Xin hãy giúp con biết tha thứ

 

 

Xin hãy giúp con biết tha thứ

Cv 7, 55-60; Kh 22,12-14, 16-17; Ga 17,20-26

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thư quý vị,

Xin hãy giúp con biết tha thứNhững ngày Chúa Nhật sau Phục Sinh, các bài đọc I được trích từ sách Công vụ Tông đồ, và bài đọc II lấy từ sách Khải Huyền. Chúng ta không mấy khi nghe giảng về những cuốn sách này (thú thực tôi hiếm khi giảng về sách này), vì thế, những tuần qua tôi có dịp suy ngẫm về sách Khải Huyền. Hơn nữa, đây là Chúa nhật cuối cùng chúng ta nghe sách Công vụ Tông đồ, tôi nghĩ đây là thời rất thích hợp để tập trung về quyển sách này. Vì vậy, tôi quyết định sẽ giảng về sách Công vụ Tông đồ vào ngày Chúa Nhật này và cũng khuyến khích những vị khác cũng giảng như thế.

Trong bài đọc sách Công vụ Tông đồ hôm nay, có hai nhân vật nổi bật là ông Stêphanô – vị tử đạo tiên khởi và “một thanh niên tên là Saolô”. Quả là rất ngạc nhiên khi chúng ta nhận thấy rằng vị tông đồ vĩ đại Phaolô lại đồng lõa trong cái chết của Stêphanô. Giữa đám đông, ông Saolô không chỉ đồng tình ném đá Stêphanô, mà các chứng nhân còn “trải áo mình dưới chân” ông. Thánh Luca tiếp tục nói với chúng ta về ông Saolô như một kẻ bách hại những Kitô hữu, “Ông Saolô vẫn còn hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa” (x. Cv 9,1-2).

Dường như thánh Luca, tác giả sách Công vụ Tông đồ, đang chuẩn bị một tình huống cho sự hoán cải đặc biệt của ông Saolô bằng cách nhấn mạnh sự thay đổi đó quan trọng như thế nào, đó là từ việc rất mực đồng tình lên án ông Stêphanô, rồi sau đó lại trở thành một người bảo hộ sáng giá và là người khởi xướng đức tin cho dân ngoại. Thật là một sự diễu cợt đầy mỉa mai trong lời tường thuật ngắn gọn về ông Saolô. Bởi vì, những đọc giả Kitô hữu rất đỗi ngạc nhiên về ân sủng mà ông Saolô nhận được. Chính ân sủng đó đã đưa ông Saolô tới một đức tin mãnh liệt đến nỗi sẵn sàng chết cho niềm tin ấy, và ân sủng đó thể hiện rõ nét nhất nơi ông Stêphanô, bởi lẽ ông là một vị anh hùng tử đạo đầu tiên trong số những vị tử đạo.

Luôn có đó một ân sủng làm biến đổi như thế dành cho mỗi chúng ta. Dù chúng ta đang ở đâu, ân sủng ấy cũng giải phóng và làm đổi hướng cuộc đời của ta, như chính Phaolô đã trải qua. Thánh Luca cho thấy ân sủng mãnh liệt của Thiên Chúa không loại trừ bất kỳ ai; không người nào cứ bị mắc kẹt hoài trong lỗi lầm như thế, hoặc tự hủy hoại chính lối sống của mình, mà ân sủng lại không vực họ dậy và đặt họ trên lối đi vững chắc của đời sống mới trong Đức Kitô.

Bài Tin Mừng của chúng ta ngày hôm nay tiếp tục với diễn từ ly biệt của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly. Thánh Gioan diễn tả một trình thuật được xây dựng cẩn thận và thấu đáo về những lời sau cùng của Đức Giêsu. Trong Công vụ Tông đồ, chúng ta cũng có một loạt về “diễn từ sau cùng”, đó là khi chúng ta nghe lời cầu nguyện của Stêphanô lúc ngài hấp hối: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con”. Theo cách thức Thầy của mình, vị Thầy mà từ trên thập giá đã cầu xin cho những người hành hình mình, ông Stêphanô đã cầu xin cho những người ném đá mình: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” – sau đó ông tắt thở. Hoặc có thể nói là, “ông an nghỉ”, nghĩa là ông Stêphanô không chết vĩnh viễn mà sẽ chỗi dậy, như những chứng nhân trung thành làm chứng cho Chúa.

Điều gì đã khiến ông Stêphanô phải nhận một kết cục chết người như thế? Sách Công vụ Tông đồ cho ta biết về cuộc đời gương mẫu của thánh Stêphanô. Stêphanô là “một người được đầy ân sủng, quyền năng và đầy Thánh Thần” (x.Cv 6,5.8), ông là một người can đảm rao giảng Tin Mừng. Hơn nữa, khi đứng trước các nhà cầm quyền, ông không hề nín lặng. Thậm chí họ còn lôi ông ra trước Thượng Hội Đồng Dothái, nhưng ông vẫn không ngừng nói về Chúa Kitô. Khi phát biểu trước hội đồng, ông Stêphanô tóm lược lịch sử của Israel và cáo buộc họ vì đã từ chối các sứ giả của Thiên Chúa. Ông kết luận rằng, từ đây trở đi, những người thờ phượng đích thực sẽ lắng nghe sứ giả của Thiên Chúa bên ngoài Đền thờ.

Làm sao Thượng Hội Đồng Dothái không tức điên trước lời chỉ trích của ông Stêphanô nhằm vào đức tin của họ, và việc ông không nhận Đền thờ như một trung tâm thờ phượng duy nhất? Họ buộc ông tội nói phạm thượng và kết án ném đá ông cho đến chết. Sự kiện đó nằm trong câu chuyện của bài đọc hôm nay, trích từ trình thuật trong sách Công vụ Tông đồ. Nếu chúng ta ở cạnh bên thánh Stêphanô sắp bị xử tử, cũng như Chúa Giêsu bị xét xử ở ngoài thành. Những gì Đức Giêsu đã cảnh về các môn đệ của Người sẽ bị phân tán vì đã làm chứng cho Người và sẽ bị bách hại cũng như bị giết chết vì đức tin của mình, nay đã được ứng nghiệm nơi lòng trung tín của ông Stêphanô. Qua Đức Giêsu, ông Stêphanô và Phaolô, chúng ta có được một lời chứng hùng hồn cho Giáo hội, một Giáo hội đã khởi sự và phát triển như ngày nay nhờ máu của các thánh tử đạo.

Lời tuyên tín của ông Stêphanô vào Chúa Giêsu vẫn còn tiếp diễn vì ông đã làm chứng về thị kiến thấy Đức Giêsu được tôn vinh là Chúa và Người ngự bên hữu Thiên Chúa. Nói cách khác, ông muốn nói rằng hãy vâng phục Chúa Giêsu như vâng phục Thiên Chúa Cha vậy. Khi thực hiện điều đó trước Thượng Hội Đồng Dothái, ông Stêphanô một lần nữa lại tuyên bố việc tuân theo luật Môisê đã qua rồi, đồng thời xác quyết rằng Chúa Giêsu đã ban cho ta một giao ước mới và giao ước đó trường tồn. Những điều đó đã khiến cho người nghe không thể chấp nhận được và vì thế đã ném đá ông cho đến chết.

Trong khi kể cho chúng ta về cái chết và những lời trăng trối của ông Stêphanô, thánh Luca cũng muốn biến chúng ta thành những nhân chứng. Thánh sử không chỉ trình bày cho chúng ta về mẫu gương của vị tử đạo tiên khởi, mà còn cho đưa ra một thách đố nữa. Liệu Chúng ta có phải là một trong những nhân chứng đang bịt tai, che mắt trước những điều ông Stêphanô đang nói và đang làm không? Hay là chúng ta sẽ nói những lời dễ nghe và bắt chước tinh thần tha thứ của ông Stêphanô? Ông Stêphanô thực hiện cách cụ thể và rõ ràng lời dạy quan trọng của Chúa Giêsu về sự tha thứ, trong những hoàn cảnh bi đát nhất của cuộc đời.

Vâng theo lời dạy của Chúa Giêsu và noi theo tấm gương của vị tử đạo tiên khởi, liệu chúng ta có sửa mình để thực sự tha thứ trong những việc lớn nhỏ hằng ngày không? Chúng ta liệu có cầu nguyện cho chính người đã làm tổn thương ta hay không? Hay chúng ta tiếp tục cố chấp và tiếp tục hận thù, oán giận và bực bội? Chúng ta không chỉ thực thi lòng tha thứ ở mức độ cá nhân, nhưng cả Giáo hội và mọi Kitô hữu đều phải làm như thế, chẳng hạn như: thực hành tha thứ giữa những tín hữu của các giáo hội Kitô anh em, mà chúng ta còn phải hướng đến những người Hồi Giáo, Dothái giáo, Ấn giáo, v.v…

Sức mạnh của việc tha thứ đích thực nằm ngoài khả năng của chúng ta, nhưng tất nhiên không hoàn toàn có thể với Chúa Kitô, Đấng ban cho chúng ta ân sủng như một món quà của việc tha thứ cách vô điều kiện, vì ông Stêphanô đã làm chứng cho chúng ta. Hôm nay, chúng ta cùng dâng lên lời cầu nguyện của thánh Gioan trong lời kết của sách Khải Huyền. Thánh sử kết thúc sách thị kiến của mình bằng lời hứa và lời cầu nguyện. Đức Giêsu hứa: “Chẳng bao lâu nữa ta sẽ đến” và ông Gioan bày tỏ lời cầu nguyện sau cùng của chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến, xin hãy thay đổi trái tim con và làm cho trái tim con đầy sức mạnh của sự tha thứ. Xin hãy giúp con thực hành điều tha thứ đó trong việc lớn nhỏ hằng ngày – ở nhà, nơi làm việc, lúc nghỉ ngơi – cũng như trong tình cảm và suy nghĩ. Xin hãy giúp con tha thứ vô điều kiện như Ngài đã tha thứ cho con. Những gì con không thể làm được thì xin Ngài hãy làm cho con. Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài ngự đến!”

Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

 

 

 

Trả lời