Tôi tin Chúa Thánh Thần

Tôi tin Chúa Thánh Thần

Tôi tin Chúa Thánh Thần“Tôi tin Chúa Thánh Thần”. Vâng, đó là niềm tin không thể thiếu trong đời sống đức tin của một Ki-tô hữu. Chúa Thánh Thần là ai? Thưa, sách giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy.” 

Gần đây, khi nói về Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Người như sau: “Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: ‘Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.’ Chân lý đầu tiên mà chúng ta xác tín trong kinh Tin Kính, đó là: Chúa Thánh Thần chính là Kyrios, nghĩa là Chúa. Điều này có nghĩa là, Ngài là Thiên Chúa thật cũng như Chúa Cha và Chúa Con là Thiên Chúa… nhưng tôi muốn tập trung chính yếu vào sự kiện này là, Chúa Thánh Thần chính là nguồn mạch vô tận của sự sống Thiên Chúa trong chúng ta.”

Thật vậy. Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, qua những lời  giảng dạy, Ngài luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần, một Thánh Thần không chỉ là “nguồn mạch vô tận của sự sống Thiên Chúa”, mà còn là điều kiện tiên quyết để được tái sinh, một sự tái sinh hầu để nhận được ơn cứu độ – ơn được vào Nước Thiên Chúa.

Hồi đó, trong một lần nói chuyện về Nước Thiên Chúa với một người Do Thái tên là Ni-cô-đê-mô, Đức Giêsu đã tuyên bố rằng: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”. 

Muốn đón nhận ơn cứu độ, để được thấy Nước Thiên Chúa, để được vào Nước Thiên Chúa ư! Vâng, Đức Giêsu đã nói, “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên… Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3, 3…5) 

Không chỉ nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Giê-su còn cho các môn đệ của mình biết thêm về sứ mạng của Chúa Thánh Thần.

Sứ mạng của Chúa Thánh Thần là gì? Thưa, Đức Giê-su nói vói các môn đệ rằng, Ngài sẽ “sai Đấng ấy đến… Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính… Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 15, 8… 13).

Những lời truyền dạy đó đã được Đức Giê-su loan báo trong ngày lễ Vượt Qua, một ngày mà Ngài sẽ phải ra đi, ra đi chịu bắt bớ, chịu đánh đòn và chịu chết trên thập giá tại đồi Golgotha.

Vâng, có thể nói, đó là một buổi biệt ly sầu thảm giữa Ngài và các môn đệ. Nhìn thấy những xao xuyến của các ông, trước sự ra đi của mình, Đức Giêsu an ủi các môn đệ, rằng “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh  em luôn mãi”.

Và quả thật, ngay sau khi Ngài Phục Sinh. Hôm đó đúng “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”, Đức Giêsu đã hiện đến với các môn đệ trong một ngôi nhà “các cửa đều đóng kín”. 

Tại sao các cửa lại đóng kín? Thưa, vì lúc đó, dư âm  cuộc bách hại của Đức Giê-su vẫn còn âm ỉ. Là môn đệ của Người, nên, các ông “sợ người Do Thái” (Ga 20, …19). 

Hôm đó, đang lúc sự sợ hãi dâng lên cao độ, thì,  Đức Giêsu hiện đến. Sự hiện đến của Ngài đã đem đến cho các ông niềm vui, vui “vì được thấy Chúa”; còn nữa, vui vì được Đức Giê-su, Thầy của mình, chúc “Bình An”, và cuối cùng, đó là: vui vì được Ngài: “Thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).

Thổi hơi vào các ông và bảo các ông hãy nhận lấy Thánh Thần. Vâng, có thể nói, sự kiện này như một bằng chứng cho lời hứa mà Đức Giê-su đã hứa hôm Thầy và trò cùng mừng lễ Vượt Qua.

Hôm đó, Đức Giê-su hứa rằng: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em…” (x.Ga 16, 7)

Vâng, bốn mươi chín ngày sau, tính từ ngày đó, ngày Chúa Giêsu “thổi hơi” vào các ông, đó là  vào ngày Lễ Ngũ Tuần, “Đấng Bảo Trợ” đã thực sự đến với các môn đệ. Hôm đó, không ai có thể tưởng tượng được, trong khi các môn đệ “đang tề tựu ở một nơi”, kinh ngạc thay! “bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”. Các ông đã nhìn thấy “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Và như có một nguồn sống mới len lỏi vào tâm hồn các ông, mọi người đều cảm nhận rằng, mình đã “được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2, 4).  

Kinh Thánh ghi lại rằng, các môn đệ “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”. Vâng, một trong các ơn Chúa Thánh Thần đã ban cho các môn đệ, đó là: Các ông có thể “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”.

Hôm đó, thật không thể tin được “các dân thiên hạ” đã phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình”(Cv 2,6). Dù là : “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay ngưởi Ảrập”. Tất cả mọi người đếu được nghe các môn đệ : “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).

Thánh Thần Chúa còn ban cho các môn đệ “ơn can đảm”. Thật vậy, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô không còn nhát đảm, như trước đây đã nhát đảm  chối Thầy, thay vào đó là sự can đảm nói lên sự thật,  sự thật về một Thầy Giê-su, chính là người “Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và là Đấng Ki-tô” (x.Cv 2, …36). 

Chưa hết, hôm đó, nhờ ơn Thánh Thần Chúa, các tông đồ đã can đảm cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”.

Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. Thánh Thần Chúa đã tác động tâm hồn “khoảng ba ngàn người theo đạo”, cũng như sau này “cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được ơn cứu độ” (Cv 2,…47).

****

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Vâng, đây không phải là ơn dành riêng cho các tông đồ, mà cũng là ơn dành cho mỗi chúng ta, là những người Kitô hữu, hôm nay. Tuy nhiên, một Kitô hữu trưởng thành không chỉ nhận lấy Chúa Thánh Thần, là đủ, nhưng còn phải “đầy dẫy Chúa Thánh Thần”(Ep 5,18).

Tại sao? Thưa, bởi, khi đầy-dẫy-Chúa-Thánh-Thần chúng ta mới có thể “Sống theo Thần Khí”, mà nếu chưa sống theo Thần Khí, thánh Phao-lô nói, kẻ đó có khác gì là “trẻ nhỏ trong Đức Ki-tô”. Thế nên, ngoài việc nhận lấy Thánh Thần, đừng bao giờ biến mình là kẻ không-biết-mình có “đầy dẫy Chúa Thánh Thần” hay không?

 Làm sao để biết mình đầy dẫy Chúa Thánh Thần? Thưa, xem quả biết cây. Xưa, Đức Giê-su đã nói: “Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt” (x.Mt 7, 15-18).

Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Hãy xem cây-tâm-hồn của tôi sinh hóa trái gì? Nếu là những hoa trái “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy”; hãy coi chừng! Đó là dấu hiệu chúng ta “sống theo tính xác thịt”, không phải “sống theo Thần Khí”.

Đây, chúng hãy xem, những tín hữu Cô-rin-tô xưa, nơi cộng đồng của họ luôn có sự “ghen tương và cãi cọ” nên tông đồ Phao-lô đã gọi họ là “những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm”(x.1Cor 3, 3) Còn nếu cây-tâm-hồn của tôi sinh hóa trái “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”… Vâng, hãy tin, đó là lúc chúng ta đang “sống theo Thần Khí”.

Cho nên, dù đã được chịu “Bí Tích Thêm Sức”, dù đã “nhận được Thần Khí”, dù đã “khởi sự nhờ Thần Khí”… chúng ta còn phải “đầy dẫy Chúa Thánh Thần”, còn phải “sống theo Thần Khí”… Nếu không, nếu chúng ta sống theo tính xác thịt, “kết thúc nhờ xác thịt”… Vâng, chúng ta sẽ bị coi  là “ngu xuẩn”, là “uổng công”, theo lời Thánh Phao-lô đã nói như thế. (x.Gl 3, 3…4)

Vì thế, hãy tự hỏi, đã bao nhiêu lần tuyên xưng “tôi tin Chúa Thánh Thần” nhưng tôi đã thật sự nhận lấy Thánh Thần? Thật sự đầy dẫy Thánh Thần? Và thật sự “sống theo Thần Khí”?

*****

Có phần chắc, các Kitô hữu trưởng thành ai cũng đã chịu “Bí Tích Thêm Sức” và như vậy, chúng ta đã  “nhận lấy Chúa Thánh Thần”. Cho nên, đừng quên lời thánh Phaolô khuyên bảo, rằng “Hãy để Thần Khí đổi mới tâm trí  anh em” và “chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa”.

Vì thế, hãy tự hỏi, đã “nhận lấy Chúa Thánh Thần”, chúng ta có để cho “Thần Khí đổi mới tâm trí” chúng ta? Chúng ta có để cho “Thần Khí đổi mới”… đổi mới tính  “… chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ”? Chúng ta có để cho “Thần Khí đổi mới”… đổi mới lời ăn tiếng nói, không bao giờ “thốt ra những lời nói độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp để xây dựng và làm ích cho người nghe”? (x. Ep 4, 29)

Đã “nhận lấy Chúa Thánh Thần”, chúng ta sẽ không làm “phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa” khi được Người mời gọi “phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”? (x. Ep 4, 32) Vâng, câu trả lời dành cho mỗi chúng ta.

Thế nhưng, hãy tưởng tượng xem, nếu chúng ta đổi mới tính  “… chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ”, nếu chúng ta “… đổi mới lời ăn tiếng nói, không bao giờ “thốt ra những lời nói độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp để xây dựng và làm ích cho người nghe”, điều gì sẽ xảy ra?

Hãy thử tưởng tượng, nếu chúng ta “…đối xử tốt với nhau … có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau” điều gì sẽ xảy ra?

Thưa, đó là, cũng như các tông đồ xưa, chúng ta cũng làm cho các dân thiên hạ “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe”, không phải  nghe chúng ta nói “tiếng lạ”, nhưng là nghe chúng ta nói lên những tiếng nói của “Tình Yêu Thương”, một thứ tiếng đem đến sự “Hiệp Nhất”, một thứ tiếng chứng minh chúng ta đã “nhận lấy Chúa Thánh Thần” như có lời nói “Ở đâu có hiệp nhất ở đó có Chúa Thánh Thần”.

Nói cách khác, khi  chúng ta nói được tiếng nói của tình yêu thương, nói được tiếng nói đem đến sự hiệp nhất đó là lúc chúng ta “sống nhờ Thần Khí”. Thế nên, chúng ta còn cần nghe thêm một lời khuyên của thánh Phao-lô rằng “Hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước”.

Tại sao? Thưa, bởi, khi nhờ Thần Khí mà tiến bước, chúng ta mới có thể nhận ra “sự thật toàn vẹn”, một sự thật-thực, để nhận ra những dối trá lừa lọc, những gian dối bịp bợm nhan nhản quanh chúng ta, nhờ đó chúng ta mới có thể “hoàn thiện” việc nói lên những tiếng nói của “Tình Yêu Thương”, một thứ tiếng đem đến sự “Hiệp Nhất”, đúng nơi, đúng chỗ, đúng người,  đúng đối tượng.

Vâng, hôm nay, một lần nữa, chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúng ta sẽ cầu xin điều gì nơi Ngài? Có lẽ, nên chăng, cầu xin Ngài cho chúng ta sống vì sự thật, sống cho sự thật, sống tôn trọng sự thật?

Đức Giê-su, xưa kia, Ngài đã nói: “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta”. Thế nên, vâng, thật phải đạo khi chúng ta cầu xin Thánh Thần Chúa cho chúng ta ơn can đảm, can đảm để sống vì sự thật, sống cho sự thật, sống tôn trọng sự thật, bởi chỉ có như thế chúng ta mới không hổ thẹn khi cất tiếng tuyên xưng “Tôi tin Chúa Thánh Thần”.

Petrus.tran

Trả lời