có như là một ơn lành của Thiên Chúa. Vì đó là phần thưởng Thiên Chúa ban cho những ai biết dùng của cải làm đẹp lòng Chúa và biết đối nhân xử thế trên đời. Thế nhưng, với thời gian chúng con đã hiểu được rằng tiền bạc có phần nguy hiểm và nhiều khi đó là đặc quyền đặc lợi của những ai xa rời Thiên Chúa.

Đôi khi chỉ cần có một địa vị đáng nể trọng là người ta tự cho mình có lý: vì thế người Pha-ri-siêu cảm thấy họ có quyền xét đoán và định đoạt những việc thuộc về Thiên Chúa. Theo gót họ, nhiều lúc chúng con cũng đã từng có ý đem tiền tài và quyền chức phục vụ Nước Thiên Chúa, rồi chẳng mấy chốc chúng con tự phong cho mình làm người quản lý Nước Thiên Chúa. Nhưng đến phiên tiền bạc lại làm chủ các sở hữu chủ của nó. Chúng con mau chóng tán thành một trật tự pháp lý trong đó các đặc quyền của mình được hợp thức hoá, mà quên đi những giá trị của Tin Mừng là công bằng, khiêm tốn và thanh bần.

Xã hội hôm nay đang thấm nhiễm đầy tính hưởng thụ của cải vật chất, nhiều người bị cám dỗ sống chỉ nghĩ đến nhà cửa, quần áo, ăn uống, tiền bạc và được hưởng dùng càng nhiều phương tiện càng tốt. Xin cho chúng con luôn thức tỉnh trước những cám dỗ đó. Vì tất cả sự giàu sang ở đời này chỉ là hư vô. Và những gì chúng con đang có chúng con cũng không thể mang theo vào cuộc sống vĩnh cửu. Hơn nữa, chúng con biết rằng của cải vật chất, lúa gạo, quần áo, nhà lầu, xe hơi, vàng bạc là phương tiện cần thiết để sống, nhưng không phải là cùng đích và không bao giờ là tất cả. Không thể vì chúng mà chúng ta tự cho phép mình làm tất cả mọi cách, kể cả buôn gian bán lận, xâm phạm mạng sống cũng như tiết hạnh của người khác, tham ô, tham nhũng, khai thác “con người” và “thiên nhiên” một cách bất chính được.

Tiền bạc, của cải vật chất tự nó không phải là xấu. Tiền bạc là một người đầy tớ tốt. Ai cũng cần có tiền bạc, của cái vật chất để sống xứng đáng với nhân phẩm của mình. Bên cạnh đó, tiền bạc, của cải vật chất luôn luôn là con dao hai lưỡi, là một ông chủ xấu. Xin cho chúng con biết luôn thức tỉnh trong việc sử dụng tiền bạc, của cải vật chất. Vì khi sử dụng tiền bạc như một phương tiện thì nó sẽ giúp chúng ta sống tốt đẹp, hạnh phúc. Nhưng  trong khi bôn ba vất vả kiếm sống hằng ngày, chúng ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa và những giá trị của Nước Thiên Chúa trước tiên.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chính Chúa mời gọi chúng con tự vấn lương tâm về thái độ của chúng con đối với của cải trần thế. Thiên Chúa tạo dựng và ban phát của cải trần thế để chúng con hưởng dùng và phụng sự Chúa một cách tốt đẹp. Bao lâu của cải trần thế là phương tiện giúp con người đạt tới cùng đích, thì bấy lâu chúng con còn là người quản lý trung tín của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, qua bài Tin Mừng Chúa đã nhắc nhở chúng con về sự thống nhất trong đời sống đức tin. Chính trong cuộc sống mỗi ngày, chúng con thể hiện và sống niềm tin. Chính trong những cái bé mọn, nhỏ nhặt thường ngày chúng con tìm kiếm và xây dựng những giá trị của Nước Trời. Chính trong những quan hệ và gặp gỡ mỗi ngày, chúng con đã gặp được chính Chúa. Chính trong những tha nhân, nhất là những người nghèo khổ mà chúng con yêu mến Chúa một cách thiết thực hơn.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban muôn ơn lành và cho chúng con được sống sung túc từng giây phút hiện tại. Xin cho chúng con thể hiện và xây dựng tình người, tình liên đới qua những quan hệ gần gũi nhất là gia đình và môi trường sống hằng ngày. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể chúc lành và thánh hoá chúng con mỗi ngày. Amen

 
Lm. Jude Siciliano, OP.
Bản dịch : Lm Thomas Trần Ngọc Tuý, OP

Con Cái Sự Sáng Trong Của Cải Vật Chất
(Lc 16, 1 - 13)

 

Thưa quý vị,

Thoạt nhìn các dụ ngôn trong Tin Mừng xem ra dễ đọc, vì là những chuyện của cuộc sống bình thường. Dân gian ai cũng có chút ít kinh nghiệm về các câu truyện ấy. Nhờ đó mà người ta dễ nắm bắt ý nghĩa và bài học Đức Giêsu dạy bảo. Nhưng sự thực không phải vậy. Nếu suy nghĩ sâu vào mỗi dụ ngôn, người ta sẽ ngộ ra mỗi chuyện đều là một đại dương mênh mông về luân lý, tín lý. Do đó rất khó đọc. Điều người ta nhận thức được thì rất nhỏ, sống và hành động càng ít hơn. Bởi tuy rằng mỗi người đều có lòng khao khát phục vụ Chúa, nhưng với điều kiện là không can thiệp vào lối sống, thói quen của người ta. Cho nên giữa lý thuyết và thực hành có một khoảng cách, xa hơn đất và trời.

Nói như vậy không phải quá đáng vì cuộc sống vật chất có sức thu hút linh hồn nặng nề hơn trái đất hấp dẫn các vật thể có thân xác. Thí dụ, mọi người đều muốn một cuộc sống dễ chịu, nhiều tiền bạc, giàu sang, tiện nghi, danh tiếng. Còn tôn giáo, hãm mình, hy sinh, khổ chế theo gương Chúa và các thánh thì chỉ là xa xỉ. Tuyển dân Do Thái nhiều lần bất trung với Đức Chúa, với ơn gọi “làm ánh sáng cho muôn dân” chẳng qua cũng do cám dỗ của cuộc sống vật chất. Các tiên tri nếu gọi trở lại thì bị giết chết, bị loại trừ khỏi xã hội. Ngày nay không hơn. Chúng ta vẫn nhiều lần đi vào vết xe đổ của tuyển dân khi xưa, nếu không muốn nói là tệ hơn. Cho nên lời Chúa hôm nay quả là Chân lý: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Tiền của là đối kháng của Thiên Chúa theo như lời tuyên bố vừa nêu. Vậy chỉ khi nào linh hồn thanh thoát khỏi tiền bạc, như thánh Phanxicô khó khăn, lúc ấy mới có cơ may phụng thờ Thiên Chúa đích thật. Các “biện minh” chỉ là “khiên che, thuẫn đỡ” để linh hồn “an toàn” trong việc thu tích của cải.

Chúng ta đi vào dụ ngôn cho ý nghĩa được rõ ràng hơn. Câu đầu tiên gây rắc rối là ông quản gia phung phí tài sản của chủ. Tài sản nào mà ông chủ lại “khen”? khen tính bất lương của đầy tớ ư? Liệu ông có điên không đấy? Liệu chúng ta nên học hỏi người quản gia bất tín này, đồng loã với kẻ xấu, để giữa lấy cuộc sống “ấm cúng, đầy đủ”, trên cái giá người khác phải trả? Những lời tiếp theo của dụ ngôn giải thích vấn đề. Nhưng xin nhớ “tiền bạc” là đối kháng của Thiên Chúa. Không bao giờ có thể phụng sự Thiên Chúa cho đúng nghĩa nếu còn làm tôi tiền bạc. Tiền bạc cũng là một ông thần khác đòi hỏi phục vụ.

Phúc âm chỉ nói trống tội của quản gia là phung phí, nhưng không cho biết rõ ông lỗi phạm thế nào. Có nhiều lối giải thích khác nhau. Nhưng điều chắc chắn là hắn bị đuổi việc và cần phải hành động nhanh chóng để cứu vãn bản thân. Hắn hành động đúng như tình huống đòi hỏi: dứt khoát và mau lẹ. Tập trung các con nợ lại và giảm bớt số nợ để tìm bạn hữu. Liệu đúng là lại bất lương ? Xâm phạm quyền lợi của chủ? Nhưng tại sao ông chủ lại khen hắn ? Đó là một thách đố cho các học giả và trí óc chúng ta ? Phải chăng thực tế ông chủ không bị thiệt hại ? Và nhìn ra sự khôn khéo của bề tôi. Có người giải thích rằng khi ghi sổ nợ, quản gia đã thêm mắm muối vào để kiếm lợi cho riêng mình. Đó là thói tục miền trung đông và được luật pháp bảo hộ. Lúc này, để cứu vãn tình hình, hắn chỉ việc xoá phần mắm muối đi mà không làm thiệt hại ông chủ. Cho nên ông chủ khen tài trí của hắn mà không nổi giận. Lý luận xem ra vững chãi, nhưng người ta không chắc chắn đó là sự thật.vì trong luật Môsê việc cho vay ăn lời hay chiếm đoạt tài sản đều bị cấm. Việc gia nhân làm chỉ có tính trả lại công lý mà hắn phải thực hiện. Trường hợp này là đáng khen. Những câu văn sau đó ủng hộ lý lẽ đó.

Câu thứ nhất là: “Con cái đời này khôn khéo hơn cả con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”. Trong hoàn cảnh khẩn cấp, người quản gia đã hành động rất khôn khéo, cho nên được khen ngợi. Xem ra Đức Giêsu gợi ý các môn đệ phải xử tương tự trong những tình huống cấp bách khác mà họ gặp phải trên đường theo Ngài lên Giêrusalem và chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Người môn đệ Chúa phải hành động ra sao khi gặp khủng hoảng? Liệu họ có phải là “Con cái Ánh Sáng”? Tiếp tục chọn Thiên Chúa là ưu tiên số một dù phải hy sinh mạng sống? Hay là con cái của đời này: hèn nhát ? Chúng ta hy vọng mình sẽ là con cái ánh sáng và hành động khôn ngoan để theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh. Chứ không phải lựa chọn giầu sang, tiện nghi vật chất. Oi Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể mà chúng con cử hành, xin trợ giúp lòng tin yếu kém của chúng con, là những kẻ đang bắt cá hai tay.

Bởi lẽ hôm nay Chúa mời gọi chúng con xét lại thái độ đối với của cải trần gian. Một trong đề tài trọng yếu của Phúc Am Luca là sự nghi ngờ của Chúa về thái độ của chúng con đối với tiền bạc, giàu sang. Của cải vật chất là cái bẫy rất nguy hiểm cho các môn đệ Chúa. Nó làm phân tán trí lòng chúng con khỏi những giá trị đích thực của cuộc đời: “Ai theo tôi là không từ bỏ của cải, vợ con, nhà cửa, cha mẹ và ngay cả mạng sống mình mà theo, thì không đáng làm người môn đệ”. Rõ ràng và dứt khoát như vậy.

Dĩ nhiên người ta vẫn có khả năng “dùng của cải bất chính mà tạo lấy bạn bè” như Chúa chỉ dạy tiếp theo. Trong Luca có nhiều gương mặt như vậy. Thí dụ ông Giakêu, các phụ nữ giàu có theo Ngài từ Galilea, lấy của cải mà giúp đỡ sứ vụ của Ngài, Maria đập vỡ bình dầu quý ở nhà ông Simon … Họ là con cái ánh sáng biết khôn ngoan sử dụng của cải đời này. Họ đã theo sự thúc đẩy của dụ ngôn mà tiêu tốn tiền tài, sức lực, thời gian phục vụ Chúa. Cũng như thời Tin Mừng, chúng ta hôm nay có thể mường tượng ra cách thức phải sử dụng của cải vật chất ra sao và hành động chính xác, nhanh chóng khi tình huống xảy ra. Không phải lúc nào cũng phung phí tài sản vào những mục tiêu không cần thiết. Các bậc thánh thiện cũng chẳng hề làm như vậy. Thí dụ tìm việc làm cho các lao động thất nghiệp, hỗ trợ các học sinh nghèo, nuôi cô nhi quả phụ, thuốc men cho các bệnh nhân khốn khó. Chúng ta có rất nhiều cơ hội cho hành động khôn ngoan của mình theo lời chỉ dạy của Chúa. Ay là những nơi tiền dư gạo thừa. Còn những gia đình thiếu thốn thì cố gắng no đủ cũng là vất vả lắm rồi. Phúc Âm hôm nay cho chúng ta một chỉ dẫn sáng giá để hành xử theo chiều hướng “ánh sáng”. Chúa đòi hỏi chúng ta lựa chọn khôn ngoan và trung thành. Ngài muốn biết đâu là ưu tiên số một trong cuộc đời mỗi người, bất kể tu sĩ, linh mục, hay giáo dân. Nếu chúng ta vấn tâm mỗi ngày về hành vi của mình trước nhan Thiên Chúa, sẽ biết hành xử như con cái ánh sáng chứ không phải bầy tôi của sự tối tăm.

Tiên tri Amos của bài đọc I củng cố thêm quan điểm của thánh Luca hôm nay. Ong vô địch trong việc vạch mặt giàu có bất chính trong xã hội Do Thái thời ấy. Những người kiếm lợi lớn trên lưng trên cổ những kẻ nghèo khó: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ, các ngươi thầm nghĩ bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa. Bao giờ hết ngày Sabát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, quả cân nặng thên … Đức Chúa lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Giacóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”. Bài đọc 2, thánh Phaolô thúc giục tín hữu cầu nguyện cho hết mọi người, nhất là các cấp lãnh đạo, giữ các chức năng công quyền, để họ biết lựa chọn người nghèo, vì ở nấc thang xã hội này, tiếng nói của tiền bạc rất mạnh mẽ, nhiều khi lấn át cả lương tâm. Biết bao cánh cửa mở ra đón chào tiền bạc. Tiền bạc đã trở nên ông thần (tài) mọi người phải thờ phượng. Chẳng ai có can đảm dửng dưng với tiền bạc, châu báu.

Nói như vậy không quá đáng đâu, chúng ta ở với những nước giầu có sống nhung lụa trên nhân công rẻ mạt của thế giới thứ ba, sản xuất những hàng hoá để chúng ta buôn bán kiếm lời kếch xù. Thánh Luca, tiên tri Amos và các ngôn sứ luôn nhắc nhở Thiên Chúa ưu tiên lựa chọn người nghèo khổ. Đức Chúa gán cho của cải thế gian là bất chính. Ngài đặt nghi vấn về cách thức người ta thu tích kho tàng vật chất? Với giá nào? Tiên tri Amos trả lời: “Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ, đem tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ”. Làm thế nào thế giới này trở thành ngôi nhà chung cho mọi người? Làm thế nào nhân loại cùng nhau gọi Thiên Chúa là Cha? Amen.


Đỗ Lực op

Tham Thì Thâm
(Lc 16:1-13)

Lòng tham thể hiện qua nhiều hình thức cụ thể. Cuối tháng 7 năm 2007 vừa qua, ÐHY Phạm Minh Mẫn đã lên tiếng tố cáo : “Thực tế cho thấy là giai cấp vô sản biến nhân dân thành vô sản, và tự biến mình thành một giai cấp mới mà tôi nghe nhiều người gọi là tư sản đỏ. Ngày nay khi mà một viên chức Nhà Nước phải chia 1.000 tỷ đồng cho người vợ ly dị, thì không còn là tư sản nữa, mà phải gọi là tư bản hay đại gia đỏ. Lâu lâu rồi, tôi thấy báo chí tường thuật lời ông Tổng Bí Thư tuyên bố tham nhũng là quốc nạn. Có lẽ là quốc nạn cho người dân, chớ còn đối với nhiều đày tớ của nhân dân, đó là cơ hội tốt để trở thành đại gia đỏ.” (1)

Lời tố cáo này cũng như tiếng kêu dân oan phải chăng là muối bỏ bể hay tiếng kêu trong sa mạc ? Nếu quốc nạn chỉ là quốc nạn, có lẽ vấn đề sẽ dễ giải quyết. Nhưng khi quốc nạn trở thành cơ hội lớn cho kẻ cầm quyền, ai dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm hướng giải thoát ? Dụ ngôn hôm nay sẽ cho chúng ta thấy tất cả sự thật và những hệ lụy về lòng tham vô đáy của con người.

MÃNH LỰC ÐỒNG TIỀN

Hình ảnh ông phú hộ xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng. Mỗi lần một vẻ và một ý nghĩa khác nhau. Hôm nay, ông phú hộ không phải là vai chính, nhưng lại có quyền định đoạt cho sự việc diễn tiến và vạch trần tất cả sự thật của người quản lý, nhân vật chính trong dụ ngôn hôm nay.

Ngày xưa, theo phong tục Do thái, vẫn có những người nhân danh ông chủ cho vay cắt cổ. Người quản lý bất chính vì đã phung phí tài sản ông chủ và bóc lột tận xương tủy những người nghèo khổ. Suốt bao năm tháng, người quản lý đã sống phè phỡn với một mối lợi lớn từ những khách hàng.

Ông chủ đã nghe báo cáo từ lâu. Nhưng ông chưa muốn ra tay. Ðợi ngày tháng chín mùi, ông mới quyết giành quyền làm chủ trên tài sản. Ông truyền người quản lý tính sổ. Cháy nhà mới ra mặt chuột. Anh gọi từng con nợ đến viết lại hóa đơn. Các con nợ mừng quá khi thấy số nợ bỗng nhiên sụt giảm lạ thường. Người nợ một trăm thùng dầu ôliu làm sao không mừng khi món nợ nhẹ hẳn một nửa ? Người nợ một ngàn giạ lúa cũng sửng sốt khi thấy được viết lại biên lai còn tám trăm. Họ bán tín bán nghi trước sự kiện bất ngờ.

Họ là những con nợ suốt đời bị đè nén, khai thác, áp bức dưới tay người quản lý hà khắc và tham lam này. Bây giờ tự nhiên người quản lý dễ thương lạ lùng. Phải có động lực mạnh lắm mới làm cho tên quản lý “ăn năn, hối cải” và quay một góc 180 độ. Thực ra, không phải anh ta hối lỗi, nhưng tự chau chuốt hình ảnh mình để gieo thiện cảm nơi các con nợ, đề phòng lúc anh bị sa thải. Xưa nay những con nợ vẫn là những con bò sữa lý tưởng. Bây giờ, tin dữ đánh ngang tai, anh vội tìm đường chạy theo để tiếp tục vắt sữa. Anh đúng là người khôn khéo và đầy âm mưu trước tình thế biến đổi quá nhanh.

Khi người quản lý tính sổ lại, mới thấy rõ số nợ thực sự của mỗi thân chủ. Có thể nói “tiền cò” anh quản lý “chém” khá đẹp. Ai nợ hàng trăm, anh lấy lời hẳn một nửa. Ai nợ hàng ngàn, anh lấy hai mươi phần trăm. Bản chất con người của anh đã phơi bày công khai. Anh đã bị bả vật chất lôi cuốn vào đường gian ác ngay trong công việc đời thường. Anh đã trở thành gánh nặng cho nhiều người, nhất là người nghèo. Ðáng lẽ công việc phục vụ của anh phải đem lại nhiều lợi ích và làm cho nhiều gia đình hạnh phúc, anh đã biến nó thành một cuộc áp chế và đem lại nỗi thống khổ lẫn bất hạnh cho biết bao gia đình. Thế nên, ở bất cứ địa vị và nghề nghiệp nào, con người cũng có thể xây dựng hay phá hoại. Tất cả đều tùy thuộc tấm lòng. Nếu họ chỉ hướng về của cải mà tôn thờ, đương nhiên của cải biến thành một vị hung thần sai khiến họ. Tình vợ chồng, nghĩa đồng bào cũng biến tan trước ánh hào quang của thần của cải. Anh trở thành con người bất chính, bất trung và bất công.

Bất chính vì anh đã táng tận lương tâm khi đi theo sự hướng dẫn và thôi thúc của thần của cải mà lún sâu vào con đường vô đạo. Anh tin tưởng tuyệt đối vào mãnh lực đồng tiền. Tự bản chất “Tiền Của bất chính,” (Lc 16:9) vì có khuynh hướng dẫn con người vào con đường bất lương. Vì đồng tiền mà anh đã bất chấp mọi nguyên tắc đạo đức và không màng chi tới sự sống vĩnh cửu.

Bất trung vì anh qua mặt chủ mà tự đặt những tiêu chuẩn chi phối công việc, lũng đoạn sự nghiệp và tài sản của ông. Anh đã bán rẻ danh dự ông chủ để mua lấy lợi lộc cho cá nhân và gia đình mình. Nếu không nhờ lời tố cáo, chắc chắn ông còn bị mọi người hiểu lầm là một tay cường hào ác bá. Anh đã đi ngược lại tất cả mọi nguyên tắc phục vụ của một người đầy tớ nhân dân. Sở dĩ anh sống sót qua bao năm tháng, vì anh đã khéo nịnh hót ông chủ. Nhưng đã đến lúc lời nịnh hót không còn che đậy nổi tính gian trá và gian ác của anh nữa. Tất cả mọi toan tính và hành vi gian lận đều bị phơi bày ra ánh sáng. Thế là sự nghiệp tan tành theo mây khói.

Bất công vì anh đã lợi dụng chức vụ để bóc lột tận xương tủy những người thiếu nợ. Chỉ vì túng quẫn và phải lo cho gia đình sống sót, họ đã phải cam lòng chấp nhận một số tiền lời quá sức chịu đựng. Ðồng tiền đã đẩy anh tới một vị thế giả tạo. Của cải hứa hẹn cho anh quyền kiểm soát mọi sự. Nhưng anh lại không kiểm soát được chính mình. Cuối cùng anh cũng chẳng kiểm soát được ai. Ngược lại, chính anh bị của cải chi phối và thống trị. Anh đã khuynh loát và lừa đảo cả chủ lẫn khách hàng. Với cả đống tiền của kiếm ăn bất chính qua bao năm, tại sao anh còn phải lo quá xa về tương lai, mà phải lấy lòng từng người như thế ? Hóa ra, tiền của bất chính không ở yên bao giờ. Có lẽ anh đã thiêu rụi trong các hộp đêm, sòng bài v.v. Có lẽ thâu đêm suốt sáng, anh ngồi dính chặt xuống chiếu. Có lúc thắng nhưng cũng có lúc thua. Nhưng đống tiền của cũng chẳng đem lại cho anh sức khỏe, hạnh phúc hay sự sống vĩnh cửu được. Từ hư vô, tiền của lại trở về hư vô. Không còn gì phi lý và vô nghĩa hơn.

MUÔN SỰ CỦA CHUNG

Ngày nay, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đầy dẫy kinh nghiệm cay đắng về tiền bạc. Nhiều người không thoát khỏi ma lực của đồng tiền. Nhưng giữa những cám dỗ ghê sợ đó, con người vẫn luôn nắm vai quyết định. Cần phải vận dụng tất cả sự khôn ngoan và trí thông minh để biến tiền của thành một phương tiện không phải để mua lấy hạnh phúc hay nước trời, nhưng để mở rộng mối tương quan bạn hữu, nhất là những bạn hữu có khả năng đón tiếp ta vào nước trời, tức những người nghèo. Nếu chúng ta dùng tiền của giúp đỡ những người túng thiếu hay giúp người khác tìm thấy Chúa Kitô, cuộc đầu tư trần gian sẽ đem lại lợi nhuận vĩnh hằng. Khi vâng theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta sẽ không còn xử dụng của cải một cách ích kỷ nữa.

Ðáng sợ nhất là khi đồng tiền lôi kéo con người xa vòng đạo lý. Chỉ vì đồng tiền, con người có thể đánh mất chính mình và trở thành bất nhân, bất lương, bất tín và vô trách nhiệm. Bởi thế, Chúa mới căn dặn chúng ta phải trung kiên khi đang nắm trách nhiệm. (2) Thi hành sứ mệnh giữa bao nhiêu cám dỗ của quyền lực, tiền bạc, và cả những phương tiện cần thiết cho cuộc sống không phải là chuyện đơn giản và dễ dàng. Ngay cả Giáo hội cũng không thoát khỏi những cám dỗ đó. Nhiều nơi còn lợi dụng thanh thế để có phương tiện dồi dào giúp việc truyền giáo. Họ gọi huy chương nhà nước cấp cho giám mục là cái dù cần thiết để che chở những hoạt động truyền giáo ở địa phương. Thử hỏi sứ mệnh đích thực còn tồn tại trong những điều kiện như thế không ? Chúa Kitô không cần đến những cái dù như thế. Người cần lòng trung thành với sứ mệnh, chứ không cần của cải và phương tiện vật chất dư thừa.

Lập trường trên càng được củng cố khi Chúa nói : “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16:13) Lệ thuộc vào của cải là sống đối nghịch với giáo huấn của Chúa. Người khuyên chúng ta sống hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa Cha. Ðó là một trong những đặc tính của người môn đệ Chúa Kitô (Lc 12:22-39). Sống giữa hai quyền lực Thiên Chúa và thần tài (mammon) (3), con người phải có một lựa chọn dứt khoát. Mỗi quyết định đều ảnh hưởng tới sứ mệnh cao cả của mình. Không thể có thái độ trung dung. Không thể có hòa giải giữa Thiên Chúa và thần tài. Bắt cá hai tay đem lại những hậu quả khôn lường. Bao nạn nhân đang đau khổ vì lập trường “ba phải” của nhiều người trách nhiệm. Ðó là một thái độ bất công đối với người dưới quyền, nhất là những người nghèo khổ và thấp cổ bé họng.

Cảm thông với những người kém may mắn và đau khổ là một giáo huấn quan trọng. Suốt lịch sử cứu độ, đề tài trung tín với đạo đức giao ước thường xuất hiện. Chúng ta thấy những khía cạnh quan trọng của đạo đức đó trong các bài đọc tuần này. Quyền lực và tiền bạc được xử dụng như những phương tiện đàn áp để cướp đoạt những nhu cầu cơ bản nhất khỏi những người kém may mắn.

Ngôn sứ Amos vẽ ra một bức tranh rất ảm đạm. Người cầm quyền thường lạm dụng tha nhân. Ðó là một tội đại bất công. Ngôn sứ Amos mô tả những nhà buôn nóng ruột muốn những ngày thánh mau kết thúc để có thể trở lại trò buôn bán gian lận và bất chính. Cân thiếu, giá cao, bàn cân sai lệch, và những món hàng kém phẩm chất là những mánh lới mà ngày nay chúng ta vẫn còn quan tâm. Như hàng hóa Trung quốc mang những hóa chất độc hại hay chất chì đã tạo một phản ứng dây chuyền trên khắp thế giới. Bởi thế, chúng ta thấy lòng tham vẫn còn là đặc tính cố hữu. Ngôn sứ Amos tiên báo cảnh sụp đổ của Vương quốc phía Bắc Israel vì thiếu đạo đức giao ước. Trong tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, lòng cảm thương và quan tâm tới người bất hạnh được coi là những đức tính nổi bật giữa cộng đoàn. Thiên Chúa không dung thứ những ai lạm dụng những người yếu thế.

Tin Mừng hôm nay đã vạch mặt kẻ lạm dụng đó. Người quản lý đã lợi dụng hoàn cảnh nghèo hèn để khai thác triệt để những người yếu thế, cùng đường. Ông không hề ý thức “của cải dành cho mọi người, nên phải nỗ lực làm cho mọi người có đủ điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện, để mọi người có thể cộng tác vào việc làm cho thế giới ngày càng nhân bản hơn, để mỗi người đều có thể tặng hiến và nhận lãnh, và để việc tiến bộ của người này không cản trở sự phát triển của người khác và thành cớ khiến họ rơi vào cảnh nô lệ.” (4) Người quản lý bao giờ cũng tìm cách chiếm hữu càng nhiều càng tốt. Anh đã không thắng được cơn cám dỗ tầm thường. Ngược lại, dù bị cám dỗ một cách nặng nề, Chúa đã vượt qua để dạy chúng ta cách nhờ ân sủng mà chiến thắng.

Người quản lý hoàn toàn thiếu ý thức “của cải là một thiện ích phát xuất từ Thiên Chúa và được người chủ xử dụng để lưu chuyển hầu cả người túng nghèo cũng được hưởng dùng nữa.” (5) Ngược lại, anh đã làm cho nguồn lợi chảy ngược về chính mình và đánh đống trong kho nhà anh. Anh không thấy mình phải dùng của cải để “mưu ích cho tha nhân và xã hội.” (6) Thực tế, anh sống nhờ mồ hôi nước mắt người khác, ngược hẳn với nguyên tắc đạo đức. Của cải bất chính tố cáo anh không tha thiết gì với công lý và tình liên đới. Anh sẵn sàng hy sinh người khác để mưu lợi cho mình. Bởi vậy, ông chủ nhận thấy anh không còn phục vụ hữu hiệu trong công việc quản lý tài sản ông nữa. Việc tăng thêm của cải và nhu cầu chia đều tài sản cho mọi người chắc chắn làm cho con người và toàn thể xã hội sống trong tình liên đới hầu chống lại “cơ chế tội lỗi,” nguyên nhân sinh ra nghèo đói triền miên, kém phát triển và xuống cấp. Các cơ chế này được xây dựng và củng cố do nhiều hành động cụ thể đầy ích kỷ của con người. (7) Chung quanh người quản gia trong Tin Mừng hôm nay là cả một đám lâu la và những kẻ “dính máu ăn phần.” Ðã đến lúc phải chấm dứt cảnh người bóc lột người !

TỪ QUỐC NẠN TỚI GIÁO NẠN

Nếu không ai dám đụng tới quản gia, chắc chắn anh sẽ phá tán hết của cải ông phú hộ. Rất may ông phú hộ biết lắng nghe lời tố cáo. Nếu không, biết bao dân oan vẫn tiếp tục sống trong cảnh đè nén suốt đời.

Không phải bất cứ lời tố cáo nào cũng có giá trị. Nhưng chẳng lẽ coi tất cả mọi lời tố cáo như nhau ? Không bao giờ có thể dẹp hết quốc nạn, vì không có tiếng nói đối lập. Người ta định đưa vào nhà trường môn học chống tham nhũng. Dĩ nhiên, không ai phủ nhận vai trò giáo dục. Nhưng tham nhũng là vấn đề ngoài xã hội người lớn, chứ không phải trong thế giới người chưa lớn.

Chỉ vì lòng dạ ích kỷ của con người, tham nhũng và hối lộ đã trở thành quốc nạn ngoài xã hội, còn trong Giáo hội thì sao ? Có ai lắng nghe lời tố cáo của những người thiện chí không ?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe và can đảm sống theo sự thật và công lý để gia sản của Chúa không lãng phí trên quê hương chúng con. Xin cho chúng con biết khôn ngoan và nhiệt tình dấn thân cho Nước Chúa cùng với anh chị em chúng con. Amen.

 

Lm. Jude Siciliano, O.P. (Anh em Học viện chuyển ngữ)

 

Thế nào là “con cái sự sáng”?

Am 8,4-7; Tv 113; 1 Tm 2,1-8; Lc 16,1-13

 

Kính thưa quý vị,

“Tôi nghe người ta nói gì về anh đó?” Thế quý vị có muốn làm nạn nhân của câu hỏi buộc tội đó hay không? Quý vị chỉ biết rằng những gì đang xảy đến không phải là: “Quý vị đã làm những điều phi thường trong đời mình, và giờ đây tôi muốn trao cho quý vị một phần thưởng lớn lao.” Chẳng có cơ hội đó đâu!

Dụ ngôn ngày hôm nay có những yếu tố khó hiểu đối với chúng ta là những thính giả thời hiện đại. Theo quan điểm mới đây của các ủy viên quản trị Phố Wall được gởi đến nhà tù dành cho những nhà đầu tư gian lận thì đặt ra nghi vấn rằng, tại sao người quản lý lại không bị bắt giữ ngay khi tội của ông ta bị phát hiện? Sự im lặng của ông quản lý đã tiết lộ rằng ông có tội. Ông biết được tình thế khó khăn sau khi mình thôi chức vụ: ông phải làm nghề gì đây khi bị sa thải vì bất lương? Ăn mày ư? Cuốc đất sao? Ông không làm được những việc đó. Ông hoang mang và suy nghĩ về việc một quản lý tài sản phải bị sa thải mà không một chút hy vọng được trợ cấp.

Các nhà chú giải bất đồng về cách hiểu dụ ngôn này. Theo đó, bối cảnh được đặt ra trong dụ ngôn này là gì? “Dụ ngôn thất lạc và tìm thấy” của tuần trước là câu trả lời mà Đức Giêsu đã đưa ra cho những người Pharisêu và các kinh sư, vì họ đã phàn nàn về việc Đức Giêsu thường giao du với những người tội lỗi. Nhưng dụ ngôn ngày hôm nay dường như không có một bối cảnh nào nhằm gợi mở ý tưởng như thế. Vì vậy, những câu hỏi khác lại được nêu lên. Tại sao ông chủ lại khen ngợi người quản lý bất lương? Người đưa ra lời khen ngợi đó liệu có phải là ông chủ của tài sản hay không? Hoặc ông chủ ở đây chính là Đức Giêsu chăng?

Một vài bối cảnh giúp chúng ta hiểu được dụ ngôn này. Theo phong tục đương thời, người giàu có là một ông chủ thường xuyên vắng mặt nơi đồn điền, và ông có một người quản lý để trông coi những công việc thường ngày nơi đó. Vì thế, người quản lý có thể hành xử dưới danh nghĩa của ông chủ. Chiếu theo truyền thống này, người quản lý có thể lấy tài sản của chủ mình mà cho người khác vay mượn, nhờ chức vụ của mình mà người quản lý được thêm vào phần huê hồng khi đứng ra cho người khác vay. Người quản lý sẽ giữ phận vụ của mình, còn quyền đứng đầu thuộc về ông chủ. Vì thế, chính phận vụ của mình mà người quản lý bị thất sủng do những con nợ vay mượn tài sản.

Như chúng ta nghe dụ ngôn được kể, nếu có điều gì đó xảy ra như chúng ta mong đợi, thì người quản lý bị phơi bày điều bất chính sẽ chịu đau khổ với hình phạt thích đáng. Nhưng đó không phải là cách thức mà những dụ ngôn nhắm tới. Các dụ ngôn đôi khi làm chúng ta rối rắm lên. Theo đó, trong các dụ ngôn, có những điều không diễn ra theo cách thức chúng ta nghĩ. Và vì thế, khi nghe dụ ngôn này, chúng ta có những câu hỏi đặt ra.

Làm sao Đức Giêsu có thể đưa ra cách ứng xử không hợp lý như thế đối với các môn đệ của Người? Thật vậy, nếu người quản lý bị sa thải chức vụ mà biết lo liệu tương lai của mình một khi ông chủ cho thôi việc, thì quả thật đó là một kế hoạch khôn khéo. Đức Giêsu không khen ngợi sự gian lận của ông quản lý, nhưng Người khen ngợi tính sắc sảo của ông. Người quản lý phù hợp với hình ảnh được mô tả mà Đức Giêsu gọi là “con cái của thế gian.” Họ biết cách định liệu một tình thế và nhanh chống hành động sao cho thuận tiện thuộc về mình.

Thách đố mà Đức Giêsu đưa ra là ám chỉ chúng ta, những người mang danh “con cái sự sáng.” Ông quản lý đã dùng sự khéo léo của mình và những nguồn của cải vật chất để cứu nguy cho chính mình. Trước đó, ông có thể bị buộc tội là đã phung phí tài sản của chủ mình, nhưng bây giờ, chúng ta có thể ngưỡng mộ tài biến báo của ông. Chúng ta cần tài năng của ông để định liệu tình thế của mình trong thế giới chúng ta đang sống; chúng ta cũng cần tài năng của ông để quyết định của cải vật chất cá nhân và rồi ứng xử sao cho phù hợp. Người quản lý này không phải tốn nhiều thời gian để bắt tay vào hành động. Có những điều phải thực hiện ngay và do đó, ông ta luôn bận rộn. Qua dụ ngôn kinh ngạc này, phải chăng Đức Giêsu đang thử thách chúng ta là “con cái sự sáng”, liệu chúng ta có biết sáng kiến, biết xoay xở và biết hành động nhanh chóng nhờ vào ánh sáng hay không?

Tôi nhận thấy rằng nếu người giảng thuyết không chờ đợi đến phút cuối khi bắt đầu chuẩn bị bài giảng, nhưng lại chọn một tiến trình sáng tạo bằng cách dành thời gian cầu nguyện, suy tư và thinh lặng, thì có điều gì đó sẽ xảy đến “hoàn toàn bất ngờ”, tựa như một ân sủng cho người giảng thuyết vậy. Đó là những gì đã xảy ra với bài đọc ngày hôm nay. Tôi lấy một ví dụ cho “con cái sự sáng,” có người đã biểu lộ những phẩm chất mà Đức Giêsu khen ngợi nơi người quản lý, đó là hành động và suy nghĩ nhanh chóng, vì thế người ta đã sử dụng những phẩm chất này để làm điều thiện. Đó chính là người thuộc “con cái sự sáng.” Khi nghe chương trình Truyền Thanh Công Chúng (Public Radio), mục “Nhân Loại” (Humankind), tôi mới biết được mình đang chờ đợi điều gì.

Cô Kathleen De Chiara sống ở thành phố Summit, thuộc bang New Jersey, đây là một ngoại ô khá giả cách 20 dặm về phía Tây của Thành phố New York. Chồng cô ta làm chủ một cơ sở kinh doanh. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, chị của cô ta là một nữ tu truyền giáo ở Bangladesh, đã kể cho cô nghe về điều kiện thiếu thốn lương thực ở đó. Cô ta và người chồng đã quyết định năm đó không trao quà Giáng Sinh cho nhau nữa, nhưng đã gởi tiền cho chị mình. Kế đó, cô Kathleen đã tham gia chương trình cứu trợ thế giới. Cô Kathleen đã nói rằng “Nhưng khi tôi nhìn xuống chân tôi, nơi tôi đang đứng, và tôi bắt đầu thấy những khó khăn của tất cả những người đói khổ xung quanh tôi.” Những thống kê đưa ra số liệu rất ảm đạm, đó là: 50 triệu người dân Mỹ sống trong “những gia đình bấp bênh về lương thực,” nhiều người thuộc diện lao động nghèo. 17 triệu trẻ em Mỹ thiếu lương thực.

Cô Kathleen đã nghe cha xứ mình giảng về việc kiêng thịt hai lần trong tuần và dâng tặng tiền tiết kiệm cho người đói khổ. Khi đó cô ta mới hỏi ngài xem thử mình có được phép quyên góp lương thực tại cửa nhà thờ vào những buổi lễ ngày Chúa Nhật hay không. Lúc đó cha xứ trả lời đồng ý, và ngài hỏi lại cô ta thế con xin lương thực cho ai. Cô ta mới trả lời: “Con không biết, nhưng con sẽ hình dung ra được.” Tất nhiên cô ta biết mình sẽ xin lương thực cho ai rồi, vì cô ta là con cái của sự sáng, khôn ngoan và dám nghĩ dám làm.

Cô Kathleen Di Chiara nhìn thấy những người đói khổ và nói: “Tôi có thể làm được một điều gì đó.” Người đứng đầu của mục “Nhân loại” trên đài phát thanh công chúng là David Freudberg đã mô tả những thành tích của Kathleen như sau: “Với tấm lòng vì cộng đồng xã hội, người phụ nữ thật quả cảm này có thể thay đổi cả thế giới.” Cách mô tả của người đứng đầu chương trình về cô Kathleen là “một phụ nữ quả cảm.” Điều đó thật chí lý. Nhưng trong những thuật ngữ của Tin mừng ngày hôm nay, Đức Giêsu gọi cô ta là “con cái sự sáng.”

Vậy vì điều gì mà Đức Giêsu gọi chúng ta là “con cái sự sáng”?

Không như người quản lý trong Tin mừng được khen ngợi vì khôn ngoan, người kinh doanh thiếu đạo đức lại chịu một bản án nặng nề trong sách của ngôn sứ Amos. Trong khi họ thực hành việc tuân giữ ngày Sabbath thì họ làm những việc đó thiếu kiên nhẫn, vì khi xong việc tuân giữ, họ lại thực hiện những việc kinh doanh lừa dối của mình. Họ lừa gạt người nghèo, vì người nghèo tin tưởng những thương gia này trong việc cân đo đong đếm và thu mua những sản phẩm không đáng giá của mình. Người nghèo dễ bị đẩy đến tình trạng đói, nên họ sẽ sử dụng đến phương thế là tự bán mình làm nô lệ. Thử hỏi, Thiên Chúa sẽ đứng về bên nào? Tất nhiên, Người sẽ đứng về phía người nghèo.

Thật vậy, chẳng có điều gì sai trái nơi những thương gia khi họ tạo ra lợi nhuận từ việc kinh doanh của mình, nhưng họ thiếu xót vì đã không làm chỗ dựa cho người nghèo. Chúng ta có quyền làm việc để đảm bảo cuộc sống được yên ổn và tạo nên thịnh vượng cho gia đình mình. Nhưng với tư cách là “con cái sự sáng,” chúng ta phải tự chất vấn chính mình: tôi thực sự cần bao nhiêu, tài sản của tôi làm lợi ra nhiều hơn bằng cách nào và những gì tôi đang có, thậm chí phần ít ỏi thôi, liệu tôi có lấy của ai hay không?

 

 

 
-----------

1. http://www.conggiaovietnam.net/LoiChuChan/ThuNgogoiCLB.NVB.htm

2. The New American Bible 1991:1120.

3. ibid.

4. Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội, 2005, số 175.

5. ibid, số 329.

6. ibid.

7. ibid, số 332.