Thư Đức cha Kontum nhân ngày nhà giáo

 

Thư Đức Cha Kontum : Ngày Nhà Giáo 2010

Kontum, ngày 20  tháng 11 năm 2010

Thư Đức cha Kontum nhân ngày nhà giáoKính gửi: Quý Thầy Cô
Giáo Phận Kontum.

Ngày Nhà Giáo đã tới. Các học sinh sinh viên trong Giáo phận đã được nhắc nhở mừng Ngày Nhà Giáo ngay từ đầu năm học. Giờ đây, cùng với các con em, tôi xin gửi tới quý Thầy Cô giáo những tâm tình quý mến, những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Là những kỹ sư tâm hồn, các thầy cô đang giữ một vai trò to lớn và quan trọng ảnh hưởng tới tương lai “những người chủ của Đất Nước”. Những tâm tình quý mến này, tôi cũng xin nhờ quý thầy cô gửi tới tất cả anh chị em đồng nghiệp cũng như các sinh viên học sinh. Cầu Chúa ban cho các thầy cô chan hòa ân thánh để chu toàn sứ mạng cao cả này cách tốt đẹp nhất.

Quý thầy cô thân mến,

Chuyện kể : Một thầy giáo già ở miền quê có thói quen “Vào mỗi đầu và cuối giờ lớp Thầy đều cúi rạp mình trước đám học sinh cấp 1”. Có người hỏi: Tại sao? Thầy trả lời.“Vì đó là những vĩ nhân của đất nước trong tương lai”. Hình ảnh và cử chỉ đó của Thầy giáo già làng quê thôi thúc và gợi hứng cho tôi viết bức tâm thư này.

Xưa, nhà giáo được xếp sau Vua, trước cha mẹ. Đây là 3 trụ cột giữ vững xã hội suốt bao năm tháng cuộc đời của con người. Nghề nhà giáo quý trọng thế đó! Không nhiều tiền của, nhưng giàu tình thương. Không quyền thế, nhưng ảnh hưởng sâu đậm. Nếu con người nói chung “không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13b), thì trong ngành giáo dục, “tiền của và nghề giáo cũng khó đi đôi với nhau”. Trường lớp mà trở thành “xí nghiệp kinh doanh” thì trường lớp trở thành lò đúc người! Tiền của vào trường lớp, đạo đức sẽ đi chơi nơi khác. Nghề giáo đòi hỏi nơi các thầy cô một con tim biết yêu thương, một khối óc thông minh, một “tay nghề cao”. Nghề của các kỹ sư tâm hồn đấy!

Quý Thầy Cô thân mến,

Hiện tình nền giáo dục Việt Nam ra sao? Vui hay buồn? Đi lên hay tụt dốc? Sáng sủa hay bi quan?

Có một điều : Nhà Nước Việt Nam đã và đang độc quyền giáo dục trên toàn quốc từ sau 1975. Từ đường lối, chương trình, giáo khoa cho đến đào tạo và quản lý đều nằm gọn trong tay nhà nước theo xã hội chủ nghĩa vô thần duy vật. Mọi tôn giáo, mọi tổ chức tư nhân bị gạt ra ngoài. Tất cả các cơ sở đào tạo và giáo dục của các giáo hội cũng như của các tổ chức tư nhân đều bị quốc hữu hóa! Khen chê xin dành để cho “các nhà chuyên môn”. Thực giả sao, các thầy cô ở trong cuộc hẳn biết nhiều và biết rõ hơn. Vấn đề là : truớc một nền giáo dục luôn “có vấn đề” trên cửa miệng cũng như trên hệ thống truyền thông xã hội ít lâu nay, các nhà giáo có niềm tin tôn giáo như chúng ta có thể làm gì góp phần tích cực? Hãy học nơi Thầy Giêsu. Hãy nghe những chỉ dạy của Mẹ Hội Thánh.

Chúa Giêsu là vị Thầy vĩ đại nhất, Vị Thầy của mọi bậc làm Thầy, là mẫu gương của mỗi nhà giáo chúng ta. Là Thiên Chúa, Ngài đã vào đời làm người, chia sẻ thân phận con người mọi đàng, ngoại trừ tội (x. Pl 2,6-11). Ngài yêu thương và tận tụy dạy dỗ mọi người, mọi nơi, mọi lúc, cho đến chết trên thập tự, vì yêu thương (x. Ga 13,1). Ngài”là Đường, là Sự thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).  Chỉ có Ngài mới có thể nói:“Anh em hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng” (Mt 11,29).

Mẹ Hội Thánh không ngừng quan tâm và chỉ đạo con cái tích cực chăm lo công cuộc giáo dục đào tạo con người. Công đồng Vaticanô II đã dạy : “Nhiệm vụ giáo dục trước hết thuộc về gia đình,” (Tn GD số 3).  Như thế, “Các nhà giáo trở thành những chứng nhân của Đức Kitô, theo gương Ngài phục vụ học sinh với tất cả đức ái, cùng với sự trợ giúp của phụ huynh. Đặc biệt Giáo Hội mời gọi nhà giáo dục quan tâm đến người nghèo, bị túng quẫn và những người chưa nhận biết đức tin (x. Tn GD số 3, 5, 8 và 9)). Nhà giáo luôn phải là chứng nhân đích thực của Tin Mừng, bằng gương sáng đời sống, bằng khả năng và lương tâm nghề nghiệp, bằng các bài giảng huấn thấm nhuần tinh thần Kitô-giáo, dĩ nhiên phải luôn tôn trọng sự độc lập của các ngành khoa học và các bộ môn khác nhau.

Còn, hôm nay đây, chúng ta có thể làm gì cụ thể góp phần vào nền giáo dục trong điều kiện cho phép?

* Hãy quý trọng nghề giáo và thúc đẩy mọi gia đình hy sinh ưu tiên cho việc học hành của con em trong nhà cũng như ngoài xã hội.  Mỗi xứ nên có một tổ khuyến học, để không một con em nào phải bỏ học. Các thầy cô chính là các tác nhân chính. Giáo dục đào tạo đã và đang là ưu tiên hàng đầu trong bậc thang mục vụ của giáo phận. Kinh nghiệm của 2 nước bại trận Đức và Nhật nhờ giáo dục chỉ sau một thế hệ đã vực dậy từ đống gạch vụn của thế chiến 2 thành các cường quốc. Hãy quý mến và quan tâm khích lệ các nhà giáo. Hãy trân trọng nghề giáo.

* Hãy là những sứ giả Tin Mừng sự thật và yêu thương ngay trong môi trường giáo dục. Yêu sự thật. Truyền giảng sự thật. Tránh những giả dối, những không thật. Quyết vươn lên khỏi cái bệnh thành tích giả tạo. Kinh nghiệm Liên xô sụp đổ cũng vì “không thật” và việc làm đầu tiên của vị Bộ giáo dục Nước Nga mới là hủy bỏ sách giáo khoa Sử địa để viết lại từ đầu. Đừng ngại và cũng đừng sợ nói về sự thật và về tình thương. “Thiên Chúa là Sự Thật”. “Thiên Chúa là Tình Thương” (1Ga 4,8).

* Nạn dạy thêm, học thêm! Có thể làm gì thay thế “dạy thêm, dạy kèm hay phụ đạo”? Dạy thêm học thêm đã và đang là một gánh nặng đối với thầy cô, học trò cũng như gia đình và xã hội. Trước đây đâu có như nay? Thầy cô dọn bài thật kỹ, vào lớp dạy thật tình, còn học sinh sinh viên được học có phương pháp hữu hiệu, chăm ngoan, có thể giải quyết được vấn đề không? Xã hội cần những học sinh sinh viên ra trường với số vốn đã được nhuần nhuyễn chứ không phải một mớ kiến thức hỗn độn hay “vẫn còn y nguyên ở dạng thô”!

Nạn không thật. Người giáo viên có thể làm gì giúp cho trẻ em ngày nay yêu sự thật, yêu công bằng, với con tim được giáo dục đàng hoàng? Nói dối như cuội đã và đang trở thành mốt sống của nhiều người trẻ hôm nay! Nhà giáo có dính dấp vào cái nạn gian trá giả dối này không? Đây là một dịp để tự  vấn và biết phải làm gì?!

* Tham gia các sinh hoạt tại giáo xứ. Giáo xứ rất cần các thầy cô tham gia các sinh hoạt tại giáo xứ, cách đặc biệt tham gia dạy giáo lý và chuyển đạt Lời Chúa. Tại sao lại không thể? Ai lại đi cấm chuyển đạt Lời Chúa hay lời dạy của Mẹ Hội Thánh không?

* Các cơ sở giáo dục của Giáo hội và tư nhân : Thầy cô nghĩ sao về vấn đề này? Thử hỏi nếu năm 1975 nhà nước không độc quyền giáo dục, thì các tôn giáo và tư nhân có ai chịu hiến hay để Chính Quyền tiếp quản các cơ sở giáo dục và xã hội không? Nay Nhà Nước chấp nhận xã hội hóa giáo dục và các công tác từ thiện bác ái, các quyết định quản lý toàn bộ các cơ sở giáo dục và xã hội năm 1975 có còn hiệu lực không? Hy vọng Nhà Nước sớm trao trả các cơ sở này để các tôn giáo và tư nhân có điều kiện đóng góp vào công cuộc đào tạo các người chủ tương lai của đất nước?

* Ngày Nhà giáo Giáo phận 31.01.2011 : Ngày 31.01 hằng năm là một trong những ngày truyền thống của giáo phận. Hy vọng ngày 31.01.2011 sắp tới, chúng ta sẽ gặp nhau đông đảo tại Tòa Giám Mục. Đây là dịp để tất cả các thầy cô trong Giáo phận gặp gỡ chúc nhau tuổi mới, để lắng nghe những chỉ giáo của Mẹ Hội Thánh và để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và phục vụ.

Quý thầy cô thân mến,

Bên Phi châu có kể : “Một người Ả rập có thói quen nằm sát tai xuống cát để nghe rõ sa mạc khóc. Khóc vì mình chưa nhận được mưa, chưa nhận được sự chăm sóc của con người, của thời tiết để trở thành mảnh đất màu mỡ phục vụ con người.” Nguyện xin Thánh Thần Chúa giúp chúng ta cũng biết ghé tai lắng nghe rõ những tiếng than của các bậc phụ huynh. của thầy cô cũng như những ai tha thiết tới tiền đồ Đất Nước, của lớp trẻ đang mơ ước trở thành những con người phát triển hài hòa thống nhất giữa đức tin và văn hóa, giữa con tim và khối óc, giữa đời sống đạo và đời sống trần thế.

Đây cũng là dịp tốt tôi xin ghi ơn sâu xa những vị thầy đã dạy dỗ tôi hiện còn sống hoặc đã qua đời, những vị đã dạy cho tôi biết yêu quê hương, yêu đồng bào, yêu nhân loại. Tôi luôn cố gắng sống theo lời dạy và gương sống đạo đức của các vị.

Hiệp thông cùng anh chị em trong tâm tình cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa.

Hiệp thông,
+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục Giáo phận Kontum

 

Trả lời