Tình yêu : “Ở trong nhau”


Tình yêu : “Ở trong nhau”

Tình yêu : “Ở trong nhau”1. “Ở trong” và “ở ngoài”

Hình như vật gì ở trần gian này cũng có cái ở trong và cái ở ngoài, có mặt trái và mặt phải, có hình thức và nội dung… Và hình như ở trần gian “giả trá” này, vẫn thường có một sự đối nghịch giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Cũng có đôi khi ta thấy cuộc đời diễn ra theo một qui luật thuận “con lợn có béo thì lòng mới con”; nhưng thường hơn ta sự thật cuộc đời là một qui luật nghịch : “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “chiếc áo không làm nên thầy tu”, “ngọt mật chểt ruồi”…

*“Cái bên ngoài”

Cái bên ngoài là cái ta có thể nhìn thấy, đụng chạm đến cách trực tiếp. Cái bên ngoài thường là cái rõ ràng, sáng sủa; nó lù lù ra đấy như một sự vật chiếm hết cái nhìn của ta, nó lồ lộ ra đấy như một cuộc biểu diễn thu hút hết sự chú ý của ta. Cái bên có vẻ như muốn áp đặt giá trị của nó trên nhận định của ta. Cái bên ngoài cũng là cái dễ thay đổi, có thể đổi trắng thay đen, trôi nổi theo dòng đời. Nó nó là sự thật không có chân, không có rễ, không gắn vào sự sống đích thực. Nó thường là lớp áo che đậy nhiều hơn là tỏ lộ thật sự. Do đó, cái bên ngoài thường là một thứ vinh quanh được nhìn nhận từ những người khác. Cái bên ngoài thường làm nên danh giá, địa vị,

Cuộc sống xã hội thường là những tương giao dựa trên cái bên ngoài. Có rất nhiều cuộc gặp gỡ, một công trình hợp tác, nhiều đoàn hội… ra vẻ như một sự gắn bó bền chặt, nhưng thật ra chỉ là những tương giao “bên ngoài” với nhau.

* “Cái ở trong”

“Cái ở trong” là điều ta thường không thấy rõ, không thấy ngay, không thấy lồ lộ ra đấy. Cái bên trong gắn liền với giá trị thật của chính mình nên nó thường vững bền, là căn cốt cho cái bên ngoài. Cái bên trong thường được dùng để diễn tả thực chất của một con người hay một sự vật nào đó. Muốn hiểu được cái bên trong, người ta phải có một độ “sâu sắc” nào đó, vì thế cái bên trong thường chỉ được một số ít người thấu triệt.

Đối với các sự vật khác, với một chút chú tâm, người ta có thể xác định được đau là cái bên ngoài, đâu là cái bên trong. Đối với con người, ta đứng trước một sự biến ảo kỳ lạ, khó có thể biết chắc được đâu là cái bên ngoài, đâu là cái bên trong. Việc thiết lập mối tương giao giữa con người với nhau một cách trọn vẹn phải đến được tới “cái bên trong” của con người, nhưng đó là điểu không phải dễ dàng.

2. Tình yêu đi vào “cái bên trong”

Thật ra, để đến với người khác một cách trọn vẹn, con người phải ra khỏi bản thân mình, nghĩa là không còn lấy mình làm trọng tâm, không còn sống theo kiểu kinh doanh lợi lộc cho bản thân mình bằng những mối tương giao với người khác, không con cho sự thành đạt của mình là trên hết. Người cha/mẹ, khi nào nhận ra đời mình chẳng ra sao cũng được, miễn là con mình được nên người, thì khi ấy mới sống hết phẩm chất yêu thương của một người cha/mẹ thực sự. Như thế, “ngõ ra” khỏi bản thân không ở đâu khác mà chính là con tim. Cần phải đi từ trái tim để đi vào “cái ở trong” của ai khác.

* Đến với cái bên trong nhờ “có cảm tình”

Tình yêu : “Ở trong nhau”Người ta kể tiểu sử một con người, người ta thường ghi dấu những chặng đường bằng những xác định không gian và thời gian : sinh ra ngày nào, ở đâu, thi đậu ngày nào, và lên chức gì… Đó là những ghi nhận “khách quan” về một con người. Nhưng ghi nhận ấy có vẻ như cho người ta biết rõ về một con người. Nhưng thật ra, bình thường, những ghi nhận ấy chỉ là những lớp vỏ bên ngoài, không cho thấy được mạch sống của một con người. Chỉ người nào đã được đón nhận lời chia sẻ thân tình, chỉ người nào cùng trăn trở với anh ta trong công việc, chỉ người nào cảm được nỗi lòng của anh ta,… thì mới có thể thực sự “hiểu” được hành trình anh ta đã đi. Đây là lối hiểu tận bên trong.

* Ở trong nhau là đón nhận những những biến chuyển nhỏ của nhau

Một người mẹ, khoe với hàng xóm rằng đứa con của mình mọc hai cái răng. Người hàng xóm dửng dưng, với sự kiện đó, vì mọc hai cái răng có gì quan trọng đâu. Người hàng xóm không cùng sống, cùng chia sẻ từng bước phát triển của một đứa bé, đứa bé đó không phải là con của mình. Chỉ người mẹ, nâng niu bú mớm cho con từng ngày, mới có thể vui được vì con mọc răng. … Ta có thể nói được rằng sự hiệp thông được thể hiện rõ nhất khi người ta hiệp thông được trong những điều nhỏ nhất của người khác.

* Ở trong nhau nhờ quá trình lịch sử

“Ở trong nhau”, bình thường điều đó được thành hình nhờ một quá trình. Khi người ta cùng chia sẻ với nhau một ưu tư, cùng liên lụy với nhau trong một hành trình gian khó, cùng đón nhận những thành công hay thất bại như một kết quả chung,… khi đó, dần dần, như hai sợi giây bện vào nhau, tâm tình của hai người có thể trở thành một. Yêu thương là đón nhận được những điều bé nhỏ của nhau. Điều đó chỉ có được khi người ta “ở trong” nhau, nghĩa là liên lụy với nhau trong một quá trình lịch sử. Cùng đồng hành trong một quá trình lịch sử người ta mới có thể đón nhận được những thành quả của nhau và chia sẻ những khó khăn của nhau.

* Ở lại trong nhau là đón nhận huyền nhiệm cuộc đời của nhau

Khi ta đứng ngoài ta thường rơi vào cám dỗ giải thích cuộc đời của người khác một cách minh bạch, hợp lý; nhưng đó là cách nhìn không chính đáng, vì cuộc đời của một con người là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm không phải là điều có thể giải thích rõ ràng, nhất là không bao giờ có thể được giải quyết như một vấn đề. Chỉ có sự tôn trọng tha nhân như một huyền nhiệm ta mới có thể nhận ra được những điều kì diệu trong một con người và trong một cuộc đời. Khi chiêm ngắm tha nhân như một huyền nhiệm, ta có thể khám phá ra muôn vàn điều kỳ diệu hơn ta tưởng. Như thế, cuộc đời con người mới thực sự được đối xử xứng đáng với phẩm giá một con người thực sự.

Như thế, khi ở trong nhau, người ta đón nhận tha nhân như một ngôi vị chứ không phải như một sự vật hay như một bài toán. Thấm nhập vào huyền nhiệm, đó là một sự trân trọng huyền nhiệm một cuộc đời. Chỉ có tình yêu trân trọng như thế mới xứng đáng để đến với tha nhân..

3. Ở lại trong tình thương của Thầy…

Tình yêu : “Ở trong nhau”Chúa Giêsu, trong Tin Mừng Gioan, nhiều lần nói đến việc “ở trong”, hay “ở lại trong”. Chúa Giêsu cho thấy nguồn mạch của sự hiệp nhất là sự kiện chính Ngài ở lại trong tình thương của Chúa Cha; để rồi Ngài cũng mời gọi các tông đồ ở lại trong tình thương của Ngài.

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. (Ga 15,9; Xc. Ga 6,56; 8,31; 15, 4-7.10…)

Từ ngữ của thánh Gioan có phần của một kinh nghiệm riêng, kinh nghiệm thần bí khó có thể thấu triệt; nhưng dù sao, Tin Mừng vẫn luôn àl một lời loan báo Tin Mừng, nghĩa là một lời mời gọi chúng ta, bằng sự dấn thân vào mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu, để dần dần khám phá ra huyền nhiệm sâu xa của tình yêu, huyền nhiệm ở trong Chúa. Thánh Phaolô cũng sống kinh nghiệm ấy khi nói :

Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.(Gl 2,20)

Có nhiều người Kitô hữu sống với Chúa nơi “cái ở ngoài”. Đó là thứ “đạo sinh hoạt”, đạo chỉ là tham dự những sinh hoạt đạo được tổ chức. Đức Giêsu mời gọi chúng ta “ra khỏi bản thân”, sống bí tích Rửa tội, nghĩa là chết cho con người cũ; để sống một cuộc sống mới, trong đó, chính đức Kitô sống trong tôi. Con đường ấy phải khởi đi vào lộ trình của tình yêu, của Đức Mến.

Trả lời