“Tôi biết chiên của tôi…”

 

 

“Tôi biết chiên của tôi…”Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế, thời nào cũng có những lãnh tụ tự cho mình hơn người. Nhờ nắm quyền lực trong tay, họ tìm đủ mọi phương cách, có thể bằng những truyền thuyết, có thể bằng những huyền thoại, để tạo cho mình những vầng hào quang, để tạo cho mình thành một con người thần thánh. Họ thường thể hiện điều đó qua những khẩu hiệu đao to búa lớn. Đọc lịch sử, chỉ lịch sử cận đại thôi, cũng đủ để chúng ta thấy nhan nhản những con người như thế.

Vâng, rất tự mãn là Nicolae Ceauşescu, y xưng mình là ‘Thiên tài của vùng Carparthians’, một vùng núi rộng lớn ở Trung Âu, kéo dài từ Slovakia qua miền Nam Ba Lan, miền Tây Ukraine đến tận phía Đông Bắc của Romania. Còn vợ của ông, Elena, người được cử làm Phó Thủ tướng, thì được tuyên truyền như một ‘Quốc mẫu’, một nhà khoa học vĩ đại, dù bà thực sự bỏ học từ năm 14 tuổi, và tất cả các cái gọi là ‘công trình khoa học’, kể cả luận án tiến sĩ của bà, đều do người khác viết.

Rafael Trujillo, nhà độc tài ở Dominican Republic và Francisco Macias Nguema, nhà độc tài ở Equatorial Guinea thì rất hỗn xược. Cả hai đều tự xưng mình là Thượng Đế.

Với Rafael Trujillo, ông ta ra lệnh cho mọi nhà thờ trong nước phải khắc câu ‘Chúa ở trên Trời, Trujillo ở dưới Thế’ (God in Heaven, Trujillo on Earth) và mọi bảng số xe đều phải khắc câu ‘Trujillo vạn tuế’. Còn Francisco Macias Nguema, dữ dằn hơn. Dưới thời ông, biểu ngữ chính trong nước ghi ‘Không có Thượng đế nào khác ngoài Macias Nguema’.

Đó là chưa nói tới nhiều lãnh tụ khác, còn sống cũng như đã chết, họ rất thích được xưng tụng, thích được mọi người coi mình như là “lãnh tụ vĩ đại, lãnh tụ kính yêu, lãnh tụ muôn đời, cha già dân tộc” v.v… và v.v… mà không tiện nêu danh tính nơi đây.

Với Đức Giê-su Ki-tô, thì ngược lại. Người là Chúa các Chúa, là Vua muôn vua. Cứ thử nhìn xem, “khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ”, ấy thế mà, khi nói về mình, Người chỉ nói một lời tràn ngập tình yêu thương: “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành”.

Trong một lần lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã nói về mình như thế. Tại sao? Thưa, như lịch sử cho biết về bối cảnh của dân Do Thái thời đó, người dân đã phải sống trong một hoàn cảnh hết sức nghiệt ngã. Thứ nhất, đó là họ phải đối diện trước sự cai trị khắc nghiệt của thế quyền Roma. Thứ hai, đó là họ đã phải oằn vai gánh nặng với những luật lệ về phía thần quyền, do “các kinh sư và người Pharisieu” đặt ra hết sức phi lý.

Nhìn con dân Israel sống trong cảnh một cổ hai tròng, Đức Giêsu không khỏi “chạnh lòng thương xót”. Đã có lần, khi nhìn đoàn dân lũ lượt đi theo, Ngài đã phải thốt lên với các môn đệ rằng: “họ như bầy chiên không người chăn dắt” (x.Mc 6, 34)

Thế nên, hôm ấy, qua câu chuyện dụ ngôn nói về người mục tử và đàn chiên, Đức Giê-su đã nói với mọi người rằng: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.

Và, bất chấp những căng thẳng vốn thường xảy ra giữa Ngài và nhóm Pharisieu, Đức Giêsu đã thẳng thừng lên tiếng: “mọi kẻ đến trước tôi đều là tên trộm cướp”. Và tiếp theo đó, Ngài khẳng định, rằng: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”. Cuối cùng, Đức Giê-su kết thúc bằng một tuyên bố hùng hồn, rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”.

Vâng, qua câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình”, chúng ta càng thấy rõ nét một Giê-su nhân lành biết bao. Một Mục Tử Giê-su không lên án, một Mục Tử Giê-su thể hiện sự nhân lành, nơi “những chiên khác”, những con chiên “không thuộc ràn này”. Những con chiên mà Ngài “cũng phải đưa chúng về”.

Vâng, hôm ấy, không như các lãnh tụ tuyên bố vung vít theo thói đời, Đức Giê-su đã nói rất rõ quan điểm của mình về vai trò của người mục tử.

Quan điểm của Ngài, đó là: Người Mục Tử nhân lành: “(phải ) hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. Người Mục Tử nhân lành, không “bỏ chiên mà chạy,  khi thấy sói đến”.

Và, quả thật, sau này Đức Giê-su đã thực hiện đúng như Ngài tuyên bố. Tại Giết-si-ma-nê, Ngài không bỏ các môn đệ mà chạy. Tại đồi Golgotha, người Mục Tử Giêsu đã hy sinh mạng sống mình bằng cái chết trên thập giá. Một cái chết để cứu chuộc nhân loại. Một cái chết để không ai còn có thể mỉa mai nói rằng “từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” Một cái chết để muôn thế hệ về sau đều phải nhìn nhận rằng, Đức Giêsu thành Nazareth, Ngài chính là “Vị Mục Tử nhân lành”.

Chúa Nhật hôm nay, theo lịch Phụng Vụ, toàn thể Giáo Hội mừng lễ “Chúa Chiên Lành”. Nói tới Chúa Chiên Lành, hẳn rằng không ai trong chúng ta lại không nhớ tới Thánh Vịnh thứ hai mươi ba. Chỉ trong sáu câu ngắn ngủi (Tv 23, 1-6) thế mà tác giả đã cho chúng ta thấy toàn cảnh hình ảnh người mục tử nhân lành đầy quyền uy: “Dầu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.

Nhớ, nghe, đọc lời Thánh Vịnh này chưa đủ. Điều ắt có và đủ, đó là chúng ta còn phải thật sự đặt trọn niềm tin vào vị “Mục Tử Nhân Lành Giê-su”.  Bởi vì, hôm nay, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục gọi chúng ta. Ngài vẫn cất tiếng nói: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi… Chúng sẽ nghe tiếng tôi”(x.Ga 10, 14…16)

Thế nên, hãy tự hỏi mình rằng: “Tôi có nghe tiếng Chúa gọi? Tôi có nghe tiếng Chúa nói? Tôi có nghe tiếng Chúa dạy?” Hay, tôi lại đang lắng nghe những tiếng mời gọi của thế gian: tiếng mời gọi của tiền bạc, của quyền lực, của dục vọng, của tranh chấp, của hận thù v.v…

Đừng quên, lịch sử đã cho chúng ta thấy, rằng: đã có không biết bao nhiêu người tuy “miệng xưng Chúa” nhưng “lòng không có Người”, (không nghe tiếng Chúa nói, không làm điều Chúa dạy), cuộc đời của họ (và cả con cháu họ), cuối cùng đều đi “vào thung lũng âm u nghi ngờ, chết chóc”. Trường hợp vua Salomon và con cháu ông ta, như điển hình.

Vâng, Skip Heittzig trong một bài viết mang tựa đề “The good sherperd and his happy sheep” có viết “Chúa gọi chúng ta là chiên vì Ngài biết bản chất của con người. Với bản năng thích hùa theo đám đông, sự sợ hãi và nhút nhát của chúng ta, sự bướng bỉnh và ngu dại của chúng ta và bản chất chống nghịch của chúng ta, chúng ta rất giống những con chiên, hơn nữa chiên không thể tự mình sống còn. Chúng đòi hỏi sự quan tâm thường trực, sự giải cứu và sự chăm sóc của người chăn, nếu không chúng sẽ chết.

Dù vậy, điểm quan trọng ở đây không phải chúng ta giống như những con chiên, nhưng đúng hơn, chúng ta có một người chăn tuyệt vời. Đó là ý nghĩ của David: “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”.

Skip Heittzig kết luận, “Đó là điều để khoe khoang, hãy nhìn xem Đấng chăn giữ tôi là ai? Hãy xem ai là người kiểm soát cuộc đời của tôi?” (nguồn: internet)

Ai là người kiểm soát đời tôi? Nói cách khác, tôi là chiên thuộc ràn nào? Ràn Giê-su hay ràn Satan? Câu trả lời dành cho mỗi chúng ta. Nhưng, hãy nhớ lời Đức Giê-su đã phán hứa: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”.

Vâng, phải là ràn Giê-su. Muốn được thế, rất giản dị. Chúng ta chỉ cần, như Samuel khi xưa, mà đáp lời mời gọi của Chúa Giê-su, rằng “Lạy Đức Chúa… tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Mà, lắng nghe Lời của Chúa và thực thi lời Người truyền dạy, Đức Giê-su nói: “người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Vâng, là anh chị em của Chúa, ai dám phủ nhận chúng ta không thuộc “ràn Giê-su”.

Đã thuộc về ràn chiên của Chúa, vào ngày phán xét, không cần vỗ ngực xưng tên, Chúa Giêsu cũng có thể gọi đích danh chúng ta, như xưa kia Người đã nói: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi”.

Vâng, hãy ghi khắc vào con tim mình, lời Chúa nói: “Tôi biết chiên của tôi…”

Petrus.tran

 

102 thoughts on ““Tôi biết chiên của tôi…”

Trả lời