Thánh Thể, Lương Thực Thần Linh

Thánh Thể, Lương Thực Thần Linh

Đnl 8,2-3.14b-16a; 1 Cr 10,16-17; Ga 6,51-58

Lm. Jude Siciliano, OP.

Kính thưa quý vị,

Thánh Thể, Lương Thực Thần LinhChương 6 trong Tin Mừng Gioan mở đầu với trình thuật Đức Giêsu nuôi đám đông dân chúng vào dịp lễ Vượt Qua. Tiếp theo là hai diễn từ về “Bánh ban sự sống”. Những biểu tượng trong Tin Mừng Gioan có nhiều cấp độ và giàu ý nghĩa. Trong diễn từ thứ nhất (6,35-50), “Bánh” nhằm mạc khải về Đức Giêsu.

Quý vị nhớ lại xem người phụ nữ Samari (4,4tt) đã hiểu theo nghĩa đen và vật chất như thế nào khi Đức Giêsu đề nghị cho chị “nước hằng sống”? (trong Tin Mừng Gioan, nước mang ý nghĩa biểu tượng khác, đó là mạc khải chân lý về căn tính Đức Giêsu). Trong diễn từ thứ nhất về “Bánh”, cũng như người phụ nữ Samari, dân chúng hiểu lời Đức Giêsu theo nghĩa đen. Vì Người hoá bánh ra nhiều nên họ mới hỏi Người: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (6,34) – tương tự với những gì người phụ nữ đã hỏi khi Đức Giêsu hứa cho chị nước hằng sống (4,15).

Sau đó, Đức Giêsu tuyên bố rằng Người là Bánh ban sự sống và bất cứ ai ăn thịt và uống máu Người thì sẽ không còn phải đói khát. Đức Giêsu muốn thức tỉnh ký ức họ vì trong truyền thống của họ, Đức Khôn Ngoan được diễn tả như là nguồn ban lương thực và lời chỉ dẫn cho những ai đang đói khát (Is 49,10). Đức Giêsu tự ví mình là Đấng ban sự sống đích thực, Người còn có thể trao ban nhiều hơn những gì Đức Khôn Ngoan và sách Luật ban phát. Người không có ý nói về bánh vật chất cần thiết cho sự sống thể lý. Thật vậy, Người khuyên nhủ họ: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông.” (6,27). Đức Giêsu chính là sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa ban tặng: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (6,35).

Diễn từ với chủ đề về bánh được tiếp nối trong đoạn Tin Mừng hôm nay, được gọi là “diễn từ thứ hai”. Đoạn Tin Mừng này nhấn mạnh đến bí tích. Đức Giêsu nói rõ với những thính giả Do Thái về việc ăn thịt và uống máu của Người. Họ phản đối vì uống máu là điều ghê tởm và cấm kỵ đối với người Do Thái (Lv 17,10-14). Việc ăn thịt cũng mang ý nghĩ tương tự. Đức Giêsu còn trao ban chính mình cho những kẻ ngược đãi Người. Thân thể Người sẽ bị nát tan và máu Người sẽ đổ ra trên thập giá. Đối với các Kitô hữu – độc giả của Tin Mừng Gioan, thông điệp về bí tích Thánh Thể đã rõ ràng. Sự sống đích thực và vĩnh cửu của chúng ta được nuôi dưỡng khi chúng ta được tham dự bữa tiệc Thánh Thể.

Guatavo Gutierrez, OP. (“Chia sẻ Lời Chúa theo Năm Phụng vụ”) nói rằng thánh Gioan trao gửi đoạn Tin Mừng này đến những ai còn hoài nghi về sự nhập thể – Thiên Chúa mặc lấy xác phàm. Do vậy, “Sứ điệp không dành cho kẻ hoài nghi: Ân huệ Thiên Chúa trở nên cụ thể qua con người” (trang 121). Đức Chúa đã ban thịt của Người bằng việc hiến dâng thân mình cho chúng ta. Bánh mà Đức Giêsu ban tặng cho chúng ta chính là sự sống của Người. Do đó, khi chúng ta ăn thịt và uống máu Người, chúng ta được kết hiệp với Người và nhờ Người mà được kết hiệp với Chúa Cha: Chúng ta có sự sống nhờ Bánh Đức Giêsu ban tặng.

Trong tiếng Hípri, “thịt và máu” chỉ toàn diện con người. Ăn và uống ám chỉ sự hiệp thông với người khác. Vì thế, trong bữa tiệc Thánh Thể, ăn và uống có nghĩa là chia sẻ chính Đức Giêsu và sự sống Người ban tặng chúng ta qua chính Người và Chúa Cha. Người nói với chúng ta rằng Người là nguồn mạch sự sống cho những ai được “nuôi dưỡng” nhờ Người.

Phần thứ nhất của diễn từ về Bánh nhấn mạnh đến đức tin. Phần thứ hai (Tin Mừng hôm nay) đặt đức tin của chúng ta vào cuộc sống hằng ngày. Ngôn từ rất cụ thể về việc ăn uống. Kết hiệp với Đức Kitô không phải ở thế giới khác hay ở “chốn thiêng liêng cao vời” nào đó. Chúng ta chia sẻ sự sống của Đức Kitô bằng việc ăn và uống. Đây là ngôn ngữ dễ lĩnh hội – dễ đón nhận những gì chúng ta được ban tặng. Đón nhận Đức Kitô bằng việc ăn thịt và uống máu Người là ôm lấy sự sống Đức Kitô ban tặng chúng ta như một hồng ân. Chúng ta đón nhận sự hiệp thông hôm nay, trong thánh lễ này. Bí tích này cũng mở đôi mắt chúng ta, để nhận ra Đức Kitô chính là lương thực nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta tự hỏi: Ngày hôm nay, còn có cách thức nào khác cụ thể như bánh và rượu, nhờ đó Đức Kitô ban tặng chính mình cho chúng ta không? Tôi nhớ là mình từng đứng tại xà lim giam giữ một người bạn tử tù. Chúng tôi đã trao đổi những vấn đề về cuộc sống và cái chết khá lâu, quá cả giờ nghỉ ăn trưa. Đang nói chuyện với anh, tôi hướng mắt về cái bánh quy lớn ở trên kệ anh nhận được kèm với bữa trưa. Thấy vậy, anh liền hỏi: “Cha có đói không ạ?” Tôi trả lời rằng đói – nhiều nghĩa. Anh cầm chiếc bánh, bẻ làm đôi rồi chia cho tôi một nửa. Tôi đã chủ tế Thánh lễ sáng sớm trong ngày hôm đó. Làm sao tôi có thể quên được những gì mình đã từng chia sẻ với các anh chị em Đa Minh và các bạn hữu? Một trình thuật tương tự kể lại cử chỉ “cầm lấy”, “bẻ ra” rồi “trao cho” – diễn ra ngay tại khu tử tù. Có ai trong chúng ta đến ăn thịt và uống máu Đức Kitô trong Thánh lễ này mà lại không nhận ra rằng Người trao ban chính mình cho chúng ta bằng rất nhiều cách thức cụ thể khác nhau qua cuộc sống hàng ngày?

Lương thực chúng ta đón nhận hôm nay, hiện thân của Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, nâng đỡ đời sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta, giống như tổ tiên người Do Thái, lang thang qua sa mạc. Đôi khi cuộc hành trình gặp đầy gian khổ. Quả thực hôm nay, ông Môsê chỉ thị cho chúng ta rằng “hãy nhớ lại.” Vì thế, chúng ta nhớ lại cách chúng ta được nuôi dưỡng từng ngày. Hạn từ “manna” có nghĩa là “cái gì vậy?” Hãy hình dung mỗi sáng dân Israel bước ra khỏi lều để tìm một vật màu trắng bám trên các tảng đá và bụi cây. Họ gom lại, cầm lên rồi hỏi “manna – cái gì vậy?” Ông Môsê nói với họ rằng: “cứ ăn đi, nó sẽ nuôi sống anh em”. Họ đã ăn và, như lời ông Môsê đã hứa, họ được nuôi sống qua nhiều ngày.

Và từ đó trở đi, mỗi ngày họ được ăn một thứ bánh mà họ không nhận ra đó là lương thực (“anh em và cha ông anh em chưa từng biết”), cho dù họ đã được nuôi dưỡng bởi lương thực ấy. Chúng ta nghe ông Môsê nói cho cả chúng ta nữa. “Hãy nhớ lại” điều Người nói với chúng ta. Chúng ta tưởng nhớ Bánh sự sống đã nuôi dưỡng chúng ta thế nào mỗi ngày, thường thì lúc đầu chúng ta đã không nhận biết lương thực ấy (Giống như món quà là chiếc bánh quy được người bạn tử tù chia sẻ). Nhưng giờ đây, tại bữa tiệc cộng đoàn này, chúng ta tưởng nhớ và dâng lời tạ ơn.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Trả lời