Năm C

 
 


Chúa Nhật Phục Sinh 03 - Năm C

Cv 5,27b-32.40b-41 / Kh 5,11-14 / Ga 21,1-19


Lm An Phong : Khiêm tốn là điều kiện để trở thành người môn đệ

Lm Như Hạ op : Tình Yêu Và Quyền Bính

Fr.Jude Siciliano,op. : Neo chặt vào hy vọng “trời mới đất mới”

Fr.Jude Siciliano, op. : Vị Thủ Lãnh “Nhát Gan”

G. Đặng Chí San op : Một chút cho đời vui !

Giacôbê Phạm Văn Phượng op : Sứ mạng các tông đồ

Đỗ Lực op : Phá Tung Khỏang Cách

Aug. Trần Thế Hoàng op : Khám Phá Ra Chúa Trong Môi Trường Đang Sống

Fr. Jude Siciliano, op : Can đảm đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu

Fr. Jude Siciniano op: Hãy chăm sóc chiên của Thầy

 

 
Lm An Phong

Khiêm Tốn
Là Điều Kiện Đầu Tiên Để Trở Thành Người Môn Đệ
Ga 21,1-19

Tin mừng hôm nay là trình thuật Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ trên bờ biển Tibêria. Các môn đệ đã được một mẻ cá đầy – điều các ông không hề nghĩ tưởng đến, vì các ông đã nhọc công suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Một mẻ cá được 153 con, toàn cá lớn. Theo khoa sinh vật học thời bấy giờ, chỉ có 153 loài cá. Mẻ cá đầy này là biểu trưng cho "tất cả, toàn thể". Mỗi con cá là biểu trưng cho một dân tộc. Toàn thể nhân loại gồm 153 dân tộc. Tất cả đều đã "chui vào lưới" của Phêrô. Nhờ vâng phục Đức Giêsu, các môn đệ đã lưới "được tất cả, được toàn thể". Sau này, các môn đệ sẽ là những người đi lưới "người" – toàn thể người – cho Thiên Chúa. Đây là lần hiện ra thứ ba của Đức Giêsu sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Tin mừng Chúa nhật 3 Phục sinh cho thấy hai khuôn mặt nổi bật : của Phêrô, vị Tông đồ trưởng và của Gioan, người được Đức Giêsu yêu mến nhất.

* Trước đó mấy tuần, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ : "Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy". Và Phêrô đã phản kháng : "Dù tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã" (Mt 26,31-33). Nhưng ít giờ sau, Phêrô đã chối Đức Giêsu 3 lần, vì sợ hãi. Trong cuộc hội ngộ trên bờ biển hôm nay, phản ứng của Phêrô "khoác áo vào... nhảy xuống biển" đã ngầm bộc lộ sự dằn vặt, mặc cảm vì quá khứ. Nếu đọc tiếp đoạn Tin mừng này thêm 4 câu nữa, chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu 3 lần hỏi Phêrô : "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?" và Phêrô đã khiếm tốn đáp lại 3 lần : "Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Và Đức Giêsu đã trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên cho Phêrô. Phêrô là hình ảnh của một người nhận ra chính mình là bất xứng, "là mình trần ", thế nên ông đã đón nhận được Đức Giêsu và đã được giao trách nhiệm làm thủ lãnh Giáo hội. Bất cứ ai muốn đón nhận Đức Giêsu vào cuộc đời mình cũng phải khiêm tốn nhận mình là bất xứng, là thiếu sót để Thiên Chúa lấp đầy cho.

* Gioan, người môn đệ Chúa yêu đã nhận ra Thầy mình trước tiên, bởi vì quá khứ đau thương của cuộc khổ nạn đã không làm ông tuyệt vọng. Sự vắng mặt của Đức Giêsu không làm tan biến tình yêu vốn đã sâu sắc của Gioan với Thầy mình trước kia. Trong khi những người khác chưa nhận ra, Gioan đã nhận ra rồi "Ông thấy và Ông tin" (Ga 20,8). Ngược lại với Tôma, người muốn được nhìn thấy, muốn được sờ tận tay mới tin được, thì Gioan không cần những chứng cớ hiển nhiên đó. Đức tin và tình yêu đã làm cho Gioan nhận ra Đức Giêsu. Gioan là hình ảnh những người có tình yêu sâu sắc. Họ dễ dàng nhận ra Đức Giêsu hiện diện trong cuộc đời, dù trải qua nhiều đau khổ. Bất cứ ai muốn nhận ra Đức Giêsu – Thiên Chúa tình yêu – thì cũng phải "mến Chúa, yêu người".

Phải chăng chúng ta nhận ra mình như Phêrô
và yêu mến Thiên Chúa như Gioan ?

Lạy Thiên Chúa, Chúa chúng con

Xin cho chúng con phát hiện Chúa trong thế giới,
nhận thấy Chúa qua mọi biến cố trong lịch sử chúng con.
Xin mở rộng tinh thần chúng con tìm kiếm Tình yêu Chúa.
Xin uốn nắn lưỡi chúng con xưng tụng Thánh Danh Chúa.
Xin hướng dẫn tay chúng con xây dựng vương quốc Chúa.

Vì Chúa ở trong nỗ lực chúng con đi tìm.
Chính Chúa làm sinh động cuộc tìm kiếm.
Chúa ngự trong cuộc sống chúng con.
Chính Chúa ban cho cuộc sống
ý nghĩa đích thực - Lẽ sống duy nhất.

Vì Chúa là mục tiêu duy nhất.
Yêu mến Chúa thêm một chút,
để tiến dâng Chúa lời chúc tụng vẻ vang nhất.
Hân hoan thêm một chút,
để đem đến cho muôn loài khuôn mặt thật
là Tôn Nhan Chúa.


Lm Như Hạ OP

Tình Yêu Và Quyền Bính
Ga 21,1-19

Tình yêu và quyền bính có mâu thuẫn không ? Quyền bính đòi chiếm hữu và kiểm soát. Trái lại, tình yêu không bao giờ chấp nhận chiếm hữu và kiểm soát. Bởi thế, tình yêu và quyền bính hình như không đội trời chung. Có thể tìm thấy sự mâu thuẫn này khi nghe các nhà chú giải Tin lành giải thích về quyền bính Phêrô.

ĐI GIĂNG CÂU.

Tất cả sáu ngư phủ chuyên nghiệp cùng ông Simôn Phêrô vất vả suốt đêm, nhưng “đêm ấy họ không bắt được gì cả.” (Ga 21:3) Mặc dù đầy đủ phương tiện và khả năng chuyên môn, các ông cũng phải đầu hàng sau một đêm vật lộn với bóng đêm. Thuyền nhiều, lưới tốt (Ga 21:11) và khả năng tiên đoán thời tiết chuyên nghiệp cũng không giúp các ông lướt thắng nghịch cảnh. Hôm trước các ông đã hứa với vợ con sẽ đem về mẻ cá lớn sau chuyến giăng câu đêm qua. Nhưng đêm đen chỉ đem đến thất vọng và thất vọng. Không biết sẽ trả lời cho vợ con làm sao đây ? !

May thay, “khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển” (Ga 21:4) đem niềm hi vọng lớn lao cho các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” (Ga 21:6) Tại sao Chúa không đòi các ông chèo ra chỗ nước sâu hay ra khơi ? Chúa có phải là một tay chuyên nghiệp đâu?! Các ông có thể nghi ngờ lắm chứ. Con mắt Chúa đã thấy rất rõ bầy cá đang lúc nhúc, đùa quẫy ngay bên phải mạn thuyền! Thật là ngược đời ! Cái nhìn của Đức Giêsu không căn cứ vào chuyên môn. Vậy mà các ông cũng nghe. “Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá, đếm được một trăm năm mươi ba con.” (Ga 21:7,11) Kết quả thật trái ngược! Nhưng đó lại là một dấu chỉ để “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô : ‘Chúa đó !’” (Ga 21:7)

Chính nhờ người môn đệ đó quả quyết, “ông Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.” (Ga 21:7) Lúc đó người ướt sũng, ông bơi vào bờ để đón tiếp Chúa. Thầy trò được bữa lớn. Đám tiệc ngay ngoài bãi biển. Nhưng không phải là những con cá hay bánh đã nằm sẵn trên than hồng (Ga 21:9). Chúa Giêsu không muốn ăn những thứ cá đã có sẵn trên bờ. Người đúng là một tay sành điệu khi nói với các môn đệ : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” (Ga 21:10) Những con cá lớn còn tươi rói. Đức Giêsu trổ tài nấu ăn. Khi đã nấu xong, Người mời gọi các môn đệ : “Anh em đến mà ăn !” (Ga 21: 12) Người tôi tớ Thiên Chúa không bao giờ quên vai trò của mình, dù ngay khi ở giữa các môn đệ. “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22:27)

“Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết,” (Ga 21:14) “ở Biển Hồ Tibêria,”(Ga 21:1) thuộc miền Galilêa. Các tông đồ đã vất vả suốt đêm nhưng vẫn vô hiệu. “Khi trời đã sáng” (Ga 21:4), Đức Giêsu xuất hiện. Tình hình hoàn toàn biến đổi. “Đặt cảnh chài cá thất bại ban đêm (c.3) sát cảnh Chúa xuất hiện ban sáng, (c.4) có lẽ thánh Gioan có ý gợi lên biểu tượng thần học tương phản giữa ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối (1:5; 9:4; 11:9-10; 12:35-36; 13:30)” (NIB:1995:857, vol.IX). Nỗ lực con người chỉ là hư không, nếu không có Chúa đến can thiệp kịp thời. Đúng như lời Chúa nói : “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Trái lại, “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Ga 1:16) Bằng chứng, “cảnh thân mật trong tương quan giữa Chúa Phục sinh và các môn đệ làm cho mọi người nhớ đến hành động Chúa Giêsu nuôi sống năm ngàn người (6:11). Các tín hữu đầu tiên đã thấy được biểu tượng Thánh Thể trong các bữa ăn này. Vì trong Tin Mừng Gioan, Thánh thể vẫn được hiểu là hồng ân Chúa Giêsu ban cho tín hữu và một cách diễn tả tương quan của họ với Chúa Giêsu.” (NIB 1995:858, vol.9) Nhưng còn hơn một biểu tượng, Thánh thể chính là của ăn nuôi sống tín hữu trên hành trình về nhà Cha. Trong Thánh Thể, họ tìm được tất cả nguồn an ủi và sức mạnh để sống bình an với Thiên Chúa, anh em và với chính mình. Không một hành động nào tuyệt vời bằng việc Đức Giêsu lập Phép Thánh thể, vì ở đây tín hữu sẽ cảm nghiệm tất cả tình yêu có sức cứu độ muôn dân.

Để cứu độ muôn dân, Đức Giêsu còn quan tâm đến việc chăn dắt đoàn chiên của Người. Việc chăn dắt đoàn chiên không thể thuần túy dựa trên tình yêu. Nói khác cần phải đi vào thực tế. Đức Giêsu muốn thiết lập Phêrô làm người “nuôi sống” “chăn dắt” đoàn chiên Người. Thật vậy, ngay trong đêm bị nộp, sau khi tiên báo về việc ông Phêrô chối Chúa ba lần, Đức Giêsu đã hứa hẹn : “Một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22:32) Hơn nữa “truyền thống cộng đồng Phêrô liên hệ còn lưu trữ trong Mt 16:18-19 cũng nói về việc Chúa đặt ông Phêrô làm ‘tảng đá’” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:985) Rõ ràng như thế, nhưng vẫn có người nghĩ rằng “Đức Giêsu không chỉ định ông Phêrô làm người kế vị đặc biệt của Chúa, nhưng như một hiện thực những gì Chúa nói về tất cả các tông đồ. Phêrô chỉ là một mẫu mực sống tình yêu Đức Giêsu. Chúa Giêsu không trao đoàn chiên cho một mình ông Phêrô, trái lại Người nhắc ông nhớ tới ý nghĩa của tình yêu Chúa Giêsu là gì.” (NIB 1995:861)

Nếu chỉ nêu lên một biểu tượng tình yêu, tại sao Chúa không chọn “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu dấu” ? Ong Gioan xứng đáng làm mẫu mực tình yêu hơn Phêrô nhiều, vì ông đã trung thành với Chúa cho tới chân cây thập giá. Trong bất cứ cộng đoàn nào, cũng phải có người đứng đầu, huống chi Giáo hội, làm sao không có người lãnh đạo toàn diện ? Trong các câu Ga 21:15-17, Đức Giêsu đã ba lần ủy thác cho Phêrô quyền “chăn dắt chiên của Thầy.” Ông đã được Chúa đặt làm nền tảng Giáo hội (Mt 16:16-19)

CON ĐƯỜNG HIỆP NHẤT.

Dĩ nhiên quyền bính trong Giáo hội không thể tách lìa tình yêu Chúa. Trái lại quyền bính ấy phải xây trên nền tảng tình yêu Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới cần ông Phêrô xác quyết tới ba lần : “Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21:15, 16, 17) Quyền bính xây dựng trên một tình yêu chỉ biết phục vụ cho đến chết. “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10:45; Mt 20:28) Giáo hội phải bước theo Thầy chí thánh trên đường phục vụ nhân loại. Nhưng nếu không có tổ chức, chắc chắn không thể nào thực hiện được sứ mệnh đó. Giữa bao nhiêu tăm tối trần gian, nếu không có người lãnh đạo, làm sao biết lối đi về nhà Cha ? Ai cũng có thể nói nhân danh Chúa, làm sao phân biệt đâu là thần khí của Chúa ? Thư Gioan căn dặn : “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin. Nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không.” (1 Ga 4:1)

Không có quyền bính, làm sao phân biệt giữa những mâu thuẫn trong việc giải thích Kinh thánh và đường lối mục vụ ? Chúa Giêsu rất thực tế khi đòi hỏi Giáo hội phải có người lãnh đạo để hướng dẫn muôn dân trong Thần Khí. Chắc chắn Thần khí sẽ nói qua Giáo hội, chứ không thể làm việc bừa bãi theo hứng khởi hay đam mê cá nhân. Hơn nữa, ngay cả khi chủ trương Thần khí làm việc theo hướng cá nhân, thực ra cũng là do truyền thống giáo phái hướng dẫn.

Tuy thế, ngày nay ngôi vị Giáo Hoàng vẫn là một cản trở lớn trên đường hiệp nhất. Chính ĐHY Lehmann đã nói “quyền Giáo Hoàng là ‘cản trở chính cho tiến hành đại kết..’” (CWNews 23/4/2001) ĐHY kêu gọi họp một công đồng mới để đưa ra một nền tảng cho ‘cộng đồng tính lớn hơn’ giữa các giám mục trên thế giới.” (CWNews 23/4/2001) “Nhưng Người không có ý đặt vấn đề về vai trò ĐGH, Giáo Triều, hay các thượng hội đồng giám mục. Người nói rằng ‘đã đến lúc suy nghĩ về cách thức Giáo hội nên quyết định về tương lai những vấn đề mục vụ căn bản.’ Người cũng cho biết ĐGH Gioan Phaolô II khuyến khích bàn luận xem làm sao có thể thay đổi quyền bính Giáo hoàng để thích ứng với nhu cầu tân thiên niên kỷ.” (CWNews 23/4/2001) Quả thực, Giáo hội đã bị ảnh hưởng nặng nề nếp sống quân chủ, trong khi thể chế nhân loại hướng mạnh về dân chủ. Thực tế, làm sao hài hòa được mọi ý kiến mà vẫn hiệp nhất được Giáo hội ?

Bởi thế, ĐHY đề nghị “suy nghĩ về toàn thể những liên hệ giữa các thượng hội đồng Giám mục, Giáo triều Roma, các nghị hội giám mục và Viện Hồng y, và định nghĩa những bổn phận chuyên biệt của mỗi bộ phận đó.” (CWNews 23/4/2001) Thực ra, “tháng 10 năm 1999, ĐHY Carlo Maria Martini địa phận Milan, đã lưu ý Thượng hội đồng Giám mục Au châu về một công đồng như thế có thể cung cấp “những kinh nghiệm mới và mở rộng về cộng đồng tính” cho các giám mục trên thế giới.” (CWNews 23/4/2001) Bao giờ đường lối dân chủ mở ra trong Giáo hội, may ra mới thấy con đường đại kết giữa những anh em cùng chung một niềm tin nơi Đức Kitô Giêsu.


Fr.Jude Siciliano,OP.

Neo chặt vào hy vọng “trời mới đất mới”
Ga 21,1-19

Thưa qúi vị, Chúa nhật vừa qua, bài đọc 2 khởi sự một loạt các bài đọc trích từ sách Khải Huyền. Việc này còn tiếp tục cho đến lễ Hiện Xuống. Như vậy, mỗi tuần các cộng đoàn tín hữu trong toàn thể Hội Thánh được nghe những ngôn từ lạ tai và khó hiểu. Khó hiểu ngay cả đối với các nhà giảng thuyết. Tôi dám qủa quyết như vậy. Vì ít khi chúng ta dám khai thác sách Khải Huyền, kể cả trong mùa Phục sinh này. Vậy thì hôm nay chúng ta mạo hiểm suy tư về sách này. Nó giúp chúng ta thay đổi thói quen thường xuyên là đi thẳng vào bài đọc tin mừng, có lẽ nó còn là công việc gây phấn khởi và thích thú, cho chúng ta và cho cả cộng đoàn.

Tôi tình cờ khám phá ra rằng ở nhà tù San Quentin, người ta ưa thích đọc sách Khải Huyền, nhưng trong một lăng kính khác, lăng kính hiện thực. Khải huyền đối với họ là một lời tiên báo gần về sự kết thúc và phá hủy của thế giới hiện tại, của xã hội đương thời. Các tử tù thường gọi nhau là “đạo quân hằng sống” đồng thanh nhất trí mong cho thế giới này kết thúc càng sớm càng tốt, để trừng phạt xã hội mà họ đang sống. Sách Khải Huyền xem ra ủng hộ ước muốn đó. Nhưng có phải chủ đích của sách này là như thế không ? Sách chứa đựng đầy dẫy những ẩn dụ và biểu tượng báo trước sự kết thúc của thế giới và sự cứu thoát của một số linh hồn. Thoạt nhìn đúng là như vậy.

Nhưng khi cố gắng giải thích sách Khải Huyền cho thính giả ngày nay chúng ta phải vận dụng đến kiến thức các loại văn chương. Sách Khải Huyền dùng một loại văn thể mà người ta gọi là mặc khải, nó rất thịnh hành ở thế kỷ thứ nhất, dưới triều đại hoàng đế La mã, Domitiano. Ong này là con người độc ác, cấm đạo ngặt nghèo. Ông đã ra tay giết hại nhiều tín hữu, triệt hạ nhiều nơi thờ tự của người theo đạo Kitô. Các tù nhân ở San Quentin đọc được một tín hiệu quan trọng từ sách Khải Huyền, bởi vì sách đã được viết ra cho các tín hữu đúng vào thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử. Sách không phải để cung cấp kiến thức, mà là để an ủi, khích lệ độc gỉa, nói thẳng vào cảm xúc và trái tim người đọc, vì vậy sách dùng toàn biến cố, biểu tượng và hình ảnh của một thế giới kỳ ảo.

Người đọc cần tìm ra chìa khóa để mở những ý nghỉa của các biểu tượng và xác định ngày tháng các biến cố. Như vậy, bí mật của sách Khải huyền trở nên rõ ràng. Ngôn ngữ bóng gió của sách không phải để khóa kín trí khôn người đọc, trái lại, những đọc gỉa tiên khởi rất dễ dàng nhận ra ý nghĩa của các ẩn dụ, bởi vì chúng là những sinh hoạt hằng ngày của thế giới lúc ấy. Tác gỉa Gioan (chưa xác định được căn cước của ông) không có ý định bắt bí các độc gỉa, ông đã cố gắng viết cho thật rõ ràng và độc gỉa chẳng thấy khó khăn gì khám phá ra tư tưởng của ông.

Bởi vì chúng là những hoàn cảnh rất cụ thể của thế giới lúc bấy giờ. Khó khăn là khó khăn cho chúng ta, sống xa những biến cố đó đã từ 2000 năm ! Thế giới mà các tín hữu tiên khởi sống không phải là thế giới có đạo như chúng ta ngày nay, trái lại, là thế giới rất thù nghịch với đức tin công giáo.Thành phố Roma lúc ấy chống lại lòng tin vào Chúa Giêsu của các tín hữu một cách thật dã man, mọi rợ. Bởi vì nó chỉ tôn kính một mình hoàng đế thượng vị là chúa tể; ngoài ra không có chúa nào khác… Roma là nữ thần của toàn đế quốc, chung quanh hoàng đế toàn là những lễ nghi thờ kính. Không tham dự vào vào những lễ nghi ấy đều là phản bội, tội đáng chết.

Vậy thì các người Kitô hữu phải quyết định ai là Chúa mình, vua thượng vị hay Con Chiên đã bị sát tế ? Không tôn thờ hoàng đế Roma có nghỉa là chuốc lấy cái chết đau đớn, vì thế sách Khải Huyền đầy dẫy những ám chỉ về các cuộc bách hại. Sách không cho phép có thái độ thứ ba, hoặc là vua thượng vị hoặc là Con Chiên, thế thôi. Cho nên các độc gỉa tân thời, nên suy nghĩ lại hàng ngày chúng ta đến thờ lạy tại bàn thờ nào ? Những cử chỉ dâng hương, cúng tế, bái lạy mà chúng ta dùng trong phụng vụ ngày nay cũng chính là những cử chỉ dân ngoại ngày xưa dùng để tỏ lòng trung thành, liên minh với các vua thượng vị La mã.

Bài đọc hôm nay khuyến khích độc giả kiên trì chống lại những cám dỗ, và bách hại tiến hành bởi các thù địch của Con Chiên. Tuần trước mở màn thị kiến sai ông Gioan công bố sứ điệp của mình. Chương 5 hôm nay kêu mời chúng ta thờ phượng Quyền uy tối thượng của Thiên Chúa mà các thiên thần và trưởng lão đồng thanh tung hô : “Xứng đáng thay Con Chiên đã bị giết”. Sách Khải Huyền ban tặng hy vọng cho tất cả những ai đang đau khổ, đang bị gian nan bao vây tứ phía, nhất là cho các tín hữu đang phải chống chọi với quyền lực ngoại giáo. Nhửng ai từ chối qùy gối trước bàn thờ hoàng đế kim tiền, sắc dục, kiêu căng, thủ đoạn… sách Khải Huyền cho họ biết lịch sử nhân loại nằm trong tay Thượng đế. Tác gỉa dùng thánh thi, ca vịnh khải hoàn khích lệ chúng ta trung thành với Chiên Con hiến tế.

Rồi ngày nào đó tất cả sẽ được chia sẻ vinh quang mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta. Nhưng cho đến lúc đó, bây giờ mặc dù còn phải chịu đau khổ và sợ hãi vì đức tin, chúng ta vẫn có Chúa làm chủ vũ trụ và cuộc đời chúng ta, số phận chúng ta không phải là không có bảo đảm. Chúng ta không nên quan tâm đến các khó khăn hiện tại, mà chỉ nên tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của Chúa Kitô. Ngược với những gì đang xảy ra trên thế giới, hoàng đế La mã không thể chiến thắng. Chúa Kitô sẽ chiến thắng vẻ vang. Sách Khải Huyền đã tuyên bố rõ ràng Thiên Chúa và Chiên Con có quyền năng tuyệt đối trên sự dữ và thần chết. Đừng vì vẻ bên ngoài mà khiếp sợ, nhưng hãy bền tâm trung tín với “đấng ngự trên ngai và Chiên Con”. Hãy trung thành bằng những công việc thường nhật, to lẫn nhỏ. Sách Khải Huyền , cuốn sách cuối cùng của Tân ước, neo chặt lòng các tín hữu vào hy vọng “trời mới đất mới” giữa những gian truân thử thách của thế gian này. Khi công trình tạo dựng trời mới đất mới xảy ra, các tín hữu sẽ nhận thấy tên mình đã được ghi rõ ràng trong cuốn “sách hằng sống”.

Bước sang việc suy niệm tin mừng hôm nay, tôi xin chia sẻ vài tư tưởng của chị Janet Boeth Jones, một độc gỉa thư điện tử của tôi. Chị viết : “Con nhìn vào bài học tin mừng hôm nay, và vào lời chúa Giêsu nói với Phêrô: “Hãy chăn dắt đàn chiên ta”, con lại nhớ đến câu nói của ông Federich Buechner trong cuốn Wishful Thinking: “Cái địa chỉ Chúa gởi đến qúi vị là chính nơi mà sự mừng rỡ sâu đậm nhất của qúi vị gặp được sự đói khát cùng cực của thế gian”. Định nghĩa này đã cứu con khỏi sự cay đắng và tử đạo mà con đã phải chịu đựng bấy lâu nay. Con đã kết hôn với một tay nghiện rượu 20 năm và kinh nghiệm đầu tiên mà con biết được là khía cạnh hủy hoại của hy sinh nhân danh tình yêu. Điều này chẳng nuôi được đàn chiên hay Chúa chiên. Như vậy, qúi vị phải rất ý tứ khi kêu gọi hy sinh,nhất là đối với các thính gỉa nữ giới ngoài 60 tuổi. Phu nữ lớn tuổi thường thắm đẫm sứ điệp hy sinh vì bổn phận, hy sinh đến độ không còn là mình nữa mà là sống đại diện qua chồng con và các bậc bề trên. Cuối cùng là tai hại cho tất cả mọi người, tai hại nhân danh tình yêu và bổn phận đàn bà. Trong khi chồng con họ, anh em được khuyến khích vươn tới những thành đạt cá nhân, những đỉnh cao danh vọng. Ngược lại, nhiều người trong cộng đồng cần được nhắc nhớ hy sinh cái tôi thật chứ không phải cái tôi giả.

Tóm lại, chúng ta cần thành thật yêu lấy chính mình, chăm sóc chính mình, từ đó chúng ta mới có thể yêu người khác, hy sinh cho người khác một cách vô vị lợi và bảo toàn danh dự của chúng ta. Lúc ấy chúng ta được nuôi dưỡng và nuôi dưỡng đàn chiên Chúa Giêsu. Bằng không chúng ta sẽ bị thua thiệt thiêu cháy tiêu tan, trở nên dễ nóng giận và cay đắng, tự hủy mình hoàn toàn và lạnh cứng, chẳng cảm thấy niềm vui hoặc đau khổ, có chăng chỉ là gượng gạo, hời hợt bề ngoài. Điều mà tôi thấy được trong bài tin mừng hôm nay là nỗi vui mừng sâu đậm của Phêrô nơi Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài đã được tưới gội bằng đau khổ, bối rối và mất mát, ý nghĩa nào đó của phản bội và bỏ rơi. Nhiều người cũng có những cảm nghiệm tương tự và họ đã trở lại công việc thường ngày để tự cứu vớt mình. Nhưng những lần hiện ra của Chúa Giêsu đã thực sự làm cho họ được vui mừng, và muốn bung ra, đi rao giảng lòng Chúa yêu thương và tha thứ. Vì thế bữa ăn đơn sơ trên bãi biển Galilê buổi sáng hôm ấy thật là đáng yêu, đáng nhớ . Amen.       


Fr.Jude Siciliano,OP.

Vị Thủ Lãnh “Nhát Gan”
Ga 21,1-19

Thưa quý vị, Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, bài đọc III chúa nhật hôm nay thuộc chương 21 Phúc Âm thánh Gioan là một chương độc lập. Chính thức Phúc Âm kết thúc ở chương 20 : “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ, nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này…”. Như vậy chương 21 được môn đồ nào đó của thánh sử Gioan thêm vào; có lẽ nó là một cổ bản rời, độc lập được ghép vào cuốn sách. Tuy nhiên nó vẫn được linh hứng vì có mặt như một phụ trương của Tin Mừng thứ tư ngay từ thuở ban đầu, để quyết định vấn đề quyền “trưởng nhóm” của tông đồ Phêrô.

Cứ như câu chuyện thì ông Phêrô quả là cứng cổ. Ông chối Chúa ba lần và hôm nay thản nhiên rủ các bạn chài đi đánh cá, tưởng chừng như ông đã quên hết chuyện cũ và trở lại nghề nghiệp xưa. Chúa đã tỏ mình ra cho các ông sau mẻ lưới lạ lùng. Thánh Gioan kêu mời chúng ta liên kết câu chuyện hôm nay với cái đêm định mệnh “Phêrô chối Chúa. Cả hai chuyện, Phêrô đều đứng bên đống lửa. Lửa trong đêm Chúa Giêsu bị tra hỏi và lửa bên bờ hồ Tibêria. Ba lần phản bội và cũng ba lần tuyên xưng đức tin. Hôm nay ngoài đống lửa còn có bánh và cá gợi lên hình ảnh bữa tiệc ly. Chúa hỏi Phêrô : “Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các người này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Trong đêm Chúa Giêsu bị bắt, người ta ngạc nhiên khi Phêrô thẳng thừng chối cãi không biết Thầy mình là ai. Và để cho lời chối nặng ký hơn, ông còn thề độc (Mt 26, 14). Đây là bài học lớn cho các tín hữu. Chúng ta đừng vội vàng trách cứ Phêrô. Ông là một trong những tông đồ được Chúa Giêsu gọi đầu tiên và là một con người rất hăng say, trung thành với Thầy mình. Ở bữa tiệc cuối cùng, ông vỗ ngực tuyên bố mình sẽ theo Thầy cho đến cùng dầu cho có phải mất mạng. Một lời thề hứa trang trọng và đanh thép. Nhưng chẳng bao lâu sau ông vấp ngã. Không ai dám chối cãi lời nói của ông thành thật, thoát ra từ tâm tính của một con người bộc trực. Ông thực sự yêu mến Chúa Giêsu và muốn suốt đời phục vụ Ngài dù có phải chết. Nhưng điều sai lầm là ông quá tự tin, cậy vào sức riêng, chứ không phải từ ơn trên. Đơn giản chỉ có thế. Nhưng trong đời sống thiêng liêng thì là một điều rất nguy hiểm. Chúng ta cần Thần Khí Chúa thúc đẩy, soi sáng để thực hiện những việc lành. Nói cách khác, cần cầu nguyện và suy niệm, chẳng thể đơn thuần là nhiệt huyết suông. Biết bao lần chúng ta có thái độ tương tự như ông Phêrô, hăng hái thề hứa ăn ngay ở lành, làm việc cho sáng danh Chúa nhưng thực tế thì ngược lại, phản bội Ngài như cơm bữa, thu quén tiền tài danh vọng cho mình, thậm chí còn chối bỏ đức tin một cách công khai khi quyền lợi, mạng sống bị đe doạ. Chúng ta hèn nhát hơn ông Phêrô rất nhiều.

Viết đến đây, tôi nhớ ra một câu chuyện bông đùa. Người ta kể rằng vào mùa Phục Sinh ở xứ đạo nọ, giáo dân thường kể cho nhau nghe “tin lành, tin dữ” về Chúa Giêsu. Tin lành nói rằng Chúa đã sống lại và hiện ra với các tông đồ. Còn tin dữ kể: Ngài nổi giận như chiếc hoả lò. Ấy là tưởng tượng theo thói thường thế gian. Ngài tức giận khi trông thấy các tông đồ sợ hãi và âu lo: “Ta đã bảo mà, Ta sẽ sống lại vào ngày thứ ba, đúng không ?” Rồi Ngài quay sang Phêrô: “Tưởng anh là viên đá, chẳng hoá ra nhát như thỏ đế !”. Câu chuyện áp dụng vào mỗi tín hữu thì thật đúng từng chữ.

Để làm cho trọn lời phản bội, Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay nói: “Tôi đi đánh cá đây”. Liệu ông hoàn toàn quay mặt khỏi Chúa Giêsu? Liệu ông đã từ bỏ ơn kêu gọi và trở về nếp sống cũ? Hay ông lãnh đạo theo ý nghĩa khác, ý nghĩa trần tục như quá khứ, trước khi gặp và theo Chúa? Lời ông nói: “Tôi đi đánh cá đây” chứng tỏ các tông đồ đã hết tin vào sự kiện Chúa đã sống lại. Họ chỉ tin bao lâu Chúa hiện diện giữa họ hoặc lòng tin kính của họ chưa thể chuyển sang hành động để thực hiện sứ vụ.

Nói cách khác, họ đã quên bặt, coi như không có lệnh Chúa truyền đi “chinh phục” người ta cho Nước Trời. Chỉ khi lãnh nhận đầy đủ ơn Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, lệnh truyền này mới được thực hiện và thực hiện cho tới cùng. Còn như hiện thời, sau ba năm sống với Chúa Giêsu, chứng kiến Ngài chịu khổ hình, chịu chết và sống lại, họ lui về Galilêa, sống đời bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mới hay lòng dạ người đời chóng quên! Đúng như câu ngạn ngữ “Xa mặt cách lòng”. Như vậy vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống Giáo Hội. Chưa có Thánh Thần thì đời sống các tông đồ chưa hề thay đổi. Giọng điệu “Tôi đi đánh cá đây” của ông Phêrô chứa đầy an phận, tương tự như ông muốn nói “còn chi nữa đâu mà hy vọng”. Mọi sự đã tan rã. Lời Chúa kêu gọi không còn hiệu lực và bị triệt tiêu với cái chết của Thầy!

Đó là tâm trạng của các tông đồ bên bờ hồ Tibêria vào buổi sáng hôm đó, Chúa Giêsu hiện ra với các ông đúng lúc, nhắc lại cho họ mọi sự. Ngài không lìa bỏ, nhưng vẫn giữ vai trò chủ động trong việc thi hành sứ vụ của Đức Chúa Cha. Giống như lúc khởi đầu Phúc Âm, Ngài tìm kiếm họ, vượt qua cửa đóng và khoá chặt để khích lệ họ bung ra mà đi rao giảng Nước Trời. Điều này thật cốt yếu cho toàn thể nhân loại, và Ngài lại thấy họ giữa công việc hàng ngày. Cũng vậy thôi, Chúa Giêsu muốn chúng ta tiếp tay với Ngài giữa nghề nghiệp đời thường; liệu chúng ta có đồng ý đi theo Ngài, làm công việc mà mọi người đều biết rất hệ trọng?

Điểm đáng lưu ý là giữa những thất bại, cay đắng, mơ hồ thì Chúa Giêsu đã trở lại gặp các tông đồ và đối diện với họ. Nhưng lạ lùng thay, Ngài không tức giận vì họ đã bỏ trốn để mặc một mình Ngài trong cuộc khổ nạn. Ngài hoàn toàn thông cảm và tha thứ, bất chấp những yếu đuối và sa ngã. Cho nên ngày nay chúng ta có bài học để đời: Chúng ta sẽ được Ngài luôn tha thứ lỗi lầm và trở lại làm môn đệ Ngài, miễn là chúng ta thành tâm quyết chí. Bài học thứ hai là Ngài sai chúng ta đi khắp bốn phương thiên hạ rao giảng tình thương của Thiên Chúa, sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, noi gương Thầy chí thánh.

Những sa ngã và phản bội của chúng ta ngày nay dù nặng nề gấp bội nhưng không nhiều kịch tính như ông Phêrô. Ít nhất chúng ta đã không dám công khai chối Chúa ba lần. Nhưng chúng ta thường để bổn phận trượt khỏi tầm tay, không nghiệm chỉnh thi hành, tệ hơn nữa không coi lời Ngài như Chân Lý Cứu Độ. Giả hình giả tảng là người theo Chúa mà thực chất vẫn còn nhiều ích kỷ, hại nhân. Kẻ xấu miệng hay gọi chúng ta là nhân chứng dỏm của Chúa sống lại. Có lẽ phần nào đúng, bởi lẽ trong những ngày non trẻ, chúng ta đầy nhiệt huyết và sức sống đức tin, nhưng khi trưởng thành thì trở nên nguội lạnh, thúc giục người khác đạo đức còn mình thì ươn lười. Đến đây tôi lại nghĩ đến thái độ của mấy người công giáo tiên khởi trên đất Mỹ: “Nếu có đạo là một tội ác, họ lấy bằng chứng nào để buộc tội chúng ta?” Đúng vậy, chẳng thể buộc tội, nhưng nếp sống lập dị thì rành rành ra đó. Áp dụng vào thái độ lạnh nhạt, chúng ta không bị kết án, nhưng gương mù gương xấu cho những người xung quanh thì tầy trời, hoặc câu nói vô trách nhiệm khác: “Ai có linh hồn người nấy giữ”. Họ quên nguyên tắc liên đới: “Không ai lên thiên đàng một mình” hay như linh mục Thomas Merton: “Không ai là một hòn đảo” (no man is an island).

Cho nên hôm nay chúng ta mang những “phản bội” của mình đến trước bàn thờ Thánh Thể. Và lại một lần nữa Chúa Giêsu đảm nhận vai trò tiên phong, kêu gọi chúng ta bước theo Ngài, bỏ qua những yếu đuối, thất bại trong cuộc sống hàng ngày. Đúng như Ngài đã tha thứ cho ông Phêrô và các tông đồ. Nếu Ngài muốn trả thù thì đối tượng đầu tiên phải là Caipha, Anna, Philatô, nghĩa là các thế lực đền thờ. Nhưng trên thánh giá chính Ngài là trạng sư, kêu xin Đức Chúa Cha tha tội cho họ, hôm nay Ngài lại chẳng tha thứ cho chúng ta sao ?

Tôi hết lòng khâm phục các cộng đoàn tiên khởi khi họ giữ lại chuyện ông Phêrô và các tông đồ cho thế hệ mai sau. Họ không ém nhẹm những yếu đuối loài người của các vị. Vào trường hợp chúng ta, vì sĩ diện, chúng ta chẳng đủ can đảm tiết lộ những chuyện này. Nhưng thật là may mắn, các người tín hữu đầu tiên đã không làm như thế, đây là tấm gương để chúng ta noi theo. Chuyện có thể làm Phêrô xấu hổ, nhưng chúng ta lại được thêm kiên cường trong lòng tin.

Bất chấp những yếu đuối và sa ngã, ông vẫn được Chúa tha thứ, yêu thương. Giống như các tông đồ, giáo dân ngày nay vẫn được Chúa thương xót thứ tha. Tuy nhiên, không nên dựa vào điều này mà ăn ở bừa bãi. Chúng ta nỗ lực sống ngay lành là vì đã được Chúa cứu chuộc, là để đền đáp ơn Ngài, chứ không phải vì công lênh. Nước thiên đàng Chúa Giêsu đã phục hồi cho nhân loại, chúng ta ăn ở tốt để chiếm lấy. Chúng ta phải cộng tác với Ngài thực hiện sứ vụ Ngài trao cho Hội Thánh: Kêu gọi toàn thể nhân loại trở về với tình thương của Đức Chúa Cha.

Trong tất cả các lần hiện ra sau khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu chỉ quan tâm một điều, nhắc lại lời Ngài kêu gọi các tông đồ : “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Nghĩa là Ngài muốn các ông tiếp tục sứ vụ Đức Chúa Cha đã trao phó cho Ngài. Hôm nay bên bờ hồ Tibêria cũng vậy, Ngài kêu gọi các ông hãy chăn dắt đoàn chiên của Ngài (nguyên văn: feed my lambs). Nhưng lần này các ông còn một sứ mệnh mới: gánh lấy số phận của Ngài : “Thật Thầy bảo cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người ta thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Những ai muốn bắt chước Chúa Cứu Thế, nhiên hậu sẽ chết cái chết đầy bạo lực như Ngài. Điều này thật khó cho các tín hữu! Nhưng với ơn Chúa trợ giúp thì mọi sự sẽ được thực hiện dễ dàng. Cho nên ơn sống lại bao gồm hy sinh và sự chết. Từ chối hy sinh sẽ chẳng bao giờ được trông thấy ơn Phục Sinh. Các tông đồ trong bài đọc 1 đã kinh nghiệm như vậy: “Bấy giờ, họ cho gọi các tông đồ lại mà đánh đòn, đoạn cấm các ông không được nói đến Đức Giêsu, rồi thả các ông ra. Các tông đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”.

Họ cảm nghiệm sự sống lại, bởi lẽ đã được vác lấy thập giá. Tuy nhiên, Chúa sai ông Phêrô đến “nơi ông không muốn”, không phải do sức riêng ông, mà là do ơn trợ giúp Chúa Thánh Thần. Thế giới công giáo đã được biết ông Phêrô chết cách nào! Vì không phải là công dân La Mã, ông đã chịu đóng đinh ở ngọn đồi Vaticanô, Rôma. Ông hoan hỷ chấp nhận nhưng xin đóng đinh ngược, bởi cảm thấy không xứng đáng chết như Thầy mình ! Ngay từ hôm nay Chúa đã sửa soạn hy sinh đó cho ông Phêrô bằng một bữa tiệc tương tự như bữa tiệc ly, tức có bánh, cá và lửa yêu mến. Ông được nuôi dưỡng bằng của ăn thiêng liêng, để ông có khả năng tự huỷ và nuôi dưỡng người khác.

Các tín hữu cũng vậy, họ được Chúa nuôi dưỡng hàng ngày bằng bí tích Thánh Thể. Cho nên chúng ta cũng phải tự huỷ để nuôi dưỡng thế giới. Nuôi dưỡng bằng đấu tranh cho hoà bình, chống chiến tranh, áp bức và bất công. Nuôi dưỡng bằng chăm lo cho những người nghèo khổ, cô nhi và quả phụ; an ủi, giúp đỡ, khích lệ, hướng dẫn, bảo vệ, bênh vực, nghĩa là mọi hình thức yêu thương bác ái, biểu lộ ơn sống lại cho một thế giới đang nhuốm màu tang tóc. Ở đây chúng ta thấy chứng cớ rõ ràng của tội “mang danh Đức Kitô”. Nếu “có đạo” là một “tội” trước mắt thế gian! Công việc nuôi dưỡng này đòi hỏi trọn đời người tín hữu. Bởi lẽ chúng ta không phải là tín hữu bán thời gian, một tuần, một tháng hay một năm. Ơn gọi của chúng ta suốt đời. Nhưng bánh trường sinh Chúa Giêsu ban trong bí tích Thánh Thể thừa sức trợ giúp mọi người trong cuộc chạy đua Marathon phục vụ và trung thành. Amen. Halleluia.


Đặng Chí San op

Một chút cho đời vui !
Ga 21,1-19

Sống trong quần thể xã hội, mơ ước chung của nhân loại qua mọi thời đại vẫn là làm sao để người người cơm no áo ấm, nhà nhà được xum vầy khang ninh. Thế nhưng, phần đông khi đã thoả nguyện được ước mơ đủ ăn mặc ấm, người ta chẳng những sẽ nghĩ đến chuyện ăn ngon mặc đẹp, mà còn làm sao để có cái ăn, cái để… phòng khi sa cơ lỡ thế. Âu đó cũng là những ước mơ rất chính đáng và thường tình của mỗi người. Tuy nhiên, nếu chỉ vin vào nguyên tắc này, chúng ta sẽ dễ ngả theo lối sống duy hiệu năng, nghĩa là chỉ đánh giá cuộc sống bằng công trạng, thành quả, mức thu nhập ! Thực tế cho thấy, lối sống duy hiệu năng không chỉ tác động dưới khía cạnh xã hội, mà còn len lỏi vào trong môi trường tôn giáo và đời sống đức tin.

Kể từ sau biến cố phục sinh, đức Giêsu hiện ra với các môn đệ dưới nhiều dáng vẻ khác nhau : khi thì dưới bóng dáng một người làm vườn rất ý nhị (x. Ga 20,15), lúc là một lữ khách cô thân cô thế (x. Lc 24, 13-32), khi khác lại là một tay chài lưới gạo cội giàu kinh nghiệm (x. Ga 21,6)… Những hình ảnh này gợi lên trong tâm lòng chúng một hình ảnh đức Giêsu tuy có vẻ xa cách nhưng thật gần gụi, xem ra lạ lẫm nhưng lại rất thâm hiểu và dễ cảm thông, rất giàu kinh nghiệm trận mạc đến mức có thể tự tại nhưng vẫn muốn vương lụy với những tình cảnh bếp bênh của phận người…

Phải chăng những hình ảnh này muốn hàm ngụ, rằng đức Giêsu phục sinh không có nghĩa là đi vào một “cõi an nhiên tự tại khác”, nhưng là để hoà quyện, và lắng mình một cách trọn vẹn hơn vào cuộc đời chóng vánh này, rằng đức Giêsu phục sinh là để kề vai sát cánh với phận người, nhất là với những anh chị em ngày ngày lam lũ vật lộn với miếng cơm manh áo, rằng từ đây Người không còn xuất hiện dưới dáng vẻ của một đạo sĩ hay một thầy dạy nữa, nhưng là một con người thực thụ, muốn thông chia, đồng lao cộng khổ và nói lời an hòa nồng thắm với mọi người. Nhờ vậy, tất cả những ai thấy đời mình gần như ngã quỵ, sụp đổ, gào thét và giãy giụa, đều có cơ may gặp thấy thấp thoáng bóng hình của một lữ khách tên là Giêsu Kitô lúc nào cũng muốn được hệ lụy và đồng phận với mọi người.

Hình ảnh đức Giêsu xuất hiện trong bài Tin mừng hôm nay sao có vẻ thật xa cách. Một đàng các môn đệ đang vất vả bì bõm suốt đêm kéo lưới mà không được một mẩu cá nào, đàng khác, bác Giêsu lại có vẻ lững thững tản bộ trên bờ biển một cách thong dong và tự tại : một tình cảnh quá ư là tương phản đến mức phũ phàng. Ấy vậy, khi nghe được câu mào đầu của đức Giêsu, thính giả hẳn sẽ thấy lòng mình nhẹ lâng vì những lời nói đằm thắm và hồn hậu: “Này các chú, không có gì ăn ư ?” (Ga 21,5). Kế đến, đang khi các môn đệ nghe theo lệnh Người mà thả lưới, thì chính Đức Giêsu đã chẳng nề chuẩn bị “dọn cỗ” để đón mừng các ông trở về với một thành quả thật sửng sốt và ngỡ ngàng. Người liền bảo các ông: “Đem ít các mới bắt được tới đây rồi… hãy đến mà ăn!” (Ga 21, 9&12). Quả thật, một xác quyết rút ra từ bài Tin mừng này là tất cả những lao đao vất vả của con người đều được Thiên Chúa viếng thăm và chạm đến, nhờ cuộc vượt qua của đức Giêsu Kitô.

Tất cả những thành quả lao động của con người, dù rất đáng biểu dương, khích lệ và cổ võ, nhưng vẫn chỉ là một chút cho vui đời. Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó, mọi nơi mọi lúc với mọi người, để thông chia, vương lụy và đồng phận với những lo toan tháng ngày của phận người bấp bênh. Chính khi những bế tắc, trăn trở và hiểm nguy ập đến, cơ may gặp gỡ đấng Phục sinh lại bừng sáng, vực dậy và làm đổi thay tình thế một cách đầy kinh ngạc. Nguyện cho mọi người cảm nhận được ánh sáng của đấng Phục sinh vẫn đang mạnh mẽ chiếu toả vào mọi ngóc ngách của phận người hôm nay.


Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Sứ mạng các tông đồ
Ga 21,1-14

Đa số các môn đệ của Chúa Giêsu là những ngư phủ, những người làm nghề chài lưới đánh cá ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Họ đã bỏ tất cả nghề nghiệp để đi theo Chúa, họ đã sống với Chúa và ấp ủ một tương lai huy hoàng. Nhưng sau khi Chúa bị bắt và bị giết chết thì mọi hy vọng của họ gần như tiêu tan. Và rồi Ngài đã sống lại, Ngài đã hiện ra với họ, không phải một lần, nhưng tới hai lần liên tiếp : một lần vào chính ngày phục sinh và một lần sau đó một tuần. Đó là không kể những lần hiện ra với những người khác. Dầu vậy họ vẫn còn ngờ ngợ và nghi ngờ. Rồi họ trở về Ga-li-lê để chờ đợi gặp Chúa như Chúa đã căn dặn. Nhưng chờ đợi mãi mà không thấy gì, họ rủ nhau đi đánh cá. Đoàn đánh cá hôm đó có tất cả bảy người : Phê-rô, Tô-ma, Na-tha-na-en, Gia-cô-bê, Gio-an và hai môn đệ khác không kể rõ tên.

Nhưng ngay đêm đầu tiên ra quân này, họ không bắt được gì. Tại sao họ là những tay đánh cá nhà nghề, là những người chài lưới chuyên nghiệp mà chịu trắng tay như thế ? Thưa vì họ đã đổi nghề rồi, từ đánh cá trong đại dương, họ đã đi chài lưới các linh hồn trên đất liền. Đáng lẽ họ phải tiếp tục mãi như thế để đưa các linh hồn về, giờ đây họ lại quyết định trở về nghề xưa, để rồi các linh hồn cũng không được gì mà đánh cá cũng mất luôn, đi đánh cá các linh hồn mà lại bỏ đi đánh lưới cá, nên không được gì cũng phải thôi.

Giữa lúc ấy, Chúa Giêsu hiện đến bên họ mà họ không nhận ra, họ cũng chẳng hơn gì Ma-ri-a Mác-đa-la, cũng chẳng hơn gì hai môn đệ về làng Em-mau, mãi sau khi Chúa cho bắt được một mẻ cá lạ họ mới nhận ra Chúa, nhất là trong bữa ăn sáng sau đó, Chúa cầm bánh và cá trao cho họ, cũng một cử chỉ như Chúa đã làm trong bữa tiệc ly, lúc đó họ mới không còn nghi ngờ gì nữa : đúng rồi, chắc chắn rồi, Thầy sống lại rồi. Như vậy, một lần nữa, niềm tin Chúa sống lại nơi các môn đệ được củng cố thêm, và chúng ta cũng được thêm một bằng chứng nữa về Chúa Kitô phục sinh.

Thực vậy, việc Chúa hiện ra hôm nay cũng như các lần hiện ra khác là để thuyết phục và củng cố lòng tin của các môn đệ, và Chúa đã thuyết phục và củng cố bằng các lời Chúa nói và việc Chúa làm. Trước hết, Chúa đã dùng những âm thanh quen thuộc. Chúng ta biết : âm thanh của mỗi người không giống nhau : cao độ và cường độ làm cho tiếng người này khác tiếng người kia. Chúng ta đã quen thuộc tiếng của ai, chúng ta không cần thấy họ, chỉ nghe tiếng họ chúng ta cũng nhận ra họ. Chúa xuống thế nhập thể làm người, Chúa cũng có một giọng nói riêng. Suốt ba năm trời chung sống với Thầy, các môn đệ vẫn còn nhớ rất rõ âm thanh ấy. Bởi đó trong bất cứ lần hiện ra nào, Chúa cũng đều lên tiếng nói. Tất cả những âm thanh ấy là những âm thanh đầy ắp tình thương mà lúc còn sống Chúa đã nói. Cũng ở bờ biển này, một lần trước đây, Chúa đã bảo các ông thả lưới chỗ đó, vâng lời, các ông đã bắt được một mẻ cá quá nhiều. Bây giờ, cũng giọng nói đó, cũng chỉ bảo ấy, các ông cũng lại bắt được nhiều cá. Như vậy, Thầy mình chứ còn ai nữa, Thầy đứng đây, vẫn cứ giọng nói ngày xưa, Thầy sống lại thật rồi, nhất định Thầy đã sống lại rồi.

Tiếp đến, việc Chúa thường làm khi hịên ra, đó là làm lại những cử chỉ quen thuộc. Chúng ta biết : ma quái thì không có thân xác, mà không có thân xác thì không có ăn uống, vì ăn uống là hành động của thân xác. Chúng ta thấy lúc sống lại, Chúa Giêsu ăn uống được, như vậy, chắc chắn Chúa Giêsu vẫn có thân xác. Chẳng hạn, khi hiện ra với các môn đệ ở nhà tiệc ly, Chúa hỏi các môn đệ có gì ăn không ? Các ông dâng Ngài một miếng cá lớn và Ngài đã cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi với hai môn đệ trong quán trọ ở làng Em-mau cũng thế, Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng và bẻ ra trao cho họ thì mắt họ mở ra và họ nhận ra Ngài. Hôm nay, Chúa lại bảo các môn đệ : “Anh em đến mà ăn”, rồi Chúa cầm lấy bánh và cá trao cho họ. Gặp lại những cử chỉ này, những cử chỉ quen thuộc Chúa thường làm khi còn sống, các môn đệ không còn hoài nghi gì nữa : đúng rồi, chắc chắn rồi, Thầy sống lại rồi, nhất định Thầy đã sống lại rồi.

Chúa Kitô sống lại là một thực tại chắc chắn, điều này các tông đồ không cần phải tin, vì đích thân các ông đã được cảm nghiệm : thấy Chúa, nghe tiếng Chúa rõ ràng, thấy những việc quen thuộc Chúa thường làm, đích thực một trăm phần trăm. Còn chúng ta, chúng ta tin, vì chúng ta không thấy, dù không thấy chúng ta vẫn tin một cách tuyệt đối, chúng ta đi đạo, theo đạo, tin đạo tức là chúng ta tin Chúa Kitô đã phục sinh, chúng ta tin Chúa đang sống giữa chúng ta và đang điều khiển vũ trụ này.

Chúng ta hãy cám ơn Chúa đã ban ơn đức tin cho chúng ta, và chúng ta vẫn còn kiên trì giữ vững đức tin cũng như tuyên xưng đức tin. Đức tin ấy Chúa ban cho chúng ta ngày chịu phép rửa tội. Đức tin ấy như một đèn sáng hướng dẫn cuộc đời chúng ta, việc chúng ta đến nhà thờ mỗi ngày Chúa nhật là chúng ta chứng tỏ đức tin và tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô phục sinh, mỗi Chúa nhật là một lễ Phục sinh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng : các tông đồ tin Chúa sống lại, các ông không giữ lại niềm tin đó cho riêng mình, nhưng các ông đã ra đi rao giảng, làm chứng cho mọi người biết Chúa đã sống lại. Trong bài Tin Mừng hôm nay, có một chi tiết nhỏ nhưng rất hay và có ý nghĩa, đó là con số 153 con cá trong mẻ cá bắt được. Các nhà sinh vật học thời đó đã xác định có 153 loại cá khác nhau. Theo thánh Giê-rô-ni-mô, nếu thật như thế thì con số 153 đó bao gồm các loại cá và là hình ảnh mọi quốc gia, mọi dân tộc thuộc mọi thời đại mà Chúa muốn qui tụ vào trong Giáo hội.

Như thế, sứ mạng của các tông đồ không phải chỉ giới hạn trong xứ Ga-li-lê, Giu-đê, Giê-ru-sa-lem hay nước Do Thái mà thôi, nhưng bao gồm mọi quốc gia, mọi dân tộc, và các ngài đã hoàn thành sứ mạng của mình, Giáo hội từ Giê-ru-sa-lem đã phát triển và lan rộng ra mãi cho đến chúng ta ngày hôm nay. Mỗi người chúng ta đã chịu phép rửa đều được Chúa Kitô mời gọi trở nên tông đồ của Ngài trong môi trường sống của mình, bằng cách đem tinh thần đức tin vào trong ý tưởng, trong lời nói, trong việc làm của mình, và đem tinh thần Tin Mừng vào mọi dịch vụ, mọi công tác của mình. Tóm lại, đời sống của chúng ta phải là bằng chứng diễn tả đức tin của chúng ta, chúng ta hãy cố gắng sống thế nào để người khác nhận biết chúng ta là nguời có đức tin, là người con cái Chúa.


Đỗ Lực op

Phá Tung Khỏang Cách
(Ga 21:1-19)

Một buổi sáng đẹp trời, giữa cảnh mây nước trên biển hồ Tibêria, từ trên bờ, Ðức Giêsu quan sát rất kỹ các môn đệ đang mệt mỏi chèo thuyền về phía mình. Họ vào gần đến nỗi có thể trao đổi với Thày và nghe lệnh Thày thả lưới xuống bên phải mạn thuyền để bắt cá. Khoảng cách càng thu ngắn, các môn đệ càng nhận rõ Thày. Tới lúc lên bờ, khoảng cách không còn nữa. Thày trò có thể quây quần quanh bếp hồng. Chúa thích ăn cá mới bắt và tự tay nướng cho các môn đệ. Ấm cúng và thân mật làm sao ! Chắc chắn Chúa Giêsu và các môn đệ có thể kể hết cho nhau niềm vui Phục Sinh. Khoảng cách càng thu ngắn, con người càng gần gũi nhau.

Bình thường, cuộc sống cần phải có những khoảng cách giữa người lãnh đạo và quần chúng, giữa nhà giáo dục và học sinh, giữa cha mẹ và con cái. Khoảng cách quá xa hoặc quá gần cũng đều gây phương hại cho công cuộc chung.

Giữa thày trò Ðức Giêsu có một khoảng cách nào không ? Nếu có, Chúa cũng phá vỡ khoảng cách đó. Tại sao ? Liệu Chúa có thành công khi không tôn trọng khoảng cách tự nhiên không ? Phá vỡ khoảng cách có gây nguy hiểm cho cộng đồng không ? Nếu không còn khoảng cách quyền bính trong cả hai lãnh vực cai trị và giáo dục, con người có thể đạt mục đích không ?

Trong Tin Mừng hôm nay, việc phi thường nhất không phải là mẻ cá lạ lùng, nhưng là việc Chúa phá vỡ và phối hiệp một cách tài tình khoảng cách giữa các thực tại. Việc phá vỡ đó rất cần thiết để Chúa trình bày một bài học rất ý nghĩa cho mọi người.

Những cảnh trái ngược đã thu ngắn hay phá vỡ khoảng cách bình thường. Thứ nhất, theo Tin Mừng Gioan, ngay sau khi phục sinh, Ðức Giêsu đã về trời. Vậy mà, Ðức Giêsu vẫn xuất hiện để ăn uống với các môn đệ ở bờ hồ Tibêria. Như thế, không còn khoảng cách giữa thiên giới và trần giới nữa. Thứ hai, ngay trong cảnh trao quyền cho ông Phêrô, Chúa Giêsu đã kết hiệp quyền bính và tình yêu. Ðúng hơn, quyền bính được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Bình thường quyền bính và tình yêu trái ngược hay xung khắc nhau, như hai lãnh vực công và tư vậy. Thứ ba, Hội Thánh lại được đặt dưới quyền lãnh đạo của một tội nhân đã từng phản bội Chúa. Tại sao tội nhân lại được tuyển dụng để làm một việc thánh trong một Hội thánh như thế ?!

Dù sao, chúng ta cũng cố gắng cầu xin Chúa soi sáng để có thể rút tỉa những điều cần thiết từ ba bài học đó. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu xuất hiện với các môn đệ và chia sẻ tận tình với cuộc sống của họ. Không những Người can thiệp vào kế sinh nhai, nhưng còn có thể chia sẻ tận tình với những hoa quả của cuộc sống với họ. Người mạc khải cho chúng ta thấy có một sợi chỉ xuyên suốt từ cuộc sống trần giới sang thiên giới. Tuy có khác biệt, nhưng vẫn có điểm chung, đến nỗi Ðức Giêsu có thể ăn uống với các môn đệ. Bữa ăn thân tình giữa thày trò đã để lại trong lòng môn đệ một niềm tin sâu xa về sự hiện diện thân mật và cần thiết của Ðức Giêsu trong cuộc sống. Ðiểm nối giữa hai cuộc sống thiên giới và trần giới, đó chính là Thánh Thể. Bởi đấy, kết thúc trình thuật về mẻ cá lạ lùng là hành vi giống hệt như Chúa đã làm trong bữa Tiệc Ly.

Bài học thứ hai rút từ việc Chúa trao quyền cho ông Phêrô. Chưa thấy ai trước khi trao quyền cho người khác lại đặt những câu hỏi như Chúa. Cách đặt vấn đề cho thấy tình yêu rất quan trọng, vì là nền tảng và động lực của quyền bính. Thực vậy, quyền bính trong Giáo hội chỉ là phương tiện để phục vụ : “Kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.” (Lc 22:26) Hơn nữa, Chúa còn nói : “Ai phục vụ Thày, hãy theo Thày.” (Ga 12: 26) Hơn ai hết, những người lãnh đạo trong Giáo hội phải theo sát gót Thày Chí Thánh. Nhưng làm sao phục vụ, nếu không khiêm tốn ? Khiêm tốn chỉ phát xuất từ tình yêu đích thực.

Bài học thứ ba mới thật đắt giá. Một người phản bội như ông Phêrô lại được Chúa ủy thác một trọng trách quá lớn. Ông có tài cán gì ? Ông đã chối Chúa ba lần. Một vết đen quá lớn trong cuộc đời ! Làm sao tẩy xóa được ? Ông cũng không can đảm đến gần cây thánh giá như ông Gioan. Phải chăng Chúa quá liều lĩnh khi chọn ông làm giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội ? Thực ra, trước khi trao trọng trách cho ông, Chúa đã đặt vấn đề tình yêu với ông ba lần. Ba lần chứng tỏ tình yêu đối với Thày bù lại ba lần chối Chúa. Ðó là một xác quyết sau khi cân đo cẩn thận, chứ không nông nổi như trước khi Chúa chịu chết. Còn hơn một xác quyết, tình yêu như ngọn lửa bùng lên trong đêm trường. Phản bội tựa như rơm rác, làm sao có thể tồn tại trong ngọn lửa hồng ngùn ngụt đó ? Theo một số nhà chú giải, thánh Gioan đã xử dụng những ngôn từ Hy lạp khác nhau để chỉ về tình yêu (trong hai câu hỏi đầu của Chúa, ông dùng agapan; câu hỏi cuối cùng và trong tất cả các câu trả lời của ông Phêrô, ông dùng từ philein). Ông muốn cho thấy một chuyển biến từ tình cảm sang tình bạn sâu đậm hơn. Việc ông dùng hai lần trong câu hỏi và câu trả lời cuối cùng nhắc lại việc Chúa coi các môn đệ là “bạn hữu” khi họ thi hành điều Thày truyền.

Nếu Giáo hội phát xuất và đặt nền tảng trên tình yêu, làm sao ông Phêrô và các đấng kế vị có thể khác được ? Tình yêu trước hết đòi phải gần gũi, lắng nghe, và quan tâm chăm sóc. Nếu quá nhấn mạnh tới quyền lực, người ta dễ bỏ quên yếu tính của nó là tình yêu. Quyền lực hay quyền bính dễ làm cho con người xa nhau. Trái lại, tình yêu đưa con người lại gần. Khi đánh mất bản chất tình yêu, quyền bính không còn khả năng phục vụ con người nữa.

Làm sao ông Phêrô có thể xác quyết về tình yêu của ông đối với Chúa tới ba lần, nếu ông không tin vào Chúa ? Bởi vậy lời xác quyết về tình yêu cũng là lời tuyên xưng đức tin. Chính trong đức tin này, Thiên Chúa sẽ hành động. Như thế đủ thấy Giáo hội là một công trình của Thiên Chúa, chứ không phải của loài người. Nếu đó là công trình của Thiên Chúa, các môn đệ có thể nào hành động như không có Chúa không ? Có thể nào nhát sợ trước sức mạnh bạo quyền ? Có thể nào không nhạy cảm trước cảnh con người bị đàn áp không ?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống khiêm tốn và can đảm ! Xin giúp chúng con biết thâu ngắn hay phá vỡ những khoảng cách làm chúng con không thể gần nhau. Chỉ khi nào gần nhau, chúng con mới có thể phục vụ Chúa và nhân loại một cách hữu hiệu. Xin cho chúng con biết từ bỏ mọi sự, nhất là cái tôi hèn nhát của chúng con mà theo Chúa. Amen.


Augustino Trần Thế Hoàng op

Khám Phá Ra Chúa Trong Môi Trường Đang Sống

Chứng kiến liên tiếp những sự việc xảy ra với thầy mình ở Giêrusalem, Phêrô và các đồng bạn vẫn cảm thấy trống rỗng giữa khung trời Giêrusalem. Bị lạc lõng không biết phải làm gì tại nơi đó, các ông lên đường đến biển hồ để ôn lại những kỷ niệm xưa khi thầy Giêsu còn ở với họ. Trở lại với nghề đánh cá xưa, đêm hôm ấy, nhóm các ông đã vất vả suốt đêm mà không đánh bắt được gì. Âm thầm, lặng lẽ, các ông sớt chia cho nhau thất bại của đêm hôm ấy. Nhưng rồi một người đứng trên bờ bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá”. Các ông làm theo và thật lạ lùng, lưới đầy những cá lớn, kéo lên không nổi. Người môn đệ được Chúa yêu thốt lên : ”Chúa đó”. Như tỉnh giấc mơ ông Phêrô vội khoác áo bơi vào bờ trước, sau đó các đồng bạn của ông cũng lên theo, thấy có sẵn than hồng và cá nữa. Người bảo các ông: ”Đem ít cá mới bắt được tới đây”; các ông làm theo mà không dám hỏi Người là ai? Và Người lại nói với các ông: “Anh em hãy đến mà ăn”.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể

Ngày nay chúng con phải đối diện với những thực tại khó khăn trong cuộc sống. Người người phải sống trong tình trạng căng thẳng vì mải lo bươn trải làm ăn, học hành. Chúng con đang mệt mỏi và cần sự hiện diện của Chúa giúp sức, nâng đỡ tinh thần, thêm sức khoẻ để chúng con đủ khả năng tiếp bước trong cuộc sống. Chúng con nhận ra rằng không có Ngài chúng con không thể làm gì được. Xin cho chúng con luôn khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong môi trường sống của chúng con để chúng con có thể kết hiệp với Chúa là nguồn sức sống, nguồn an ủi trong lúc gặp khó khăn thất vọng.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể 

Ngài đã hiện ra giúp các tông đồ đang khi các ông bơ vơ, lạc lõng, thất vọng. Bằng cách này hay cách khác xin Ngài cũng hiện diện với những anh chị em công nhân. Những người đang sống cảnh đời tha hương, đang ngày đêm vất vả làm việc để tìm miếng ăn, manh áo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tại của cuộc sống. Xin Ngài đồng hành với những anh chị em đó, để họ được an ủi, được nâng đỡ tinh thần, và vuợt qua những thực tại khó khăn đang gặp phải. Và khi đã mệt mỏi vì công ăn việc làm, xin giúp họ luôn biết chuẩn bị tâm hồn tìm đến với bàn tiệc thánh là nơi Ngài dọn sẵn thức ăn nuôi sống tâm hồn họ.

Với những người già nua tuổi tác, yếu đau, sức cùng lực kiệt; những em nhỏ bị bỏ rơi, xin Chúa ngự đến an ủi, dưỡng nuôi, chăm sóc giữ gìn, dọn lương thực hằng ngày để họ được no lòng thỏa dạ an vui trong cuộc sống.

Và sau hết, xin cho chúng con luôn biết chia sẻ những nỗi vui buồn, của cải vật chất với những anh chị em nghèo đói, tàn tật, bị bỏ rơi. Vì chúng con xác tín rằng: mỗi hành động của chúng con làm cho anh em xung quanh là chúng con được lớn lên trong ân tình của Chúa, là niềm vui phục sinh luôn tràn ngập trên khuôn mặt của mỗi người chúng con. Amen.


Lm. Jude Siciliano, OP
(
Anh Em HV Đaminh chuyển ngữ)

CAN ĐẢM ĐÁP TRẢ LỜI MỜI GỌI CỦA ĐỨC GIÊSU
Ga: 21: 1-19

Trong Mùa Chay tôi đã đi giảng tại hai giáo xứ ở New York. Dù lớp tuyết đã phủ dày đến hơn 30cm nhưng người dân địa phương vẫn nói về mùa bóng chày sắp tới. Các người hâm mộ Yankee khá tự mãn và tự tin về triển vọng của họ. Nhưng những người hâm mộ của Met lại lơm lớp lo lắng vì vận hạn kéo dài của đội tuyển họ đang ủng hộ. Tại cửa nhà thờ, một tín hữu đội nón của đội Met đang bước ra và tôi đã hỏi anh ta rằng anh có cầu nguyện cho đội Met trong thánh lễ vừa rồi hay không. Anh ta trả lời: “Dĩ nhiên là có chứ. Tôi hy vọng lần này họ sẽ thi đấu tốt.”

Những người hâm mộ bóng chày đó cũng có thể nói về các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay. Câu chuyện dường như được kể lại vào ngay trước lúc các môn đệ lần đầu tiên đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu, “hãy theo tôi.” Vâng, họ đã theo Người, nhưng đó không phải là “mùa” tốt nhất của họ - khởi đầu thì tốt nhưng kết thúc tệ hại. Phêrô, nhân vật được nhắc tới trong trình thuật hôm nay, đã thất bại khi chối Đức Giêsu ba lần (Ga 18,17; 25-27). (Hy vọng tôi không đẩy ẩn dụ bóng chày đi quá xa!) Hãy hy vọng Phêrô và các môn đệ khác lần này cũng sẽ có kết quả.

Trước hết, những câu hỏi Đức Giêsu dành cho Phêrô có vẻ như hơi ích kỷ. Tại sao Đức Giêsu cần Phêrô phải xác tín tình yêu của ông dành cho Người tới ba lần? Khi chúng ta suy gẫm về các trình thuật Tin Mừng, đặc biệt là trình thuật Thương khó, thì câu trả lời sẽ thật rõ ràng. Người đã từ chối Đức Giêsu ba lần giờ đây cũng được trao ban sự hòa giải bằng ba lần khẳng định tình yêu của mình. 

Chúng ta có thể thấy mình như những người cùng hội cùng thuyền với Phêrô. Khi chúng ta nhìn lại quá khứ, chúng ta cũng có thể đếm một, hai hoặc ba lần chúng ta đã chối bỏ Đức Giêsu bằng lời nói hay hành động của chúng ta. Đầu Thánh lễ, chúng ta cũng đã nài xin lòng thương xót đến ba lần khi khẩn nguyện: “Lạy Chúa xin thương xót chúng con, Lạy Chúa Kitô xin thương xót chúng con, Lạy Chúa xin thương xót chúng con.” Đó cũng chính là “khoảnh khắc Phêrô” của chúng ta, một cơ may nhắc nhớ về tình yêu của Đức Giêsu dành cho chúng ta, ngay khi chúng ta là những tội nhân. Dù cho gần đây chúng ta lỡ lầm thì đó vẫn là cơ hội để thưa rằng: “Lạy Chúa Người biết mọi sự, Người biết rằng con yêu Người.” 

Nhưng cuộc đối thoại với Đức Giêsu không kết thúc với sự hoán cải của họ, và cũng chưa kết thúc nơi chúng ta. Với Phêrô, chúng ta nghe thấy những gì tiếp sau đó. Đức Giêsu trao cho Phêrô một kế hoạch sống sau này: Ông sẽ nuôi nấng các chiên con của Đức Giêsu và chăm sóc chiên của Người. Phêrô sẽ làm việc đó và, như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất, Phêrô bị đưa ra trước Thượng hội đồng để làm chứng cho danh của Đức Giêsu. Thực vậy, Phêrô đã không phải một mình đảm nhiệm sứ vụ của Đức Giêsu. Phêrô đã có các môn đệ khác cùng đi. Cũng như Phêrô, chúng ta có những người khác cùng làm việc với chúng ta trong giáo xứ. Họ nêu gương cho chúng ta, khuyến khích và hỗ trợ khi chúng ta cố gắng đáp trả sự ủy thác của Đức Giêsu: chăn dắt và nuôi dưỡng đàn chiên của Người, bằng những cách thức riêng của mỗi chúng ta. 

Nhưng cũng hãy nhớ rằng, Phêrô và các môn đệ khác không thành công lắm với những nỗ lực đầu tiên theo Đức Giêsu và đường lối của Người. Chẳng lẽ họ lại “thất bại” lần nữa sao? Nếu không dựa vào đoạn sách Công vụ tông đồ mà chúng ta mới nghe về sự can đảm của Phêrô khi đứng trước Thượng hội đồng, thì điều gì đã tạo ra sự khác biệt đó? Chắc chắn đó không chỉ là việc cùng làm với những người khác. Lần này, Phêrô đã không dựa vào chính mình. Ngài nói với Thượng hội đồng rằng: có chứng nhân khác ở với ngài – đó là Thần Khí. Tuần trước, khi Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện trước các môn đệ trong căn phòng cửa đóng kín, Người đã ban cho họ bình an và sau đó thổi Thần Khí vào trong họ (Ga 20,19-31). Điều đó đã làm nên tất cả sự khác biệt trong đời sống của Phêrô và các môn đệ. Như Phêrô nói với Thượng hội đồng, có một chứng nhân khác ở với ngài, đó là Thần Khí, “Đấng Thiên Chúa đã gửi đến cho những ai vâng phục Thiên Chúa.”

 Quả là một thay đổi lớn mà Thần Khí đã thực hiện trong cuộc đời của Phêrô. Phêrô bước từ cảm giác tội lỗi đến sự giao hòa với Đức Kitô, và dưới tác động của Thần Khí, giờ đây Phêrô và các môn đệ khác có thể trao ban cũng một sự tha thứ mà họ đã lãnh nhận. Họ thực hiện cho người khác những gì mà Đức Giêsu đã làm cho họ. Và còn hơn thế nữa! Như Đức Giêsu, họ cũng chữa lành các bệnh tật; đến với dân ngoại; đồng bàn với những người bị xã hội bỏ rơi và trao bình an cho cả bạn hữu và cũng như kẻ thù. 

Phải chăng mẻ cá lớn tượng trưng cho tất cả chúng ta, những người có thể bị bắt trong tấm lưới mà ngư phủ sẽ nhặt ra nhân danh Đức Giêsu. Chúng ta nhận ra và hiểu ý nghĩa của thức ăn mà Đức Giêsu đã dành cho các môn đệ tại biển hồ Ti-bê-ri-a hay không? Bánh gợi nhớ thứ bánh mà Đức Giêsu đã hóa ra nhiều trước đó trong Tin Mừng này. Đó chính là cuộc sống của Người được trao ban để nuôi dưỡng chúng ta và lại trao ban cho chúng ta trong Thánh lễ này là chính Mình và Máu của Người. Tất cả chúng ta được tha thứ và nuôi dưỡng ngay lúc này và cả về sau nữa! Như các môn đệ, chúng ta sẽ nhận được Thần Khí sự sống và sự đổi mới một khi vị chủ tế đặt tay trên chúng ta và những lễ vật mà cầu nguyện, “Lạy Chúa xin ban Thánh Thần xuống thánh hóa lễ vật này, để trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Nếu hôm nay chúng ta gặp Chúa Phục sinh, như các môn đệ đã gặp Chúa ở ven hồ, tôi thắc mắc không biết Người sẽ hỏi gì về giáo xứ chúng ta trước tiên? “Có bao nhiêu người đã ghi danh ở giáo xứ này?” “Làm thế nào để canh tân hội trường nhà thờ?” “Làm thế nào để thi hành những nguyên tắc mới ?”... Những câu hỏi đó không phải là mối bận tâm chính, tôi nghĩ trước tiên Người sẽ hỏi ba lần, “Con có yêu mến Thầy không ?” Trong Thánh lễ này chúng ta cũng trả lời như Phêrô, hết sức có thể, “Thầy biết mọi sự. Thầy biết rằng con yêu mến Thầy.” Dựa vào Tin Mừng hôm nay tôi cho rằng mình biết Đức Giêsu có thể làm những gì tiếp theo. Người trao chính mình Người cho chúng ta như lương thực và đổi mới chúng ta trong Thần Khí của Người. 

Sau đó, bởi vì tình yêu luôn luôn đi với trách nhiệm, nên Người thêm “Vì con yêu mến Thầy, hãy đi và chăm sóc chiên của Thầy.” Nếu chúng ta trả lời, “Có” khi Người hỏi chúng ta rằng chúng ta có yêu Người không, thì làm sao chúng ta có thể từ chối câu trả lời “Có” khi chúng ta đứng trước nhu cầu của người khác những người ốm đau, cô đơn, bị tổn thương, buồn phiền và những người bị quỵ ngã? Câu nói “Nếu con yêu Thầy, hãy chăm sóc dân của Thầy…” phải vang vọng trong tâm trí của chúng ta. Và ở trong tâm trí của chúng ta, Thần Khí luôn đợi chờ để giúp đỡ chúng ta làm chứng cho lời nói cũng như hành động của Đức Giêsu.

Ngày nay, chúng ta cũng phải trả giá khi đáp lại lời mời gọi đổi mới của Đức Giêsu. Người cho cả Phêrô và cho chúng ta biết điều đó. Người nói với Phêrô rằng khi anh già người ta sẽ thắt lưng cho anh và dắt anh đến nơi anh chẳng muốn. Dường như điều đó ám chỉ đến những đau khổ và cái chết sau này của Phêrô vì làm chứng cho Chúa Kitô. Bài đọc thứ nhất cho thấy những gì ở phía trước đang đợi Phêrô và những người khác. Vì vậy, nhiều người trong số các ngài đã chịu tử đạo vì đức tin. Còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có sẵn lòng đi tới nơi ta không mong muốn vì Đức Giêsu và lời mời gọi của Người: “Hãy theo tôi” hay không?

Khi chúng ta trưởng thành trong đức tin, (“khi về già”), con đường này dẫn dắt chúng ta tới đâu ? Tha thứ cho những xúc phạm dai dẳng; đến với những người bị lãng quên; từ chối quan niệm hiện thời của đám đông nhân loại; sống giản dị để chia sẻ cho người khác; thay đổi thời khóa biểu của chúng ta để có thể giúp đỡ người khác; chia sẻ những kỹ năng chuyên môn với những người không có khả năng; dám từ bỏ cơ những hội nghề nghiệp vì gia đình của mình …

Gần 2000 năm qua, chúng ta có những mẫu gương của những người đã xuất sắc đáp trả lời gọi của Đức Giêsu. Mỗi chúng ta cũng có những mẫu gương rất gần gũi của những thành viên trong gia đình, của những người hàng xóm và giáo dân khác mà đời sống Kitô hữu của họ cũng xuất sắc - có lẽ không phải trên toàn thế giới, nhưng chắc chắn trong điểm sáng của đời sống chúng ta. Chúng ta biết những người xuất sắc đó đã đáp trả lời mời gọi Đức Giêsu dành cho các môn đệ của Người, “Hãy theo Thầy … hãy chăm sóc chiên của Thầy…” Nhiều người trong số họ đã hy sinh và đi đến nơi họ không muốn nhưng họ đã trải qua. Tuy nhiên, qua mẫu gương của họ, họ chỉ cho chúng ta thấy những gì tốt đẹp cho thế giới nhờ những người có đức tin, cùng với Thần Khí, đã làm chứng cho danh của Đức Giêsu – như Phêrô đã nhắc nhở cho Thượng hội đồng và cho chúng ta ngày hôm nay.

Lm. Jude Siciliano, O.P.(Anh em nhà học Đaminh chuyển ngữ)

Hãy chăm sóc chiên của Thầy

Cv 5,27b-32.40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-19

 

 

Kính thưa quý vị,

Đối với những ai yêu thích những việc cầu nguyện được diễn ra theo đúng nghi lễ và trật tự, theo cá nhân cũng như cộng đoàn (và tôi xin thú nhận tôi cũng là một người trong số đó), thì tốt hơn là chỉ nên đọc lướt qua bài đọc sách Khải Huyền hôm nay. Đó là một đám đông ồn ào náo nhiệt, “có tới ức ức triệu triệu” các thiên thần, các loài thụ tạo sống động và cả các trưởng lão. Tất cả không hề lặng thinh trong trầm tư mặc tưởng. Họ đang lớn tiếng hô vang một bài thánh ca tán tụng “Con Chiên đã bị giết”. Chưa hết, những lời khen ngợi còn lan truyền đến “mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó…” Không hề có chỗ cho sự thinh lặng ở nơi đầy ắp những lời ca ngợi của toàn thể vũ trụ này.

Chúng ta tôn thờ nhiều vị thần: giàu có, tuổi trẻ, quyền lực, vui thú, dân tộc,… Nhưng rõ ràng là tác giả Gioan trong thị kiến ngày hôm nay lại vui mừng công bố rằng Chúa thật của tất cả các những sự hữu hình và vô hình chính là “Con Chiên đã bị giết”. Thánh Gioan không chỉ ca ngợi Đức Giêsu, Đấng sống giữa chúng ta. Nhưng ngài ca ngợi Đức Giêsu, Con Chiên đã bị giết chết và đã sống lại cho chúng ta. Khi liên tưởng Đức Giêsu như là Con Chiên thì có rất nhiều biểu tượng: đó là máu chiên đã cứu người Dothái khi họ chuẩn bị cho cuộc xuất hành khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đó là con chiên trong sách Isaia (53,7), Đấng chịu thay đau khổ cho các tội nhân, và trong sách Đaniel (8,20-21) nói về con chiên chiến thắng. Gioan còn cho thấy một lễ đăng quang của Con Chiên. Đây không phải là một lễ nhỏ lặng thầm trong một nhà nguyện xa xôi hẻo lánh, nhưng tất cả các thiên thần, các bô lão và vũ hoàn hô vang bài ca chúc tụng ngợi khen.

Chúng ta sống ở bắc bán cầu nên đang hưởng được mùa xuân sau một mùa đông khắc nghiệt. Hôm nay, khi rời khỏi nhà thờ và nếu may mắn được ở những nơi nhiều cây và hoa (ngay cả ở Brooklyn, quê hương của tôi!), chúng ta có thể cùng hòa chung với bài thánh ca tán dương chúc tụng của vũ hoàn như trong sách Khải Huyền và đón nhận được những món quà của thiên nhiên ban tặng; cũng như là ân sủng mà chúng ta có trong Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa, “Đấng xóa tội trần gian”.

Cuộc sống của chúng ta có thể bị rạn vỡ còn tâm trí thì bị phân tán bởi nhiều thứ bận tâm lo lắng, nhưng tác giả Gioan, người đang chịu cảnh lưu đày ở đảo Patmos, cho chúng ta niềm hy vọng. Hôm nay, ngài đã cho ta thấy một thị kiến và một lời nhắc nhở: Con Chiên của Thiên Chúa đã bị đánh bại và giết chết đã phục sinh từ cõi chết và giờ đây đang được tôn phong. Cùng với Gioan là người cũng chịu đau khổ, chúng ta hiến dâng cả những vết thương của mình trong niềm xác tín rằng một ngày nào đó ta cũng sẽ được hiệp đoàn với muôn loài để hát bài ca tụng tán dương. Nhưng chúng ta có thể thưởng nếm yến tiệc cuối cùng ấy bằng việc bắt đầu cử hành ca tụng ngay hôm nay, Chúa Nhật III Phục Sinh, ngay cả khi những lời cầu nguyện và các bài thánh ca có âm điệu dịu dàng hơn!

Tôi vừa có cuộc nói chuyện với một anh em lớn tuổi trong Tỉnh dòng Đaminh của tôi. Anh đang ở trong một cơ sở điều dưỡng. Tôi gọi để nói với anh về sự ra đi của một sử gia dòng Đaminh mà chúng tôi rất yêu mến, Sơ Maria Nona Mc Greal, O.P. Anh ấy đã nói với tôi rằng anh cũng đã lớn tuổi và cứ đau yếu bệnh tật luôn, vì thế mà anh phải ở trong cơ sở điều dưỡng. Tôi đã từng đến thăm cơ sở này. Đây là một nơi tuyệt vời, dù vậy, chẳng có ai lại không muốn có thể tự mình đứng dậy và đi đến những nơi mà mình yêu thích, không còn bị ràng buộc bởi tuổi tác hay bệnh tật thể xác.

Cuộc nói chuyện điện thoại này xảy ra khi tôi đang suy tư về bài Tin mừng hôm nay và Đức Giêsu đã nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Tôi bị cám dỗ giống như một thiếu niên để viết ra bên cạnh đoạn Tin mừng này câu nói: “Sự thật là thế nào đây!”

Quý vị không thấy những câu chuyện phục sinh có âm điệu thật khác thường sao? Câu chuyện hôm nay cũng giống như mọi hôm không có tiếng kèn vang. Thay vào đó, chúng ta thấy một ngày đánh bắt cá mà chẳng được gì cả. Chẳng phải là những ngư phủ này đã từng đánh bắt cá mà không có sự giúp đỡ của Đức Giêsu đó sao? Điều khiến các ông chú ý là một mẻ cá. Sau cùng, Phêrô vui mừng; vừa nghe nói “Chúa đó”, ông vội “khoác áo vào” rồi nhảy xuống biển. Nhưng khi ông và các môn đệ khác vào bờ, các ông không kiệu Đức Giêsu trên vai, hò la, nhảy múa và rước Người đi diễu hành qua các vùng lân cận, giống như những người hùng bóng đá vừa giành được chiến thắng trong giải đấu.

Tuy nhiên, thánh Gioan cho chúng ta thấy là các môn đệ không dám hỏi Đức Giêsu: “Ông là ai, vì các ông biết rằng đó là Chúa.” Sau đó, các ông đã cùng ăn sáng. Phải chăng là các ông đang sửng sốt như những lần trước? Tình tiết của câu chuyện diễn ra chậm rãi chứ không nhanh chóng. Có lẽ là vì trong lòng các môn đệ vẫn còn chút cảm giác bối rối và xấu hổ.

Lúc này, Phêrô không có gì đáng để tự hào, vì thế có nhà chú giải cho rằng điều đầu tiên ông làm là phải “được khôi phục lại”. Đức Giêsu đặt Phêrô vào một cuộc trò chuyện không mấy thoải mái khiến chúng ta liên tưởng đến ba lần ông chối Chúa. Tuy nhiên, Phêrô không bỏ ngang cuộc trò chuyện, và Đức Giêsu cũng không phủi tay bỏ mặc ông cũng như những kẻ còn lại. Nếu chúng ta cũng ở đó, hãy nhớ và thú nhận tội lỗi của mình như các môn đệ, Đức Giêsu đã sẵn sàng tha thứ và sẽ sai chúng ta ra đi một lần nữa. Phêrô chẳng có gì để tự dương tự đắc với những môn đệ khác. Có lẽ, ông chỉ là ánh sao nhỏ bé so với các môn đệ khác, và chúng ta cũng thế. Thế cũng tốt, bởi lẽ Đức Giêsu kêu gọi Phêrô trở lại với vai trò tôi tớ của ngài, “Hãy chăm sóc chiên của Thầy… Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Chúng ta đã được tha thứ, giờ đây ta phải phục vụ người khác, đặc biệt là bằng cách trao cho họ những gì mà Chúa Kitô phục sinh đã cho chúng ta: sự tha thứ.

Giờ đây, trở lại với câu trích dẫn của tôi ở trên liên quan đến việc Phêrô bị dẫn đến những nơi ông không muốn đến. Sự ám chỉ này có lẽ nhắm đến việc Phêrô sẽ phải chịu tử đạo ở Rôma. Phêrô sẽ thể hiện tình yêu với Chúa Kitô bằng cách hy sinh mạng sống của mình để phục vụ Người. Gợi lại cuộc trò chuyện của người anh em Đaminh lớn già và ốm đau bệnh tật. Năm tháng qua đi đã đảo ngược những gì anh thường tự làm: tự mặc quần áo và đi đến nơi nào anh muốn. Sự đau yếu bệnh tật đã buộc anh phải “dang tay ra” và bị dẫn đi, không phải đến nơi anh luôn muốn đến, nhưng là nơi anh phải: đến phòng ăn, uống thuốc, được tắm rửa, được đặt lên giường, bị đáng thức để chích thuốc, …

Vâng, có một điểm qui chiếu cho tất cả những điều ấy, rất nhiều người bị bệnh và tất cả chúng ta cũng yếu đi rất nhiều khi về già. Đúng thế, nhưng chúng ta, những người môn đệ, tin tưởng rằng Chúa Kitô đã sống lại, dẫu cho những câu chuyện phục sinh xem ra khá bình dị, không có ánh sáng chói chang và kèn vang dội, bởi vì đó không phải là cách những người môn đệ như chúng ta sống. Chúng ta tin rằng Chúa Kitô vẫn đồng hành với mình mỗi ngày, ngay cả những năm tháng thê thảm nhất. Có thể sau đó chúng ta sẽ bị giảm đi nhiều thứ, nhưng đức tin vẫn có thể tỏa sáng. Nhớ lại những nhân chứng lớn tuổi của chúng ta đã đem lại cho ta trong tiếng cười và những lời hỏi thăm của họ: “Bạn khỏe không?” Chúng ta có thể từ chối, hay không thể phục vụ như mình vẫn làm, nhưng Chúa Kitô không bỏ rơi chúng ta. Người vẫn ban ân sủng cho chúng ta dù ở tuổi nào và trong mọi điều kiện để ta nên chứng nhân cho sự sống, cái chết và sự phục sinh của Người.  

Hãy quay lại bài đọc trong Sách Khải Huyền và lớn tiếng ca ngợi: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời.” Bạn hãy cất cao giọng thưa: “Amen!”

Không giống như sữa hộp hay một bột ngũ cốc, phép rửa tội nhắc nhở rằng chúng ta không có ngày hết hạn. Thiên Chúa đã hứa vào ngày ta chịu phép thánh tẩy: Thiên Chúa đã ngự đến, đã cưu mang, và sẽ không bỏ rơi chúng ta trong tuổi già. “Khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đi.” (Ga 21,18)

Hôm nay là một cơ hội để thừa nhận những điều chúng ta không thích: chúng ta là người phục vụ. Chúa Giêsu mời gọi Phêrô ngay từ đầu Tin mừng: “Hãy theo Thầy”. Và ở cuối cuộc hành trình với Chúa Giêsu cạnh bên, Phêrô và những người khác nghe thấy lời bảo đảm này: “Lòng anh em đừng xao xuyến! Anh em tin vào Thiên Chúa thì cũng hãy tin vào Thầy” (Ga 14,1). Tương lai của chúng ta ở trong tay Thiên Chúa và chúng ta, những người đã chịu phép rửa, có được lời hứa của Thiên Chúa, đặc biệt những người lớn tuổi. Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết, đã cho Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết và sẽ là Thiên Chúa trung thành của ta. Ngài trao ban cho chúng ta cuộc sống ngày hôm nay và cả lúc chúng ta luống tuổi theo thời gian.