HOME

 Thượng Cổ

Trung Cổ Phục Hưng

Hiện Đại

Việt Nam

 

 

Chương 17

GIÁO HỘI VIỆT NAM
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

(1659 - 1802)

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

II. GHVN THỜI CÓ HAI ĐỊA PHẬN (1659 - 1679)

1. Những chọn lựa căn bản.

2. Hoạt động đức cha Lambert.

3. Hoạt động đức cha Pallu.

4. Đàng ngoài 1673 - 79

III. XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1679 - 1800)

1. Địa phận đàng trong.

2. Địa phận Tây và Đông đàng ngoài

TOÁT YẾU

ĐỌC THÊM

Xung đột giữa Dòng Tên và MEP

Sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá

Tranh chấp giữa Đaminh & Augustinô

Trích thư cha Juan de Santa Cruz OP

Các sách của cha Juan de Santa Cruz

Đám táng đức cha Bá Đa Lộc

Sấm truyền ca của LM Lữ Y Đoan

Việc hội nhập văn hóa GHVN thời đầu


I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Từ năm 1672, Trịnh Nguyễn tạm ngưng chiến tranh, mỗi bên lo ổn định khu vực của mình. Tại Bắc Hà, Chúa Trịnh mượn danh vua Lê, chấm dứt nhà Mạc (1677) tổ chức mọi sinh hoạt, mở cửa phố Hiến buôn bán với nước ngoài. Tại Nam Hà, chúa Nguyễn mở rộng ảnh hưởng trên vùng Chân Lạp, di dân vào Nam và giúp các vua Chân Lạp an định đất nước. Chúa Nguyễn lập vương phủ mới ở Phú Xuân Huế (1687). Nhà Nguyễn chấm dứt nước Chiêm Thành (1697) mở rộng đất đến Mỹ Tho, Vĩnh Long (1732) và làm chủ toàn vùng Chân Lạp năm 1757. Thế nhưng đến năm 1765, do sự chuyên quyền của Trương Phúc Loan, nhà Nguyễn bị suy sụp. Trịnh Sâm phái Hoàng Ngũ Phúc đem quân vào chiếm Phú Xuân năm 1774.

Trước đó ba năm, Nguyễn Nhạc dấy quân ở Tây Sơn. Ông thu của cải nhà giàu phát cho dân nghèo nên được nhiều người tham gia. Ông ngoại giao với Chúa Trịnh (và Vua Lê) xưng Vương ở Qui Nhơn (1778) thu phục các tỉnh miền Nam (1782). Khiến Nguyễn Ánh phải nhờ tới nước Xiêm (Thái Lan) và gởi hoàng tử Cảnh qua Pháp cầu viện. Thế nhưng phe Tây Sơn đã đánh tan quân Xiêm ở Mỹ Tho (1785), rồi tiến chiếm Phú Xuân và chấm dứt nhà Trịnh 1786.

  

Đến khi Lê Chiêu Thống bị thua Nguyễn Hữu Chỉnh, mở cửa cho nhà Thanh vào nước Việt, Quang Trung liền xưng hiệu Bắc Bình Vương, đem quân giải phóng nước nhà năm 1789, khởi đầu triều đại Tây Sơn. Tiếc rằng vua Quang Trung đoản số. Vua Cảnh Thịnh lên ngôi khi mới 10 tuổi (1792-1802) nên bị Bùi Đắc Tuyên quyết đoán mọi chuyện, đưa đến việc chia rẽ ngay tại triều nội, cho đến ngày Gia Long lên ngôi (1802-20).


II. HAI ĐỊA PHẬN : ĐÀNG TRONG - ĐÀNG NGOÀI (1659-79)

Năm 1649 tại Roma, cha Đắc Lộ trình bày lên Đức Innocente X và thánh bộ truyền giáo về Giáo Hội Việt Nam đã có 300.000 tín hữu , mà mỗi năm còn thêm 15.000 tân tòng (Theo Launay, Histoire de la Mission du Tonkin, Paris 1927, dựa vào lá thư đức cha Lambert năm 1669, số giáo dân đàng ngoài năm 1665 mới là 80.000 và đàng trong 20.000. Thống kê của dòng Tên có lẽ là số rửa tội, trong đó nhiều người đã chết).

Cha nói về nhu cầu cần Giám mục và đề nghị thiết lập ngay hàng giáo sĩ địa phương. Năm 1652, cha Đắc Lộ đến Paris cổ động nhóm "Thân hữu" gồm các chủng sinh và linh mục Pháp trẻ. Trong số 20 người tình nguyện đi truyền giáo, cha Đắc Lộ giới thiệu về Roma ba người trong đó có linh mục Francois Pallu để lên chức Giám mục. Năm 1655, cha Pallu và bốn vị khác đến Roma gặp đức Alexandre VII. Giờ đây chỉ còn khó khăn về vấn đề tài chính. Năm 1657, linh mục Lambert de la Motte, giám đốc trung tâm xã hội ở Rouen, nhận được thư mời của cha Pallu. Cha liền đến Roma để tham gia cuộc vận động và tình nguyện dâng hết gia sản để trợ cấp cho việc truyền giáo.

Cuối tháng 7-1658, Tòa thánh quyết định chọn cha Pallu làm Giám mục hiệu tòa Heliopolis và cha Lambert làm Giám mục hiệu tòa Beryta (cả hai thuộc Liban). Đức cha Pallu thụ phong tại Roma ngày 17-11-1658 còn đức cha Lambert thụ phong tại Paris ngày 11-6-1660. Ngày 9-9-1659, đức Alexandro VII ban đoản sắc "Super Cathe-dram" thiết lập hai địa phận Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đức cha Pallu phụ trách Đàng Ngoài gồm khu vực Chúa Trịnh và 4 tỉnh nam Trung Hoa ; đức cha Lambert phụ trách Đàng Trong gồm khu vực chúa Nguyễn, Cao Miên và Thái Lan. Các vị được trao tận tay bản huấn thị 1659 (Xc bài XV, 1,2b (tr 54)).

Do sự cổ động của đức cha Pallu, nhiều linh mục và giáo dân đã tích cực tiến hành việc thiết lập một "Chủng viện truyền giáo Hải Ngoại". Chủng viện được đặt ở phố Du Bac, Paris; được vua Pháp cho phép năm 1663 và được Tòa Thánh công nhận ngày 11-8-1664. Từ đó Hội Thừa Sai Paris (M.E.P : Mission Etrangère de Paris) được hình thành dần dần. Đức cha Lambert muốn chuyển hội thành một Hội Dòng (Congrégation) nhưng Tòa Thánh xác định đây chỉ là một hội giáo sĩ, không có lời khấn dòng và không có đặc ân miễn trừ nào cả.

2,1. Những chọn lựa căn bản

Đức cha Lambert cùng hai cha Jacques de Bourges và Francois Deydier tới Juthia (Thái) ngày 22-8-1662. Ngày 7-1-1664, đức cha Pallu và bốn cha L. Chevreuil, A. Hainques, L. Lanneau, P. Brindeau cũng đến nơi (5 vị khác chết trong hành trình). Các vị liền cùng nhau họp công đồng Juthia (1664) để hoạch định đường hướng mục vụ. Công đồng dự định lập một chủng viện chung ở Juthia và ban hành một bản "Huấn dụ" (Monita) sẽ được Tòa Thánh châu phê và xuất bản tại Roma năm 1669. Nội dung chính của bản Monita như sau :

- Thánh hóa hoạt động truyền giáo bằng cầu nguyện;

- Phải học biết ngôn ngữ, phong tục địa phương;

- Trình bày Tin Mừng theo lứa tuổi và giai đoạn;

- Làm gương sáng và sống bác ái, không dùng thủ đoạn.

- Tổ chức các ông trùm, câu, biện, lo việc kinh sách và mục vụ cho từng xứ đạo.

- Đào tạo Thầy giảng và chọn người lên chức linh mục.

Chủng viện thánh Giuse ở Juthia đã được thành lập năm 1665, để đào tạo các linh mục Thái-Việt-Hoa. Từ 1765 chủng viện được dời về Hòn Đất (Hà Tiên); từ 1769-82 ở Pondichéry (Ấn Độ). Đến năm 1807 chủng viện Giuse được tái lập ở Pénang (Mã Lai).

2,2. Hoạt động của đức cha Lambert

Vì đức cha Pallu về Roma xin thêm thừa sai, nên đức cha Lambert, năm 1665, kiêm chức giám quản địa phận Đàng Ngoài. Ngài cử đến hai địa phận các cha đại diện (quen gọi là cha chính) ở Đàng Trong là cha Chevreuil (1664-65) rồi cha Hainques (1665-70); Còn Đàng Ngoài là cha Deydier (1666-73). Năm 1668, bốn thày giảng được các cha chính gửi sang Thái được đức cha truyền chức linh mục (tiên khởi). Đàng Trong có cha Giuse Trang 28 tuổi (31-3) và cha Luca Bền (?); Đàng Ngoài, thụ phong linh mục ngày 8-6 có hai cha Benedicto Hiền 54 tuổi và Gioan Huệ 46 tuổi. Mười ngày sau, hai cha trở về Bắc, còn cha Trang và cha Bền ở lại học thêm một năm.

Năm 1669, đức cha Lambert khởi đầu chuyến kinh lý. Ngài tới Phố Hiến vào tháng 9 cùng với hai thừa sai De Bourges và Bouchard. Tháng 1-1670, ngày truyền chức cho bảy Tân linh mục Đàng Ngoài là các cha Matthêu Mát, Simon Kiên, Antôn Quế, Phil Nhân, Giacôbê Chiêu, Lêon Trung và Benedicto Trị. Chín linh mục Đàng Ngoài đã cùng với đức cha và ba thừa sai họp công đồng đầu tiên trên đất Việt tại PHỐ-HIẾN vào ngày 24-2-1670, trao đổi chương trình hoạt động, chia vùng phụ trách, chọn thánh Giuse làm Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam và ấn định việc đào tạo chủng viện ... Ngày 26-02-1670, đức cha Lambert thành lập dòng Mến Thánh Giá và nhận lời khấn của hai nữ tu Anê và Paula tại Kiên Lao (19/2). Rồi cùng với cha Bouchard, ngài xuống Hải Phố để về Thái Lan.

Tại miền Nam, thời hai cha chính Guyart (1671-74) và Courtaulin (1674-79), đức cha Lambert đã thực hiện được hai chuyến kinh lý. Năm 1671, đức cha cùng hai thừa sai Mahot, Vachet đến Phan Rí ngày 1-9, phải ẩn trú trong nhà bà Luxia Kỳ. Sau đó Ngài lên xứ Quảng thăm các tín hữu, thiết lập tu viện Mến Thánh Giá An-chỉ (Quảng Ngãi). Ngày 19-2-1672, Đức cha triệu tập công đồng Hải Phố gồm các linh mục, thầy giảng để phổ biến về quyền đại diện tông tòa và công đồng Định Hiến. Ngày 26-3 ngài cùng cha Vachet đưa 12 chủng sinh sang Thái Lan. Cuối năm đó, ngài truyền chức cho cha Manuel Bổn, và lập Tu Viện Mến Thánh Giá cho nữ tu người Việt tại Thái Lan. Năm 1673 cha Bổn và hai thừa sai Vachet, Mahot đem thư và quà của đức cha cho Chúa Hiền. Các quan ở Quảng Ngãi bắt hai vị thừa sai nhưng sau đó trả tự do nhờ sự can thiệp của cha Bổn. Hiền Vương nhận thư và quà, ông cho phép giảng đạo, xây nhà thờ và trường học. Hai cha Bouchard và Courtaulin được cử đến năm 1674.

Tháng 9-1675, đức cha Lambert lại vào Đàng Trong. Ngài lên tận phủ Chúa ở Kim Long (Huế), ở đấy nửa tháng, rồi đi kinh lý khắp nơi. Tại Quảng Ngãi, Đàng Trong có thêm linh mục thứ bốn Lui Đoan tác giả tập "Sấm truyền Ca". Tháng 5-1676, đức cha trở về Thái Lan sau khi phân phối tám linh mục (4 Việt, 4 Pháp) đến các tỉnh. Tại Juthia năm 1679, đức cha ngã bệnh trầm trọng và qua đời (15/6).

Một vấn đề khá tế nhị đã xảy ra trong thời gian này. Khi đặt các Giám mục, Bộ truyền giáo đã không có những chỉ thị trực tiếp đến các tòa Giám mục Goa, Malacca (Bồ Đào Nha bảo trợ). Do đó, xảy ra nhiều tranh luận giữa các thừa sai Pháp và các cha dòng Tên. Các cha dòng Tên Fuciti, Marini và Candone vẫn có giấy đặt làm cha chính phía Bắc và Nam Hà. Đó là lý do khiến đức cha Pallu phải vội vã về Roma 1665. Để giải quyết vấn đề, Tòa Thánh đã gửi đi nhiều văn thư, trong đó có đoản sắc "Speculatores" (13-9-1669) yêu cầu các cha dòng hoạt động phải được sự đồng ý của Giám mục đại diện Tông tòa vùng đó ; và đoản sắc "Decet Romnum" (1673) bãi bỏ mọi đặc ân đã ban trước đây và quyền bảo trợ. Năm 1680, bốn cha dòng Tên ở Việt Nam được bề trên gọi về hết, chỉ trừ cha Acosta (người Nhật) là ngự y cho chúa Nguyễn, do áp lực của nhà chúa phải ở lại Đàng Trong.

2,3. Hoạt động của đức cha Pallu

Sau khi xin được Tòa thánh châu phê bản Monita và ban hành đoản sắc 1669, đức cha Pallu trở lại Thái Lan, tháng 9-1673. Ngài rất phấn khởi khi được cha chính Deydier báo tin về địa phận Đàng Ngoài, 25 thầy giảng sẵn sàng để thụ phong linh mục. Đức cha lên đường tháng 8-1674 để ra Bắc, thế nhưng một cơn bão đã đưa ngài sang tận Philippines. Trước đây, đức cha Lambert đã viết thư mời và cử thừa sai Bouchard đến Manila (năm 1671), nay đích thân đức cha Pallu đến trụ sở tỉnh dòng Đa Minh mời dòng sang giảng đạo. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, các cha Đa Minh Tây Ban Nha sẽ liên tục phục vụ tại Đàng Ngoài từ 1676 và lần lượt gửi đến 243 thừa sai.

Tuy nhiên, vì người Tây Ban Nha nghi ngờ đức cha Pallu do thám cho nước Pháp, họ đưa đức cha về Madrid xét xử. Đức cha đã thắng án và đi Roma năm 1678 để vận động chia vùng Đông Á thành nhiều địa phận với các Giám mục địa phương (2 đàng trong, 4 đàng ngoài và 6 Trung Hoa). Kết quả của cuộc vận động : năm 1679 Đông Á có 6 địa phận là Nhật, Bắc Hoa, Nam Hoa, Đàng Trong và hai địa phận Đông Tây Đàng Ngoài, được chia theo ranh giới sông Hồng và sông Lô. Đức cha Pallu được cử đi coi địa phận Nam Hoa, ngài đến Phúc Kiến năm 1683 và qua đời ở đó ngày 29-10. Tuy chưa đặt chân lên đất Việt, công của ngài với Giáo Hội Việt Nam quả không phải là nhỏ.

2,4. Đàng Ngoài 1673-79

Tuy vẫn có xung đột quyền bính với dòng Tên, cha chính Deydier và cha De Bourges vẫn tích cực với sứ vụ. Năm 1674, hai vị rửa tội được 6.690 người. Các ngài rất tích cực với việc chọn người lên chức linh mục. Đàng Ngoài có thêm bốn Tân linh mục thụ phong tại Thái Lan là cha Philip Trà, Đa Minh Hảo (1677) cha Phanxicô Thụy, Micae Hợp (1679).

Hai cha dòng Đa Minh, Juan de Santa Cruz và Juan de Arjona đến Phố Hiến ngày 7-7-1676. Sang tháng sau thêm cha D. Morales. Qua năm sau các ngài đến Trung Linh và được cha Deydier trao cho 40 làng tỉnh Đông và Nam. Tháng 3-1679, cha chính Deydier bắt ba cha phải khấn vâng lời nên các vị qua Thái Lan hỏi ý kiến đức cha Lambert. Vị Giám mục viết thư yêu cầu cha chính để cho dòng hưởng quyền miễn trừ.


III. XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1679-1800)

Dưới sự điều hành của Thánh bộ truyền giáo, thành phần các thừa sai tại Việt Nam giai đoạn này rất đa dạng ngay trong danh sách giám mục ta thấy có thừa sai Paris (14 vị), Đa Minh (7 vị), Phanxicô, Augustin, Barnabit mỗi dòng một vị ... với quốc tịch : Pháp (14 vị), Tây Ban Nha (5 vị), Ý (4), Đức (1 vị). Đặc biệt, có đức cha Pérez thuộc bộ truyền giáo, quốc tịch Bồ lai Thái. Như một thử nghiệm đặt Giám mục địa phương. Tuy nhiên để hoạt động sứ vụ được thống nhất hơn, hạ bán thế kỷ XVIII, Thánh bộ trao hẳn trách nhiệmcho hội Thừa sai Paris (Đàng Trong, Tây Đàng Ngoài) và dòng Đa Minh (1757, Đông Đàng Ngoài). Một số cha dòng Tên vẫn hoạt động : tại Đàng Trong đến 1783 và Đàng Ngoài đến 1802.

3,1. Địa phận Đàng Trong (1679-1799)

Đức cha Mahot (1680-84, MEP) nhận chức vụ do sự khẩn nài của các thày giảng. Ngài triệu tập công đồng Hải Phố II (1682) bàn về việc tổ chức quản trị : chia các xứ, họ; đặt thày giảng địa sở hoặc lưu động tháp tùng các linh mục; qui định hiệm vụ các quí chức... Đức cha Duchesne (MEP, 1684) kế vị chỉ được vài ngày. Đức cha Laneau ở Thái trở thành giám quản, ngài đặt cha P. Langlois (tác giả bộ từ điển Pháp-Việt 1500 từ) làm cha chính.

Đức cha Pérez đã nói trên, được chọn kế vị (1691-1728). Dưới thời ngài có cuộc bách hại của Nguyễn Phúc Chu năm 1700, khoảng 200 nhà thờ bị phá, 13 trên 17 thừa sai bị bắt, trong đó có bốn vị chết rũ tù. Bà Inê Thành (không phải bà thánh Đê) kiên quyết chết cho niềm tin, dù chồng và con đến khuyên dụ bỏ đạo. Đức cha Pérez không quan tâm đến việc đào tạo linh mục. Ngài viết thư mời các cha dòng Phanxico người Tây Ban Nha ờ Manila. Đáp lời mời của Ngài, dòng Phanxico đến hoạt động ở Đàng Trong từ 1719 đến 1834.

Các cha Phanxico đến Nam Việt lần lượt khoảng 30 vị, trong đó đáng lưu ý nhất có cha Jer. Trinidad được đặt làm cha chính địa phận, đã xây dựng nhiều nhà thờ ở Bình Định, Phú Xuân, Quảng Nam, Qui Nhơn... Đặc biệt, còn có cha José Garcia (+1761) được cử vào giúp di dân tại Saigon từ 1722. Cha phải di tản khi có chiến tranh với người Miên năm 1730 nhưng trở lại tái thiết và lập thêm nhiều họ mới từ Saigon, Lái Thiêu, Mỹ Tho đến tận Hà Tiên. Bốn linh mục Việt từ Thái Lan trở về năm 1690 là các cha Mauro Lộc, Phanxico Vân, Emmanuel Lâu, Tadeo Nghiêm, sau hai năm chỉ còn hai linh mục Việt, đến 1700 chỉ còn cha Emmanuel Lâu.

Chuẩn bị người kế vị, đức cha Pérez đặt Giám mục phụ tá M. Labbé (1700-23) nhưng vị này lại qua đời sớm. Địa phận được trao cho đức cha Alexandro Alexandris người Ý, dòng Barnabit (1727-38). Thời Ngài, dòng Phanxicô vẫn hoạt động mạnh ở miền Nam, nhưng việc đào tạo giáo sĩ Việt bị lãng quên. Năm 1737, cha Valère Rist (Ofm, Đức) được đặt làm Giám mục, nhưng ngài qua đời ngay năm đó. Cuối thời đức cha Alexandris, vấn đề "dòng-triều" lại được đặt ra, nên khi đức cha nằm xuống, Tòa thánh phải cử đức cha Achards de la Baume đến kinh lược Đàng Trong. Sau khi trao đồi với mọi thành phần thừa sai, ngày 2-7-1740, ngài phân chia ranh giới hoạt động như sau : Dòng Phanxicô từ Bình Thuận vào Nam, Thừa sai Pháp từ Bình Thuận ra Huế, Dòng Tên từ Huế trở lên và vùng Đồng Nai. 24 nhà thờ và nhà nguyện của dòng Phanxicô ở miền Trung phải trao cho thừa sai Paris, nhưng nhờ sự can thiệp của dòng ở Roma, tất cả được trả lại vào năm 1744.

Từ nay thừa sai Pháp (MEP) phụ trách hẳn Đàng Trong. Đức cha Lefèbre (1741-60) với giám mục phụ tá Bennetat (1748-56); đức cha Piguel (1760-71); đức cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc 1774-99), với giám mục phụ tá Labartette (1782-1822). Năm 1747, đức cha Hilario Hy, địa phận Đông Đàng Ngoài được cử làm Khâm sai Đàng Trong. Ngài chủ tọa công đồng Phú Xuân (1747) trao đổi về phương pháp làm việc chung và phổ biến tông chiếu Ex quo (1742) về việc thờ kính tổ tiên.

Năm 1750, do lời dèm pha và thái độ vô lễ của thương gia Pháp Le Poivre, Võ vương bắt và trục xuất tất cả các thừa sai (26 vị gồm 6 MEP, 9 SJ, 9 Ofm và 2 thuộc Thánh bộ). Hai năm sau đức cha Bennetat và cha Rival trở lại, nhưng chưa được một năm lại bị trục xuất. Cả địa phận chỉ còn có ba linh mục (1 Việt, 1 Hoa, 1 lai Ấn Độ) với khoảng 200 thày giảng đảm nhận. Riêng cha Koeffler (SJ, Áo) ở lại làm ngự y trong phủ chúa, thì không được đi đâu cả. Năm 1765, Võ vương mất, đức cha Piguel mới vào được địa phận.

Điều đã cứu Giáo hội Đàng Trong qua cơn bách hại chính là nhờ con số đông đảo thày giảng do các thừa sai Paris đào tạo. Chủng viện thợ đúc Huế mở lại từ 1739-50. Chính vì thế các giám mục về sau lưu ý đặc biệt đến việc mở chủng viện. Đức cha Bá Đa Lộc mở ở Hà Tiên (1776) sau dời lên Tân Triều, Biên Hòa (1778) rồi đưa xuống Mỹ Tho (1783), trước khi dời về Lái Thiêu (1789-1833). Tại miền Trung, đức cha Labartette, cũng mở chủng viện ở Bình Định : mới đầu tại Dinh Cát (1782) rồi Hòa Ninh (1784) cuối cùng đến An Ninh (1801-20). Dòng Mến Thánh Giá cũng được phục hổi với gần 200 nữ tu tại 20 tu viện.

Khi Tây Sơn vào đánh chiếm Gia Định (1782) các thừa sai phải đưa chủng sinh qua Thái Lan. Cha Odemilla (Ofm) ở lại, bị bắt ở Cái Nhum và bị chém tại Chợ Quán. Bên đất Thái, đức cha Bá Đa Lộc gặp Nguyễn Ánh và chọn lựa ủng hộ hậu duệ của chúa Nguyễn này. Ngài đưa hoàng tử Cảnh về Pháp, gặp vua Louis XVI, ký kết văn kiện Versailles 28-11-1789. Theo giao kèo, Pháp cung cấp bốn chiến thuyền và 12.450 quân lính ; ngược lại, Nguyễn Ánh sẽ trao cho Pháp đảo Côn Sơn và Cửa Hàn. Thế nhưng phía Pháp, bá tước De Conway không thi hành thỏa ước. Đức cha phải tự mình đi mộ người và mua tàu bè súng ống. Có lẽ vị Giám mục nghĩ chúa Nguyễn mới là chủ của Đàng Trong, Ngài sa vào cơn "cám dỗ Constantin" : Hy vọng một vị vua cảm tình với đạo sẽ dành nhiều dễ dãi cho Giáo hội. Thế nhưng, ngay khi đó, các thừa sai khác đã lên tiếng khiển trách ngài quên Bổn phận tông đồ, pha mình vào chính trị, chính đức cha nhiều lần phải thanh minh (Tsuboi, Catholicisme et Sociétés Asiatiques, Tokyo 1986, tr. 133-136).

Thêm sự giúp đỡ của đức cha và thân hữu Ngài, Nguyễn Ánh và quân đội miền Nam ra đánh Tây Sơn hàng năm, chiếm được Qui Nhơn (1799), Phú Xuân (1801), xưng đế và tiến vào Thăng Long năm 1802. Thế nhưng, năm 1797 vua Cảnh Thịnh bắt được một lá thư Nguyễn Ánh gửi giám mục Labartette. Vua ra lệnh cấm đạo. Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, linh mục Đàng Ngoài về thăm ở Phú Xuân bị bắt và xử trảm ngày 17-9-1798. Theo truyền khẩu, Đức Mẹ đã hiện ra an ủi các tín hữu ẩn náu trong vùng rừng La-Vang tỉnh Quảng Trị cũng trong năm này.

3,2. Địa phận Đàng Ngoài

Từ năm 1679, Đàng Ngoài có hai địa phận. Đức cha Bourges phụ trách Tây Đàng Ngoài (1679-1713) và đức cha Deydier địa phận Đông (1679-93). Năm 1681, vua Lê nhận tặng vật của vua Louis XIV, nên các thừa sai được đối xử tử tế hơn trước. Việc đào tạo giáo sĩ Việt Nam được tiến triển điều hòa. Đức cha Bourges mở chủng viện Nghệ An (1685) và Kẻ Lô (1697). Ngài phong chức cho 33 tân linh mục. Đức cha Deydier lập chủng viện Kiên Lao (1683), Kẻ Cốc (Bắc Ninh, 1684) và Lục Thủy (1686). Ngài truyền chức 20 vị. Ngoài ra một số thày còn được gửi đi học ở Juthia. Năm 1689, ba tân linh mục học ở Thái Lan về có cha Giuse Phước. Năm 1691, cha Phước được đề cử làm giám mục phụ tá. Tiếc rằng việc không thành, vì nhiều thừa sai nói ngài thiếu kiến thức về giáo luật .

a/ Địa phận Tây Đàng Ngoài

Năm 1693, đức cha Bourges phải kiêm nhiệm địa phận Đông. Ngài chọn cha Bélot làm Giám mục phụ tá. Giúp đỡ ngài còn có khoảng mười thừa sai dòng Tên và ba cha Việt dòng Tên đào tạo ở Macao (Valentino Sơn, Lêon Vệ và Inhaxu Martino). Cuộc bách hại Trịnh Cương từ 1712 đến 1724 gây nhiều khó khăn cho địa phận : đức cha Bourges bị trục xuất và qua đời tại Thái Lan ; Đức cha Bélot trốn được về Thanh Hóa tiếp tục coi sóc địa phận (+1717). Đức cha Fr. Guissain kế vị từ 1718 nhưng mãi đến 1723 mới thụ phong, rồi lâm bệnh và qua đời.

Thời cha L. Néez làm cha chính (1723-38) và làm Giám mục (1738-64) địa phận tiếp tục chịu bách hại. Vùng ngoại thành Thăng Long năm 1723 có hai cha dòng Tên, bốn thày giảng và năm tín hữu tử đạo; đến năm 1737 thêm bốn cha dòng Tên khác và một thày giảng làm chứng cho đức tin. Thánh Federich Tế (TBN OP) bị bắt tại Lục Thủy năm 1737, được đưa về Thăng Long. Từ 1744 thánh Liciniana Đậu (TBN, OP) cũng bị bắt và giam chung với ngài. Hai vị vẫn tiếp tục làm việc mục vụ cho đến khi bị trảm quyết ngày 22-1-1745 .

Năm 1746, đức cha Néez chọn cha Devaux (+1756) làm giám mục phụ tá. Nhưng vị này lại chết sớm, nên kế vị ngài là đức cha Reydellet (1764-80). Dầu phải đối đầu với cuộc bách hại gay gắt của Trịnh Sâm, đức cha Reydellet lập thêm chủng viện Vĩnh Trị, nâng số giáo sĩ Việt từ 29 lên trên 40 vị, với sự hợp tác của khoảng 100 thày giảng và 300 nữ tu Mến Thánh Giá. Hai thánh Vinhsơn Phạm Hiếu Liêm (OP) và Castaneda Gia (TBN, OP) bị giam trong phủ chúa, đã tham gia "Hội đồng Tứ giáo" và bị xử trảm ngày 30-10-1773 tại Thăng Long.

Đức cha Davoust kế vị (1780-89). Trong cuộc chiến Tây Sơn, khoảng 2000 tín hữu Việt lánh nạn qua Lào, cha Bổn và ba thày giảng được phái sang giúp họ. Năm 1789, đức cha Longer Gia được chọn thay thế. Ngài từ Đàng Trong đi bộ qua Macao thụ phong, rồi về tấn phong cho các Giám mục Alonso Phê, (Đông Đàng Ngoài) Labartette (Đàng Trong). Năm 1796, ngài chọn đức cha La Motte làm phụ tá. Năm 1798, vua Quang Toản ra lệnh cấm đạo. Thánh Gioan Đạt, linh mục, tử đạo ngày 28-10.

b/ Địa phận Đông Đàng Ngoài

Địa phận Đông là vùng truyền giáo của dòng Đa Minh. Năm 1681 hai cha Arjona và Morales bị bắt và trục xuất, nhưng cha Juan Santa Cruz Thập có thêm một người bạn mới là cha Lezoli Cao (Ý, OP) đến Phố Hiến. Hai cha phụ trách 70 thánh đường, thuộc tỉnh Nam và trên 18.000 tín hữu. Năm 1692 được thêm hai vị : cha Berriain tìm đường sang Ai-Lao giảng đạo, uống phải nước suối nhiễm trùng nên chết năm 1695 ; Năm 1696 cha Gorrichategui cũng vì lý do sức khoẻ phải về Manila. Bù vào đó, Dòng gửi đến cha Lopez Lộ và cha Bustamante Hy. Năm 1698, cha Lezoli Cao (+1706) được Tòa thánh đặt làm Giám mục địa phận Đông kế vị đức cha Deydier đã mất từ 1793. Năm 1702, ngài được đức cha Bélot tấn phong tại Kẻ-sặt.

Năm 1707, cha Juan Thập được chọn làm quyền đại diện Tông Tòa, ngài có sắc phong giám mục năm 1716 cùng với vị giám mục phụ tá Sextri Tri (Ý, OP). Đức cha Sextri Tri phải đi Quảng Tây thụ phong rồi về tấn phong cho đức cha Juan Thập. Đức cha Juan Thập qua đời năm 1721, ở Việt Nam 45 năm, xứng đáng với danh hiệu "Tổ phụ miền truyền giáo Đa Minh tại Việt Nam". Theo cha Angelo Walz các nhà phước Đa Minh có từ năm 1715 tại Trung Linh, do cha bề trên Bustamante Hy OP. Các dì phước Đa Minh sống thành những nhà độc lập, hòa mình với dân chúng nông thôn và hăng say làm việc tông đồ.

Sau khi đức cha Sextri Tri nằm xuống, Tòa thánh đặt một giám mục Ý, dòng Augustin cai quản địa phận Đông là đức cha Hilario de Gesù Hy (1737-56). Vị này mời các thừa sai đồng hương và cùng dòng đến phục vụ, ngài muốn lấy một số nhà thờ Đa Minh giao cho các cha Augustin và họp công đồng Lục Thủy (1753) để quyết định điều đó. Dòng Đa Minh liền cử cha Hernandez Tuấn về Roma trình bày sự việc. Năm 1757, thánh bộ truyền giáo gọi các cha Augustin, hoặc về nước hoặc đi truyền giáo ở Trung Hoa. Từ đây, địa phận Đông thuộc trách nhiệm Dòng Đa Minh.

Đặc biệt địa phận Đông Đàng Ngoài có sự phục vụ của các cha dòng Đa Minh Việt Nam. Hai tu sĩ tiên khởi khấn năm 1738, đã chia nhau danh xưng đức cha Juan Thập, là cha Pio de Santa Cruz và cha Juan de Santo Domingo. Tính đến cuối thế kỷ, dòng đào tạo được 39 linh mục dòng người Việt. Thống kê địa phận 1763 có 8 thừa sai, 24 linh mục gồm 10 triều và 14 thuộc dòng, cho thấy vai trò khá quan trọng của các vị với giáo hội địa phương. Ngoài ra khá đông các linh mục được gửi đi du học tại Manila, trong đó có thánh Vinhsơn Liêm được trường cao đẳng Juan Latran ở Manila chọn làm Bổn mạng.

Thời đức cha Hernandez Tuấn (1757-77) địa phận có thêm trường lý đoán ở Kẻ Bùi (1773) nhưng lại phải trải qua những năm bách hại ác liệt của Trịnh Sâm. Ngoài hai thánh Gia và Liêm, nhiều tín hữu đã bị bắt và tra tấn, 206 thánh đường bị triệt hạ. Ngày 29-1-1777 thày giảng Emmanuel Triệu cùng 20 tín hữu bị trảm quyết ở Hải Dương.

Sau đức cha Hernandez là đức cha Obelar Khâm (1778-89) rồi đến đức cha Alonso Phê (1790-99) vị này chọn một phụ tá là đức cha Delgado Y (1795-1838). Năm 1780 cha chính Alonso Phê sau chuyến Kinh Lý đã cho biết tình hình địa phận như sau: 74.930 tín hữu, 5 thừa sai, 15 linh mục (5 triều), 325 người nhà đức Chúa Trời, 175 dì phước Đa Minh (12 nhà) và 48 nữ tu Mến Thánh Giá (5 nhà). Tuy là chiến trường của Tây Sơn đánh chúa Trịnh và quân Thanh, địa phận Đông tương đối bình an vào thời Cảnh Thịnh.


TOÁT YẾU

Dựa vào bản chỉ thị 1659 của bộ truyền giáo, đức cha Lambert qua hai công đồng Juthia 1664 và Định Hiến 1670 đã giúp Giáo hội Việt Nam đi vào ổn định : các giáo xứ, giáo họ được phân ranh giới và đi vào sinh hoạt đều hòa. Các linh mục Việt Nam có phần đóng góp hết sức đặc biệt vì các ngài không gặp khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa và dễ dàng hoạt động hơn các thừa sai khi có bách hại. Việc thiếu quan tâm đào tạo của đức cha Pérez và Alexandris, dù được bổ sung khá nhiều thừa sai, giải thích việc chậm phát triển Giáo hội Đàng Trong so với đàng Ngoài giai đoạn này. Tuy nhiên, do những hạn chế lịch sử, các linh mục Việt Nam được đào tạo vội vàng, lại quá bận rộn với mục vụ bí tích, nên sinh hoạt tôn giáo thời này, phát triển mạnh hơn khuynh hướng bình dân và đạo đức tình cảm.

Một số sử liệu đáng ghi nhớ :

1659 : thành lập hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài

1668 : Bốn Linh mục Việt Nam tiên khởi

1679 : Đàng Ngoài được chia thành hai địa phận (Đông và Tây Đàng Ngoài).

1670 : thành lập Dòng Mến Thánh Giá.

Ngoài các thừa sai Paris, hoạt động tại Việt Nam giai đoạn này còn có Dòng Tên, Barnabit, Augustin. Dòng Phanxicô đã gởi đến khoảng 30 vị (1719-1834) và là những người đầu tiên tổ chức các giáo đoàn tại Saigon, Mỹ Tho, Hà Tiên. Dòng Đa Minh trở lại Việt Nam từ 1676, tại địa phận Đông Đàng Ngoài. Khu vực này được trao hẳn cho Dòng từ 1757. Tuy có một số xung đột giữa các đoàn truyền giáo nhưng cuối cùng Thánh bộ đã giải quyết cách ổn thỏa.

BÀI ĐỌC THÊM


XUNG ĐỘT GIỮA DÒNG TÊN VÀ HỘI THỪA SAI PARIS

Năm 1640, Bộ Truyền Giáo đã ra sắc dụ đặt tất cả các miền truyền giáo dưới quyền Thánh Bộ. Nhưng năm 1646, Thánh bộ lại ban cho các cha Dòng Tên quyền triệu hổi và thay thế các giáo sĩ không cần xin phép, mà chỉ cần thông báo danh tánh để được trao những năng quyền cần thiết.

Cha Fuciti nhận được một thư của cha Gama, giám tỉnh dòng Tên tại Nhật, thư khuyên các tín hữu Bắc Việt trung thành với dòng Tên : "Phải chăng, một thiếu nữ dòng dõi cao sang chỉ nên cưới một ông chồng ở một gia đình thánh thiện"

Trong thư gửi cha chính dịa phận Deydier ngày 21-7-1669, cha Fuciti viết : "Lúc xưa hai bà mẹ kiện vua Salomon về trẻ nhỏ còn sống sót, người đàn bà không phải là mẹ thật, xin vua Salomon chia đứa nhỏ ấy, còn người mẹ thật nhất quyết không chịu, bà thà thấy con mình sống với người khác hơn là thấy nó bị chặt ra từng miếng. Vua Salomon đã xử cho người mẹ thật được lãnh con mình, các cha Dòng cũng hy vọng rằng Đấng Salomon của Chúa Giêsu trên ngai tòa thánh Phêrô, cũng sẽ trả Giáo Hội Việt Nam lại cho người mẹ thật của nó là các cha Dòng Tên"

(Theo Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, Saigon 1965, tr 180-181)


MỤC ĐÍCH VÀ SỨ MẠNG DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

Chính đức cha Phêrô Maria Lambert de la Motte đã chỉ rõ mục đích và sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá.

  • Suy niệm cuộc đời đau khổ của Đức Giêsu Kitô để hiểu biết và yêu mến Người

  • Tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người và thực thi tinh thần trung gian, bằng đời sống chuyển cầu cho thế giới và Giáo hội, nhất là Giáo hội địa phương.

  • Là cánh tay hữu hình của Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, người nữ tu Mến Thánh Giá dấn thân phục vụ, ưu tiên giới trẻ và giới nữ, trong lãnh vực văn hóa, xã hội, lãnh vực y tế, luân lý và đức tin.

  • Tất cả đời sống hoán cải, khổ chế, chiêm niệm và sinh hoạt tông đồ của chị em được liên kết với công nghiệp Chúa Cứu Thế, sẽ trở thành lời kinh chuyển cầu, xin ơn hoán cải cho lương dân và những ki tô hữu sống xa lìa Chúa. Như thế, chuyển cầu là nghĩa vụ thứ nhất giữa các nghĩa vụ làm nên sứ mạng đặc biệt của Dòng Mến Thánh Giá

Theo sát đấu chân Đức Kitô, Đấng Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng Phục trên bước đường phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, chúng ta nhiệt tâm chu toàn sứ mạng, với ý thức về sự cao quí của ơn gọi Chúa dành cho ta trong đời sống tu trì, theo linh đạo Mến Thánh Giá.

(Trích Hiến Chương Dòng MTG - Bộ luật chung 1990, tr 18-19)


KẾT THÚC CUỘC TRANH CHẤP

GIỮA CÁC CHA ÂUTINH VÀ ĐAMINH

Ngày 7-8-1757, Thánh bộ truyền bá đức tin đã quyết định về vụ tranh chấp như sau :

"Qua quyết định của Đức Hồng y Giuseppe Spinelli tổng trưởng, điều cần làm ngay là ra lệnh cho cha Adriano di Santa Tecla và cha Paolino di Giesu thuộc dòng Âutinh đang hoạt động truyền giáo tại Đàng Ngoài địa phận Đông, phải mau trở về nước Ý. Nhưng vấn đề rắc rối chính là có ba bốn cha dòng Âutinh người bản quốc, nên phải có biện pháp xử lý đối với các cha này.

Sau khi đã đắn đo suy tính, và nếu Đức Thánh Cha chấp thuận thì các cha bản quốc này cũng sẽ phải qua Ý hoặc vào dòng Đaminh và tuyên khấn trong dòng này. Nếu như muốn ở bậc linh mục triều thì phải tuân phục vị đại diện hoặc quyền đại diện Tông tòa với những nghĩa vụ và bổn phận như một linh mục triều bình thường. Cha bí thư Antonello đã tường trình lên Đức Thánh Cha trong buổi triều yết ngày 7.8.1757 và Đức Thánh Cha đã châu phê quyết định này của Thánh bộ".

Bùi Đức Sinh, Đaminh trên đất Việt, I, tr 83-84


TRÍCH THƯ CHA JUAN DE SANTA CRUZ OP - 1706

"Cha bề trên địa phận Francois Deydier ở Phố Hiến thấy chúng tôi nhiệt thành với sứ mạng, nên đã trao cho chúng tôi 40 làng thuộc tỉnh Đông và tỉnh Nam, để chúng tôi hoạt động, chứ không dành tỉnh Nghệ An như đã định trước. Các làng chúng tôi phụ trách rất khó đi lại và khó hoạt động lắm, vì cách xa nhau quá nên chẳng ai muốn nhận, chỉ có chúng tôi bằng lòng nhận vì đức vâng phục và vì các linh hồn mà thôi.

Khu vực của chúng tôi đất đai rộng, nhưng ít bổn đạo và rất nghèo, đến độ không có làng nào đủ sức làm được cho chúng tôi một căn nhà, nên chúng tôi phải ở dưới thuyền đã mấy năm trời. Chúng tôi phải tốn phí nhiều tiền để sắm thuyền lớn mới có thể dâng Thánh Lễ và làm các phép Bí tích như rửa tội, giải tội. Nhờ có nhiều sông ngòi, thuyền chúng tôi có thể đi khắp miền truyền giáo của chúng tôi trong tám ngày. Sống và hoạt động như thế rất nguy hiểm, vì mưa bão xứ này lớn và mạnh lắm, lại còn liều mình lọt vào tay trộm cướp thường uy hiếp những thuyền đậu hai bên bờ ban đêm. Chúng tôi đã lập được họ Mân Côi trong nhiều làng thuộc khu vực của dòng và của các cha triều người Việt nữa, và chính tôi đã lập họ này ở Thăng Long, quen gọi là Kẻ Chợ"...

"... Mùa đông, thuyền trống trải, gió lùa khắp nơi làm chúng tôi phải chịu rét. Đã mấy năm nay, mùa đông nào tôi cũng bị cảm cúm, ho suyễn. Dù đau yếu như vậy, tôi vẫn không bỏ việc bổn phận. Nhiều đêm tôi đau quá không ngủ được, cứ ngồi từ tối đến sáng. Từ nhiều năm qua, tôi còn phải chứng đau mắt suốt hai, ba tháng liền, nhưng không vì thế mà tôi bỏ việc giảng dạy. Tôi làm việc suốt ngày, tiếp xúc với giáo dân cũng như lương dân, nhất là không bao giờ bỏ dâng Thánh Lễ. Chúng tôi dạy giáo dân tôn sùng kinh Mân Côi. Tối đến, họ hội họp nhau trong một nhà, tạm gọi là nguyện đường, để đọc kinh chung, lần hạt đủ một tràng trăm rưởi, rồi thêm nửa giờ suy gẫm. Nếu chúng tôi không bận ngồi tòa giải tội, chúng tôi cũng đọc kinh chung với họ..."

Bùi Đức Sinh, Đaminh trên đất Việt q.I, tr 39-41


CÁC SÁCH CỦA CHA JUAN SANTA CRUZ

Để giúp giáo dân thêm lòng đạo, cha Juan đã dịch ra tiếng Việt một kinh của thánh Âutinh, tức kinh Tôi lạy Mình Thánh Đức Chúa Giêsu, kinh này được giáo dân quen đọc trong Thánh Lễ sau khi dâng Mình và Máu Chúa.

Cha còn soạn ra hai kinh ngợi khen và tạ ơn Mình Thánh Chúa để đọc trước và sau rước lễ. Cha cũng dịch 15 ngắm kinh Mân Côi, kinh Sáng Danh, nhiều kinh về Chúa Giêsu và Đức Mẹ mà cha đáng kính Luis de Granada đã soạn. Và sau đây là những tác phẩm cha Juan đã viết bằng tiếng Việt:

1- "Sách dạy cách xưng tội cùng cắt nghĩa mười điều răn đạo đức Chúa Lời".

2- "Sách truyện bà thánh Rosa de Lima về Dòng ta".

3- "Sách dạy kính thờ những mẫu ảnh thánh", trong sách này tác giả nói đến ảnh thánh Đaminh hay làm phép lạ.

4- "Sách Vườn hoa", gồm ba quyển nói về kinh Mân Côi, kể ra nhiều tích truyện và các ân xá của họ Mân Côi.

5- "Sách dạy về cội rễ trời đất nhân vật", trong đó tác giả phê bình sự thờ thần dối trá.

6- "Sách kinh toàn niên", đây là cuốn sách do các cha dòng Tên đã viết bằng chữ Hán, cha Juan dịch sang chữ Nôm.

7- "Tập học chữ Nho, gồm hai tập, mỗi tập có 1000 chữ, tác giả phải mất ba năm để thực hiện,

8- "Sách nói về mầu nhiệm Mình Thánh Chúa" : 15 bài giảng.

Cha Lezoli cũng xuất bản được ba cuốn : Sách gương tội, Sách sửa lưỡi và Sách hối tội.

Sử Ký Địa Phận Trung, Phú Nhai 1916, tr 26


ĐÁM TÁNG ĐỨC CHA BÁ ĐA LỘC

Trong cuộc chiếm đánh thành Qui Nhơn, hoàng tử Cảnh và đức cha Bá Đa Lộc đều có mặt. Nhưng đức cha lâm bệnh nặng và qua đời tại Diên Khánh ngày 9-10-1799.

Đám tang đức cha Bá Đa Lộc rất long trọng. Xác được ướp bằng các chất thuốc thơm và đặt trong quan tài rất đẹp bằng gỗ quí. Người ta quàn vào một nơi trang trọng trong tòa giám mục ở Thị Nghè luôn hai tháng, để lo liệu mọi lễ nghi cần thiết cho việc quốc táng. Giáo dân tham dự rất đông. Các quan mặc lễ phục chỉnh tề, chúa Nguyễn tỏ ra rất xúc động, hàng giáo sĩ không thiếu một ai. Thái hậu, hoàng hậu và các cung tần cũng đi ra tới mộ, đó là một điều lạ chưa từng có. Đạo cận vệ của Nguyễn Vương gồm 12.000 người võ trang rất trang nghiêm được sử dụng cho thêm phần long trọng, kế tiếp là đạo tượng binh trên 100 thớt, dưới sự điều khiển của thế tử Cảnh. Người ta cho kéo nhiều khẩu đại bác theo sau.

Đám tang đi từ Thị Nghè, bắt đầu từ 1 giờ đêm đến 9 giờ sáng mới tới huyệt. Tám chục người khiêng chiếc kiệu hết sức lộng lẫy, trong đó có quan tài. Số người đi đưa khoảng 50.000 chật cả đường sá, không kể những người đi xem. Các lễ nghi công giáo được cử hành đầy đủ. Trước khi hạ huyệt, Nguyễn vương đọc bài điếu văn nhắc nhớ công ơn của vị giám mục, ly biệt người bạn chí thân. Mộ của đức cha là một khu vườn nhỏ thuộc tòa giám mục bấy giờ, nay gọi là "Lăng Cha Cả". Chúa Nguyễn cho dựng một ngôi đền lợp ngói, vách gỗ, cột lớn bằng gỗ quí. Kiến trúc do một họa sĩ Pháp dựng lên. Đến sau, chúa còn cho 50 lính canh phòng ngày đêm cẩn mật. Trong đền dựng một tấm bia đá lớn với những lời ghi chép sự nghiệp của đức giám mục đối với nhà Nguyễn.

(Xem L.E. Louvet, La Cochinchine Religieuse, Q.I, tr. 476-481.)


SẤM TRUYỀN CA CỦA LỮ-Y ĐOAN (1670)

Lời tựa Phan văn Cận : "Thày cả này đã trở lại đạo từ nhỏ và đã làm thày giảng giúp địa phận Đàng Trong, thày tinh thông chữ nho thuộc nhiều Tứ Thư Ngũ Kinh. Thày làm sách này cho hạng văn nho đọc để biết rõ đạo Chúa Giêsu... Sách này của thày bị nhiều thày cả tây hổi đó không ưng, vì nói lai sách đạo Nho và đạo Phật, nhưng bổn đạo lại ưa và chép lại để đọc..."

GIACÓP

... Lẹ làng điểm huyệt cho xong
Gia Cước té xuống nhưng không chịu hàng...

SARA và ABRAHAM

Xuân Lài buồn việc không con
Hữu tam bất hiếu, gọi chồng thở than...

Nhưng về sau :

Ích Manh, Y Giác một nhà
một cha khác mẹ, thuận hòa yêu thương
Xuân Lài có dạ hờn ghen
Xúi chồng "Hãy đuổi kẻo phiền mai sau"
Ích Manh thừa kế làm sao
Vì rằng : mẹ nó, nàng hầu mà thôi

ISAAC TÌM VỢ

Đây rồi giai ngẫu thiên thành
Thế là lão bộc tới gần hỏi han
"Dám nào cho biết quí danh
Đêm nay xin trọ, gia trang thế nào"
Tiếng oanh đáp lại ngọt ngào
Tôi là Lan Bạch tuổi đầu đôi mươi
Bổ Tuân thân phụ của tôi
Cũng là cháu nội Mã Khôi vùng này"...

Lão bộc cảm tạ theo sau
Tới nơi gia chủ tiếp vào gia trang
Lạc đà và các tùng nhân
Nơi ăn chốn ở sẵn sàng nghỉ ngơi.
Hàn huyên trao đổi rộn lời
Cỗ bàn đã dọn chủ mời dằn tâm
Lão bộc từ tốn phân trần
"Trước khi cầm đũa tôi cần trình qua"...

GIUSE GIẢI MỘNG

Nhìn ra trời đã hừng đông
Vua bèn triệu tập hội đồng bói khoa
Những nhà thuật số huyền gia
Chiêm tinh đoán mộng cả và Giếp-Tô
Nhà vua thuật lại mộng cô
Yêu cầu giải đoán cân đo tượng điềm
Tung ra dịch tượng, quẻ kiền
Lục hào, thái ất, cửa huyền, đạo gia

CHUYỆN ÔNG LÓT

Thấy cơn tàn phá hãi hùng
Tiểu thành Lộc bỏ chạy cùng hai con
Chui vào hang đá trên non
Buồn thì uống rượu quên cơn kinh hoàng
Đêm nằm mộng thấy giàu sang
Được vua kêu gả một nàng mỹ nhân
Vu sơn đùa cợt gió trăng
Sáng ra uống rượu tâm can đỡ sầu
Mộng về lại thấy đêm sau
Có nàng công chúa theo hầu một bên
Hết lời ân ái trao duyên
Mây mưa chốc đã bên thềm trăng lên
Giựt mình thấy cảnh buồn thêm
Thành xưa cao lớn hóa miền hoang vu.


HỘI NHẬP VĂN HÓA GHVN THỜI ĐẦU

1. Xử dụng những hình thức trang hoàng

Các tín hữu thời đầu đã tận dụng những hình thức địa phương trong các cuộc rước kiệu, như : đó bát bửu, kiệu bát cong, chiêng trống, ban bát âm, lọng vàng, lọng xanh, cặp tàn, phương du, thanh la não bạt, sơn son thếp vàng...

2. Văn nghệ bình dân

Ngay từ thời đầu đã có khá nhiều các "vãn, vè, truyện, tuồng"

Các vãn dâng hoa "lục bát" với âm điệu quan họ và chầu văn.

Các cung kinh :

  • Tế hoa : theo cung xướng tại triều đình

  • Kinh cầu chữ rất gần với cung xướng tế của chùa đình

  • Cung ngắm "15 sự thương khó"

  • Cung vãn lâm khốc trong ngắm "5 sự thương" kinh mân Côi, kinh cầu chịu nạn và ngắm nguyện thứ sáu tuần thánh...