Tiền Hô và Câu Chuyện Thánh Giá

 

Tiền Hô và Câu Chuyện Thánh Giá

 

Tiền Hô và Câu Chuyện Thánh GiáKhi đọc tiểu sử thánh Phanxicô và Mẹ Têrêsa Calcutta tôi nghĩ rằng Thiên Chúa đã trao cho các ngài năm nén bạc. Lúc gặp bạn bè trao đổi với nhau về ý: Thiên Chúa đã trao cho Bạn bao nhiêu nén ? Các câu đáp trả tạm chia thành hai nhóm. Nhóm A nhận thức bản thân có nhận nén bạc, đã  và đang làm sinh lời. Nhóm B đón nhận câu hỏi trong sự bất ngờ và bỏ ngỏ cho việc trả lời. Nếu hôm nay, Chúa Giêsu hiện ra và nói với mỗi chúng ta “Con hãy làm tiền hô cho Ta”, thì phản ứng của mỗi người sẽ như thế nào: mau mắn hay trì hoãn, dấn thân hoặc lùi bước và rao giảng bắt đầu bằng con đường nào?.

Ba mẫu chuyện nhỏ 

Logo là một mẫu thiết kế ở dạng đồ họa hay chữ viết được cách điệu. Logo có cấu trúc hoàn chỉnh, chứa đựng một lượng thông tin hàm súc, biểu đạt mục tiêu, ý nghĩa của một nhóm, một tổ chức. Nếu chọn logo cho đạo Công giáo, có lẻ cây Thánh giá sẽ được chọn theo số đông (xin phép bàn về mục tiêu, ý nghĩa của Thánh giá trong một bài khác). Ba câu chuyện nhỏ dưới đây liên quan đến logo Thánh giá, minh họa cho công cuộc tiền hô ở dạng thô sơ, nghèo hèn của người nghĩ rằng mình được Thiên Chúa trao ban cho một nén bạc.

Lần 1. Trong quán cơm nhỏ ven đường, tôi làm dấu thánh giá trước khi cầm muỗng. Người đàn ông lạ đối diện cũng làm động tác tương tự sau đó. Chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn và biết tên anh ấy là K. Khi dùng cơm có lúc K thực hiện dấu thánh giá, cũng có khi quên. Hôm nay, có người ngồi trước mặt làm dấu thánh giá trước, là hình thức nhắc nhở, nên anh dễ dàng không quên.

Lần 2. Cách đây khoảng 11 tháng, ngồi với 04 bạn học sinh đại học. Thấy tôi làm dấu thánh giá trước bữa cơm, một sinh viên sau đó cũng làm. Khi hỏi han chi tiết thì biết, khi dùng cơm với bạn bè em luôn thể hiện là người Công giáo, nhưng khi dùng cơm với người lạ, thầy cô, em lại e dè.

Lần 3. Chuỵện gần đây hơn, khi ngồi cùng bữa trưa với một đồng nghiệp mới, thấy tôi làm dấu thánh giá, người bạn đồng nghiệp cho biết anh cũng là người Công giáo tân tòng sau khi cưới. Nhưng bây giờ thì không còn cả hình thức lẫn nội dung.

Các nhân viên của bất cứ đơn vị, tổ chức nào cũng ý thức rõ về trách nhiệm truyền bá và tự hào về cái logo gắn trên ngực, các Kitô hữu không thể là ngoại lệ. Trải nghiệm cá nhân cho tôi thấy rằng, khi làm dấu thánh giá một cách đơn sơ nhưng sâu lắng chúng ta có thể lan truyền một ngọn lửa nhỏ đến những người xung quanh. Tốt nhất nó có thể tạo ra hiện tượng đốt sáng dây chuyền, tồi nhất nó có thể làm ấm lên lòng sốt mến với những ai nguội lạnh, dù chỉ là chốt lát. Và như thế tôi đã làm một chức năng rất nhỏ mà Thánh Gioan tiền hô đã làm cách đây hơn 2000 năm.

Làm dấu thánh giá trước một bữa ăn với lòng thành kính sâu sắc trước mặt những xung quanh, ngoài những ý nghĩa vốn có, nó còn bao hàm hai ý nghĩa sau. 1. Chúng ta đã đọc kinh Lạy Cha ở dạng tóm tắt, gồm hai phần: cầu cho  ý Cha được thể hiện dưới đất và xin cho được tiếp tục lương thực hàng ngày. 2. Người Kitô hữu đang mở đầu cho dạng “Tông đồ bữa ăn”. Hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận cho rằng: “bữa ăn là chuyện thường, nhưng bữa Chúa ăn ở nhà Madalena, Simon, Giakêu khác xa chúng ta. Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến nhà này (Lc 19, 9)”. Ngài gọi đó là “tông đồ bữa ăn”.

Trước hết là tiền hô cho chính mình 

Trong Luca 6, 41 Chúa Giêsu bảo rằng “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy ? Sao ngươi có thể nói với người anh em: Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi”. Văn hóa Việt Nam cho rằng, thứ tự cần thực hiện của một cá thể trong quá trình tiến thân là như sau: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.  Muốn làm sứ mạng tiền hô, trước hết phải tiền hô cho chính mình.

Thánh Gioan Tẩy giả cũng thế. Trước khi kêu gọi mọi người “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3, 4), chính Ngài vào trong hoang mạc, nhằm tránh xa các tội lỗi trần thế, chiêm niệm cuộc sống dấn thân của một ngôn sứ, làm cầu nối giữa Tân ước và Cựu ước. Trong Tân Ước, ngoài Chúa Giêsu, thì thánh Gioan là người thứ 2 được mô tả một cách đầy đủ, từ lúc ngài được thụ thai trong lòng mẹ, lớn lên, đi rao giảng và chấp nhận chết vì đức tin.

Thắng chính mình là một cuộc chiến đầy gian khổ, hành trình tăng trưởng đức tin là một trải nghiệm của sự tìm kiếm lâu dài, kiên nhẫn, mò mẫm và thử thách không thể thiếu. Đức tin tăng trưởng cần tuân thủ định luật về thời gian cũng như các định luật tự nhiên khác. Chúa Giêsu đã nói  trong (Ga 12, 24) “Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi, thì vẫn trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều hoa trái”.

Thánh Phanxicô dạy cho các Anh em hèn mọn một câu rất đáng để mọi người suy gẫm: “Tất cả những ai được Thiên Chúa tiền định cho hưởng sự sống đời đời thì Ngài rèn luyện họ bằng tai ương và bệnh tật”

Lạy Thánh Gioan Tẩy giả, xin trợ lực cho chúng con, để mỗi người khi gặp gỡ chúng con họ thấy được ánh sáng của Thiên Chúa, khi tiếp xúc họ không thấy chúng con mà chỉ thấy chính Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết chọn Thiên Chúa là hệ qui chiếu duy nhất và mãi mãi.

Xin luôn kề cận chúng con để chúng con không làm Chúa Giêsu phải thất vọng.

G. Tuấn Anh.

 

Trả lời