Thưa Bà … Đây Là Con Bà

Thưa Bà … Đây Là Con Bà

 

Thưa Bà … Đây Là Con BàI. BỐI CẢNH CỦA LỜI TRĂN TRỐI

1.1. Đứng bên thập giá

Tin Mừng Thánh Gioan nói rất rõ: “Đứng kề bên thập giá Đức Giêsu có Thân Mẫu Người” (Ga 19, 25). Mẹ chứng kiến Con mình hấp hối và trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Cuộc tử đạo của Mẹ được tóm gọn trong câu trên của thánh sử Gioan. Thử hỏi xem có đau thương nào bằng đau thương của Mẹ không?

Mẹ đứng đó ngắm nhìn từng vết thương và giọt Máu của Con mình. Theo thánh Giêrônimô, thì “không một vết thương nào trên thân xác Chúa mà không phải là chính vết thương trong Trái Tim Đức Mẹ”. Nỗi đau của Mẹ quá lớn đến độ ngay cả thánh Bênađô cũng phải viết lên rằng: “Chúa nhìn Mẹ và Chúa đau khổ vì thương Mẹ hơn là đau khổ trong thân xác của Chúa”. Chính trong đau khổ tột cùng ấy, mà Mẹ đã cùng với Đức Kitô Cứu Chuộc loài người, và cũng tại trên núi Can-vê ấy mà Mẹ đã sinh chúng ta một lần nữa.

1.2. Tâm tình của Chúa Giêsu

Hỡi Bà, này là con Bà… Này là Mẹ anh” (Ga 19,26b.27).

Đó là những lời trăn trối cuối cùng của Đức Giêsu, những lời mà người thốt ra trong lúc cao điểm. Giờ của Người. Giờ ấy cũng là giờ của Chúa Cha, là Thời Điểm mà Chúa Cha ấn định cho Người rời bỏ thế gian về với Cha. Đó là Giờ Vượt Qua, từ bỏ tất cả những gì thuộc về thế gian, kể cả những người thân yêu ruột thịt; là giờ khai trương cho một thế giới mới, những quan hệ mới.

Chúa Giêsu nói những lời này vào lúc Người sắp hoàn tất chương trình mà Chúa Cha đã giao phó. Nếu chưa nói lên những lời trăn trối cuối cùng, Người cảm thấy như chưa hoàn tất sứ mạng. Lời trăn trối cuối cùng nói với Đức Mẹ và Thánh Gioan nằm trong sứ mạng cứu thế của Người. Thực hiện lời trăn trối ấy là tiếp nối sứ mạng của Người ở trần gian, trong khi Người đã về cùng Chúa Cha, không còn hiện diện hữu hình giữa nhân loại.

Chúa Giêsu nói những lời cuối cùng với tất cả ý thức rõ ràng và sáng suốt về sứ mạng cứu độ phổ quát, về vương quyền phổ quát của Người. Trên đầu Người có tấm biển viết bằng tiếng Latinh, Hy lạp và Do thái: GIÊSU NAZARÉT, VUA DO THÁI (Ga 19,20) . Muôn dân nước đều được mời gọi vào Vương quốc tình yêu của Người.

Chiếc áo chùng không có đường khâu, không thể chia nhau giữa những người lính, mà chỉ được rút thăm (Ga 19,23-24) rõ ràng là biểu tượng cho sự Hiệp Nhất, mà Người tha thiết cầu xin trong Lời Nguyện Hiến Tế của Người. Cái chết của Người sẽ mang lại sự Hiệp Nhất giữa loài người đã sa ngã với Thiên Chúa đầy lòng thương xót, sự Hiệp Nhất giữa con người với nhau, vì tất cả đều được Chúa Cha mời gọi trở nên anh em với Người.

Sau khi đã tuyên bố “hoàn tất”, Người trút hơi thở cuối cùng (Ga 19,29-30), cũng là lúc Người trao lại “Thần Khí” cho Hội Thánh khởi đầu dưới chân thánh giá, gồm có Đức Maria với một số phụ nữ đã theo Người, với Gioan, người môn đệ Người yêu quý nhất.

Từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người, có Máu Tân Ước Vĩnh Cửu, nước thanh tẩy và tha tội chảy ra không ngừng, cho đến khi cả loài người được Cứu Độ, cả trời đất phục quyền Thiên Chúa trong ngày Người trở lại vinh quang.

Chắc chắn trong một bối cảnh như thế, lời lẽ của Đức Giêsu phải là những lời rất nghiêm túc, có giá trị Mạc Khải theo nghĩa sâu xa nhất, tuy vẫn là những lời lẽ rất tâm tình, biểu lộ lòng hiếu thảo và tình thương vô tận đối với Mẹ mình.

Người trao phó Mẹ cho Gioan, để Gioan thay mặt Người săn sóc Mẹ, và Người cũng trao phó Gioan, môn đệ yêu quý nhất cho Mẹ, vì tin chắc rằng Mẹ sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với Gioan, với các môn đồ, và cả Giáo Hội, giống như vai trò làm Mẹ đối với chính mình Người; mà còn hơn thế nữa, vì tương quan mẫu tử sắp đến không dừng lại ở máu huyết, mà chuyển sang lãnh vực Thần Khí mà Chúa Cha và Người ban qua cái chết cứu độ của Người.

1.3. Tâm trạng của Đức Maria

Đức Mẹ đã đi theo Chúa Giêsu, Con Mẹ, trên cả con đường khổ nạn. Lòng Mẹ tan nát. Nhưng sự tan nát ấy không phải là một cơn buồn phiền tuyệt vọng làm tê liệt tất cả ý thức và tình yêu.

Mẹ đã hiểu Chúa Giêsu, Con Mẹ, một phần nhờ chính tình thương yêu của Mẹ, nhưng đặc biệt là nhờ lòng tin. Với sự nhạy bén của một người Mẹ, với sự ghi nhớ và suy niệm trong lòng, Mẹ đã hiểu được một phần nào sứ mạng của Đức Giêsu. Đức Giêsu, Con của Mẹ, không thuộc về Mẹ, nhưng thuộc về Thiên Chúa. Đức Giêsu, Con của Mẹ, có một sứ mạng và sứ mạng ấy chắc chắn do Thiên Chúa trao phó. Một số lần, cách cư xử của Đức Giêsu đã làm cho mẹ hiểu: Người phải thi hành công việc của Cha Người (Lc 2,49).

Mẹ cũng biết là Đức Giêsu rất yêu Mẹ, vì Người đã chiều lòng Mẹ ở Cana, khi Người tuyên bố Giờ Người chưa đến (Ga 2,4). Giờ ấy là Giờ nào? Chắc Mẹ cũng đoán biết Giờ ấy là Giờ Con của Mẹ hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa giao.

Hoàn thành như thế nào? Có lẽ Mẹ không ngờ là phải hoàn thành bằng cái chết, và nhất là bằng cái chết đẫm máu và bi thảm như thế: Mẹ muốn cho Con hoàn thành sứ mạng, nhưng không muốn cho con chết. Nhưng giờ đây, Mẹ phải chấp nhận: Một lần nữa Mẹ phải xin vâng, như Mẹ đã xin vâng lúc Thiên Thần truyền tin cho Mẹ (Lc 1,38).

Giờ đây là tiếng Fiat câm nín, không thốt nên lời. Mẹ đã không ngừng vâng theo thánh ý Thiên Chúa, lẽ nào giờ đây Mẹ lại phản kháng? Thánh ý Thiên Chúa thật lạ lùng, nhưng Mẹ vẫn tin vào thánh ý ấy. Mẹ vẫn tin Thiên Chúa là Tình yêu, và Thiên Chúa luôn luôn muốn điều lành cho mọi người, cho Mẹ, cho con của Mẹ, cho toàn thể dân Chúa, cho toàn thể nhân loại. Mẹ tin chắc rằng cái chết của Con Mẹ có một ý nghĩa rất lớn lao. Mẹ tin rằng cái chết này đẹp lòng Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho nhiều người.

Nhìn thấy lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn, đâm vào trái tim người Con đã tắt thở, chắc chắn Mẹ nghĩ tới lời tiên báo của cụ già Simêon, là tâm hồn Mẹ sẽ bị lưỡi đòng đâm thâu (Lc 2,35). Đúng, giờ đây trái tim Mẹ như bị lưỡi đòng đâm thâu, trái tim Mẹ như rỉ máu: Mẹ như cùng chịu khổ nạn và chịu chết với Đức Giêsu, Con của Mẹ. Phải chăng đây là lúc Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, như Mẹ đã làm khi Mẹ chấp nhận làm Mẹ Đức Giêsu?

Giờ đây, Đức Giêsu, Con của Mẹ, lại trối trăn một điều mà Mẹ tin chắc là quan trọng, vì đó là lời trối của một người Con sắp chết. Đó là ý muốn cuối cùng của Con Mẹ, nên Mẹ phải thi hành. Chắc Mẹ đoán biết được ý của Đức Giêsu: Người muốn cho Mẹ từ nay, không nhìn thấy Người bằng con mắt xác thịt, nhưng nhìn thấy bằng con mắt đức tin, nơi người môn đệ yêu quý của Người.

Chắc Mẹ biết tầm quan trọng của Lời Trối không dừng lại ở môn đồ Gioan, mà còn có quan hệ tới tất cả các môn đồ sau này của Con Mẹ. Chắc Mẹ đoán biết rằng Đức Giêsu, Con của Mẹ, muốn cho nhiều người trở nên anh em của mình, nghĩa là làm con của Mẹ. Và vì yêu Đức Giêsu, Mẹ xin vâng.

II. MẸ ĐỨNG BÊN THẬP GIÁ CỦA TỪNG CON CÁI MẸ

Toàn thể công việc của Đức Giêsu nhằm thiết lập một cộng đoàn nhỏ bé xem ra con số không. Thế mà chính lúc đó, lúc tăm tối nhất, chúng ta thấy cộng đoàn này được sinh lại dưới chân cây thánh giá. Mẹ của Người đã nhận người thân cận nhất của Người làm con và người môn đệ được Người thương mến nhận mẹ Người làm mẹ.

Đây không phải là một cộng đoàn bất kỳ nào đó mà chính là cộng đoàn của chúng ta. Chính Hội thánh được sinh ra Đức Giêsu không gọi Đức Maria làm “Mẹ” mà gọi là “Bà”. Vì người là một Evà mới. Evà xưa là “Mẹ của tất cả chúng sinh”, còn Evà Mới này là Mẹ của tất cả những ai đang sống nhờ niềm tin. Như thế, đây là gia đình của chúng ta: ở đây chúng ta gặp thấy mẹ của chúng ta và người anh em của chúng ta. Mẹ cũng đứng bên Thập Giá của từng người con trong gia đình con cái dấu yêu của Mẹ, và cũng để chung chia nỗi niềm đau khổ, lao đao… của những đứa con khốn khổ…!

2.1. Với các linh mục

Mẹ ở dưới chân Thập Giá của các Linh mục, những con ưu ái của Mẹ. Họ được kêu gọi để tuyệt đối trung thành với Chúa Giêsu, với Phúc âm và Giáo Hội. Họ thường phải chịu một cuộc tử đạo nội tâm vì bị các bạn đồng nghiệp hiểu lầm, chế nhạo và tẩy chay.

2.2. Với các tâm hồn dâng hiến

Mẹ ở dưới chân Thập Giá của các linh hồn tận hiến. Họ muốn trung thành sống đời tận hiến, phản đối tinh thần thế tục đã xâm nhập vào nhiều Tu viện, mang theo nguội lạnh, dâm ô, suy đồi, và mưu tìm khoái lạc.

2.3. Với người tín hữu

Mẹ ở dưới chân Thập Giá của bao tín hữu, những người đã can đảm và quảng đại chấp nhận lời mời của Mẹ. Mặc dầu giữa bao khó khăn, họ vẫn cậy trông và tin tưởng vào Mẹ; giữa những thử thách nặng nề, họ tin tưởng và bền chí cầu nguyện; giữa vô số đau khổ, họ dâng tất cả lên Chúa trong tinh thần đền tạ.

2.4. Với những người đau khổ

Mẹ ở dưới chân Thập Giá của những bệnh nhân để ủi an và ban ơn nhẫn nại, những người lạc lõng để dẫn họ về đường cứu rỗi, những người mong sinh thì để giúp họ chết trong ơn nghĩa Chúa.

2.5. Với người tội lỗi

Mẹ ở dưới chân Thập Giá của những con cái khốn khổ, quằn quại dưới ách tội lỗi, để dẫn họ về đường ăn năn hòa giải.

Ôi ! Hơn bao giờ hết, vào thời đại đầy đau khổ và khốn khó gia tăng này, Mẹ là Mẹ sầu bi và yên ủi của các con. Mẹ có mặt dưới chân Thập giá của các con để chịu đau khổ và cầu nguyện với các con.

III. MẪU GƯƠNG HIẾN TẾ

3.1. Cộng tác với hiến lễ Cứu Độ của Chúa Kitô.

Đứng bên thánh giá, chắc chắn Đức Mẹ đã hiến dâng Chúa Giêsu Con của Mẹ lên Thiên Chúa Cha. Và vì kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, Mẹ cũng trở nên lễ vật cùng với Đức Giêsu Con Mẹ. Mỗi lần nhìn Con Mẹ là Mẹ nghĩ ngay đến Chúa Cha. Nhìn Con Mẹ trong giây phút đau khổ nhất, chắc lòng Mẹ cũng hướng về Chúa Cha, phó thác cho Chúa Cha, trông cậy vào Chúa Cha.

Nếu cùng với Mẹ chiêm ngắm Chúa Giêsu, thế nào lòng chúng ta cũng hướng về Chúa Cha, hiến dâng Chúa Giêsu và hiến dâng cuộc đời chúng ta cho Chúa Cha (trong sinh hoạt mục vụ, chúng ta nên kết hiệp việc tôn sùng Thánh Thể với việc tôn sùng Đức Mẹ, không phải để lẫn lộn hai việc tôn sùng này, nhưng để nhờ Đức Mẹ mà thấu hiểu sâu xa Hy tế Thánh Thể, thông phần trọn vẹn vào hy tế ấy).

Chắc chắn Đức Mẹ thấm nhiễm tâm tình Cứu Thế của Đức Kitô Con Mẹ. Theo Bossuet, khi đứng bên thập giá, Mẹ có tâm tình kết hợp với Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu, và cả hai cùng nhau sẳn sàng “phó nộp” Con của mình để cứu độ nhân loại (1) .

3.2. Hãy sống tâm tình hiến dâng như Mẹ.

Đến đây, chúng ta kết thúc với lời thư Phaolô: “Anh em hãy có tâm tình và tư tưởng như đã có trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Lời thánh Phaolô khuyên chúng ta, Đức Mẹ là người thi hành trước hết và trọn vẹn hơn cả. Tất cả những đường nét nội tâm của Đức Giêsu tử nạn đều đã in sâu vào tâm hồn Mẹ. Mẹ đã cùng chịu khổ nạn với Chúa Giêsu Con Mẹ trước hết và trọn vẹn hơn hết (cum-pati), nên Mẹ đã được phục sinh vinh hiển trước mọi loài thụ tạo.

Mọi người chúng ta đều được mời gọi theo đường của Mẹ: Cùng chịu chết với Đức Kitô, để sống lại với Người (Rm 6,8). Ngày nay, Đức Mẹ muốn nhìn thấy hình ảnh Đức Kitô Con Mẹ nơi chúng ta, nên Mẹ sẵn sàng giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Người.

Thay lời kết : Xin Mẹ dẫn dắt chúng con

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ thương dẫn dắt từng tâm hồn dân hiến chúng con, bước vào con đường khổ giá. Thời nay, do ảnh hưởng tinh thần thế tục và văn hoá hưởng thụ, người ta ngại bước vào con đường hẹp, con đường của hạt lúa: “Nếu hạt lúc gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hoa trái” (Ga, 12, 23-24).

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng tiếp bước theo Mẹ trong lộ trình đức tin, thử thách gian truân. Bởi vì trái tim Mẹ là một trái tim suốt đời như bị lưỡi gươm đâm thâu qua. Chính vì thế, mà con đường Mẹ đi cũng là con đường hạt lúa của lòng cảm thương, của tình yêu, của Tin Mừng Nước Trời.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đồng hành với chúng con, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong đời dâng hiến của chúng con, vì dưới chân Thập Giá, Mẹ đã nhận làm Mẹ của tất cả chúng con.

——–

1. BOSSUET, Oeuvres oratoires, t. II, trg 485

 

Trả lời