Tôi phải nhỏ lại…

 

Tôi phải nhỏ lại…Người xưa có nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Mà thật vậy, ngày nay, khi cuộc sống có phần khá giả hơn, sung túc hơn, người ta thường nghĩ đến việc tổ chức tiệc tùng.  Đủ loại thứ tiệc được tổ chức, nào là tiệc mừng thọ, mừng thượng thọ, nào là tiệc ngân khánh hay kim khánh gì gì đó, và dường như, loại tiệc được tổ chức nhiều nhất, đó là tiệc sinh nhật.

Nói tới việc tổ chức tiệc sinh nhật, với giới trẻ ngày nay, đó là một sự kiện không thể thiếu trong cuộc đời. Này nhé! “sinh nhật” là một ngày  đánh dấu tôi có mặt ở thế gian này, cớ sao không vui, cớ sao không tổ chức tiệc mừng cho được!

Đức tin Công Giáo không ngăn cản việc chúng ta tổ chức mừng sinh nhật của mình. Miễn sao tổ chức bữa tiệc đó đừng quá phô trương, phí phạm.

Phụng Vụ Thánh Lễ cũng có ba ngày lễ mừng sinh nhật. Đó là Sinh Nhật của Đức Giê-su (25/12), sinh nhật của Đức Maria (8/9) và sinh nhật của Gio-an Tẩy Giả (24/6).

Tại sao Gio-an Tẩy Giả lại có ngày lễ mừng sinh nhật? Thưa, theo lời chia sẻ của Lm. Giu-se Nguyễn Hữu An, là bởi: “Cuộc đời và sứ mạng của Gio-an gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu, nên Giáo Hội có lý do để sắp đặt việc mừng sinh nhật  vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ”.

**

Vâng, sự kiện chào đời của Gio-an Tẩy Giả có thể nói là một sự kỳ diệu. Theo thánh sử Luca ghi lại, thì: ông Gio-an Tẩy Giả là con của ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, ông Dacaria có người vợ tên là Elisabeth, cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon.

Cha của ông Gio-an bị câm vì nghi ngờ lời truyền tin của Sứ Thần Chúa báo cho ông biết, rằng: “Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin, bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai, và ông phải đặt tên là Gio-an”.

Và, quả đúng như lời Sứ Thần truyền: “Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai”.

Cậu con trai đó, sau khi sinh được tám ngày, chịu phép cắt bì và được đặt tên là Gio-an, một tên gọi khiến cho mọi người hiện diện hôm đó phải ngỡ ngàng, ngỡ ngàng vì trong họ hàng của bà Ê-li-sa-bét không có ai tên đó cả.

Và, khi ông Dacaria viết tên Gio-an trên tấm bảng, tức thì miệng lưỡi ông được mở ra, ông hết câm và nói lại được như trước kia.

Vâng, đúng là mọi biến cố liên quan đến sự ra đời của Gio-an Tẩy Giả thật kỳ diệu, kỳ diệu đến nỗi: “Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: ‘Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và, thánh sử Luca ghi rằng: “Quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em” (x.Lc 1, 66).

Chưa hết, người cha là Dacaria, sau khi viết tên con mình, ông ta được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.” (Lc 1,76).

***

“…Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.” Vâng, đúng vậy, lời tiên tri của ông Dacaria đã ứng nghiệm. Tin Mừng thánh Luca cho chúng ta biết: sứ vụ của Gio-an Tẩy Giả được bắt đầu vào “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberio…”. Nhiệm vụ của ngài là “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Ông Gio-an Tẩy Giả còn lớn tiếng nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”

Rất nhiều người đến với ông Gioan Tẩy Giả, trong đó có cả Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su đã yêu cầu ông làm phép rửa cho mình.

Cũng có một số người là lính tráng đến với ông Gio-an. Họ đã hỏi ông đôi điều về việc làm thế nào để thực thi trách nhiệm của mình. Họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì?“ Ông Gio-an Tẩy Giả trả lời:  “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình” (x.Lc 3,14). Truyền thống cho biết, nhiều trong số những người lính này đã trở thành môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả.

Và đây, đây mới là điều đáng nói về Gio-an Tẩy Giả. Đó là sự trung thực, một người ngôn sứ trung thực dám sống cho sự thật và chết cho sự thật.

Để bảo vệ sự thật, Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên nhóm “thần quyền” giả hình Phariseu và Sa-đốc,  chỉ là một “Nòi rắn độc”. Và ông đã dám chết cho sự thật để ngăn cản một việc làm đáng xấu hổ của bạo chúa Hê-rô-đê.

Chuyện kể rằng: vị vua này là một hôn quân bạo chúa,  lấy vợ của anh mình là Hêrôđia. Vai trò ngôn sứ đã thúc đẩy ông ta lên tiếng cảnh cáo và ngăn cản nhà vua.

Việc đó đã đến tai Hêrôđia làm cho bà hết sức tức giận. Bà đã yêu cầu Hêrôđê bắt giam Gioan Tẩy Giả. Ông đã bị bắt giam nhưng bà ta vẫn chưa vừa lòng. Biết Gioan Tẩy Giả là một con người không thể mua chuộc cho nên bà luôn tìm dịp để giết ngài. Và rồi, nhân một lời thề hứa của Hê-rô-đê với con gái của mình, bà ta đã toại nguyện.

****

Gio-an Tẩy Giả đã chết sớm, nhưng đừng nghĩ rằng sứ vụ của ông  không hoành thành. Thật ra, ông đã hoàn thành sứ vụ sau khi làm phép rửa cho Đức Giê-su tại sông Gio-đan.  Ông đã hoàn thành sứ vụ, sau khi đã nói với các môn đệ của mình, khi nhìn thấy Đức Giê-su đi ngang qua: “Đây là Chiên Thiên Chúa”.

Đối với Thiên Chúa thành tích không quan trọng. Điều quan trọng, đó là thái độ sống. Thái độ sống của Gioan Tẩy Giả là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Vâng, đó là lý do vì sao Đức Giêsu đã nói về ông, rằng: “Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”(Lc 7, 28).

*****

Là một Ki-tô hữu, chúng ta cũng là một ngôn sứ của Thiên Chúa, như thánh Gio-an Tẩy Giả vị ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa.

Bởi vì, khi chịu Bí Tích Rửa Tội, chúng ta cũng được tham dự vào chức vụ  Ngôn sứ,  Tư tế và Vương đế của Chúa Kitô  theo cách thức riêng của mình.

Chúng ta, ngôn sứ của Chúa hôm nay, không cần phải làm những chuyện  to tát, kỳ vĩ như Thánh Gio-an Tẩy Giả đã làm khi xưa, nhưng, chỉ cần: “rao giảng bằng chính đời sống của mình trước mặt người đời chưa nhận biết Chúa để giúp họ nhận biết và tin yêu Chúa nhờ gương sống đức tin của mình”.

“Rao giảng bằng chính đời sống của mình”, là rao giảng như thế nào? Thưa, Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, có lời giải thích: “Nghĩa là, trong khi những người không có niềm tin, hay có mà không dám sống niềm tin ấy, nên họ ăn gian nói dối, cờ bạc , gian dâm, thay vợ đổi chồng, buôn bán gian lận, thù ghét người khác, phá thai , ly dị… thì người có niềm tin Chúa phải sống ngược lại với cách sống của những người vô đạo hay chối đạo kia,  để ‘họ thấy những việc tốt đẹp anh  em làm , mà tôn vinh Cha của anh  em, Đấng ngự trên Trời’,  như Chúa Giê su đã dạy các môn đệ xưa”.

Chúng ta hãy nghe thêm một lời khuyên nữa. Đó là  “…không phải bằng lời nói xuông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa”.(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Muốn có được tâm tình như thế, không gì tốt hơn là hãy noi gương thánh Gio-an Tẩy Giả: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

Thật vậy, chính tôi… “tôi phải nhỏ lại”.

Petrus.tran

Trả lời