Vị ngôn sứ của niềm hy vọng

Vị ngôn sứ của niềm hy vọng

Is 42, 1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mc 1,7-11

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Vị ngôn sứ của niềm hy vọngChúng ta không nên đi ngay vào bài Tin Mừng. Những nhà giảng thuyết, những người lo thánh ca và tổ chức phụng vụ thường đặt câu hỏi: “Đoạn Tin Mừng hôm nay nói gì?”. Rồi, người ta mới bắt tay vào chuẩn bị cho việc giảng thuyết và phượng tự. Vì thế, chúng ta cần dừng lại, thay vì tìm hiểu ngay đoạn Tin Mừng. Bài trích sách ngôn sứ Isaia, không gì khác hơn là bằng hình ảnh đầy thi vị và cảm xúc nhẹ nhàng, gây ra cho chúng ta sự chú ý.

Rất nhiều bản văn Kinh thánh sử dụng sức mạnh của ngôn ngữ để lôi cuốn chúng ta. Sự tưởng tượng khích lệ mạnh mẽ đối với những ai mất niềm hy vọng và không thấy tương lai. Văn chương mạnh mẽ có thể khuấy động trí tưởng tượng, thúc đẩy năng lực sống trong chúng ta và đem đến cho chúng ta niềm hy vọng. Đây chính là ý hướng của sách ngôn sứ Isaia trong bài đọc hôm nay.

Bản văn của chúng ta là Bài ca thứ nhất trong số bốn Bài ca về Người Tôi Trung của sách ngôn sứ Isaia (40-55). Mỗi bài ca đều phác hoạ những bức tranh có những điểm tương đồng trong các sách Tin Mừng. Được gọi là những “bài ca”, bởi vì chúng mang đậm phẩm chất thi phú và cho phép chúng ta có thể cân nhắc có dám tưởng tượng hay không. Nếu thuộc vào loại người chỉ muốn sự chính xác và dữ kiện, thì hẳn chúng ta sẽ thất vọng khi nghe lời ngôn sứ. Trực giác đầu tiên của chúng ta có thể là hỏi: “Vị ngôn sứ đưa ra cho chúng ta người tôi trung này, chính xác là ai vậy?”.

Không dễ để trả lời câu hỏi đó. Người tôi trung này là vị trung gian được gọi để kiện toàn ý định của Thiên Chúa. Người tôi trung đó có thể chính là ngôn sứ, được Thiên Chúa trao cho sứ vụ phát ngôn cho một đất nước lưu vong đang thất vọng và nản chí – “cây lau bị dập và tim đèn leo loét”. Người tôi tớ có thể là dân Israel của Thiên Chúa. Một dân tộc được gọi là ánh sáng cho muôn dân và đưa muôn dân đến với Thiên Chúa. Hãy tưởng tượng các sự việc mà những dân lưu đày này có thể nghe và nhìn thấy thông qua những lời nói của vị ngôn sứ. Bây giờ, họ có thể bị đánh đập và bị khuất phục, nhưng Thiên Chúa hứa sẽ làm cho họ trỗi dậy. Sau này, họ sẽ trở thành khí cụ của Thiên Chúa để làm cho mọi sự trong thế gian đi vào trật tự. Họ sẽ chăm sóc cho những người yếu đuối nhất. Họ sẽ lôi kéo những người khác đến với Thiên Chúa bởi vì người ta sẽ lấy làm kinh ngạc là làm sao một dân bị đánh bại lại có thể được thay đổi và trỗi dậy như vậy. Họ  sẽ phải kết luận rằng: chỉ có Thiên Chúa của Israel mới có thể làm được như vậy.”

Vấn đề chính có thể không phải căn cước của người tôi tớ. Điều rõ ràng ở đây là người được tuyển chọn thi hành thánh ý Thiên Chúa, chứ không phô trương  quyền lực hay sức mạnh của cánh tay. Đúng hơn người tôi tớ có lòng nhân hậu, nhận biết nhu cầu của những người yếu đuối. “Cây sậy bị giập, người không đành bẻ gẫy.” Bên cạnh hình ảnh của người tôi tớ nhân hậu, chúng ta phần nào có thể nghiệm ra bản tính của Thiên Chúa, Đấng tuyển chọn và sai người tôi tớ đến với những người nghèo khổ và thiếu thốn.

Khi mà các chính phủ và những nhà lãnh đạo chịu tác động bởi những người có thế lực và những người hậu thuẫn cho các đảng phái chính trị, thì người tôi tớ của Thiên Chúa chú tâm đến tiếng kêu than của những người bị giam cầm và đang trong ngục tối. Thế giới đánh giá những lãnh đạo vĩ đại qua những cuộc chinh phạt và những chiến công. Chắc chắn trong lần bầu cử tới đây, chẳng ai lên mục diễn thuyết, hứa lưu tâm đến “cây sậy bị giập” và không dập tắt “tim đèn còn leo loét”. 

Cách thức lãnh đạo mà người tôi trung thể hiện không yếu đuối, hèn nhát, cho dù người quan tâm đến những kẻ bị tổn thương nhất. Đây chính là người tôi tớ của Thiên Chúa và Thiên Chúa đã làm cho người tôi trung trở thành dấu chỉ Giao Ước của Người với dân tộc. Mục đích của Người là thiết lập công lý. Người tôi tớ hiền hậu, nhưng không yếu nhược hay dễ dàng rời bỏ nhiệm vụ Thiên Chúa uỷ thác.

Ngôn sứ Isaia nói về niềm hy vọng ngay giữa những khủng hoảng của dân tộc. Trong hoàn cảnh này, dân Israel  đặt ra những vấn nạn giống như chúng ta khi đối diện với những khó khăn thử thách của ngày hôm nay. Trong vùng đất người Babylon lan tràn những tượng thần, Thiên Chúa của Israel liệu có phải là Thiên Chúa chân thật hay không? Họ tự hỏi liệu rằng Thiên Chúa của họ có mạnh mẽ hơn các thần của người Babylon hay không?  Và câu hỏi này rất quan trọng đối với dân bị lưu đày: Liệu Thiên Chúa có quyền năng bảo vệ họ hay không? Nếu vậy, quyền năng ấy có thể được sử dụng như thế nào để mưu ích cho dân tộc?

Bởi vì dân riêng của Thiên Chúa đang phải chịu cảnh nô lệ và đau khổ, không chỉ về mặt thể lý mà còn cả về mặt tinh thần, thì liệu rằng họ có còn mong chờ Thiên Chúa đến, giang cánh tay mạnh mẽ của Người để dẹp tan quân thù và nâng cao con cái Israel bị đè nén hay không? Trong những thời điểm vô cùng khó khăn, chúng ta có thể hỏi những câu hỏi tượng tự như dân Israel xưa: Khi nào Thiên Chúa sẽ làm một điều gì đó cho chúng ta? Khi nào Thiên Chúa sẽ thực hiện một bước tiến quan trọng và quyết định vì lợi ích của chúng ta?

Qua những Bài ca về Người tôi trung, dân Israel và cả chúng ta nữa, hiểu được cách thức Thiên Chúa đáp lại lời kêu cầu của chúng ta trong sự mỏng manh, yếu nhược. Thiên Chúa sẽ gửi  người tôi tớ đến – người không đành bẻ gãy cây lau bị giập và không nỡ tắt đi tim đèn còn leo loét. Thêm nữa, người tôi trung sẽ kiên trì với sứ vụ của mình cho dù  gặp phải nhiều chống đối. 

Ngày hôm nay, Đức Giêsu bước xuống dòng nước thanh tẩy của Gioan và Thiên Chúa đã chứng thực: Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến, Đấng dân chúng đã mong mỏi được trông thấy. Người không phải là giải pháp quyền lực và cấp thời đối với những vấn đề trước mắt. Người hiền hậu, tận tâm và sẽ thực hiện mục đích của Người dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của Thiên Chúa và sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Người tôi tớ sẽ bị khước từ, nhưng vẫn luôn tín thác vào thánh ý của Thiên Chúa.

Chúng ta được liên kết với Đức Giêsu qua bí tích Thanh Tẩy. Đây không chỉ đơn thuần là nghi thức gia nhập Giáo Hội. Đó là bước đầu tiên tiến vào mầu nhiệm sự sống, cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Cùng với Đức Kitô, nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta là những tôi tớ của Thiên Chúa. Những Bài ca về Người Tôi Trung không chỉ nói về Đức Kitô, nhưng còn nhắm đến căn tính mà mỗi người chúng ta có qua ơn kêu gọi với tư cách là những người đã được rửa tội.

Lúc này đây, chúng ta là những người được kêu gọi để trở nên một người tôi tớ nhân hậu nói lời hy vọng cho những ai mất niềm hy vọng. Bây giờ chúng ta có thể liên kết với họ trong cuộc chiến đấu cho công lý và tự do. Đây là cách thức Đức Giêsu liên kết với chúng ta khi ngài bước vào dòng nước. Giờ đây, quyền năng Thiên Chúa được biểu lộ qua sự hiện diện gắn bó của chúng ta với những người được Đức Giêsu ghi dấu bằng bí tích Thánh Tẩy của Người: Cây lau bị giập, tim đèn leo loét là những người đang kêu đòi công lý. Bằng lời nói và cung cách sống, chúng ta phải trở nên là “ánh sáng muôn dân”, những người được kêu gọi để mở đôi mắt cho người mù lòa  và giải thoát cho kẻ bị tù đày.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Trả lời