Tôi đã thật sự “từ bỏ mình…?”

 

Tôi đã thật sự “từ bỏ mình…?”Ngày 29/06 vừa qua, chúng ta mừng kính hai trụ cột của Giáo Hội, đó là tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Khi nói tới tông đồ Phao-lô, thường thì chúng ta nghĩ ngay đến câu chuyện ngài gặp Đức Giê-su và bị ngã ngựa tại Damas. Còn nói tới tông đồ Phê-rô ư! Vâng, chúng ta luôn nghĩ tới ngài như là một kẻ chối Chúa.

Thật ra, khi nói về các ngài, điều đầu tiên chúng ta phải nói tới, đó là:  các ngài chính là những con người can đảm, nhiệt thành, đã dám bỏ hết mọi sự, ngay cả mạng sống của mình, cho việc đi theo Thầy Giê-su.

Với Phê-rô, Kinh Thánh thuật lại rằng, khi Đức Giê-su gọi “Các anh hãy theo tôi”, Phê-rô và người anh là An-rê, lập tức “bỏ thuyền, bỏ cha lại mà đi theo Người”. Còn với Phao-lô, cũng vậy, sau biến cố tại Damas, ông đã bỏ mọi thứ vinh hoa phú quý của một Phariseu tương lai, để trở thành tông đồ của Đức Giê-su. Theo lịch sử Giáo Hội, cả hai vị tông đồ này đều đã phải chịu tử vì đạo.

Mà, nào có phải chỉ có hai vị này đâu, có rất nhiều vị khác cũng đã “mất mạng sống mình” vì Đức Giê-su, tông đồ Gia-cô-bê rồi ông Tê-pha-nô, như điển hình.

Cái giá phải trả cho việc theo Đức Giê-su quá đắt chăng? Thưa, không. Chấp nhận bỏ hết mọi sự, kể cả mạng sống mình, đó là các ông tín thác vào lời truyền dạy của Đức Giê-su. Đối với ai muốn đi theo Ngài ư! Vâng, Đức Giê-su có lời truyền dạy rất rõ ràng, đó là “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Thật vậy, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã có rất nhiều lời truyền dạy cho những ai xin đi theo Ngài. Với một chàng thanh niên giàu có xin đi theo, Ngài đưa ra lời truyền dạy:  “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”… Tệ thật… khi anh ta nghe lời đó, chuyện kể rằng, “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi… vì anh ta có nhiều của cải”(x.Mc 10, 22)

Với một người khác “xin phép về chôn cất cha con trước đã”, Đức Giê-su có lời bảo ban, rằng: “Anh hãy đi theo tôi. Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”.

Đúng, cuộc đời thì luôn có những vui buồn, những vui buồn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Thế nhưng, một khi muốn đi theo Đức Giê-su, đừng xem đó như là lý do cho sự trì hoãn quyết định của mình.

Riêng với nhóm mười hai, Đức Giê-su có lời truyền dạy mạnh mẽ hơn. Ngài truyền dạy rằng: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”. Lời truyền dạy này mâu thuẫn với điều răn thứ tư chăng? Thưa không, không là vì đây chỉ là cách nói quyết liệt mà người Do Thái thường dùng.

Vâng, khi nói lên những  điều nêu trên, Đức Giêsu không tự tạo ra mâu thuẫn giữa lời kêu gọi với điều răn thứ tư “Hãy thảo kính cha mẹ”!!! Văn chương Cựu ước của Israel không có kiểu nói so sánh hơn hay kém. Thực ra, Đức Giêsu, khi nói như thế, Ngài muốn đặt ra một bậc thang giá trị cho một chọn lựa.

Muốn là môn đệ của Đức Giêsu ư! Phải đặt Ngài lên hàng ưu tiên số một trong bậc thang giá trị của con người. Và, đó chính là lý do Đức Giê-su truyền dạy môn đệ Ngài rằng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”.

Những lời truyền dạy của Đức Giê-su, không ngoài mục đích kêu gọi mọi người đi vào sự sống, một sự sống đích thực, một sự sống “không còn là tôi sống, nhưng là Đức Ki-tô sống trong tôi”.

Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, có biết bao chứng từ của những “người trần mắt thịt” đã dám “từ bỏ mọi sự và đi theo Chúa”. Thánh Phanxico Assisi như một điển hình. Thánh nhân đã dám từ bỏ mọi tiện nghi, mọi thú vui vật chất, rồi mạnh dạn lìa xa nơi chốn gọi là trần tục đó, đi theo “bà Chúa nghèo hèn” là Đức Giê-su Ki-tô.

Có ai ngờ rằng, đang “nổi tiếng trong vòng bạn bè nhờ tửu lượng cao và giao du rộng, đa phần là với con cái của giới quý tộc”, thế mà ngài Phanxico Assisi đã thay đổi hoàn toàn để trở thành “Khí cụ bình an của Chúa”. Thánh nhân đã “bước đi theo Đức Giêsu Kitô”. Từ bỏ mọi sự và “dâng thân mình… vác thánh giá Người. Và bước tới cùng “theo thánh chỉ Người ban” (Kinh vượt qua).

Một người khác rất xứng đáng là mẫu mực cho một đời sống “dám từ bỏ mọi sự”, người đó là linh mục Charles de Foucauld. Sau khi đã cảm nghiện rằng sự giàu có chính là chướng ngại vật ngăn cản mình theo Chúa, ngài linh mục đã từ-bỏ-mình-để-theo-Đức Giêsu. Từ bỏ mình và vác thập giá mình  để theo Đức Giê-su được thể hiện qua nhiều cách thế, nhiều việc làm cụ thể, trong đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta.

Có phần chắc, ngày nay, Đức Giê-su không yêu cầu chúng ta “vác thập giá mình”, theo đúng cách thế Ngài đã vác lên Golgotha, năm xưa. Từ-bỏ-mình, vâng, rất giản dị, đó là từ bỏ “cái tôi” trong tôi. Đó là những cái tôi tranh chấp, cái tôi hận thù, cái tôi bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén. Còn vác thập giá mình ư! Thưa, đó là hãy vác thập giá mang tên: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền từ, tiết độ”.

Đi vào thực tế của đời sống đức tin, một tuần chỉ dành cho Chúa bốn mươi lăm phút bằng việc tham dự thánh lễ, thế mà lại cứ đi trễ do tại-vì-bị đủ thứ lý do, phải chăng, như thế, có khác gì chúng ta “xin Chúa, cho phép tôi về chôn cất những cái tại-vì-bị đó trước đã!”

Tự do, tự nguyện “Quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”… thế mà, một ngày đẹp trời nào đó, vô tình gặp một nàng-tiên-cá nào đó, để rồi trầm tư mặc tưởng… để rồi có những ước muốn bất chính… phải chăng, như thế, có khác nào chúng ta không từ bỏ chính mình, có khác nào chúng ta không vác thập giá mang tên trung tín, có khác nào chúng ta “đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau…!”

Và còn nhiều điều khác nữa, như tật kiêu ngạo, hoặc tính vị kỷ thống trị chúng ta, nếu chúng ta không biết “từ bỏ chính mình” nó sẽ là một thảm họa cho chính đời sống chúng ta. Mà cái thảm họa lớn nhất, đó là, chúng ta mất đi danh hiệu “người môn đệ của Chúa Giêsu”.

Đức Giêsu hứa ban nhiều hơn những gì mà chúng ta sẽ phải hi sinh, gấp trăm ở đời nầy, tuyệt vời nhất, đó là sự sống đời đời.

Thưa bạn, bạn có tin không? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên lời Ngài hứa ban cho những ai “đã bỏ mọi sự mà theo Ngài”, đó là: “Thầy bảo thật anh  em: Chẳng hề  có ai bỏ nhà cửa, anh  em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh  em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu đời sau”.(x.Mt 10, 29-31)

Tất cả những gì mà Đức Giê-su hứa ban cho chúng ta, hãy đón nhận đó là  một ơn ban chứ đừng nghĩ một phần thưởng. Khi Đức Giêsu nói với chúng ta: “Từ bỏ…Vác thập giá mình… Liều  mất mạng sống mình vì Thầy”, thì đó vừa là một đòi hỏi, vừa là một lời mời gọi. Chúng ta hãy tiếp nhận với lòng tin thác rằng, điều gì không thể đối với con người thì có thể thành sự đối với Thiên Chúa.

Thế nên, hãy tự hỏi mình, sau bao nhiêu năm là một Ki-tô hữu, tôi đã thật sự “Từ bỏ mình để theo Đức Giê-su”? Vâng, ngay hôm nay, tôi đã thật sự “Từ bỏ mình…?”

Petrus.tran

 

Trả lời