Thầy là Đấng Ki-tô…

Thầy là Đấng Ki-tô…

Thầy là Đấng Ki-tô…Bạn có thích trở thành người nổi tiếng? Vâng, có lẽ không ít người trên thế giới này đều công nhận rằng, trở thành người nổi tiếng là một ước mơ.

Thế nhưng, có ai biết rằng, khi trở thành người nổi tiếng cũng là lúc có biết bao nhiêu sự phiền toái nảy sinh. Thật vậy, người nổi tiếng luôn luôn là đề tài, là đích ngắm cho giới truyền thông. Từ nguồn gốc gia đình cho tới lời nói việc làm của họ luôn bị “soi” một cách đặc biệt khác thường.

Trong quá khứ, có một người rất nổi tiếng, do đã bị “soi” quá kỹ, kỹ đến độ dẫn đến cái chết bởi một tai nạn xe hơi rất thương tâm. Đó là trường hợp công nương Diana.

Không chỉ công nương Diana, mà bất cứ ai, khi trở thành  người nổi tiếng, cũng đều bị soi từ chân tơ kẻ tóc. Trường hợp của ngài Barack  Obama, khi còn là thượng nghị sĩ, chẳng ai thèm đoái hoài nhìn tới, nhưng khi trở thành tổng thống, mọi nghi vấn về sinh quán của ông ta lập tức bị mang ra soi xét, là một ví dụ điển hình.

Nói tới người nổi tiếng, có một nhân vật, không thể không nhắc đến, một nhân vật luôn là đề tài, là đích ngắm một cách đặc biệt khác thường, hơn hẳn sự khác thường bình thường.

Nhân vật đó, chính là Đức Giê-su. Ngài không chỉ bị “soi xét” từ hơn hai mươi thế kỷ trước, mà hôm nay vẫn còn là một đề tài nóng bỏng, một đề tài với biết bao nhiêu lời xầm xì bàn tán.

Đức Giê-su là ai mà đã có biết bao câu hỏi được đặt ra, biết bao nhiêu cặp mắt “soi xét” đời tư của người?

**

Đức Giê-su là ai ư! Vâng, hãy trở về Palestina, nơi được gọi là xứ sở của chà là, hơn hai mươi thế kỷ trước. Chuyện kể rằng, tại đây, có một người tên là Giêsu. Khi còn trong thời kỳ sống ẩn dật tại làng quê Na-da-rét, Đức Giê-su chỉ là một kẻ vô danh đối với đa số người Do Thái. Mọi công việc Ngài làm, không có một biểu hiện gì khiến cho mọi người phải chú ý đến.

Thế nhưng, khi Đức Giê-su  “trạc ba mươi tuổi” và  khởi sự ra đi loan báo Tin Mừng, thì, Ngài không còn là một nhân vật vô danh tiểu tốt nữa.

Thật vậy, “Từ lúc Ngài đi khắp vùng Galilê… rao giảng Tin Mừng… từ miền Galilê, vùng thập tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan”, thì, thật đáng ngạc nhiên, ngạc nhiên khi dân chúng  bất chấp trở ngại đường xá xa xôi, họ “lũ lượt kéo đến đi theo Người”. (Mt 5, 23-25).

Chuyện gì khiến họ cùng nhau kéo đến đi theo Đức Giê-su? Thưa, chuyện là vầy, khi Đức Giê-su xuất hiện, dân chúng đã được nghe Ngài “giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” và rằng, Ngài đã loan báo một thứ “Giáo Lý mới mẻ”, và cuối cùng, họ nhìn nhận rằng: “người dạy lại có uy quyền” (Mc 1, 27).

Và thực tế là Đức Giêsu còn làm nhiều phép lạ. Thật vậy, nơi đâu Ngài xuất hiện, lập tức nơi đó “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt…”. Nhân chứng Mat-thêu đã thuật lại rằng “Người đã chữa họ lành”. Qua những phép lạ đó “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri” (Mt 4,24).

Khi danh tiếng Đức Giê-su được đồn đãi ra, có rất nhiều dư luận nói về Ngài. Có dư luận tốt, cũng có dư luận xấu. Tất nhiên, những nguồn dư luận đó đến tai Đức Giêsu.

Chính vì thế, vào một hôm, khi Thầy và trò “đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Philipphe”. Tại nơi đây, Đức Giêsu đã làm một cuộc chất vấn các môn đệ. Ngài hỏi các môn đệ rằng “Người ta nói Con Người là ai?”

“Người ta nói Con Người là ai ư?” Đây có phải là một câu hỏi quá bất ngờ đối với các môn đệ? Thưa không? Tại sao? Thưa, là bởi, sau khi Đức Giê-su đưa ra câu hỏi, ngay lập tức các môn đệ có ngay câu trả lời.

Có lẽ chưa có lúc nào bầu không khí trong nhóm các môn đệ lại sôi động như lúc này. Sự sôi động chẳng khác nào một cuộc điều trần trước “lưỡng viện quốc hội”.

Những tin đồn liên quan đến Đức Giêsu đã được các ông tường trình lại một cách cặn kẽ. Nào là dân chúng đồn rằng, Thầy là “ông Gioan tẩy giả”, nào là thiên hạ phao tin rằng, Thầy là “ông Ê-li-a… là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”.

Vâng, đại diện cho dân cử, là mười hai ông nghị sĩ. Mười hai ông nghị sĩ, thật đáng tiếc, đã đưa ra một bản tường trình không như mong đợi.

Thầy Giêsu là Gioan Tẩy Giả ư! Là Êlia tái thế! Là Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ ư! Ôi ! thật tiếc!

Tiếc vì, một cách chắc chắn rằng, “người ta” đã quên cuộc gặp gỡ giữa họ và Gioan Tẩy Giả “bên kia sông Giodan, nơi ông Gioan làm phép rửa”.

Vâng, chính nơi đó, khi “ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”(Ga 1, 29-30). “Đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” thì làm sao là “tôi” cho được!

Vâng, rất có thể Đức Giêsu không ngạc nhiên lắm với những lời nhận định về Ngài như thế. Không ngạc nhiên, bởi những lời nhận định đó chỉ là những lời nhận định theo nhãn giới phàm nhân.

Thì đấy, với đôi mắt người phàm, có ai mà không thấy những gì Ngài đã giảng dạy; như kêu gọi mọi người “hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”, thì Gioan tẩy giả cũng giảng dạy như thế.

Hoặc  phép lạ Ngài đã làm “hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana” cho tới phép lạ “cho con trai một bà góa thành Nain sống lại”, thì cũng vậy, cũng một ngôn sứ Êlia, nhờ lời cầu nguyện với Đức Chúa mà “hũ bột và vò dầu” của một bà góa ở Xarepta “không vơi và chẳng cạn”. Con trai của bà “bệnh tình trầm trọng đến nỗi đã tắt thở” cũng đã được “Đức Chúa nghe tiếng ông kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống” (1V 14,22).

So sánh những sự kiện trên, quả  thật,  để có thể nhận biết Đức Giê-su thật sự là ai, thì người đó, theo lời Đức Giê-su nói, vâng, người đó phải được mặc khải bởi “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”.

Vui thay! Hôm đó, chỉ một Phê-rô, một Simon Phêrô “thật là người có phúc vì không phải phàm nhân mặc khải cho (ông ta) điều ấy”, hôm đó, Simon Phê-rô nhờ sự mặc khải của “Đấng ngự trên trời”, ông ta mới có thể thốt lên rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (Mt 16,16).

***

“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Phải chăng, hôm ấy, Phê-rô trả lời theo kiểu “hên xui may rủi”?  Thưa, không phải vậy. Câu trả lời của Phê-rô  không phải là một thứ “thông tin” như những thông tin rẻ tiền nơi những trang báo lá cải thường hay loan tin về những nhân vật nổi tiếng. Câu trả  lời của Phê-rô là một hành động “tuyên xưng niềm tin”.

Đừng quên, ở một lần khác, chỉ vì “nuốt không trôi” mặc khải về bánh-hằng-sống, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Đức Giêsu. Phêrô, lại là Phêrô, một lần nữa, thay mặt nhóm mười hai, tuyên xưng niềm tin của mình trước Thầy Giêsu. “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”(Ga 6,69).

Hai lần xác tín. Hai lần tuyên xưng. Một lần hôm trước và một lần hôm nay đủ để thấy lời tuyên xưng của ông không do bởi “phàm nhân mặc khải”. Chính vì thế, hôm nay, hỏi sao Đức Giê-su không ngần ngại gọi Phê-rô “là Tảng Đá”, một thứ “Tảng Đá” mà Ngài sẽ dùng để “xây Hội Thánh của Ngài”. Hỏi sao Đức Giêsu không ngần ngại hứa trao cho Phêrô “chìa khóa Nước Trời” cùng với quyền năng “cầm buộc – tháo cởi”…

Phụng Vụ Lời Chúa năm nay, hai lần đọc bài Tin Mừng này (Mt 16, 13-20), lần trước, vào Chúa Nhật 29/06/2014 và hôm nay, Chúa Nhật 24/08/2014.

Đừng nghĩ đây là một việc làm dư thừa, mà hãy nghĩ rằng, nó cần đọc đi đọc lại trong suốt cuộc đời Ki-tô hữu của mỗi chúng ta. Nó cần phải được ghi khắc trong tận sâu thẳm tâm hồn của mỗi chúng ta.

Tại sao? Thưa, là bởi, nó chính là “bửu bối” để chúng ta tỉnh táo trước một thế giới ngày đêm cổ vũ con người từ chối Thiên Chúa, trước một xã hội ra rả kêu gọi con người từ bỏ Giáo Hội. Hơn nữa, nó còn là chiếc phao cứu sinh, giúp chúng ta vượt qua được “Chốn ba đào nhiều phen nguy biến. Quanh chúng ta quỷ ma chực liên”.

Vâng, chỉ cần ghi khắc một câu thôi, một câu Đức Giê-su đã nói với Phê-rô, rằng: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Hãy tin “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (x. Mt 16, 18).

 ****

Làm sao để có thể xác tín rằng, tôi đã đặt tất cả niềm tin vào “Tảng Đá” – Tảng Đá mà Đức Giê-su đã xây Hội thánh của Ngài?

Thưa, chắc hẳn không ai trong chúng ta phủ nhận rằng, cách tốt nhất để xác tín niềm tin của mình, chính là cách trả lời của mỗi chúng ta về câu hỏi Đức Giê-su đã đưa ra, rằng “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Vâng, “Giờ này, đối với tôi, Đức Ki-tô là ai rồi? Giờ này, đối với tôi, Ngài còn là Ngài hay thôi. Là một chiếc bóng bên đường, một lần cất bước đi qua, để lại thoáng chút dư âm và rồi lòng quên hay nhớ?”(*)

Hay, phải chăng, hôm nay, đối với tôi, Đức Ki-tô chỉ là người “Một lần đến giữa đêm khuya, rồi thầm cất bước ra đi, để lại thoáng nhớ mong manh rồi tan dần với thời gian”?

Trước khi trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần biết rằng, chúng ta không cần thắc mắc hay giận dữ với những câu trả lời về Đức Ki-tô của thế gian này. Bởi những câu trả lời về Đức Ki-tô của thế gian này chỉ là những câu trả lời đầy “gian dối”.

Thật vậy, thế gian này, với phương tiện truyền thông hiện đại như hôm nay, họ đã đưa ra cả trăm, cả triệu, cả hằng triệu câu trả lời đầy gian dối, rằng thì-là-mà Thiên Chúa đã chết rồi… Rằng  “bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm”… Vâng, đại loại là thế v.v… và v.v…

Vấn đề của chúng ta hôm nay, đó là, đừng để mất thời gian đối chất hay  tranh luận với những kẻ đã đưa ra những lời “lộng ngôn” như thế. Điều cần thiết, hay nói đúng hơn, rất khẩn thiết, đó là, chúng ta hãy tự có câu trả lời cho chính bản thân của mình..

Tất nhiên, câu trả lời của chúng ta  không chỉ là cất lên tiếng hát, hát rằng: “Giờ này đối với tôi Đức Ki-tô là vua trời, vào đời chết cho tôi vì một tình không biên giới. Ngài hằng dẫn lối đưa đường, đồng hành sánh bước ngay bên. Ngài là ánh sáng trong đêm, nguyện lòng không chút nào quên”, nhưng còn phải bằng chính cuộc “hành trình” sống đức tin của chúng ta.

Cuộc hành trình đó, như lời giảng của đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã giảng trong thánh lễ sáng  thứ năm, 20/02/2014, tại nhà nguyện Santa Marta, rằng, sẽ là  “…một hành trình rất dài, hành trình của ân sủng và tội lỗi, hành trình của một người môn đệ. Chúa Giêsu đã không nói với Phêrô và các Thánh Tông Đồ ‘Hãy biết Ta!’; nhưng Ngài nói: ‘Hãy theo Ta!’ Và việc theo Chúa Giêsu này làm cho chúng ta biết Ngài. Chúng ta theo Chúa Giêsu với sức mạnh của chúng ta, và cả với tội lỗi chúng ta, nói tắt một lời, đó là luôn luôn theo Chúa. Điều cần thiết không phải chỉ là học biết điều này điều nọ, nhưng là sống cuộc sống của một môn đệ của Người.” (nguồn: VietCatholic).

Thế nào là  “sống cuộc sống của một môn đệ của Người”? Thưa,  một cách trọn vẹn nhất, Đức Giê-su có lời dạy rằng: “Hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày”. Thập giá của tình yêu thương, một tình yêu “không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù” (1Cor 13,4-5), một  tình yêu sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,…13)

Nếu… nếu chúng ta sống trọn vẹn “cuộc sống của một môn đệ của Người”, đó chính là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, và hơn thế nữa, đó cũng chính là cách chúng ta làm sáng danh Đức Giê-su, “Người” mà chúng ta đã tuyên xưng rằng: “Thầy là Đấng Kitô”, dĩ nhiên không phải Kitô theo chủ thuyết Marx hay Ki-tô theo kiểu mà Dan Brown đã mô tả  trong  cuốn tiểu thuyết của ông ta, nhưng là “Đấng Kitô – ConThiên Chúa hằng sống”.

Petrus.tran

Trả lời