Tử đạo chính là sống đạo

 

Tử đạo chính là sống đạoThế nào thì được gọi là Tử Đạo? Thưa, đó là những người tin vào Chúa Giêsu,  trung thành theo Chúa Giêsu, sẵn sàng chịu bắt bớ tù đày, chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt, dẫu cho đó là cái chết, chỉ vì không từ bỏ niềm tin của mình.

Có rất nhiều hình phạt dành cho những vị tử đạo. Nào là bị gông cùm, xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói. Nặng hơn thì bị voi dầy, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Tàn bạo hơn là bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc bị thiêu sống. Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (một hình thức phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt)… cho tới chết, đúng như tác giả thư gửi tín hữu Do Thái mô tả “Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích, và bỏ tù,  họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm..”(x.Dt 11, 36-37)

Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cho biết, có khoảng vài trăm ngàn vị tử đạo, trong đó có 118 vị được chính thức tôn phong. Sự tôn phong, trước là để vinh danh đời sống đức tin của các vị, một đức tin mãnh liệt theo gương Thầy Giê-su, và sau là, để xem đó như những tấm gương mẫu mực cho mỗi chúng ta noi theo.

Các vị đã sống đức tin như thế nào? Thưa, các vị  đã dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”. Ba vị, linh mục Gioan Đạt, thừa sai Gagelin Kính và linh Mục Đặng Đình Viên, như là những minh chứng điển hình.

Chuyện kể rằng: linh mục Gioan Đạt, khi ngài vừa dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói: “Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều”. Với thừa sai Gagelin Kính ư! Vâng, ngài đã viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an.

Còn  linh mục Đặng Đình Viên thì sao? Thưa, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng. (trích: Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam – Lm PX. Đào Trung Hiệu. OP).

Có vị đã dám  đổi mạng sống mình để làm chứng cho chân lý và sự thật. Đó chính là người giáo dân mang tên  Phaolô Tống Viết Bường.

Chuyện kể rằng, khi nghe tin ông bị bắt nhiều giáo hữu đến thăm ông. Ông nói với họ: “Ðem cho tôi cái  gì nặng hơn nữa, vì xiềng xích của tôi còn nhẹ. Người ta chưa đánh đập tôi nhiều, tôi muốn người ta đánh tôi nhiều hơn nữa. Phúc được chịu khó vì Chúa.”. Những lời này cho thấy tâm trạng của người tù Phaolô Tống Viết Bường rất can trường, không chút sợ khổ hình vì Ðức Tin.

Đứng trước bạo quyền và bạo lực ai mà không sợ hãi! Đứng trước xiềng xích tù đày, ai mà không thối lui! Nhưng với Phaolô Tống Viết Bường thì nhờ “áo giáp đức tin” và “mũ chiến là niềm hy vọng”, ngài đã đánh bại tất cả, kể cả sự chết.

Thật vậy, khi đàn áp bằng đánh đập tàn nhẫn không có kết quả, các quan quay sang dụ dỗ. Ðích thân quan thượng thư Bộ Hình Võ Xuân Cẩn ra sức khuyến giục Tống Viết Bường nên chiều theo ý vua “bỏ đạo lúc này thôi rồi sau sẽ hay, muốn làm gì thì làm”. Tống Viết Bường trả lời khiêm tốn, nhưng cương quyết “Quan lớn có lòng thương thì tôi cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ trung với Chúa Trời”. (nguồn: internet)

Chỉ là phàm nhân yếu đuối, nhờ đâu mà các vị  có sức chịu đựng, chịu đựng cho đến chết? Thưa, đó chính là “nhờ đức tin”, tin rằng, với “Ơn của Chúa” đủ để cho các ngài vượt thắng sự bắt bớ, tù đày, chết chóc, để trở thành những “Martyr”, những Martyr  của niềm tin và tình yêu thương.

Có thể kết luận, rằng: các thánh tử đạo đã “tử đạo” bằng chính cách “sống đạo” của mình.

Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, điều đã được Đức Giêsu tiên báo trong những ngày Ngài còn tại thế, rằng: “Anh em hãy coi chừng… người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy”, nay vẫn tiếp tục xảy ra, nơi này nơi khác, cách này cách khác.

Ở Trung Đông, với nhóm ISIS quá khích, họ vẫn tạo ra những vụ khủng bố, bắt bớ, giết chóc đối với những ai là Ki-tô hữu.

Ở Trung Hoa lục địa… Vâng, cũng không khá hơn ở Trung Đông, tại đây, theo bản tin của RFI cho biết “Ngày 30/07/2015, các tín đồ Thiên Chúa giáo ở thành phố Ôn Châu, Chiết Giang, cho biết, chính quyền yêu cầu trong vài tuần lễ, tất cả các nhà thờ tại đây phải rút bỏ cây thánh giá.

Từ năm 2014 đến nay, chính quyền Trung Quốc đã bắt tháo gỡ hơn 1200 thánh giá tại các nhà thờ ở tỉnh này. Cộng đồng Thiên Chúa giáo tại Trung Quốc có khoảng một triệu tín đồ và Ôn Châu được coi như Jerusalem đối với tín đồ Thiên Chúa giáo Trung Quốc”. Đã có nhiều tín hữu Trung Quốc không sợ hãi dù bị bắt bớ, đánh đập. Họ vẫn “anh dũng tiến lên hy sinh” vì niềm tin và chân lý.

Sự bách hại vẫn còn xảy ra, cho đến ngày tận thế.  Đừng quên, Đức Giêsu đã chẳng nói rằng: “Kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22, 31).

Ngày nay, có thể chúng ta không phải chịu cảnh “máu đổ đầu rơi”. Có thể chúng ta không buộc phải phá nhà thờ. Nhưng có thể  và “đã” có thể chúng ta bị “sàng sảy” bởi những lời dụ dỗ mật ngọt rằng thì-là-mà cứ xây nhà thờ cho lớn, cho đẹp. Và rằng, cứ tổ chức những lễ Noel cho “hoành tráng”, nhưng cuối cùng những buổi lễ đó chẳng khác gì những lễ hội dân gian… theo “thói đời”

“Tử đạo”, với chúng ta hôm nay, không  phải  tử đạo giống như người xưa, nào là bị  chém đầu, phân thây, tùng xẻo v.v… nhưng đó là “sống đạo”.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự trung tín như thể là một món quà quý hiếm. Sự trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa như thể biến mất khỏi thế gian. Đúng như lời ngôn sứ Mi-kha nói: “Kẻ hiếu trung đã biệt dạng khỏi xứ, không còn người lương thiện chốn dương gian. Tất cả đều đợi dịp gây đổ máu, người này đặt lưới dò hãm hại người kia” (Mk 7, 2)

Thế nên, việc sống đạo hôm nay, không gì tốt hơn, đó là hãy sống một đời sống thường ngày, bằng một đời sống trung tín, trung tín với những lời thề hứa “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống muôn đời” chẳng hạn.

Chúng ta đang bước vào những tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ. Những tuần này,  phụng vụ Lời Chúa nhắc nhở chúng ta về ngày tận thế, và ngày quang lâm, ngày mà, như lời Đức Giê-su đã nói “mặt trời sẽ tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (x.Mc 13, 24-26)

Nhắc nhở điều này, không ngoài mục đích là để mỗi chúng ta  hãy sẵn sàng cho ngày phán xét, ngày mà Đức Giê-su, như một ông chủ đi xa, nay trở về, và hỏi chúng ta về những nén bạc đã được giao phó.

Nói một cách cụ thể, Đức Giê-su sẽ hỏi chúng ta, rằng: “… Xưa ta đói, các người đã cho ta ăn. Ta khát các ngươi đã cho uống. Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước.. Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng. Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”?

Nếu có, vâng, điều đó chứng minh chúng ta là những Ki-tô hữu thật sự “sống đạo”. Thật sự sống đạo suốt một đời người, tất nhiên, còn khó hơn chịu một cú “chém” đển trở thành người “tử đạo”. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi có người nói: Tử đạo ngày nay “chính là sống đạo”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời