Thứ 6 Tuần Thánh: Đức Giêsu chịu chết và chịu đâm thâu

 

 

Đức Giêsu chịu chết và chịu đâm thâu

Ga 19,28-37

 

 

Thứ 6 Tuần Thánh:  Đức Giêsu chịu chết và chịu đâm thâuĐể cứu chuộc muôn người, Đức Giêsu đã chịu chết trên thập giá; và cái chết của Người chắc chắn là cái chết thật, vì trái tim của Người đã thực sự bị lưỡi đòng đâm thâu.

Với và nhờ cái chết, Đức Giêsu hoàn tất mọi sự Chúa Cha trao phó cho Người. Vì thế, khi đã nếm một chút giấm, Người kêu lớn tiếng: “Thế là đã hoàn tất!”. Đây là tiếng hô vang chiến thắng của Người đã thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Giờ đây, để kết thúc mọi sự, Người gục đầu xuống và trao sinh khí; hay nói đúng hơn, Người trao Thần Khí. Diễn tả cái chết của con người bằng kiểu nói “trao sinh khí” là rất khác thường trong văn chương thời đó. Bởi đây không chỉ là việc con người trao sinh khí theo nghĩa trút hơi thở cuối cùng trong cái chết; nhưng còn là sự gợi ý đến việc Đức Giêsu ban Thần Khí như đã nói đến ở Ga 7,39. Như thế, lúc Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng, cũng là lúc Người trao ban Thần Khí, lúc Người đổ tràn Thần Khí vào vũ trụ và thế giới.

Nếu Đức Giêsu chịu chết để thi hành thánh ý Chúa Cha và trong cái chết ấy Người đã trao ban Thần Khí cho nhân loại, thì việc Người gục đầu xuống, xem ra, không thể hiểu cách đơn thuần như là hậu quả tất yếu của lực hút trái đất trên thân xác vừa chết của Người. Đúng hơn, việc Người gục đầu xuống chính là việc Người tự nguyện và chủ động cúi đầu vâng phục Chúa Cha trong chính cái chết của Người. Điều này cho thấy ý nghĩa sâu xa của việc Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha cho đến tận cùng, xét về cả khía cạnh thời gian, lẫn khía cạnh cách thức và khía cạnh mức độ.

Sau khi Đức Giêsu chết, một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì “máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Hình ảnh này gợi lại nguồn nước sự sống Đức Giêsu đã nói ở Ga 7,37-38: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!”. Sự kiện cạnh sườn Đức Giêsu bị đâm thâu làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Lời này gợi đến lời sấm của ngôn sứ Dacaria: “Ngày ấy, Ta sẽ tìm cách tiêu diệt mọi dân tộc tiến đánh Giêrusalem. Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng” (Dcr 12,9-10). Những lời này là một phần trong lời sấm của Dacaria chương 12-14, mang chiều kích cứu độ vào thời Mêsia. Nhân vật bí ẩn trong Dcr 12,10 được đồng hóa với Đức Giêsu. Chính Người là Đấng bị đâm thâu, là Đấng Mêsia của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải thoát và cứu chuộc dân Người.

Cạnh sườn Đức Giêsu bị đâm thâu cũng được sách Khải Huyền nói đến như dấu tích sự chiến thắng dẫn đến ăn năn sám hối: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! Amen!” (Kh 1,7).

Việc Ga 19,37 gợi đến Dcr 12,10 và song song với Kh 1,7 vừa cho thấy ý nghĩa sự chết của Đức Giêsu, vừa báo trước sự chiến thắng của Người và muôn dân sẽ nhận biết Người, như Người đã nói với những người Do Thái ở Ga 8,28: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết rằng Tôi Là (Tôi Hằng Hữu)”. Trong viễn cảnh này, Tin Mừng Gioan khẳng định: giờ chết của Đức Giêsu là giờ Người được tôn vinh, là giờ Chúa Cha tôn vinh Người và Người tôn vinh Chúa Cha. Đó là giờ cứu chuộc.

Nhờ cái chết của Đức Giêsu, được bảo đảm với việc trái tim Người bị đâm thủng, muôn dân nước đã được cứu chuộc.

Gợi ý chia sẻ

1. Là đoàn viên Đa Minh, trong bối cảnh xã hội hôm nay, anh chị sẽ sống mầu nhiệm Tử Nạn của Đức Giêsu như thế nào, để mọi người nhận biết và đón nhận ơn cứu chuộc của Người?

Học viện Đa Minh

(CSTMHĐGDĐM tháng 4.2012)

Trả lời