Tôi có vâng nghe lời Người không?

 

Tôi có vâng nghe lời Người không?Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng, rằng: “Tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời”.

Tuyên xưng là vậy, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, dựa vào đâu để tuyên xưng “Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa”? Vâng, đây không phải là một lời tuyên xưng vu vơ, nhưng là lời tuyên xưng tông truyền. Và hơn thế nữa, lời tuyên xưng này còn  dựa vào chính lời tuyên phán của Thiên Chúa, được tuyên phán trong những ngày Đức Giê-su còn tại thế, và đã được  ghi lại trong cả ba sách Tin Mừng Matthew, Macco và Luca.

Với Tin Mừng Luca,  sự kiện này đã được thánh sử ghi lại như sau:  Một lần nọ “Đức Giê-su lên núi cầu nguyện”. Nói tới việc “lên núi cầu nguyện”, vâng, đây là một thông lệ Đức Giê-su thường làm. Chỉ khác rằng, nếu những lần trước, Ngài lên núi cầu nguyện một mình, thì hôm nay, ba người môn đệ là “ông Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê” được tháp tùng cùng Đức Giê-su.

Chuyện gì đã xảy ra?  Thưa, hôm ấy, đang lúc Đức Giê-su cầu nguyện, “dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”. Tiếp đến, điều mà từ trước tới nay, chưa bao giờ xảy ra, hôm ấy đã xảy ra; “Có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a”.

Cuộc đàm đạo nói về một sự thực, một “sự thực” mà Đức Giêsu, sau này, sẽ phải thực hiện, đó là “cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”… một cuộc xuất hành đầy bạo lực, với sự vu khống, sự sỉ nhục, sự đánh đập và cuối cùng là cái chết của Ngài, bị đóng đinh trên thập giá tại đồi Golgotha…

Tiếc thay! Dù biết là cùng Thầy “lên núi cầu nguyện”, thế nhưng các ông lại  chẳng cùng Thầy cầu nguyện, trái lại, thánh sử Luca cho biết: “ông Phê-rô và đồng bạn cùng ngủ mê mệt”.

Đừng! Đừng vội cười ba vị này nhé! Bởi biết đâu, không ít lần, chúng ta “ngái ngủ” trong lúc đang tham dự thánh lễ! Bởi biết đâu, đã có lần, chúng ta “ngủ mê mệt” trong khi vị chủ tế đang giảng dạy trên tòa giảng!

Trở lại câu chuyện, vâng, hôm đó, cũng còn may mắn cho ba vị môn đệ. Gọi “may mắn”, là bởi, ba ông đã “tỉnh hẳn” đúng lúc. Nhờ đó, ba ông đã thấy “Vinh quang của Đức Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người” (x.Lc 9, …32)  Thánh Luca, người ghi lại biến cố này, tuy không kể, nhưng chúng ta có thể tin rằng, ba vị môn đệ, chắc hẳn rất kinh ngạc vô cùng.

Vâng, làm sao không kinh ngạc cho được chứ! Hai nhân vật đứng bên Đức Giê-su là Mô-sê và Ê-lia ư! Hai vị này là những người, vào thời các ông, chỉ được biết đến, qua Kinh Thánh… Sao… sao hôm nay, trước mắt mình, họ lại đang “nói lời từ biệt”, ông Thầy của mình?

Từ kinh ngạc, ba vị môn đệ chuyển qua sự bối rối. Và, bối rối nhất chính là người “anh cả” Phê-rô. Vâng, hôm đó, trước hiện tượng “khó tin nhưng có thật”, anh cả Phê-rô hiên ngang lên tiếng với Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay. Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, một cho ông Ê-li-a”… nói xong, người “anh cả” cảm thấy bối rối, vì, “không biết mình đang nói gì”…

Tuy nhiên, như lời thánh Phao-lô, sau này, có nói, “Người đã mặc khải để tôi biết được sự mầu nhiệm”, hôm ấy, Thiên Chúa đã mặc khải cho ba môn đệ, (và hôm nay, là cho chúng ta), thấy một sự mầu nhiệm, mầu nhiệm Đức Giê-su, người đang ở với các ông, chính là “Con Thiên Chúa”.

Hôm đó: “Từ đám mây có tiếng phán rằng: Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (x.Lc 9, 35). Khép lại câu chuyện, thánh Luca đã vẽ lên vầng trán ba vị môn đệ những nét hằn ưu tư. Vâng, thánh nhân viết rằng: “Các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông  không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy” (Lc 9, …36). Đúng là ba vị môn đệ đã nín thinh. Thế nhưng, sau khi thực sự không còn là những “tay lưới cá”, mà đã trở thành những “tay lưới người”, các ông không còn nín thinh nữa.

Người anh cả Phê-rô đã lớn tiếng khẳng định rằng “khi chúng tôi nói cho anh em… thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người : Đây là Con yêu dấu Ta. Ta hết lòng quý mến ” (2 Pr 1,16-17).

Thánh Phê-rô khẳng định rằng “Tiếng đó chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”. Tin Đức Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” cùng với việc “Vâng nghe lời Người”, đó không phải là một lời mời gọi, nhưng là một mệnh lệnh, một lệnh truyền từ Thiên Chúa. Chính vì  thế, sau này, tông đồ Phêrô mạnh dạn lớn tiếng trước các vị thượng tế rằng “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Còn với người tông đồ Gio-an ư! Vâng, ngài cũng đã làm chứng rằng : “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).

Chúng ta có tin tông đồ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê thật sự đã “hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người”? Thưa, có chứ.

Này nhé, với thánh Phê-rô,  chính ông chứ không ai khác, khi đã được “biến đổi” thành tay lưới người, ông đã vâng nghe lời Người cho đến chết, một cái chết để vẽ lại “dung mạo” một Giê-su, một Giê-su đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, tại Golgotha.

Với thánh Gia-cô-bê thì, ngài cũng đã hiệp thông bằng việc đổ máu ra để minh chứng cho Chúa Giêsu phục sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I. (x.Cv 12, 2)

Còn thánh Gio-an ư! Về ngài, không cần nói nhiều, với biệt danh “Đại Bàng” ba lần tung cánh trên đảo Pát-mô, với sứ mạng Chúa trao phó: “viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra, và những gì sẽ xảy ra sau này…” , thưa, nếu không “hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người”, hỏi làm sao chúng ta có thể thưởng thức được tuyệt tác mang tên Khải Huyền!

Nói tắt một lời, các môn đệ, điển hình là ba vị Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê, đã thi hành đúng mệnh lệnh Thiên Chúa phán “Hãy vâng nghe lời Người”. “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”.

Vâng, như xưa kia, từ núi thánh, Thiên Chúa truyền mệnh lệnh này cho các môn đệ, thì hôm nay, từ thánh đường, qua phần Phụng vụ lời Chúa, Người cũng truyền mệnh lệnh này, cho ta. Thế nên, hãy tự hỏi, qua  biết bao nhiêu năm là Ki-tô hữu, tôi đã thực sự nghe được “tiếng phán” này? Và tôi đã “tuân lệnh”?

Hay tôi chỉ nghe những lời mời gọi hỗn tạp của Sa-tan và con cái của nó, những lời mời gọi sặc mùi của một “nền văn hóa sự chết”, một nền văn hóa không coi trọng đến sự sống, không chú trọng vào sự cứu rỗi, từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa, đại loại như lời kêu gọi này, rằng: “Thằng trời đi chỗ khác chơi. Để cho nông hội đứng lên làm mùa”?

Hay tôi chỉ nghe lời dụ dỗ ngọt ngào của những “con rắn thời @”, những lời dụ dỗ sắc mùi của một nền “văn hóa  hưởng thụ”, đại loại như lời dụ dỗ này, rằng: “Say sưa nghĩ cũng hư đời. Hư thời hư vậy, say thời cứ say”?

Trong một xã hội như thế, quả thực, đó là một thách đố lớn cho chúng ta. Phải làm sao trước nan đề này? Thưa, hãy cầu nguyện,  như lời Đức Giê-su khuyên dạy, “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được mà thôi”, và tất nhiên là, chúng ta hãy cùng Đức Giê-su “lên núi cầu nguyện”.

Đừng quan trọng hóa vấn đề, rằng thì-là-mà chúng ta sẽ lên ngọn núi nào: Tabor,  Núi Sọ, Núi Cúi hay Tàpao v.v…  nhưng hãy tự hỏi, cùng lên núi cầu nguyện với Đức Giê-su, tôi sẽ “dựng lều” ở lại với Ngài, hay không?

Vâng, chỉ cần một mái lều ở lại với Ngài, và đừng quên, trong cuộc hành trình cùng  Đức Giê-su “lên núi cầu nguyện”,  hành trang chúng ta cần có, đó là:  lương thực Thánh Thể cùng với ngọn đèn Thánh Kinh,  hai thứ đó tạo thành một đôi “song kiếm”,  đôi song-kiếm-trấn-ải, trấn giữ cuộc đời ta, tâm hồn ta, trong cõi ta bà nhìn đâu cũng thấy đầy dẫy những “thằng quỷ”, những thằng quỷ man rợ luôn rình rập lôi kéo chúng ta đi vào con đường chết, như hôm nay.

Thật vậy, Thánh Thể, như lời Đức Giê-su nói: “Ai ăn sẽ được sống đời đời”. Còn Thánh Kinh ư! Thưa, chính là “ngọn đèn soi ta bước… (và) là ánh sáng chỉ đường ta đi”. Chính Thánh Kinh đã  “soi sáng” cho ta biết “Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Chính Thánh Kinh đã  “chỉ dẫn” cho ta biết, tất cả chúng ta là “tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su” (x.Ep 2, 10). Biết được những điều nêu trên, tin vào những gì Thánh kinh nói, điều còn lại, đó là chúng ta  hãy cất tiếng nguyện xin với Thiên Chúa, rằng: “Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con lúc lẻ loi”.

Vâng, cuối cùng, hãy thêm một lời nguyện nữa, nguyện rằng: Lạy Chúa, xin cho con biết “Vâng nghe lời Ngài”.

Petrus.tran

 

 

 

 

Trả lời