Thánh Gioan Masias – Người giữ cửa tu viện

 

Thánh Gioan Masias 

*.*

Nội dung  

Lời mở

Chương I: Cậu bé chăn chiên

Chương II: Cuộc hành trình

Chương III: Tai nạn ở Seville

Chương IV: Hành trình về hướng Tây

Chương V: Thành phố của các vua chúa

Chương VI: Người con của Thánh Đa Minh

Chương VII: Người giữ cửa tu viện

Chương VIII: Các vị thánh của Mỹ Châu

Chương IX: Người bạn cần được giúp đỡ

Chương X: Các bạn mới của Thầy Gioan

Chương XI: Cánh cửa mở đón niềm vui

Chương XII: Thầy Gioan an nghỉ

Chương XIII: Từ biệt tu viện Madalêna

Chương XIV: Vị anh hùng Mỹ Châu

*.* 

Chương VII: Người giữ cửa tu viện

Gioan có nhiều cơ hội tập kiên nhẫn trong những tuần đầu, vì ma quỷ thường xuyên quấy rối thầy. Các thầy khác thường thấy Gioan bị bầm tím ở mắt hay môi bị rách. Không cần giải thích thì ai cũng biết thầy Gioan bị ma quỷ tấn công đêm hôm trước. Các thầy hiểu rằng: thường ma quỷ làm việc rất tinh quái. Nó thường gây ra những thử thách và phiền toái để làm yếu niềm tin của con người đối với Chúa. Nhưng đối với thầy Gioan, tất cả lại khác hẳn. Vì nó không thể phá được tinh thần của thầy, nên nó làm hại thân xác.

Hầu như đêm nào thầy Gioan cũng phải chạm trán với quỷ ma, nên Bề trên cho phép đặt nhiều chén nước thánh trong tu viện và đốt nến thánh ở cầu thang. Thầy cũng phải xin sự trợ giúp trong khi chiến đấu với hoả ngục. Điều này làm thầy rất ngại ngùng, vì thầy chẳng bao giờ muốn ai để ý tới.

Một sáng nọ, thầy Phaolô thấy những vết bầm tím mới trên mặt Gioan, thầy nói: “Gioan, đừng lo lắng nhiều. Thầy Martino De Porres cũng bị nhiều rắc rối với quỷ dữ, và thầy ấy thực là vị thánh.”

Gioan hỏi: “Con đã nghe về thầy Martino. Vậy thầy sống trong tu viện khác hả ?”

Thầy Phaolô gật đầu: “Đúng thế, thầy ấy ở Tu viện Thánh Đa Minh từ khi lên 15 tuổi. Tới nay có lẽ 28 năm rồi. Tôi nói cho con biết ở Peru không có ai vĩ đại hơn Martino de Porres. Con sẽ biết rõ về thầy hơn sau này.”

Thánh Gioan Masias - Người giữ cửa tu việnNhưng nhiều tháng ngày qua đi và Gioan chẳng có dịp nào gặp thầy Martino. Công việc hàng ngày của thầy đã chiếm hết thời giờ rồi. Bề trên đặt thầy phụ giúp thầy Phaolô, lo cho các người nghèo. Mỗi sáng, thầy đến ngôi nhà nhỏ gần cổng tu viện chuẩn bị đồ ăn, quần áo để phát cho người nghèo sau cơm trưa.

Gioan rất thích công việc này. Hơn nữa, thầy rất kính mến thầy Phaolô, người mà thầy tin là một vị thánh. Ngay từ đầu, thầy Phaolô đã cho Gioan biết về mình. Thầy nói đời sống thầy trước khi vào tu viện thì không tốt. Ở Tây Ban Nha, thầy là thanh niên Ferdinand Palomeque, đã sống trong truỵ lạc. Nhờ tình thương Chúa mà thầy được cứu vớt. Rồi đôi mắt long lanh giọt lệ, thầy Phaolô kể rằng khi thầy đến Tân Thế Giới, Chúa đã ban cho thầy ơn gọi tu sĩ : “Gioan ơi! Tôi không xứng đáng chút nào.”

Gioan cảm thấy khó mà tin lời chia sẻ đó. Thầy Phaolô vào dòng cách đây 11 năm về trước, và thầy đã trải qua rất nhiều thử thách trước khi bề trên tin rằng thầy có ơn gọi làm tu sĩ thực sự. Thời gian ở tập viện của thầy tăng gấp đôi, vì thầy bị di chuyển đi nhiều nơi trước khi nhận công tác canh cửa. Tuy nhiên, sau này mọi người đồng ý là sự trở lại của Phaolô thật là chân thành, đến nỗi có nhiều người xác quyết rằng lời cầu của thầy Phaolô rất có thần thế. Có những người cảm thấy sức nóng lạ thường phát từ con tim thầy, họ tin rằng đó là tình yêu nóng cháy của thầy đối với Chúa và các linh hồn.

Một ngày, cha Bề Trên gọi Gioan vào phòng và báo rằng tuần tới, Thầy sẽ tuyên khấn vĩnh viễn trong dòng: “Con đã là một tập sinh tuyệt vời, do đó việc tuyên khấn là dương nhiên rồi, Gioan ạ !”

Gioan ngạc nhiên: “Con không xứng đáng. Thầy Phaolô đã phải sống thời gian tập gấp đôi và thầy ấy thực là vị thánh.”

Cha Bề trên như không quan tâm đến vấn đề đó. cha tiếp: “Con sẽ tuyên khấn vào ngày 25 tháng Giêng 1623, lúc đó con bao nhiêu tuổi ?

Gioan đáp: “Gần trọn 38 tuổi cha ạ !”

Cha nói: “Tốt! cha vui mừng vì con hiểu… Con trở về nhiệm vụ đi. Cám ơn con đã nói chuyện với cha.”

Những ngày kế tiếp rất bận rộn. Ngoài công tác phải thi hành, Gioan còn chuẩn bị để tuyên khấn. Thầy cầu nguyện: “Lạy Chúa ! Xin giúp con trung thành với lời hứa… Xin cho con nên mạnh mẽ trong sức mạnh của Chúa, và giúp con biết giúp đỡ tha nhân hơn.”

Lời cầu đó thật là cần thiết, vì sau khi tuyên khấn một năm, thầy có bị một vết thương ở một đầu gối. Thầy được sai tới sống ở miền núi để chữa khỏi nhiễm trùng. Hai tháng sau khi trở về, thì thầy Phaolô không còn nữa. Vị thánh ấy được chuyển tới tu viện Thánh Đa Minh, một tu viện rộng rãi hơn ở Lima.

Vài phút sau, khi Gioan về tới tu viện, thầy được báo là thầy trở nên người gác cổng thay thế thầy Phaolô, và coi sóc hơn hai trăm người nghèo khó đến Tu viện mỗi ngày. Tội nghiệp thầy! Người bạn tốt đã đi khỏi, và thầy mới là tu sĩ được hai năm trước mà thôi. Thầy đóng cổng lại, rồi đóng cửa phòng và quỳ trước ảnh Thánh Giá như người bạn cũ đã từng làm. Thầy kêu lên: “Thánh Gioan Tẩy Giả ! Xin hãy dạy bảo con chứ !”

Thời gian trôi, con chim hoàng anh ở trong lồng của Thầy Gioan bắt đầu ca hót véo von. Các tu sĩ vào nhà thờ hát kinh nguyện rồi đi làm việc. Gioan vẫn còn cầu nguyện thành tín và van nài như người con tín thác hoàn toàn vào cha mình: “Chúa ơi, Chúa cho con công việc mới, và Chúa để con một mình không giúp đỡ sao ?”

Thình lình một tư tưởng loé ra trong óc. Tại sao mình không xin những người giàu có giúp đỡ quần áo, thực phẩm và tiền bạc nhỉ ? Thỉnh thoảng thầy Phaolô cũng làm thế và luôn luôn thành công. Chắc chắn bác sĩ Balthazar Carrasco sẽ giúp. Rồi Peter Ramirez và cô em Beatrice, cả Antony Alarcon và Peter Garate. Thầy nghĩ: “Mình sẽ viết thư tới những người đó, giải thích cho họ về nỗi lo lắng trước số đông kẻ nghèo khó như vậy.”

Thầy đứng dậy thở ra nhẹ nhõm. Viết 5 lá thư không phải dễ, vì thầy không được đi học nên bút giấy không phải là dụng cụ dễ dàng cho thầy. Nhưng thầy không lo lắng, vì Chúa ban vị thánh tông đồ giúp thầy.

Mới được nửa lá thư thứ hai thì chuông rung, báo hiệu có người cần đến. Thầy nhanh chóng ra mở cửa. Một người đàn bà rách rưới đứng đó và khóc nức nở, lập tức nhu cầu viết thư biến mất khỏi đầu.

Thầy hỏi: “Bà có chuyện gì vậy ? Bà có ốm không ?”

Người đàn bà lắc đầu, rồi lăn xuống đất với giọng thống thiết: “Không, thưa thầy, tôi chỉ muốn có một áo khoác. Áo khoác nào cũng được, cũ hay bẩn không sao cả.”

Thầy yên ủi bà và nhắc bà đứng lên: “Đừng lo, tôi chẳng có một cái áo khoác phụ nữ nào cả, nhưng tôi sẽ kiếm cho. Tôi sẽ viết thư cho một người mà tôi biết họ sẽ…”. Lúc này người đàn bà khóc to hơn: “Không, thầy Gioan, tôi cần có một cái ngay bây giờ. Hai đứa con gái tôi không có cái nào cả… và chúng không thể đi lễ… Vì thế tôi xấu hổ vì bất hạnh quá.”

Cứ thế, thầy được nghe cả câu chuyện về bà. Bà là một goá phụ không có lấy một xu. Bà phải mượn áo quần của người láng giềng để tới tu viện Madalena. Các con bà mong mỏi và hy vọng rằng bà sẽ đem về một cái khoác cho chúng.

Tâm hồn Gioan cảm thấy đau đớn khi nghe biết về sự túng quẫn, khốn khó này. Thầy nói chậm rãi : “Tôi sẽ kiếm áo khoác cho bà, nhưng phải có thời giờ đã. Hay là ngày mai bà trở lại đây…”

Người đàn bà thất vọng: “Tôi không rời bỏ đây cho đến khi thầy giúp tôi. Thầy ơi! Hãy cho tôi một cái áo khoác đem về cho con, vì Danh Chúa, xin đừng bỏ tôi.” Chỉ vài phút thầy đã tới ngăn bàn ở trong phòng riêng, thỉnh thoảng thầy bỏ quà cáp vào đó dành cho người nghèo để rồi lúc sau phân phát cho những người đến cổng.

Thầy thầm thì: “Lạy thánh Gioan, xin cho con tìm ra một cái áo khoác. Con chắc chắn chỉ có quần áo đàn ông ở đây, nhưng có lẽ, khi con đi khỏi…”

Bất chợt, trái tim thầy rộn lên vui mừng. Một cái áo khoác đàn bà được gấp gọn gàng nằm chình ình ở trên đống quần áo. Và là một cái mới toanh. Những giọt nước mắt tạ ơn ứa tràn khi thầy quỳ gối xuống. Làm người canh cổng mà lo lắng thì thật là dại dột.

 

Trả lời