Thư Của Học Trò Hư Gửi Thầy Giáo

 

Thư Của Học Trò Hư Gửi Thầy Giáo

Hò ơi …ơi hò… là hò ơi…
Ai ơi qua sông thì nhớ người đưa đò
Trò tôi sang sông hát về chuyến đò
Ơi đò là người đưa …

Thư Của Học Trò Hư Gửi Thầy GiáoThưa thầy, cái chữ trò học mới ngày nào còn bập bẹ i tờ và giờ trò gửi thầy cũng bằng chính những chữ cái đầu đời ghép lại.

Trò được nghe kể rằng, từ ngàn xưa và tới ngày nay giáo dục là con đường phổ thông, quan trọng nhất đem đến cho con người và cả 1 đất nước sự vinh quang và phồn thịnh. Trước kia có thầy đồ bây giờ chúng ta gọi là thầy giáo – họ chính là người đảm nhiệm việc đưa đò tới sự vinh hiển. Thầy đồ xưa không chỉ dạy cái chữ mà còn dạy cho học trò những lễ nghi, đạo đức và cách ứng xử. Thầy đồ luôn được cả xã hội kính trọng là vì sự hiểu biết rộng và thường sống rất mực thước theo cốt cách nhà nho và trở thành tấm gương đạo đức để học trò noi theo.
Trò nhớ ngày đầu tiên đi học mắt ướt đến giàn giụa vì chưa quen trường, quen lớp được mẹ dắt tay từng bước…

Khi học xong trò muốn làm thầy nhưng rồi lại thôi vì đơn giản trò sợ: Trò bản tính nghịch lắm nên thầy gọi trò bằng “đứa này” – xưng hô kiểu “mày tao” nên trò càng hư. Trò sợ xưng hô giống thầy? Nhưng có thầy gọi trò bằng “con” xưng hô giản dị là vậy thì trò lại ngoan và coi thầy như cha mẹ. Trò chẳng hư và quậy phá nữa. Đơn giản vì thầy gọi trò là thân thương, là trìu mến. Trò nhớ thời trò đi học có bạn con nhà khá giả, có bạn hoàn cảnh bình thường và có bạn gia đình nghèo khó nhưng thường thầy quan tâm tới bạn có gia đình khá giả hơn vì người ta có điều kiện để gửi gắm thầy, để trăm sự nhờ thầy còn các bạn nhà nghèo, gia đình không khá giả thầy ít để tâm và thường hay khe khắt. Hiểu rộng ra là khoảng cách giữa trò thành thị và nông thôn. Trò thành thị có xe đón người đưa. Trò nông thôn không người đưa cũng ít xe đón, trò đi chân trần qua suối qua sông ham học cái chữ… Trò sợ mình lại thích dạy ở thành thị hơn là nông thôn?

Rồi trò hỏi mấy đứa trẻ hàng xóm vì sao muốn làm thầy nó đáp làm thầy sẽ kiếm tiền nhiều hơn bằng việc dạy thêm học nếm. Ai không học, không chiều theo ý thầy thì thầy sẽ mời phụ huynh, thầy trù cho đến khi nào ngộ ra một điều “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Trò sợ bị mang tiếng?

Thêm nữa trò sợ sự cũ mèm: trò lo những bài giảng trò dạy cho thế hệ mai sau lại na ná giống bài giảng năm xưa thầy dạy, không có tính sáng tạo, tư duy và đột phá. Mấy thế hệ rồi mà giáo trình vẫn thế, trò sợ học trò cũng chỉ học bấy nhiêu thôi thì chất lượng, hệ thống giáo dục ta bao giờ mới thay đổi và chuyển mình?
Trò năm xưa muốn qua sông, qua các kỳ thi trò phải lụy người lái đò có nghĩa là trò phải quan tâm tới thầy kĩ lưỡng. Văn hóa phong bì trò thấy đã tràn vào giáo dục ta mất rồi. Trò đọc báo, trò nghe sinh viên họ nói chuyện về người đưa đò bây giờ cô đơn và thiếu thốn tình cảm lắm. Thế nên mới có chuyện đổi tình lấy điểm. Trò nghe trò thấy mà giận người đưa đò.

Trò tự hỏi liệu rằng thế hệ học trò của thầy nếu chúng có làm người đưa đò có khi lại dạy thêm tràn lan như thế, lại phong bì, lại đổi trác…

Ngược dòng thời gian ngày ấy thầy đồ dạy học còn đơn xơ, mộc mạc lắm bây giờ thầy giáo kinh tế nghe chừng cũng khá giả, cuộc sống sung túc hơn chung quy lại trò chỉ muốn gửi gắm tới thầy vài lời: đã là thầy cần có chữ tâm “tâm với trò, tâm với bậc cha mẹ, tâm với nghề và rồi tâm với nước” thầy nhé!

Dòng sông tri thức tuy bao la rộng lớn nhưng với người lái đò tâm huyết cũng chẳng khó khăn gì. Người đưa đò sẽ rẽ được sóng, tránh được đá ngầm mà đưa con đò thoát khỏi cửa tử mà tới cửa sinh …

Trò mong rằng khi thầy đọc được điều này hãy cảm thông, chia sẻ và mong thầy khoan nghĩ “ trò hư”!

Thànhnkn st

Trả lời