Thương Câu “Tiên Học Lễ Hậu Học Văn”

 

 Thương Câu “Tiên Học Lễ Hậu Học Văn”

Thương Câu “Tiên Học Lễ Hậu Học Văn”Thêm một lần nữa, bằng một đoạn clip ghi âm, ghi hình – những hình ảnh “không đẹp” của một cô giáo trong tiết dạy đã được học sinh của mình tung lên mạng.

Nếu là phụ huynh hoặc thậm chí là người bình thường, khi xem đoạn clip đó, tất nhiên dư luận phải quan ngại, phải đặt suy nghĩ và nhiều câu hỏi về đạo đức nhà giáo của cô giáo vốn còn rất trẻ đó.

Bởi lẽ còn trẻ, nghĩa là những bài học giáo học pháp hiển nhiên còn rất tươi mới trong cô.

Còn trẻ, và hơn nữa bộ môn mà cô đảm trách là một môn học tiếng nước ngoài, bản thân cô đựơc cùng lúc hấp thu những hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây sẽ không cho phép cô có những hành vi như thế.

Nhưng cũng là một nhà giáo, hơn nữa, lại là một cán bộ quản lý, chúng tôi cho rằng để mổ xẻ được tận gốc vấn đề này, cần phải có cái nhìn tỉnh táo và khách quan về cả hai phía nhà giáo và học sinh.

Trước hết là về phía cô giáo, chúng tôi chưa đề cập đến hoàn cảnh đẩy đưa cô giáo đến mức phải thốt lên những lời miệt thị học sinh khó nghe như vậy, thì đứng trên tư cách một nhà giáo, hành vi đó là không thể chấp nhận.

Cô đang đứng trước học sinh, lại đang dạy dỗ các em trong một trường học chính quy, chứ không phải là dạy học nhóm, dạy thêm, để đơn thuần “người bán – kẻ mua” sa cạ, sòng phẳng. Trong tiết học đó, cô đang thực thi chức trách “truyền chữ” và thông qua việc “truyền chữ”, mục đích cao hơn là phải “tải đạo”, nghĩa là phải “dạy người”.

Thầy cô giáo không chỉ đơn thuần dạy học sinh làm người qua con chữ. Mà phải đưa các em đến gần với chân-thiện-mỹ bằng chính nhân cách sống của mình. Không ít người trong thiên hạ, mang trong mình “thiên kinh vạn quyển”, bụng đầy “bồ chữ”, nhưng để được nhân dân và học trò tôn kính gọi bằng “sư biểu” thì không phải cứ căng bồ chữ đó ra là có thể vỗ ngực xưng danh “Tôi là thầy” mà phải xứng đáng bằng chính nhân cách của mình.

Không vô lẽ, ông cha ta đã truyền dạy “ Tiên học lễ, hậu học văn”. Dạy cho học sinh là dạy cái lễ trước khi dạy cái chữ.

Vì thế, nói truyền chữ, dạy người thực ra là một cách nói cho vần, ta vẫn phải đặt việc “dạy lễ” lên hàng đầu trong các trường học. Và để việc dạy Lễ có thể “thẩm thấu” tới học sinh, thầy cô giáo trước hết, phải là một tấm gương sáng về Lễ. Đạo đức phải chuẩn mực, ngôn phong phải sư phạm, tư cách phải minh bạch.

Không thể chấp nhận cho người Thầy yêu cầu học sinh lễ phép với mình, khi mình cứ “mày tao chi tớ” với các em. Càng không thể có những người thầy yêu cầu các em giữ vệ sinh chung, hoà nhã, thương yêu với bạn bè bằng cách đưa đến cho các em một hình ảnh trái ngược từ chính những hành vi của bản thân mình.

Thầy phải ra thầy, thì trò mới có thể ra trò. Đạo lý này tưởng đơn giản, nhưng bao năm qua, do thiếu hụt giáo viên, do những lý do khách quan và chủ quan khác, trong khâu tuyển chọn đầu vào ở những trường sư phạm có khi cũng đã bỏ qua điều này.

“Tiên trách kỷ”, để xảy ra những sự cố đau lòng trong ngành, để số đông thầy cô giáo phải đối mặt với những sự việc đau lòng, dù chỉ là …rất cá biệt từ đồng nghiệp mình, thì cũng là việc ngành giáo dục trước hết phải trách mình, bản thân nhà giáo phải tự kiểm mình.

Và không chỉ thế, nên chăng đã đến lúc phải sàng lọc lại và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những ai mà về đạo đức có vấn đề, về chuyên môn không đạt những phẩm chất nhất định của yêu cầu đứng lớp?

Về phía học sinh, đoạn clip hơn 50 giây chỉ hướng tới một đối tượng duy nhất đó là cô giáo. Nên không ai có thể hiểu cặn kẽ về nguồn cơn dẫn cô đến những hành động và lời nói thiếu kiềm chế như thế. Cho nên có thể nói, tính khách quan của đoạn băng này là vấn đề phải xem xét.

Thứ hai, hiện nay dư luận lại đang hướng tới một vấn đề khác hơn trong sự việc này đó là việc học sinh lén ghi âm, thu hình cô giáo mình và sau đó tung lên mạng có là một hành vi vi phạm pháp luật? Chúng ta có thể nói gì về pháp luật trong sự kiện này và liệu pháp luật có giúp giải quyết một vấn đề không chỉ đơn thuần là phạm luật mà nó còn có thể làm băng hoại đến cái lớn hơn đó là đạo đức hành xử giữa học trò và thầy cô của mình?

Các em học sinh của tôi, thật ra không cần các em thu âm ghi hình, nếu các em – thông qua ban cán sự lớp – trình bày sự việc này với giáo viên chủ nhiệm, hoặc thông qua phụ huynh của mình và cao hơn có thể lên đến Ban giám hiệu nhà trường, thì sự việc đã có thể giải quyết “thấu tình đạt lý”.

Bởi hơn ai hết, đã là thầy cô giáo, không ai- chúng tôi tin là như vậy- lại đứng về phía những hành vi sai lạc về nhân cách, đạo đức, đặc biệt, càng không bao che cho đồng nghiệp của mình để phản ứng lại học sinh khi các em đúng.

Bởi hơn ai hết, một trường học có kỷ cương, nề nếp, mới có thể là một trường học đem lại kết quả giáo dục tốt cho học sinh. Chọn cách lén ghi âm, thu hình cô giáo mình và tung lên mạng, các em từ chỗ bức xúc đúng (cứ cho là như thế) với một hành vi sai của “người trên” lại vi phạm đúng vào điều mình đang bức xúc, nghĩa là cũng hành xử thiếu đạo lý, thiếu kiềm chế và thiếu cả sự công bằng tối thiểu mà người trẻ thường có.

Ông bà ta vẫn nói, thầy cô như cha mẹ, đạo lý phương Đông chúng ta thường cho cha mẹ có quyền gia trưởng để trách phạt con mình ( dù quyền này, hiện nay, trong một số trường hợp là không còn phù hợp).

Các em có thể bị thầy cô trách oan và nói nặng, nhưng không thể vì thế, các em lại có thể cho phép mình mang cha mẹ-thầy cô ra “giữa chợ” để bêu riếu? Hành vi đó có thể giúp các em hả giận, nhưng suy cho cùng, nó không giúp các em an nhiên trong tâm hồn và không giải quyết được những mâu thuẫn( tôi tạm cho là vậy) giữa thầy trò.

Chúng ta – không chỉ là những người trong ngành giáo dục là quản lý, là thầy cô, là học sinh, qua sự việc này phải ngồi lại với nhau.

Mà phải là một chúng ta rộng hơn đó là những nhà nghiên cứu văn hoá, tâm lý giáo dục, những nhà điều tra xã hội đều phải ngồi lại thật nghiêm túc về sự kiện này để tìm ra biện pháp cho một vấn đề lớn hơn đó là đạo đức hành xử trong xã hội hiện nay, có còn ở mức báo động, những sự việc có còn ở ngưỡng hiện tượng không hay nó đã trở thành vấn nạn và dần dần trở nên phổ chúng? Không làm được việc này, thì ta sẽ phải trả lời sao cho thế hệ mai sau khi các em quay về và nói : Thương câu “tiên học lễ, hậu học văn”…

LÂM MINH TRANG
 thanhnienomline

 

Trả lời