Tôi muốn, anh sạch đi

Tôi muốn, anh sạch đi

Tôi muốn, anh sạch điNếu có ai hỏi, giữa cái chết và bệnh tật, nhất là bệnh nan y, cái nào đáng sợ hơn, bạn sẽ trả lời như thế nào? Với câu hỏi này, tại Pháp, trong 1.000 người đại diện các giới, từ 28 tuổi trở lên, đã có  54% người trả lời rằng, “sợ bệnh tật hơn là cái chết”.

Thật vậy, bệnh tật, nhất là những loại bệnh thuộc loại tứ chứng nan y: phong, lao, cổ, lại… thì quả là sống không bằng chết. Nếu chúng ta thử thăm viếng một vài bệnh nhân vướng phải những căn bệnh này, bệnh phong chẳng hạn, ta sẽ được nghe những tiếng rên xiết đau đớn của họ. Chưa hết, ta còn được nghe họ than thở về chi phí điều trị. Cuối cùng, ta còn thấy họ luôn mặc cảm vì bị ghẻ lạnh, kỳ thị, xa lánh.

Đối với bệnh phong, đúng là, xã hội thời xa xưa thường xa lánh và kỳ thị. Đã có thời người bệnh phong phải chịu  nhiều luật lệ khắt khe như thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Vì thế khi một ai đó mắc bệnh, chỉ có nước bỏ làng ra đi, ở lại cũng không ai chứa chấp, không ai dám bén mảng tới gần.

Do Thái giáo thời Cựu Ước cũng có luật lệ riêng cho những người bệnh phong hủi. Những luật lệ đó cũng không kém phần khắc nghiệt. Khắc nghiệt ngay từ “khâu chẩn bệnh”… Nếu một người bị nhọt, lác, đốm, ung, phỏng, lang ben, sói đầu v.v… mà các vết thương đó “cứ loang ra” trên cơ thể… “Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là bệnh phong” (Lêvi 13,7).

Một đạo luật đã được các Tư tế đặt ra : “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!”. Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại”(Lêvi 13, 45-46).

Nói chung, đối với xã hội thời xa xưa; cả ở phương Tây lẫn phương Đông, người bệnh phong hủi bị ghẻ lạnh, kỳ thị và xa lánh…

Ấy vậy mà… Vâng, vậy mà… có một người đã làm thay đổi một định kiến thâm căn cố đế như thế. Người đó đã coi họ là những kẻ đáng thương xót hơn là ghẻ lạnh, nên gần gũi hơn là xa lánh và nên cảm thông hơn là kỳ thị. Người đó chính là Đức Giêsu.

Chuyện kể rằng: Sau khi rời bỏ Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng. Khi Người và các môn đệ đang “từng bước từng bước thầm”, bất ngờ, có một người phong hủi đến gặp Người.

Vâng, không thể tin được về sự liều lĩnh của người phong hủi này. Tại sao? Thưa, vì, theo luật Do Thái thời bấy giờ, ít nhất, người phong hủi phải có một cái chuông… Để làm gì?  Thưa, để lắc vang lên báo hiệu rằng, có người hủi quanh đó. Hoặc phải la lên “ô uế! ô uế!” để mọi người tránh xa. Bởi vì đó là luật. Luật Lêvi.

Không biết nhóm môn đệ của Đức Giêsu có lẩm bẩm về sự thiếu tôn trọng và sự hiểu biết về luật của chàng cùi đó với nhau không. Nhưng có phần chắc, khi thấy bóng dáng chàng “cùi”, các môn đệ đã “lùi lại”.

Vâng, cũng đúng thôi. Lùi lại vì sợ lây bệnh và cũng vì  luật đã được các Rabbi dạy rằng “cấm không được đến gần người cùi trong khoảng cách một sải tay”. Vì thế, có thể tin, các môn đệ đã lùi lại để bảo vệ cho sức khỏe và sự thánh khiết của mình.   

Thế nhưng, với Đức Giêsu, Người không lùi lại. Người vẫn tiếp tục tiến về phía người phong hủi. Khoảng cách mỗi lúc một ngắn dần.

Khi cự ly giữa chàng cùi và Đức Giêsu không còn có thể ngắn hơn được  nữa, người ta thấy chàng cùi  bèn quỳ sụp xuống. Những lời van xin thống thiết của chàng ta được tuôn ra: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

“Nếu Ngài muốn”. Vâng, chúng ta có thể hình dung ra hình hài ghê tởm với tiếng kêu gào của chàng hủi thảm thiết đến mức nào. Còn Đức Giê-su thì sao! Thưa, đó là hình ảnh một Đức Giêsu động lòng thương xót.

Và Đức Giêsu đã thương xót. Ngài “đã muốn”, bởi khi nhìn thấy anh ta trong tình cảnh “chết còn hơn là sống cay cực” như thế này, Người đã “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi”.

Câu chuyện kể tiếp rằng “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”.

**

Đức Giê-su đã “giơ tay đụng vào anh ta”, đây là một cử chỉ, một hành động, rất dễ bị hiểu lầm là đã phá luật, luật tiếp xúc với người phong.  Đức Giê-su không phá luật, hãy nhìn xem, sau khi chữa lành chàng hủi, Đức Giêsu đã chẳng bảo chàng ta rằng “hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môse đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” đó sao!

Chữa cho chàng hủi này, Đức Giêsu chỉ cần phán một lời, như cách thức Ngài đã chữa lành một người con của vị quan cận thần ở Caphanaum, cũng được. Nhưng chủ ý của Ngài khi đặt tay lên chàng hủi là muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng : không có điều gì có thể ngăn cách con người với Thiên Chúa, kể cả tội lỗi, theo quan niệm Do Thái giáo: người hủi là người tội lỗi, nếu con người biết “đến mà biện luận” (Is 1, 18).

Đặt tay lên chàng hủi, Đức Giêsu đã kiện toàn một điều luật – luật yêu thương – một đạo luật cần thực hiện khi thực hiện “mục vụ giao hòa”, là đặt tay vào tội nhân, là nói với tội nhân, rằng: “cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

***

Ngày nay, bệnh phong, phong thể xác, hầu như đã được khống chế. Với nền y học tiên tiến hôm nay, với những loại thuốc đặc trị như Dapsone, Rifampicin và Clofazimine, bệnh nhân chỉ cần dùng liều thuốc này từ sáu tháng đến một năm hoặc có thể lâu hơn nữa, thì có thể khỏi bệnh.

Chính vì thế, số lượng người mắc phong hủi thể xác không còn là điều đáng quan ngại. Thế nhưng, là một Ki-tô hữu, điều chúng ta đáng quan ngại, đó là, số người phong hủi đức tin, đức cậy và đức mến ngày một tăng cao.

Sẽ có một số người hỏi, điều gì khiến chúng ta quan ngại?

Thì đây, cứ nhìn xem… cứ nhìn xem, tại khắp các học đường, hôm nay, đâu đâu chúng ta cũng nhìn thấy những con vi-khuẩn-dối-trá, những con vi-khuẩn-bịp-bợm, những con vi-khuẩn-chạy-theo-thành-tích, xuất hiện và tung hoành… Ai… ai dám phủ nhận, con em chúng ta sẽ không bị nhiễm những con vi khuẩn đó, để rồi dẫn đến “phung hủi tư cách, phung hủi tâm hồn”?

Hãy nhìn xem, ngoài xã hội, đi tới bất cứ đâu, chúng ta đều thấy những con vi-khuẩn-dâm-bôn, những con vi-khuẩn-say-sưa-chè-chén v.v… Ai… ai dám chắc là chúng ta không một lần bị nhiễm những con vi khuẩn đó! Ai dám chắc là chúng ta không một lần bị “phong-đức-ái cũng như đức trong sạch”?

Đó là chưa nói đến lãnh vực truyền thông, một thứ truyền thông vô thần, một loại truyền thông chỉ sản sinh những con vi-khuẩn-bịp-bợm, những con vi khuẩn nghi nan và  ngờ vực v.v… Ai… ai dám chắc là chúng ta không một lần bị nhiễm những con vi khuẩn đó! Ai dám chắc là chúng ta không một lần bị “phong-đức-tin cũng như đức-cậy”?

Y học có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì thế, không có lời khuyên nào tốt hơn lời khuyên “đừng dây với hủi”. Nói cách khác, đó là, hãy tránh xa “những nơi có thể” làm cho chúng ta lây nhiễm những con vi khuẩn đó.  

“Những nơi có thể” là nơi nào? Thưa, đó là vũ trường, quán nhậu, là những quán karaoke trá hình, là những loại truyền thông bịp v.v…

Bây giờ, hãy để một phút hồi  tâm và hãy tự hỏi lòng mình rằng “Tôi có đang bị mắc bệnh phong tâm hồn không? Tôi có bị nhiễm những con vi khuẩn nêu trên không?”

Nếu chưa, hãy bảo vệ tâm hồn mình bằng Thánh Kinh, bằng Lời Thiên Chúa. Bởi, Lời Thiên Chúa “là lời sống động, hữu hiệu, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4, 12)

Một Ki-tô hữu được Lời Thiên Chúa “phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” thì những con vi khuẩn “xấu” nêu trên không thể thâm nhập vào tâm hồn mình để gây ra chứng phong tâm hồn.

Còn nếu bị nhiễm! Vâng,  hãy đến với Thánh Thể Chúa Giêsu mà nguyện xin rằng “Nếu Chúa muốn. Xin Ngài phán một lời thì linh hốn con sẽ lành mạnh”.

Chưa hết, chúng ta còn cần và rất cần, đến “tòa cáo giải” gặp gỡ vị linh mục, như xưa kia chàng hủi đã đến gặp gỡ các thầy tư tế.  Hãy tin rằng, Đức Giêsu, qua các linh mục, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta, rằng “Anh đã được lành sạch”.

Đừng chậm một giây nào hết, bởi, biết đâu, ngay bây giờ, Chúa Giêsu trở lại mà ta lại vắng mặt trên con đường Ngài đi qua, thì làm sao ta có thể nghe Ngài nói “Tôi muốn, anh hãy lành mạnh”.

Petrus.tran

Trả lời